April 26, 2024, 2:37 am

Không ngại những đỉnh cao

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM BÁO VĂN NGHỆ RA SỐ ĐẦU TIÊN

“Chúng ta rất nên lạc quan về sự thành công và cũng hy vọng cuộc thi sẽ tìm ra những tác phẩm mới và lạ, có sức lôi cuốn, lan tỏa trong xã hội. Một đỉnh cao mới sẽ khác và lạ hơn các đỉnh cao đã xác lập” – Chia sẻ của nhà văn Lê Thanh Kỳ, tác giả lần đầu xuất hiện và giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2011–2012) cũng là mong muốn của Tuần báo Văn nghệ khi một lần nữa tổ chức một cuộc thi truyện ngắn. Nhân dịp Phát động cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2022-2024, nhà văn Lê Thanh Kỳ, nhà văn Thu Trân và nhà văn Phan Ðình Minh - Những nhà văn đã giành các giải cao tại hai cuộc thi truyện ngắn gần đây nhất do báo Văn nghệ tổ chức - đã bày tỏ những suy tư và mong muốn riêng dành cho cuộc thi, cùng tin tưởng và cùng hy vọng.

Phóng viên: Nhà văn đã đến với cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ như thế nào? Giành giải cao tại một trong các cuộc thi của báo Văn nghệ, điều đó có ý nghĩa với riêng nhà văn ra sao?

Nhà văn Lê Thanh Kỳ

Nhà văn Lê Thanh Kỳ: Lúc ấy tôi đã vào tuần tuổi 50, còn bồng bột với văn chương, nhưng do thích quá mới dám liều mình đến với cuộc thi Truyện ngắn Tuần báo Văn nghệ (2011-2012) chỉ với một điều duy nhất là thử thách bản thân. Thật đấy! Và thú thực là có chút mong muốn được đăng trên báo Văn nghệ. Thế thôi! Ai mà nghĩ mình lại được trao một giải thưởng lớn đến như thế cơ chứ! Giải thưởng rất có ý nghĩa với tôi, rất vui, vui vì nghĩ mình cũng viết được văn. Niềm vui đem đến niềm tin nhưng cũng hoang mang khiếp lắm. Chơi tiếp hay thôi? Không ai góp ý hay khuyến khích tôi cả, nhưng trong lòng tôi còn nhiều điều muốn nói, rồi sau đó như bạn thấy đấy. Tôi chơi tiếp!

Nhà văn Thu Trân: Tôi được giải Nhì cuộc Thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2011-2012 với truyện ngắn Gia phả mùi rơm rạ. Cuộc thi diễn ra trong 2 năm với hơn 2.000 truyện ngắn của người viết cả nước gửi về tham dự. Hồi mới viết (khoảng trước năm 2000), tôi rất háo hức dự thi các kiểu. Sau khi được một vài giải, cảm thấy “bão hòa” và trở nên “lười dự thi”, nên tôi không quan tâm đến cuộc thi này lắm. Vào khoảng cuối cuộc thi, nhà văn Sương Nguyệt Minh gọi cho tôi, anh bảo, có cái gì hay hay gửi cho cuộc thi (anh là Trưởng ban Sơ khảo năm ấy). Tôi vốn hay lười các kiểu, nhưng có ai đốc thúc thì hết lười. Thế là tôi “mông má” lại truyện Gia phả mùi rơm rạ vừa mới viết và gửi cho anh. Phải nói thêm là, tôi và nhà văn Sương Nguyệt Minh rất có duyên với nhau trong chuyện giải thưởng. Chính anh ấy cũng đã động viên tôi hoàn thành truyện ngắn Xóm sở Mỹ trong một trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức tại Bình Dương và truyện này cũng đã được giải Nhì trong một cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Truyện ngắn Gia phả mùi rơm rạ đạt giải đã được nhiều báo in lại, nhiều đài phát trong các chương trình Đọc truyện đêm khuya - dĩ nhiên, mọi người biết đến nhà văn Thu Trân nhiều hơn. Phải nói rằng, giải của Gia phả mùi rơm rạ là một bước ngoặt để tôi viết lách đàng hoàng hơn, “chính quy” hơn và ý thức với “thương hiệu nhà văn” hơn.

