March 29, 2024, 1:01 am

Kiên định sáng tối và ám ảnh thường nhật

Ðỗ Quang Em (sinh 1942 tại Ninh Thuận - mất lúc 23h30 ngày 3-8-2021 tại TP.Hồ Chí Minh), tham gia Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam tại Sài Gòn vào tháng 11-1966, định hình khuynh hướng tả thực sáng tối từ năm 1971. Năm 1981, Hội Mỹ thuật Việt Nam mời ông tham gia triển lãm chung, sau đó kết nạp hội viên. Quan điểm vẽ tranh mà ông theo đuổi cả đời, đó là: “Các tác phẩm của tôi là hiện thực, nhưng không phải là nhiếp ảnh”.

Vợ họa sĩ - tranh Đỗ Quang Em

Ngôn ngữ hội họa mà Đỗ Quang Em theo đuổi là hiện thực/tả thực. Nếu gò vào trường phái, thì có thể là tân hiện thực (neo-realism), là cực thực (hyper-realism), là hiện thực ảnh (photorealism) - tùy cách nhìn.

Vẽ để vượt qua ám ảnh từ nhiếp ảnh

Xuất thân trong gia đình có tiệm chụp ảnh lâu năm tại Phan Rang (Ninh Thuận) nên từ 8 tuổi, Đỗ Quang Em đã phụ giúp gia đình khá nhiều khâu. Cha của ông muốn con trai nối nghiệp làm nghề một cách chuyên nghiệp để tiệm ảnh bước sang đời thứ ba, rồi kéo dài thêm nữa. Nhưng lúc ấy chưa có trường lớp dạy nhiếp ảnh bài bản, mà l’École d’arts appliqués de Gia Định (Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định) do họa sĩ Jules-Gustave Besson (sinh 1868, Paris - mất 1942, Sài Gòn) làm giám đốc từ 1925 đến 1940 rất khích lệ nhiếp ảnh. Tầm ảnh hưởng của nhiếp ảnh từ trường này kéo dài rất lâu sau đó, mở rộng qua tận Campuchia. Cha muốn Đỗ Quang Em thi vào trường này, có mỹ thuật và nhiếp ảnh song hành, sẽ làm cho nghề nhiếp ảnh càng hay hơn, mới hơn.

Nhưng đến khi Đỗ Quang Em đi thi, trường này đã đổi tên thành Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và dưới thời của vị giám đốc đầu tiên là họa sĩ Lê Văn Đệ, nhiếp ảnh đã phai mờ. Đỗ Quang Em học từ năm 1959 đến 1965, với giáo trình gần như được bê nguyên xi từ École des beaux-arts de Paris (Trường Mỹ thuật Paris), là ký họa phong cảnh, giải phẫu hình thể, vẽ với mẫu khỏa thân, các bài tập vật liệu, chất liệu… Đỗ Quang Em có hơn 1 năm tìm hiểu điêu khắc, thử nghiệm sơn mài, nhưng nhanh chóng quay trở lại với tranh chân dung và tĩnh vật, vẽ sáng tối theo kỹ thuật cổ điển của chủ nghĩa hiện thực (realism) của châu Âu. Ông không hề muốn thành nhiếp ảnh gia ngay từ khi còn ở nhà, dù công việc thì không bỏ, vẫn siêng năng phụ giúp gia đình làm nhiếp ảnh.

