March 28, 2024, 10:57 pm

Không để hao mòn niềm tin

                                                                                      

Hai năm qua, chúng ta thấy có nhiều câu chuyện bất ngờ, những hành vi xấu xa, tồi tệ thậm chí tưởng chừng nó không thể tồn tại trong xã hội, nơi mà chúng ta đang sống với lý tưởng cao đẹp nhất từ sau chiến tranh: dân chủ, công bằng và văn minh. Tất nhiên, những hành vi xấu xa, tồi tệ đó là của con người.

Quan hệ thực tế đã và đang tạo thêm sự mất an toàn. Người ta phải tự đấu tranh để bảo vệ quyền lợi. Ví như giữa người nông dân với chủ đầu tư, giữa người làm thuê và ông chủ, giữa phụ huynh và nhà trường, giữa người bệnh và thầy thuốc và giữa gia đình và môi trường. Ngay như việc đi làm hàng ngày ở các đô thị cũng trở thành cuộc vật lộn khá cam go, nào là đường xá ùn tắc, chen lấn, hỏng xe, xăng lên giá, nộp phạt, va đụng, bụi nắng và còn phải tránh gặp hành vi côn đồ... Tất cả, cuộc sống phải tự đối mặt.

Vậy nhưng, bên cạnh cái toan lo ấy, hàng ngày, chúng ta lại nhận được không ít các thông tin về những người có cuộc sống thượng thừa. Đầu năm 2018 ở Phú Thọ, bắt vụ đánh bạc xuyên quốc gia với hàng ngàn tỷ đồng, mấy vụ ở ngành dầu khí, ngân hàng chi sai mục đích và tham nhũng tới hàng ngàn ngàn tỷ đồng, nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong quản lý bất động sản, xây dựng… mang về cho nhiều người số tiền cực lớn, ăn chơi xa đọa và coi thường người khác… Hiển nhiên họ phải là người được giao trọng trách thì mới có điều kiện để làm những việc ấy. Ngay trong tháng 6 năm nay, cán bộ thanh tra xây dựng về Vĩnh Tường yêu cầu được nhận lót hàng chục tỷ đồng, sang tháng 8, ở sân bay Tân sơn Nhất, người ta thấy hình ảnh một người phụ nữ được cho là đại úy công an béo mập, mặc cái áo có chữ love rất to trước ngực, tay đeo chiếc đồng hồ có giá 6.000 đôla đang náo loạn tại nơi làm thủ tục bay. Người này cũng được dư luận xếp vào cùng hàng của cái gọi “mày biết tao là ai không?”

Chúng ta đang nói đến tiền quá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nơi nào, chỗ nào cũng vì tiền. Trên truyền hình, nhiều nội dung và hình ảnh quảng cáo tục tĩu, lố lăng, giả dối, thậm chí gây thiệt hại cho người khác; nhiều chương trình thi thố, nghệ sĩ cười cợt, lôi kéo người chơi bằng lời nói, động tác rất phản cảm. Rồi trò chơi thưởng tiền, một tiếng được hàng trăm triệu đồng… làm cho không ít người lao động vất vả mà thu nhập thấp có định kiến xã hội. Chúng ta đều biết, thông tin truyền thông có tác động rất lớn đến đời sống dân cư hàng ngày. Vậy, vô hình dung, ở khía cạnh đó, chúng ta đang góp phần cổ vũ cho những trò kiếm chác và những trò bôi nhọ thuần phong mỹ tục của dân tộc?....