Nhà văn Phan Đình Minh: Tôi đến với các cuộc thi viết truyện ngắn báo Văn nghệ như có định trước bởi công việc viết của tôi rất kẽo kẹt, chậm chạp, thường xuyên trước nay rồi. Tựa như người làm nghề chài lưới. Quanh năm viết, quanh năm đi và cuộc thi truyện ngắn nào của báo Văn nghệ tôi cũng sẽ có tác phẩm để tham gia, nhiều thì một chùm, ít thì có đôi truyện.

Nghe đâu đấy nói: Giải thưởng không làm nên nhà văn. Có vẻ rất đúng vì giải thưởng chỉ là cái cớ để tác giả tìm thấy độc giả và độc giả tìm ra được nhà văn thú vị của mình. Tác giả có lượng độc giả nhất định mới là cái đích cuối cùng của sự chuyên nghiệp. Vậy nên, có thể nghĩ các cuộc thi như là những mắt xích quan trọng trong hành trình viết, hành trình tìm đến độc giả của nhà văn. Giành giải thưởng cao ở mỗi cuộc thi tầm cỡ như thi truyện ngắn báo Văn nghệ, từ bấy tôi có thêm nhiều độc giả hơn. Lượng tương tác trên mạng xã hội cũng tăng đáng kể và dường như kích hoạt năng lực, tốc độ viết của tôi nhanh hơn. Thì sự giao lưu tăng lên, các báo đặt bài thêm và cũng khá tốn thời gian trong các hoạt động giao tiếp văn hoá ngoài viết.

PV: Giải cao tại cuộc thi đã đem lại danh tiếng cho nhà văn, đó là điều chắc chắn. Thời điểm đó cho đến nay, giải thưởng của cuộc thi có gây “áp lực” cho nhà văn, nhất là đối với chặng sáng tác sau này?

 Nhà văn Lê Thanh Kỳ: Đã có lần tôi trả lời phỏng vấn trên báo rằng tôi không hề chịu áp lực. Tôi chỉ là một tay ngang, là thợ hàn – viết văn. Bao giờ viết văn còn làm cho tôi sướng thì tôi còn viết. Đành rằng giải thưởng có làm cho tôi thêm hưng phấn nhưng cũng rất sợ sự u mê. Đam mê thì được, rất cần sự tỉnh táo, và rồi thì tôi vẫn tiếp tục đấy chứ! Trong khi sáng tác cứ tự nhiên như mình là thợ hàn thôi, mối hàn sao cho thật ngấu, không gò bó, trói buộc, không bị mất mát hay cười chê gì cả. Công bằng mà nói, so với văn chương thì tôi hàn giỏi hơn. Tôi cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Nhà văn Thu Trân

Nhà văn Thu Trân: Chẳng áp lực gì cả, tôi viết lách hồn nhiên như cơm ăn nước uống. Có điều như đã nói, sau giải thưởng, tôi đã “làm nhà văn” đàng hoàng hơn, “chính quy” hơn vì Gia phả mùi rơm rạ. Có đồng nghiệp bảo Gia phả mùi rơm rạ đã là “đỉnh” truyện ngắn Thu Trân. Tôi không tin điều này. Sau này và hiện giờ, tôi đã viết nhiều truyện ngắn mà tôi cũng thích như Gia phả mùi rơm rạ. Cụ thể là một số truyện ngắn đã được in trên báo Văn nghệ gần đây như Những đêm sau chiến tranh, Chị đi lấy chồng, Ông Sáu Biểu… 

Nhà văn Phan Đình Minh: Tôi rất sung sướng và phấn chấn khi đoạt giải thưởng cao cuộc thi truyện ngắn 2015-2017 do báo Văn nghệ tổ chức. Dư âm này cứ lâng lâng lan toả mãi, có lúc khiến tôi khó cầm bút viết lại khi tác phẩm đoạt giải cứ như choán mãi trước mặt, mất một thời gian khá dài. Và rồi chính thời gian cũng làm lắng dịu đi. Hơn nữa cuộc sống luôn luôn vi diệu, mới mẻ diễn tiến không ngừng nghỉ, xung quanh ta. Tôi lại có được năng lượng mới, có đề tài mới để đam mê miệt mài viết nữa. Những thành tích cũ đã dần trở thành kỷ niệm, dấu mốc đẹp, ghi vào năm tháng cuộc đời đi và viết...