Sau khi tốt nghiệp mỹ thuật, cha mẹ nhắn về Phan Rang làm nhiếp ảnh, nhưng Đỗ Quang Em quyết ở lại Sài Gòn. Vừa giận con trai không nghe lời, vừa gặp khó khăn nhất thời do chiến tranh, gia đình cắt chu cấp, Đỗ Quang Em phải sống dưới gầm cầu sắt Bình Lợi gần 2 năm. Khi dạy kèm và bán tranh dành dụm được ít tiền, ông muốn sang Paris để tìm kiếm cơ hội mỹ thuật. Chuyến vượt biển không thành, ông bị bắt nhốt, sau buộc phải đi lính, vào tù ba lần vì đào ngũ. Năm 1968, qua mai mối, gia đình tổ chức đám cưới với một cô dâu mà ông chưa hề gặp mặt. Nhưng rồi họ cũng nên duyên chồng vợ, sống trọn đời với nhau, có ba gái một trai. Năm 1978, nhà ông lại lên thuyền từ Nha Trang đi Pháp, nhưng cũng bị bắt nhốt cải tạo ở Phan Thiết. Vợ và các con được thả về TP.Hồ Chí Minh trước, Đỗ Quang Em đến năm 1980 mới được tự do, sau khi vẽ tranh chân dung cho vợ chồng trại trưởng, trở về sống với gia đình tới ngày qua đời.

Hỏi Đỗ Quang Em lý do thật sự mà ông muốn sang Pháp định cư là vì mỹ thuật hay chính trị? Đỗ Quang Em trả lời: “Sâu xa nhất là tôi muốn trốn cái nhìn từ gia đình, vì tôi là đứa con bất hiếu, không nối gót nghề ảnh. Nhưng rồi tôi sớm nhận ra mình có thể vẽ để trả nợ nhiếp ảnh, vẽ để vượt qua ám ảnh từ nhiếp ảnh, dù tranh tôi không phải là nhiếp ảnh, nên thấy không cần thiết phải di chuyển nơi sinh sống nữa. Có lần cha nhìn những chân dung tôi vẽ, ông nói sao mày không chụp ảnh đi cho khỏe, mà phải ngồi cả tháng tỉa tót. Câu hỏi này chính là lời tha thứ; tôi nhẹ lòng với chọn lựa của mình từ đó”.

Lối vẽ cực thực vô cùng hiếm

THẦN TƯỢNG CỦA ĐỖ QUANG EM

Nhiều người nói lối vẽ của Đỗ Quang Em khá giống với Georges de La Tour (1593-1652) của Pháp, nhưng ông cho biết mình thần tượng Caravaggio (1571-1610) của Ý. Cả hai đều là bậc thầy về phương pháp vẽ sáng tối (chiaroscuro), truyền được kỹ thuật và cảm hứng cho nhiều họa sĩ các đời sau. Quan điểm của Caravaggio về tả thực/hiện thực: “Tất cả các tác phẩm, bất kể là hoặc do ai vẽ, không có gì khác ngoài những câu chuyện vặt vãnh và những thứ lặt vặt, trẻ con, trừ khi chúng được tạo ra và vẽ nên từ cuộc sống, và không có gì tốt hơn là thuận theo tự nhiên”.

Họa sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ: “Đỗ Quang Em nổi tiếng với lối vẽ cực thực vô cùng hiếm gặp tại Việt Nam những năm 1970-1990. Nhưng cái hiếm có của ông không chỉ là kỹ thuật, mà là cách nhìn. Thay vì phô diễn kỹ thuật, tạo ra những cú sốc về diễn tả như ta vẫn thường gặp ở cực thực, ông lại chơi ánh sáng sáng và bóng tối là chính”.

Phạm Bình Chương nói thêm: “Nguồn sáng của ông bí hiểm, cục bộ với cường độ cao, tạo cho đối tượng có độ chói và bóng ngả mạnh. Mục đích của nguồn sáng không phải là chiếu rõ vật mẫu mà chỉ le lói, đủ hiện ra cái đẹp nhất, và luôn thiếu thông tin. Tức là hình ảnh chỉ hiện một phần, không bao giờ trọn vẹn. […]. Ông là người dám chơi khoảng trống. Tỷ lệ khoảng trống đôi khi chiếm 70% - 80% tác phẩm. Khoảng tối của ông không phải là nền bẹt, phẳng, mà là không gian sâu thẳm, vô định. Người xem sẽ tìm ra những hình ảnh lờ mờ trong bóng tối ấy; kiểu như xem tranh của Rembrandt (1606-1669), một lúc sẽ thấy hình trong bóng tối hiện ra. Nó làm cho phần sáng trở nên đắt giá, cũng như làm cho tranh ông trở nên huyền bí, dù chỉ là những đồ dùng quen thuộc. Nếu xem tranh thật của Đỗ Quang Em ta mới thấy trình độ siêu hạng thế nào từ màu tới chất và chi tiết, với bề mặt vô cùng hoàn hảo, nhưng chính ông lại giấu nó đi, đủ để người xem phải thèm, phải đoán... Vì thế xem tranh Đỗ Quang Em phải xem lâu, kỹ, để rồi bị mê hoặc lúc nào không hay”.

