March 29, 2024, 2:45 pm

Khúc ngân đợi kẻ tri âm

 

Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần tập thơ của nhà giáo ưu tú Hoàng Trung Hiếu. Từ ngạc nhiên đến bất ngờ, vì khó có thể tin đây là tập thơ của một tác giả đã ngoài 70 tuổi. Sự trong trẻo, triết lý, và rất... phiêu nhưng không kém phần mãnh liệt và tinh tế của cảm xúc trong từng câu chữ khiến người đọc “quên bẵng” tác giả từng là một thầy giáo giỏi và là một nhà quản lý tài ba… Mới hay xét cho cùng, trẻ và già, dở và hay... trong thơ đều không phụ thuộc vào tuổi tác, mà phụ thuộc vào tài năng  cùng  sự  trải nghiệm của tác giả.

Tập thơ hơn 100 trang. Cách viết dung dị mà không hề dễ dãi. Hầu hết là những bài thơ ngắn. Nhưng mọi chi tiết, hình ảnh thơ đều có sự chọn lọc, giàu triết lý, gợi sự liên tưởng mạnh mẽ. Thủ pháp đối lập được sử dụng không chỉ  có hiệu ứng về thẩm mỹ và giá trị nhân văn, mà còn khiến câu thơ có chiều sâu của cảm xúc.

Trong bài thơ Thấy và không có bốn câu thơ ngắn: Tìm tiền, tiền khó ra/ Tìm vàng, vàng khó thấy/ Tìm quyền lực gặp bão giông/ Tìm được chính mình - mùa xuân đang hội tụ.

Nếu ba câu ở trên là thực tiễn, là nhận biết và trạng thái “ngộ” ra của con người đầy thất vọng và có phần chua xót, thì câu cuối lại reo vui bởi “Tìm được chính mình - mùa xuân đang hội tụ”… Bài thơ như sự chiêm nghiệm, mà cũng là lời nhắc nhở về lẽ sống mà mỗi người phải lựa chọn cho chính mình.

Bài thơ Nói với con là lời tự sự và lời răn đầy tính triết lý, con hãy nghe, hãy cảm nhận, hãy nhìn... thế giới. Nhưng, đừng có vô ơn! Triết lý “cho” và “nhận”, hướng đến sự nhân văn mà mỗi con người đều phải có. Biết ơn... cũng là cội nguồn của đạo đức, không chỉ trong phạm vi cá nhân mà trong cả cộng đồng. Bài thơ là lời giáo huấn nhẹ nhàng, nhưng rất sâu sắc và thấm thía: Tai con nghe được những gì/ trong tiếng nói của mưa nguồn gió biển/ Lưỡi con cảm nhận thế nào/ của vị muối mặn  gừng cay/ Mắt con nhìn đời có nhận ra ai người thật giả/ Hãy học và hành theo đóng mở của càn khôn/ Nhưng con nhớ rằng chớ có vô ơn!

Triết lý về lẽ sống của tự nhiên và  con người đối lập nhau trong cái nhìn đa chiều, thấu đáo và xót xa: Đá còn biết cõng nhau lên/ Nước biết thấm xuống cho thêm mùa vàng/ Con người sao lại trái ngang/ Đạp lên người khác tính toan cho mình. (Hỏi đời)

Hầu hết các bài thơ trong tập đều là khúc tri âm. Với chính mình và với cuộc đời. Trong rất nhiều bài thơ, chất liệu dân gian, hay hình tượng gợi đến ngữ liệu dân gian được tác giả thổi hồn thành những tứ thơ  rất mới, rất hiện đại. Bài thơ Cảm tác là khúc tri âm được gảy lên bởi những ngôn từ tinh tế, chọn lọc, giàu sự liên tưởng: Con cò đang lội sang sông/ Cơn mưa đã bắc cầu vồng chân mây/ Đừng lo dáng liễu hao gầy/ Chỉ  e mặt nước hồ đầy không trong.