PV: Tôi nghĩ, trách nhiệm của văn nghệ sĩ nói chung, nhà văn nói riêng là thách thức các đỉnh cao, các ranh giới và… người đọc. Sau khi đã “đăng quang” tại cuộc thi, có những tác giả không tham dự thêm lần nào nữa, để bảo vệ thành quả của mình. Nhưng phần lớn các tác giả khác vẫn tiếp tục “chinh phục”. Đã có trường hợp một tác giả hai lần giành giải cao nhất tại hai cuộc thi liên tiếp của báo Văn nghệ. Với cuộc thi lần này của báo Văn nghệ, nhà văn sẽ không ngại đỉnh cao và không ngại chinh phục chứ?

Nhà văn Lê Thanh Kỳ: Bạn khiêu khích tôi đấy à (cười…). Nói đến trách nhiệm của nhà văn là thách thức các đỉnh cao thì tôi thấy chả có trách nhiệm gì với nó cả mà là mong muốn thôi. Muốn không? Muốn lắm chứ! Thế nào là đỉnh cao, tôi không rõ lắm, nhưng tôi muốn gì thì tôi biết, và tôi muốn nói ra những điều tôi thấy, chẳng ngại ngần gì. Còn như bạn nói có những tác giả sau khi đăng quang thì không viết nữa để bảo vệ thành quả thì tôi không đồng ý đâu. Đấy là do chúng ta đoán thế chứ có tác giả ấy đang làm gì? Sống ra sao? Ăn ở thế nào? Họ đang nghĩ gì thì chả ai biết, chỉ mình họ biết. Có những nhà văn sống được về nghề văn mà cũng nghỉ viết dài dài đấy thôi! Và còn điều này nữa là văn chương khó lắm chứ, khó đến nỗi không học được, chẳng giống như tôi học thợ hàn ba năm là hàn được tàu thủy rồi. Năm nay Văn nghệ mở cuộc thi truyện ngắn, tôi không ngại “đỉnh cao”, cũng không ngại “chinh phục”. Nhưng tôi cần chinh phục chính bản thân mình trước đã. Cái gì càng khó thì rèn tay nghề càng cao.

Nhà văn Thu Trân: Phải nói thẳng thắn rằng, sau Gia phả mùi rơm rạ, tôi chả dại gì “chinh phục” giải truyện ngắn của báo Văn nghệ nữa. Bạn bảo rằng, nhiều tác giả không dự thi nữa “để bảo vệ thành quả của mình”, tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Tôi cương quyết không dự thi nữa sau khi đạt giải cao, không hẳn là để “bảo vệ thành quả”. Kết quả một cuộc thi văn chương, tôi không nghĩ là “thành quả”, mà chỉ mới bắt đầu một cuộc chơi “bằng vai phải lứa” trên trường văn trận bút. Có nhiều ý tưởng và trách nhiệm công dân chờ đợi nhà văn ở phía trước, giải thưởng những cuộc thi văn chương chỉ là “gia vị” cho nhà văn làm nghề đàng hoàng hơn. Chứ không phải là “thành quả” để chiêm ngưỡng và kết thúc. Với tôi, giải thưởng một cuộc thi chỉ là mới bắt đầu cho một cuộc đua đường trường thú vị.

Tôi xin được “ghi chú” thêm điều này trong các cuộc thi, khi cuộc thi diễn ra trên một tờ báo văn chương, in đồng thời sẽ có những tác phẩm dự thi và không dự thi. Trong quá khứ, tôi đã bị hai trường hợp truyện gửi “không dự thi”, nhưng khi in, ban tổ chức cuộc thi vẫn đưa vào “dự thi”. Tôi thắc mắc, ban tổ chức trả lời: “Đưa vào cho cuộc thi phong phú nhưng không xét giải (!)”. Tôi phản đối cách hành xử này, làm như thế là thiếu tôn trọng và bôi bác nhà văn. Rất mong cuộc thi lần này của báo Văn nghệ không có chuyện tương tự như này xảy ra.

Nhà văn Phan Đình Minh: Tôi không ngại và cũng sẽ phấn đấu không ngừng. Tựa như người leo dốc ấy, không gập người mà đi thì chẳng bước được bước nào đâu.

