March 29, 2024, 4:01 pm

“Không thể sống mà không viết”

Đó là tên món quà mà Viết & Đọc gửi tặng những vị khách, những cộng tác viên và những người bạn có mặt trong buổi kỷ niệm nhân một năm ra đời của ấn phẩm đặc biệt này. Sự kiện diễn ra vào ngày 18 tháng 10 năm 2019 vừa qua, tại 70 Nguyễn Du, một địa chỉ ấm cúng và thơ mộng bên hồ Thiền Quang, Hà Nội, và có lẽ chính vì thế mà nó đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một buổi lễ kỷ niệm để trở thành cuộc hội ngộ của giới văn chương, họa sỹ, trí thức. Những người làm Viết & Đọc trìu mến gọi đó là “lễ thôi nôi” cho đứa con tinh thần của mình.
 

Chuyên đề Viết & Đọc ra đời vào quý 3 năm 2018, từ sáng kiến của Ban lãnh đạo Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Một cơ quan làm công tác xuất bản thuần túy, song với sự đam mê và tâm huyết của những người cầm bút, giống như lời của nhà thơ Giải Nobel người Chilê Pablo Neruda: “Không thể sống mà không viết”, họ đã nỗ lực để cho ra đời ấn phẩm này; mà có nhiều bạn viết, bạn đọc ưu ái gọi là Giai phẩm; như “dựng lên một ngôi nhà nhỏ cho những người kể chuyện của thế gian bước vào, nhóm lên ngọn lửa và cất tiếng. Mỗi một nhà văn, nhà thơ, mỗi một họa sỹ, mỗi một nhà nghiên cứu, mỗi một người giảng dạy trong nhà trường… và mỗi một bạn đọc chính là mỗi người kể chuyện của thế gian này. Không còn cách nào khác, tất cả chúng ta hãy bước đi và cất tiếng về những điều tốt đẹp đang bị vùi lấp bởi chính con người” (Theo Faceboock của Nhà xuất bản Hội Nhà văn)

Xuất bản định kỳ hàng quý, Viết & Đọc lấy tên, và cũng là chủ đề của mỗi số, theo mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bắt đầu từ mùa Thu, đến lễ thôi nôi này là ấn phẩm số 5, cũng lại vào mùa Thu. Với khoảng 300 trang in mỗi số, bao gồm các chuyện mục, bắt đầu là Thư biên tập, một thứ “đặc sản” mang dấu ấn của những người thực hiện, đến Ấn tượng 90 ngày, Tác phẩm mới, Tác phẩm đọc lại, Chân dung và ghi chép, Tác giả trẻ, Đối thoại, Phê bình và Tiểu luận, Tư liệu, Văn học nước ngoai, Văn học nhà trường… có thể nói Viết & Đọc đã tiếp cận đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống văn chương. Nếu chỉ có vậy thì cũng không có gì là lạ, bởi hầu như tất cả những chuyên mục đó đều đã có mặt trên các trang báo và tạp chí khác. Nhưng cái làm nên sự khác biệt, làm nên bản sắc và sự lôi cuốn của ấn phẩm này, chính là ở nhãn quan, ở chiều kích, ở nhịp điệu của mỗi bài viết trong các chuyên mục đó. Thậm chí cả hình thức và kết cấu của nó, cùng với sự góp mặt của đa dạng những giọng điệu, những phong cách, trường phái cũng vậy. Chứa đầy hàm ngôn

Và đó cũng là mục đích khi “dựng lên một ngôi nhà nhỏ cho những người kể chuyện của thế gian bước vào…”. Trong ngôi nhà đó, những câu chuyện riêng sẽ tìm ra tiếng nói chung. Chắc chắn là như vậy và thực tế đã diễn ra đúng như vậy, bởi vì tiếng nói của văn chương bao giờ cũng bắt đầu từ lòng nhân ái và những điều tốt đẹp

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn (phải) và họa sỹ Lê Thiết Cương (giữa) tặng phụ bản minh họa của họa sỹ cho tác giả truyện ngắn in trên Viết & Đọc

Một Lễ thôi nôi đậm chất Hà Nội và ấm áp của văn nghệ sĩ mọi miền đã viết, đọc và yêu Tạp chí này”. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ trên Faceboock. Và không chỉ có chị, rất nhiều người khác đã bày tỏ tình cảm của mình với những người đã tâm huyết thực hiện “giai phẩm 4 mùa” này ngay trong và sau lễ kỷ niệm. Trong bối cảnh thực tế đời sống văn học hiện nay, do nhiều lý do, người đọc văn học đã và đang ngày một ít đi rất nhiều. Sự ra đời của một ấn phẩm chuyên đề văn học như Viết & đọc thực sự là một nỗ lực rất lớn mà để có được sự thành công như ngày hôm nay, không thể thiếu được sự chung tay góp sức của rất nhiều người, trực tiếp hay gián tiếp. Đó cũng chính là lý do để diễn ra buổi gặp mặt này. Đến với buổi “lễ thôi nôi” của một sản phẩm văn chương còn đang dè dặt trước rất nhiều thử thách ở phía trước, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, những họa sỹ đã từng và đang hứa hẹn chung tay với Viết & đọc trong tương lai, không phải với tư cách của những người khách hay cộng tác viên thuần túy, mà thực sự là những người bạn. Ở góc độ nào đó, họ còn giống như một chủ nhân tâm huyết và trách nhiệm. Đó là lý do để làm nên sự tự tin, tự tại và làm đầy thêm sự ấm cúng trong một ngày đầu thu 

Một Lễ thôi nôi đậm chất Hà Nội và ấm áp của văn nghệ sĩ mọi miền đã viết, đọc và yêu ấn phẩm này

“… Sau một năm từ số đầu tiên, Viết & Đọc đã ra mắt được 5 số chuyên đề. Và đến chuyên đề số thứ 6 chắc chắn sẽ là một bước tiến nữa về nội dung và hình thức. Những người thực hiện Viết & Đọc xin hứa với bạn đọc sẽ làm cho ấn phẩm này ngày một hay hơn, đẹp hơn và nhân văn hơn. Nếu các anh chị nào có trên tay Viết & Đọc chuyên đề mùa đông 2019 sẽ ra mắt vào giữa tháng 12 năm 2019 thì sẽ hiểu rằng lời hứa của chúng tôi là một nguyên tắc sống…”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Chủ biên của ấn phẩm đẹp đẽ và đầy đặn này đã phát khẳng định như vậy trong buổi kỷ niệm. Và với tinh thần “Không thể sống mà không viết”, ông nói thêm: “Cho đến số thứ 5 này chúng tôi đã in đến 2.000 bản. Nhưng nếu một lúc nào đó không còn ai đọc nữa, thì Viết & Đọc vẫn sẽ ra đời, cho dù chỉ là 1 bản, để cho chính những người làm ra nó sẽ đọc…”. Bởi theo ông, đây chính là “một điều tốt lành cho dù còn nhỏ bé trước một cuộc sống quá nhiều phiền muộn và thách thức này…”

L.N.A


Có thể bạn quan tâm