April 25, 2024, 12:50 pm

Không quân Nhân dân Việt Nam – CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ

Ngày 09 tháng 7/2016, Trung tướng - Anh hùng phi công Phạm Phú Thái có mời tôi tham dự buổi ra mắt hồi ký Lính Bay I (NXB Hội Nhà văn) tại Nhà khách quân chủng Phòng không - Không quân (Hà Nội). Tại đó tôi được tận mắt ngắm nhìn các thần tượng một thời oanh liệt, họ là những anh hùng phi công quả cảm – hào hoa mặt đất, hào hùng trên không, giờ đây đã là những vị tướng tuổi 70, 80 như Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Trung tướng Trần Hanh, Trung tướng Chu Duy Kính, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Trung tướng anh hùng phi công vũ trụ Phạm Tuân…Những kỷ niệm đầy tự hào song cũng không kém phần khốc liệt được các anh hùng tâm sự làm tôi “sáng ra” về một quân chủng đặc biệt, những người lính đặc biệt. Họ, một mình một công sự chiến đấu trên bầu trời với tình yêu mạnh mẽ được nhen lên từ mặt đất. Cầm trên tay cuốn Hồi ký còn hôi hổi sức nóng do chính tay tác giả trao tặng, tôi đã dự định viết một cái gì đó như cảm xúc của mình. Nhưng rồi cuốn sách cũng “di chuyển”, cũng “nhảy dù” như chính tác giả, nó được chuyền tay nhau hết người này sang người khác, khiến tôi chưa lúc nào được đọc một cách trọn vẹn liền mạch.

Trung tướng Phạm Phú Thái

Đùng một cái, Phạm Phú Thái cho ra đời Lính Bay II, lần này thì tôi phải bắt sống tác giả từ bản thảo và đọc ngấu nghiến 272 trang A4 (chắc khoảng 600 trang khi in thành sách), hy vọng làm được một điều gì đó mà lần trước mình lỗi hẹn với chính mình. Tôi còn nhớ sau buổi ra mắt Lính bay I là phần nâng ly cũng hào sảng không kém. Cùng với những lời chúc, lời cạn ly “do-can-xa” là những bài hát Nga Tuổi thanh niên sôi nổi, Chiều Mascova, Ca-chiu-sa… và bài tủ tiếng Việt Phi đội ta xuất kích được các lão tướng bạc đầu say sưa hát. Phạm Phú Thái cũng tham gia vào tốp ca: Rộn ràng tung cánh bay phi đội ta xuất kích/ Đại bàng vút cao lên trời mây,/ Trận đầu ta đã mang chiến thắng/ Dâng Tổ quốc mẹ hiền mến yêu/ A! ta bay qua sông Thương, Hồng Hà/ Nghiêng cánh chào Hà Nội vinh quang…/ Mẹ hiền ơi! Tổ quốc ơi!/ Con hiến dâng Người cả trái tim này/ Phi đội ta xuất kích, ra đi là mang chiến thắng trở về... Hát xong tôi thấy ông trầm ngâm lạ, khẽ khàng ông nói tớ không “khoái” bài này lắm, tự hào thật nhưng nó vẫn là âm hưởng hào hùng của người ngoài cuộc, lạc quan và thi vị quá, có phải lúc nào ra đi cũng là mang chiến thắng trở về? Tôi hình dung phút giây đó ông đang nhớ về đồng đội của mình, những phi công đẹp trai, tài năng đã mãi mãi không về, họ đã hóa thân vào bầu trời, sông núi của Đất nước. Và, có lẽ điều này thôi thúc ông viết tiếp Lính bay II, như ông từng phi lộ ngay trong phần mở đầu của cuốn Hồi ký: Bằng nguồn tư liệu “khổng lồ”, tôi mong muốn tái hiện lại những trận đánh hào hùng của các phi công thế hệ chúng tôi trong những năm 1970-1972 với thật nhiều chiến công nhưng cũng đầy máu và nước mắt.

Những trận chiến đấu được ông miêu tả trong Lính bay I thuộc giai đoạn chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân lần thứ nhất của đế quốc Mỹ với chiến dịch “Sấm rền” (Rolling Thunder). Trong Lính bay II, Phạm Phú Thái tập trung vào giai đoạn 1970-1972, đối đầu với chiến dịch LineBaker của không quân Mỹ đánh phá miền Bắc một cách điên cuồng hơn. Đây là thời kỳ có khoảng thời gian “giải lao” giữa hai hiệp đấu, lực lượng không quan non trẻ của Việt Nam được bổ sung lực lượng, huấn luyện cách đánh, hợp đồng quân binh chủng và bước vào cuộc thử lửa cuối cùng làm nên chiến thắng lích sử Điện Biên Phủ trên không.