Đỉnh cao văn chương tiếp theo dẫu có thể không mỉm cười thì ta cũng đã trải nghiệm, định lượng lại mình rồi. Biết được giới hạn sáng tạo của mình tới đâu để còn yêu con chữ, còn đam mê “đào giếng” nữa.

“Vào chùa mong được lên niết bàn... Nhưng bước ra cổng chùa, không tu lại có khi... thành chính quả”.

Tôi ấn tượng sâu đậm khi có dịp thưởng thức những truyện ngắn đoạt giải với các giọng điệu, ngôn ngữ, diễn tuyến cách truyền đạt show and not tell (bày tỏ, hiển thị thay vì mô tả, kể chuyện). Thật sự nếu bạn bắt đầu viết truyện thì cứ mạnh dạn tham gia các cuộc thi dẫu không được vào giải thưởng thì cũng định vị được mình! Và ta sẽ học, học ngay từ trong các trải nghiệm.

PV: Nhiều năm nay, các cuộc thi viết truyện ngắn đã nở rộ khắp nơi trên văn đàn Việt Nam, nhà văn có quan sát, theo dõi các cuộc thi đó, và có ý kiến gì về sự “nở rộ” này không?

Nhà văn Lê Thanh Kỳ: Tôi không chơi Facebook, không tham gia các mạng xã hội. Hàng ngày cắm đầu, túi bụi vào công việc, hở ra là ngồi viết văn nên tôi không biết có nhiều cuộc thi truyện ngắn nở rộ khắp nơi như thế. Nếu có sự “Nở rộ”, ồn ào như thế thật thì cũng mừng. Mừng vì văn đàn đang cạnh tranh, giành giật thị phần văn nghệ chung, không còn độc quyền nữa. Tôi không bàn đến chất lượng các cuộc thi đó ra sao nhưng biết đâu, nhờ đó mà nhân tài “như lá mùa thu thì sao”? Nó cũng phản ánh đúng xu thế kinh tế - văn hóa mà. Điều này chắc cũng làm nhiều người lo lắng đấy. Nhưng các văn đàn đó nở rộ đến cỡ nào thì báo Văn nghệ vẫn là một thương hiệu lớn, rất lớn – Không thể chối bỏ được.

Nhà văn Thu Trân: Tôi có biết sự “nở rộ” các cuộc thi văn chương cả nước trong những năm gần đây. Và có chờ đợi sự tỏa sáng của các cây bút được giải, nhưng hầu như rất hiếm. Có những cuộc thi, phát giải rầm rộ xong, mọi thứ lại rơi vào im lặng, không có “sự tiếp tục cày cuốc bẩm sinh” trên cánh đồng văn chương như thời thế hệ chúng tôi hăm hở cày cuốc. Nói chung là không khí văn chương rất bình lặng sau các cuộc thi. Văn chương mà, “nở rộ” cũng tốt, nhiều người hăm hở viết và dự thi cũng tốt. Tôi hy vọng “sự bình lặng” mà tôi đề cập chỉ là tạm thời. Và thật lòng, tôi luôn mong các cuộc thi văn chương sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn để có sức hút và có giá trị thật của nó - như thời chúng tôi hăng hái thi vậy! Sự chuyên nghiệp được khẳng định trước tiên nhằm vào thành phần ban giám khảo. Muốn tham dự một cuộc thi nào, điều đầu tiên, tôi nhìn vào ban giám khảo, ban giám khảo có hơn người viết thì mới thẩm định được tác phẩm. Còn ban giám khảo mà “cơ cấu” kiểu như nhà tài trợ hoặc do vị ấy làm lãnh đạo thì tôi không tham gia.

Nhà văn Phan Đình Minh

Nhà văn Phan Đình Minh: Thực sự việc nở rộ các cuộc thi viết truyện ngắn trên văn đàn thời gian vừa qua cũng dễ hiểu, vì một vài nguyên cớ bởi tính biểu đạt và sự hứng thú trình diễn thể loại viết này xem ra rất “cao trào” cũng như tiếp cận hợp lý của nó tới mọi giao thức thông tin cần truyền tải, diễn đạt một cách dễ dàng và lý thú. Truyện ngắn đã thực sự mở ra những chân trời sáng tạo cho các cây bút mà không nệ học vấn, tầm tư tưởng, văn hoá... và khoá - mở, hoặc giống sự logic bắt buộc phải có (input - outbut). Hay và không hay, ảnh hưởng trực tiếp đến thưởng thức của độc giả. Truyện ngắn giới hạn về số chữ, số ký tự nhưng ngữ nghĩa của nó là cả một sự công phá lớn tâm can con người ta.

