April 25, 2024, 6:06 pm

Kinh nghiệm cai thuốc lá của một bác sĩ từng nghiện thuốc nặng

PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI (PCTH) THUỐC LÁ:

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Khi bắt đầu tìm đến với thuốc lá, ban đầu chỉ là những tò mò, khám phá với mong muốn trải nghiệm cảm giác cùng khói thuốc; nhưng rồi dần dần bị dẫn dắt, thu hút tạo thành một thói quen khó bỏ và lệ thuộc vào lúc nào không hay.

Muôn vàn lý do ngụy biện về chuyện hút thuốc

Người hút thuốc thường có bốn lý do để ngụy biện cho việc hút thuốc Thuốc lá không thể thiếu khi uống cà phê, ăn nhậu... đặc biệt là khi dùng những thực phẩm nặng mùi, tanh, béo...

Hút thuốc để tiêu sầu. Thật ra, buồn rầu có nhiều lý do, nếu buồn lo vì kinh tế kém lại hút thuốc nữa thì càng bế tắc hơn…

Hút thuốc để “giết” thời gian, ví dụ thân nhân đang nhập viện, vợ đang chờ đẻ, chờ tàu xe...

Hút thuốc để lấy cảm hứng sáng tác. Nhưng thực ra điều này không hẳn đúng, nhiều văn nghệ sĩ không hút thuốc vẫn sáng tác nhiều tác phẩm nổi danh, như nhà văn Nguyên Ngọc và điêu khắc gia Phạm Văn Hạng. Theo nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, người tạo dựng tượng Mẹ dũng sĩ, Đất lành chim đậu, cầu Rồng Đà Nẵng, cho rằng “nghệ sĩ thường hay hút thuốc chứ không phải hút thuốc mới thành nghệ sĩ”.

Những tình huống tạo động lực để bỏ thuốc

Nhiều người nghiện nặng đến độ nằm hút thuốc trong màn, thiếu thuốc lá đi lượm tàn để tận thu hút lại, hay dám tuyên bố (vui) là “bỏ vợ còn hơn bỏ thuốc lá” nhưng sau đó lại cai được thuốc lá. Tổng hợp lại có những tình huống lý thú như sau:

Đi thăm một người thân bệnh hô hấp về, đặc biệt là bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc ung thư phổi...

Bản thân bị mắc bệnh, không nhất thiết là bệnh phổi, phải nằm viện điều trị và mục sở thị những trường hợp mắc bệnh điển hình do thuốc lá.

Bị vợ con, đặc biệt là bạn gái, chê hôi miệng và hơi thở nặng mùi khó ưa. Nhiều cô gái ra yêu sách chọn một trong hai “bồ hoặc thuốc”, thế là cánh đàn ông phải đành bỏ hút.

Có công việc làm say mê, phải lao vào giải quyết. Làm ngành y, tôi thấy rất nhiều bác sĩ, trong đó có tôi, lãnh đạo tôi, em ruột tôi... đã bỏ thuốc lá vì lý do “bận việc” này, đúng câu cách ngôn xa xưa: “Nhàn cư vi bất thiện”.

Kinh nghiệm bản thân

Tôi vào trường y trước năm 1975, thời đó sinh viên, đặc biệt học y khoa, chẳng ai hút thuốc. Sau năm 1975, với chế độ tem phiếu “công nghệ phẩm” bậc E, mỗi tháng được cấp 4-6 gói thuốc lá Điện Biên, Sông Cầu hay Tam Đảo. Đem công nghệ phẩm này đi bán sẽ mắc tội “phe phẩy” rất nặng thời bao cấp lúc đó, và cũng để chứng tỏ mình “đã lớn”, tôi đã tập tò hút thuốc và nghiện lúc nào chẳng hay.

Năm 1977 ra Hà Nội tu nghiệp, trời lạnh và cảm giác hút thuốc sẽ ấm người, chúng tôi thi nhau hút thuốc lá. Thuốc tiêu chuẩn tem phiếu không đủ chúng tôi mua thêm thuốc Lạng Sơn, dạng thuốc lá sợi tẩm lưu huỳnh vàng rơm thấy rất bắt mắt. Không chỉ phì phèo trong quán cà phê mà ngay cả ở khuôn viên bệnh viện, nhiều đêm thiếu thuốc chúng tôi không ngần ngại lượm “dế” (tàn thuốc) để tái sử dụng. Tôi hút nhiều đến nỗi được tặng biệt danh là “ống khói” khóa 13.

Cai thuốc nhiều lần không thành, may mắn cho tôi khi được điều chuyển về khoa hồi sức nhi Bệnh viện Đà Nẵng, đơn vị anh hùng của ngành y tế thời đó, tôi bỏ hẳn thuốc lá. Suy nghiệm lại, bỏ thuốc lá cũng không quá khó, không thể không thực hiện được, thậm chí có thể là đơn giản. Có quyết tâm cao, có ý chí vững, đặc biệt có công việc để “lu bu” và không cho thời gian thư thả để phì phèo.

Thay lời kết

Việc cai thuốc lá thành công hay không, trước tiên là tùy thuộc vào sự quyết tâm của con người. Đã có rất nhiều người nghiện thật nặng nhưng cũng đã tự cai thành công.

Đa số người nghiện hút ở giai đoạn tâm lý và hành vi là chính. Do đó, chỉ cần điều trị nhân thức và thay đổi hành vi, đặc biệt thay đổi môi trường công tác, việc cai bỏ thuốc lá thường thành công. Riêng một ít người nghiện lệ thuộc “thực thể” mới cần dùng liệu pháp nicotine thay thế mà thôi.

V.T theo nguồn Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế

Nguồn Văn nghệ số 51/2017

 

 

 


Có thể bạn quan tâm