Đây là một trong những bài thơ hay trong tập. Cách biểu đạt hàm xúc, ý toại ngôn ngoại, vừa trữ tình, vừa tự sự, vừa triết lý được nhà thơ thể hiện đồng thời trong một bài thơ. Với người khác, đó là sự khó khăn. Nhưng với Hoàng Trung Hiếu, đó lại là thế mạnh.

Qua trải nghiệm của đời và chiêm nghiệm của thơ, mỗi câu thơ được viết nên bởi một hồn thơ cháy bỏng về tình yêu cuộc sống, về cái thiện, cái đức, và nhân văn cần phải có trong cuộc đời này. Những bài thơ hai câu, nhưng chứa đựng một triết lý nhân sinh.

Triết lý sống theo bản thế, nhận ra chính mình: Mải mê tìm kiếm đâu xa/ Nơi cần tìm kiếm chính là bản thân.

Triết lý  nhận biết để sống và ứng xử tương thích: Hoa ơi chớ vội trao hương/ Hãy xem gió đến từ phương nẻo nào.

Triết lý biết ơn, nhất là biết ơn bạc sinh thành. Hai câu thơ như một vế đối: Cha mất sớm mẹ nuôi con non cao cùng nghĩa cả/ Nay mẹ về con đưa mẹ đau cả nỗi đưa cha.

Giàu tính triết lý mà vẫn đong đầy cảm xúc, những câu thơ của Hoàng Trung Hiếu đã thuyết phục người đọc ở tính trí tuệ, sự trải nghiệm, cách nói dung dị, tinh tế, và phảng phất yếu tố dân gian.

Tôi rất thích những bài thơ tình của tác giả. Những bài thơ về tình yêu với những rung động tinh tế đem lại sự bất ngờ cho người đọc: Hoàng hôn tìm buổi sáng/ Im lặng tìm ngân vang/ Nét cong tìm đường thẳng/ Đôi môi tìm nụ hôn. (Tìm) 

 Nếu những bài thơ giàu yếu tố triết lý được viết nên bởi sự chiêm nghiệm với cuộc đời, còn những bài thơ tình yêu với sự lãng mạn, đong đầy cảm xúc, thì những bài thơ viết về một miền quê và những người thân của một thời xa vắng lại khiến con tim người đọc chùng lại, rưng rưng. Đi theo miền nhớ của tác giả, ta bắt gặp bóng dáng yêu thương của người mẹ, của những ai từng có mẹ trên đời: Mẹ ơi! Dấu chấm xuống dòng/ Từ trong cõi thực vào vòng hư vô/ */ Chấm tròn mẹ để nguyên sơ/ Nét cong ôm giữ đến giờ không trao/ Thái Sơn khuất bóng khi nào/ Mà trong nguồn nước núi cao vẫn đầy/ Con khôn lớn / Mẹ hao gầy/ Mồng tơi đã chạm vào tay mẹ rồi/ Lòng con bên lở bên bồi/ Bên lở vì nhớ, bên bồi vì thương/ Da mẹ rộp nắng góc vườn/ Lặng thầm bóng mẹ, nỗi buồn hàng tiêu... (Thưa mẹ)

Có thể nói Lên non gặp nghìn mắt lá là một tập thơ có nhiều bài hay và hình tượng thơ đẹp, lạ. Sức hấp dẫn ở tập thơ là yếu tố triết học nhuần nhụy đan chen hòa quyện với yếu tố trữ tình. Âm hưởng dân gian xuyên suốt tập thơ, qua hình tượng gợi sự liên tưởng. Cả tập thơ là khúc tri âm của nhà thơ với con người và cuộc đời. Cho dù cuộc đời có nổi sóng, cho dù thế gian có vần vũ gió mưa... thì lấy cái tĩnh ra đối với cái động, lấy cái xa để gọi cái gần, lấy cái thiện để đẩy cái ác... lấy tình thân để  xua  hận thù. Và cuối cùng, điều quan trọng nhất của thông điệp tập thơ: sống cho đúng bản ngã con người. Hãy để lại phía sau những nỗi buồn không đáng có, những trầm luân tự tạo của kiếp người.

Nguồn Văn nghệ số 52/2020


Có thể bạn quan tâm