Mặc dầu là thể loại hồi ký - kể lại chuyện đời mình, song bao trùm lên toàn bộ tập sách là gương mặt của đồng chí, đồng đội và Phạm Phú Thái rất ít khi nói về mình. Nhiều kỷ niệm “hiếm” trong đời người được ông nâng niu trân trọng. Đó là Ấn tượng sau 10 năm gặp lại Bác Hồ, sự tiếc nuối vì lý do sức khỏe không được tham dự bay trong Quốc tang tiễn biệt Bác, những ký ức về Đại tướng Tổng tư lệnh chỉ đạo không quân, về Trung đoàn trưởng Trần Mạnh, Tổng tham mưu phó Thượng tướng Phùng Thế Tài hay Moretsev Việt Nam Lê Thanh Đạo,thách đấu bóng chuyền cùng Phạm Tuân, Tháng Bảy của Nguyễn Tiến Sâm

Tính kỷ luật, sự rèn luyện gian khổ trong huấn luyện cũng như sự hy sinh quả cảm của đồng đội trong chiến đấu được ông kể lại hết sức chân thực, cảm động. Theo thống kê, suốt mấy năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968), trong số 45 phi công hy sinh thì số bị địch bắn chỉ có 27, nhưng số bị tai nạn trong chiến đấu chủ yếu do ham đánh, mất độ cao đâm xuống đất, núi… có tới 10 phi công và số bị tai nạn trong huấn luyện có 4 người và 4 người nữa hy sinh do ta bắn nhầm lẫn nhau. Nếu cộng cả hai vụ của năm 1969 thì có 47 phi công các loại máy bay hy sinh còn tổn thất máy bay thì nhiều hơn gần gấp rưỡi, chủ yếu do bị Không quân Mỹ đánh vào sân bay. Một số phi công nhảy dù an toàn, một số phi công phải hạ cánh bắt buộc làm hỏng máy bay.

Ông hồi tưởng những kỷ niệm đau xót mỗi lần đi qua con đường đá ở chiêu đãi sở ngày trước. Phi công Bùi Văn Long, Đại đội phó Đại đội 1 bị tai nạn ngay tại sân bay vì một bên càng máy bay không ra hết, chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp hy sinh đau đớn. Thương bạn đến uất nghẹn khi không được nhìn mặt bạn lần cuối.Mãi đến sau này ông mới biết được rằng sở dĩ các ông bị ngăn lại là vì các vụ tử nạn, hy sinh do tai nạn bay thường để lại những hình ảnh cực kỳ sốc,phi công rất dễ bị ảnh hưởng trầm trọng đến tinh thần và tâm lý.

Ông dành nhiều trang viết cho người đồng đội phi công Võ Sỹ Giáp và ông coi đó như một tượng đài của của lòng quả cảm. Ông đau xót đến tột cùng với sự hy sinh của người bạn chiến đấu, người bay số 2 rất hợp với ông, người đã không nỡ bỏ máy bay để nhảy dù. Ông đã “lặng lẽ khóc và không dám khóc thành tiếng vì muốn giấu lòng mình… càng cố nén thì cổ họng càng như nghẹn lại, như có vật gì dâng lên cuồn cuộn, đến nghẹt thở… nước mắt càng chảy đầm đìa. Rồi như người mất kiểm soát, tôi ấp mảnh áo may-ô của Võ Sỹ Giáp lên mặt để lau nước mắt. Mùi tanh của máu, mùi hăng hăng ngai ngái của mồ hôi, mùi dầu máy bay… xông thẳng vào mũi làm tôi giật mình, bừng tỉnh. Đến lúc này, tôi bắt đầu nghe thấy tiếng khóc của chính mình cùng tiếng nấc ầng ậc”.

Cũng lần đầu tiên khi đọc những dòng hồi ký này, tôi mới được biết về những chuyến xuất kích cảm tử. “Có những lần nhìn bạn mình xuất kích ra đi mà chắc chắn không có lối về trên sân bay, nhẹ là bỏ máy bay, nhảy dù, nặng là không trở về được nữa… mà thấy ngậm ngùi. Phi đội Phạm Phú Thái – Hoàng Biểu và nhiều anh hùng phi công khác được ông kể lại như Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Văn Bảy, Đinh Tôn, Đặng Xây, Vũ Đình Rạng… đều trải qua những giây phút cảm tử như vậy. Một số trận không chiến trước đây chưa công bố,như chuẩn bị cho đòn hiểm và những chuyến bay tuyệt mật; tiến hành tiến công trên chiến trường Lào K60-K61; tìm cánh đánh và săn B52.Nhiều tư liệu về nghệ thuật đánh giặc đầy yếu tố bí mật, bất ngờ, bám thắt lưng địch mà đánh như nghệ thuật chiến tranh giữ nước của ông cha ta từ bao đời, chỉ có điều nó không xẩy ra trên mặt đất mà là trên trời được ông miêu tả hết sức sống động. Có thể lắm, những tư liệu nàysẽ là giáo trình huấn luyện, rèn luyện kỹ năng bay và cách đánh cho các lớp phi công tiêm kích Việt Nam thế hệ sau.