PV: Trong bối cảnh đó, cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ được phát động, “sức hấp dẫn” này, theo nhà văn, có còn lớn?

Nhà văn Lê Thanh Kỳ: Còn lớn chứ. Lớn vì nó là hàng đầu. Giá trị gia tăng mà cuộc thi mang lại cũng là sự sang trọng hàng đầu, bậc nhất. Còn “sức hấp dẫn” của nó đến đâu thì lại nhờ vào nhiều loại công tác khác. Cụ thể như nào thì tôi không dám tham gia, nhưng “sức hấp dẫn” hay lôi cuốn mọi thành phần xã hội từ người đạp xích lô, người làm lãnh đạo suốt ngày nhức đầu vì chính trị cho đến ngoài biên giới, bất kể đâu mà có người Việt Nam đang sinh sống. Cuộc thi chắc chắn sẽ xuất hiện những đỉnh cao mới. Cứ tin vào sự thành công đi.

Nhà văn Thu Trân: Tôi nghĩ sức hấp dẫn của một cuộc thi văn chương còn tùy thuộc vào uy tín của nơi tổ chức. Các cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ bao nhiêu năm qua đều thu hút đông đảo người viết tham gia, điều này chứng tỏ uy tín tờ báo. Tuy nhiên, kết quả các cuộc thi truyện ngắn do các báo, tạp chí tổ chức gần đây thường bị “lùm xùm”. Người ta đồn kết quả các cuộc thi còn do “cảm tính”, còn do người dự thi biết “đón gió” chính trị. Lời đồn vẫn là lời đồn. Nhưng tôi vẫn có cái cách kiểm chứng lời đồn của riêng mình. Thật tình, có kết quả cuộc thi, tôi thấy truyện giải Nhất không hay bằng truyện giải Khuyến khích; có những “giải khôi nguyên” một chùm ba truyện giải Nhất, tách ra từng truyện để đọc thì chẳng thấy truyện nào hay. Mỗi truyện ngắn hay, mỗi truyện đạt giải cao đều có sự tinh túy của riêng nó, “kéo giỗ làm chạp” kiểu này, liệu truyện này có “đỡ” được truyện kia? Hay tất cả cùng đổ như một ván bài domino, để chỉ còn lại là giải thưởng? Hãy giữ cho sự tinh túy của mỗi truyện ngắn hay, cũng như sự tinh túy của mỗi cuộc thi văn chương thì thương hiệu “truyện ngắn hay, truyện ngắn được giải” của báo Văn nghệ sẽ mãi mãi còn!

Nhà văn Phan Đình Minh: Như đã nói ở trên, chính vì đặc thù loại truyền tải thông tin này dường không giới hạn về cách thức nên luôn gây ra sự hứng thú bí hiểm cho người “trình diễn” nó (là môn hội hoạ về ngôn ngữ mà) cũng như cả người tiếp cận thưởng thức nó sẽ là không giới hạn. Nên, truyện ngắn luôn có đất diễn. Sự tồn tại không nhàm chán trong các cuộc thi viết không bao giờ là tẻ nhạt cả, mãi sẽ là như thế.

PV: Mỗi cuộc thi truyện ngắn được phát động, mục tiêu hàng đầu của đơn vị tổ chức là gặt hái một vụ mùa bội thu truyện ngắn chất lượng cao. Theo nhà văn, với cuộc thi lần này, mặc dù mới chỉ bắt đầu, chúng ta có thể lạc quan và hy vọng?

 Nhà văn Lê Thanh Kỳ: Chúng ta rất nên lạc quan về sự thành công và cũng hy vọng cuộc thi sẽ tìm ra những tác phẩm mới và lạ, có sức lôi cuốn, lan tỏa trong xã hội. Một đỉnh cao mới sẽ khác và lạ hơn các đỉnh cao đã xác lập. Nói gì thì nói văn nghệ ngoài chức năng cơ bản vẫn cần có tính giải trí tích cực, làm người đọc ngẫm ngợi, sảng khoái hay nổi mề đay – Là tôi cứ nghĩ thế.