Nhà phê bình mỹ thuật Terence Rodrigues (Anh quốc) viết: “Đỗ Quang Em là một trong số ít họa sĩ Việt Nam vẽ được những bức chân dung ba chiều thuyết phục theo phong cách châu Âu, luôn cho ánh sáng và bóng râm truyền tải chiều sâu. Hầu hết các họa sĩ tạo hình Việt Nam có xu hướng vẽ các nhân vật theo lối cách điệu hoàn toàn, hoặc theo lối phẳng, hoặc theo truyền thống hội họa Trung Quốc. Đỗ Quang Em thì không”.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận định: “Hội họa tả thực của Đỗ Quang Em có hình thức cực thực. Thực đến nỗi ngay nhiếp ảnh cũng khó lòng sánh nổi về khả năng tả thể chất (sự vật). Tả không khí (không gian) và khả năng biểu hiện bằng sự tinh lọc hình ảnh và cách điệu hướng đến cái đẹp lý tưởng (có xem trực tiếp tranh ông, mới thấy, những người cho rằng ông vẽ lại từ ảnh chụp là sai lầm)... […]. Hội họa Đỗ Quang Em là hội họa biểu hiện. Ở đây, chữ biểu hiện có ý nghĩa định tính, chứ không phải quy nạp vào trường phái biểu hiện (expressionism). Hội họa Đỗ Quang Em biểu hiện một cảm thức của ông về hiện hữu, một xác tín về tính tất yếu của các lý do tự nó ở mỗi tồn tại của con người và sự vật. Người xem có thể cảm nhận, trong mỗi tác phẩm của ông toát lên một tinh thần nghiêm nghị, thể hiện sự trân trọng đối với thế giới đối tượng. Bao trùm trong tranh là bóng tối. Nó như sự tĩnh lặng huyền mặc của một tâm thức định tĩnh. Những khoảng sáng trong tranh Đỗ Quang Em bao giờ cũng gợi lên cảm xúc nhiệm màu của sự hiện thân”.

Nhìn lại hành trình có vẻ khá đơn giản, kiểu Đỗ Quang Em sinh ra để thành công. Nhưng kỳ thực, từ khi ông xác tín lối đi cho mình vào năm 1971, phải tới sau Đổi mới (1986) thì ông mới dần bước ra thị trường, bán được, sống được. Mà ông vẽ rất chậm, nên muốn có thật nhiều tiền, cũng không hề dễ, ngày nào cũng cũng vẽ liên tục 6-7 tiếng. Những năm tháng khó khăn chung sau 1975, Đỗ Quang Em làm nhiều việc để tồn tại, như theo họa sĩ Nguyễn Lâm và nhà văn Dương Nghiễm Mậu làm mỹ nghệ sơn mài xuất khẩu đến khi tranh chất kho có người yêu thích.

Trong sáng tác, Đỗ Quang Em luôn kiên định với phương pháp sáng tối và các ám ảnh thường nhật đã chọn. Dùng kỹ thuật sáng tối từ cổ điển châu Âu để tin yêu và nghiêm cẩn vẽ vợ, vẽ con, vẽ những vật gia dụng thường nhật của nông thôn Việt Nam. Sự nghiêm cẩn và tin yêu này là bài học cho bất kỳ ai - nhất là những người còn trẻ - nhằm xác tín đường đi cho mình.

Nguồn Văn nghệ số 33/2021

 

 


Có thể bạn quan tâm