Không giống như nhiều cuốn hồi ký, thường khô khan, kể lể, Lính Bay của Phạm Phú Thái thật sự sống động, đầy chất văn học, có cảm giác ông như một nhà văn thực thụ. Ngay từ những trang đầu của Lính Bay II ta bắt gặp chàng phi công trẻ Đi phép trên chuyến tàu thời chiến. Toàn bộ khung cảnh của miến Bắc ngày đó được ông diễn tả sống động, tài tình như một cuốn phim quay chậm. Ở đó, ta bắt gặp một sân ga, một câu chuyện nhân tình thế thái với bà bán nước chè, sự cảnh giác trong chiến tranh của một công an viên và tai mắt quần chúng, chuyến tàu chợ với người bạn đường là lính chiến trường với nhiều cung bậc cảm xúc… Cũng trên chuyến tàu chợ ấy, có chi tiết thú vị về một cô bé mặc áo bộ đội ngồi đối diện mà ông mô tả tôi đột ngột mở to mắt nhìn thẳng vào khuôn mặt ấy. Hình như tôi đã sững sờ mất khoảng vài phần giây và ngây ngô ngắm cái “khuôn trăng đầy đặn” trong sáng, tinh khiết ấy không muốn rời mắt. Nàng giật mình nhíu đôi mày ngài quay đi vì cái nhìn có phần “thô thiển” của tôi. Nhưng trong ánh mắt ấy vẫn toát lên tiếng nói nội tâm thế nào đó làm tôi xao xuyến. Tôi vội nhắm mắt lại sau khi đã lưu lại “tổng thể” nàng thiếu nữ xinh như mộng ấy. Tôi âm thầm xác định tuổi nàng chắc vừa đôi tám. Cuốn hút nhất là đôi mắt mượt như nhung, mơ mộng, dịu dàng như vẫn còn nét thơ ngây tuổi học trò. Bằng linh cảm tôi nghĩ cô bé đó sau này là vợ ông và cũng là bạn học đại học thân thiết với tôi. Nếu linh cảm của tôi đúng thì sự diễn tả những giây phút đầu tiên của tình yêu, gắn bó ông với người bạn đời như sự chỉ dẫn của số phận cũng tinh tế biết nhường nào.

 

Nếu như ở Lính bay I, Phạm Phú Thái cuốn hút người đọc bởi sự nhập cuộc của một chàng trai trẻ, mười sáu tuổi nhập ngũ, học tập ở nước Nga để trở thành phi công tiêm kích Mic 21 với chương mở đầu hóm hỉnh Tôi – Binh nhất phi công tiêm kích, thì ở Lính bay II vẫn giọng văn ấy ông dành nhiều hơn cho sự chiêm nghiệm, nhớ lại và suy ngẫm với một khoảng lùi đáng kể thời gian sau chiến tranh. Đọc chương “Sơ tán máy bay sang Trung Quốc”với những câu chuyện cười ra nước mắt,tôi thật sự thích thú, phục tài quan sát, trí nhớ và miêu tả mọi thứ lang mang nhưng rất có duyên của ông. Song đọc kỹ, ngẫm kỹ mới thấy xuyên qua những đám mây lang mang ấy là những ý nghĩ “tiêm kích” mà người trong cuộc và dũng cảm như ông mới có thể viết nên được. Không biết khi biên tập, trường đoạn này có bị “chuốt” đi phần nào không, nhưng lịch sử vốn có những câu chuyện dích dắc như vậy.

Bây giờ cựu Trung tướng ở ngưỡng tuổi 70. Đọc ông, tôi vẫn thấy tràn trề sự trẻ trung đầy chất lính và khát vọng bay lên của ngày nào. Gấp sách mà vẫn còn nguyên cái cảm giác muốn đọc lại và đọc tiếp những gì ông sẽ viết trong nay mai.

Nguồn Văn nghệ số 19, ra ngày 12/5/2018

 

 

 


Có thể bạn quan tâm