Nhà văn Thu Trân: Tôi cũng không nói trước được điều này, lao động của nhà văn cũng “hên xui” và không có chừng. Bởi đây là lao động cân đong đo đếm bằng cảm xúc và cảm nhận thế giới chung quanh của người viết, không phải là sản phẩm công nghiệp mà ta có thể đồn đoán trước được điều gì. Nhưng dù sao đi nữa, bất cứ cuộc thi nào, nếu tổ chức nghiêm túc, tạo được sức hút từ “thương hiệu” có sẵn (như báo Văn nghệ chẳng hạn), tôi nghĩ sẽ có nhiều người viết nghiêm túc tham gia.

Nhà văn Phan Đình Minh: Ta có thể lạc quan và hy vọng nhiều chứ. Hy vọng bởi các cây viết truyện ngắn đã định hình, thành danh sẽ có cơ hội khám phá mình hơn nữa, càng củng cố con đường khẳng định phong cách. Và thường trong các cuộc thi truyện ngắn bao giờ cũng xuất hiện nhân tố mới - nên hiểu một cách đúng nghĩa và rộng ra. Càng về cuối cuộc thi sẽ càng hứa hẹn sự bất ngờ bứt phá và bất ngờ về nhân tố mới. Điều này đã được minh chứng qua các cuộc thi truyện ngắn bề thế của báo Văn nghệ nhiều năm qua.

PV: Nhà văn có thể chia sẻ mong muốn (nếu có) của mình về cuộc thi lần này hay không?

Nhà văn Lê Thanh Kỳ: Ôi, mong muốn thì nhiều lắm. Muốn “cướp” giải Nhất thêm lần nữa, muốn có những tác phẩm xuất sắc cho mình thưởng thức, học hỏi, và muốn các nhà quản lý văn nghệ ra giáo độ lượng, khoan dung hơn, trong cuộc thi này, tới những tác phẩm có góc nhìn riêng, cả về những thứ xấu xí, vì chỉ khi nằm trong cái xấu xí mới nhìn thấu cái đẹp.

Nhà văn Thu Trân: Tôi mong cuộc thi sẽ được tổ chức nghiêm túc từ đầu đến cuối, kết quả cuộc thi sẽ tâm phục khẩu phục giới viết lách và chính xác với từng giải. Đó đã đủ là một cuộc thi văn chương thành công rồi. Nhân đây, tôi xin cảm ơn báo Văn nghệ về cuộc phỏng vấn này - dù đôi khi, tôi có những ý quá thật thà thẳng thắn - mà tất cả cũng chỉ nhằm hướng đến một cuộc thi văn chương danh giá đúng nghĩa của tờ báo văn nghệ lớn nhất nước, rất mong là như vậy!

Nhà văn Phan Đình Minh: Người viết văn như kẻ đào giếng, có khi cả đời cô đơn lận đận tìm mạch nước ngon. Tìm được hay không ngoài nỗ lực của bản thân còn là duyên trời cho, thời vận trong thời điểm mình tham gia cuộc thi. Với tôi, viết luôn là một sự hứng thú khám phá mình không ngừng. Khám phá ra sao, khám phá tới đâu còn tùy thuộc vào các đề tài và cái duyên mình chọn lựa. Đôi khi đạt thành tích cao trong các cuộc thi chưa chắc đã là sự khám phá thành công nhất của nhà văn mà được thể nghiệm đúng đắn phong cách viết của mình mới là sự thú vị không giới hạn kích tấc nghề cầm bút. Tức là cuộc thi chỉ là cái cớ để thoả mãn sự sung sướng của các nhà “hội hoạ ngôn ngữ” mà thôi. Vậy nên giải thưởng cao hay thấp không phải là đích cuối cùng của người cầm bút chuyên nghiệp, là tôi mạo muội nghĩ vậy.

PV: Xin cảm ơn các nhà văn! Kính chúc các nhà văn luôn tràn đầy năng lượng sáng tạo. Trân trọng!

An Cư thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 36+37/2022


Có thể bạn quan tâm