Thủ đô Hà Nội và các bộ ngành đã đều có Bộ Quy tắc ứng xử áp dụng cho cán bộ công chức cũng như các tầng lớp dân cư tham gia quan hệ xã hội. Cần khẳng định đó là việc tốt, rất cần thiết và cần phải áp dụng, đối chiếu hàng ngày. Vậy nhưng, cái tiêu chí đồng tiền kia nó đã lấn át tới mức làm tê liệt những ý kiến mà lẽ ra đại bộ phận công dân được đóng góp, tham kiến. Họ ở về phía bị động. Hàng ngày, làm lụng, lo liệu kiếm đồng để trước hết đáp ứng như là đối phó với những nhu cầu thiết yếu của gia đình. Biết làm sao được. Ngoài kia, là các doanh nghiệp bất động sản, xây nhà, giữ đất. Họ được chính quyền hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đất đã có chủ, nằm trong quy hoạch rồi, có chỗ để đến vài năm chẳng cần dùng. Quy hoạch thì mất cân đối, nơi nào đã xây dựng xong, đã có người ở thì làm gì còn có vỉa hè. Ai dám dừng nghỉ ở trước cửa nhà, cửa quán của họ? Phường, quận, ngành chuyên trách ở cơ sở không đồng bộ, người xây lên, kẻ đào lại. Nhiều khi họp đoàn thể, dân ý chỉ là lấy lệ, khuôn sáo. Vậy Bộ Quy tắc ứng xử sẽ phát huy tác dụng đến đâu?

Có khá nhiều tác động khách quan làm cho người ta có thể mắc lỗi. Điển hình là người tham gia giao thông. Đường nhỏ và lồi lõm, vỉa hè quá hẹp và lởm khởm, nhiều chỗ đào bới, quây chắn, đường cắt nhiều, biển báo hướng dẫn quá nhiều, mặt đường kẻ vẽ chồng chéo… và lượng người tham gia quá đông, ảnh hưởng lớn đến việc điều khiển phương tiện và xử lý tình huống. Thế nhưng, khi các vụ tai nạn gia tăng mỗi năm (có thể tăng tương ứng với lượng người đổ về thành phố) các chuyên gia có cỡ lại kết luận bằng một câu ngắn gọn và súc tích là: “mức phạt chưa đủ sức răn đe”. Vậy chẳng lẽ cần đánh tiếp vào hầu bao của họ để sợ mà ít ra đường và có nên lấy đó bổ xung cho bài học về văn hóa giao thông? Ở ngoài mặt đường, chúng ta thường thấy hành vi xử phạt trội hơn là hướng dẫn của cơ quan chức năng. Đã xảy ra trường hợp đối phó đến mức kịch tính…

Tựu chung lại, chúng tôi muốn dẫn đây một số biểu hiện trong quan hệ thực tiễn mà mọi phương cách đang xoay quanh mục đích trục lợi mà xem nhẹ về trách nhiệm xã hội. Người ta, ai cũng có nhận biết tốt, xấu và có thái độ với điều hay, lẽ phải ấy. Hình ảnh một cán bộ thanh tra về địa phương vòi tiền tỷ hay hình ảnh một sĩ quan công an cậy quyền, lăng loàn giữa chốn công cộng… nói trên không thể là người chỉ bảo họ ở ngoài đời được. Nhiều “tấm gương” như thế lặp lại, cộng lại, dễ bị suy thành bản chất. Người đời phải tránh xa họ. Vậy thì có xói mòn dần lòng tin của mọi người hay không?..

 Nhưng, chúng ta có thể ngăn chặn nó lại. Bên cạnh việc kiên quyết vạch trần và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, thì việc nhận diện, xóa bỏ các hành vi tuyên truyền vụ lợi, phản cảm là hết sức cần thiết và nhanh chóng. Tránh tạo nếp trong quan hệ của lớp trẻ. Nhà nước cần có biện pháp phổ biến học tập và áp dụng rất cụ thể Bộ Quy tắc ứng xử, coi đó là phương tiện trực tiếp nâng cao giáo dục ý thức công dân, là cơ sở ban đầu để thực thi luật pháp. Loại trừ ngay thói vì tiền, tạo mánh lới trong công việc mà lấn át tình cảm đạo đức trong quan hệ dân cư. Nhân rộng các tấm gương nhân ái để tạo môi trường an toàn và bình đẳng. Nhân đây, chúng ta lại nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”…

Nguồn Văn nghệ số 38/2019                                                                                        

     


Có thể bạn quan tâm