April 26, 2024, 2:51 am

Không có “vùng cấm” trong chất vấn và trả lời chất vấn

 

142 đại biểu thực hiện chất vấn và hơn 80 đại biểu tranh luận về nhiều vấn đề nóng, các đại biểu tập trung thảo luận một cách sôi nổi và thẳng thắn, với nhiều thông điệp mạnh mẽ. Ghi nhận chung sau ba ngày thực hiện chất vấn có thể thấy, đây là một phiến chất vấn hiệu quả, nội dung chất vấn có phạm vi rộng, nhiều nội dung liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở hầu hết lĩnh vực hành pháp, tư pháp. Phiên chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu và người chất vấn mà còn các đại biểu với nhau để làm rõ vấn đề cho thấy không có “vùng cấm” trong chất vấn và trả lời chất vấn..

 

Trước Quốc hội và Quốc dân đồng bào, Thủ tướng khẳng định nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau:

Từ những câu hỏi “Đắt”…

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã được Quốc hội giành thời gian 3 ngày, thay vì 2 ngày và 2,5 ngày như các kỳ họp trước. Một mặt giúp giảm áp lực về thời gian cho các thành viên Chính phủ, mặt khác tạo cơ hội cho đại biểu có thể chất vấn mọi thành viên Chính phủ đối với vấn đề được cử tri, người dân cả nước quan tâm. Nội dung chất vấn vì thế được đánh giá là rất rộng, nên trong một chừng mực nhất định, có thể coi đây là một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn; thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề mà cử tri, người dân cả nước quan tâm.

Có lẽ vì thế, mà những vấn đề tranh luận đều có chung tinh thần là để nhìn ra cụ thể nguyên nhân căn cơ ở đâu, và cũng có những vấn đề nếu có thể giải quyết được ngay cũng đã ngay lập tức được giải quyết tại kỳ họp. Không ít đại biểu liên tục giơ biển tranh luận về những vấn đề còn tồn tại, ngay cả khi các vị tự lệnh ngành còn đang trả lời. Đó là tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền, là cơ cấu lại nền kinh tế chú trọng hơn chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư công, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, là công khai minh bạch các dự án đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt quản lý tài nguyên, đất đai, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, giải quyết chính sách người có công và các hoạt động tư pháp từ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…v.v… nhằm sớm hoàn thành quy chuẩn, định mức để làm cơ sở đánh giá hoạt động có hiệu quả. Có thể dẫn ra đây những câu hỏi “đắt” của các đại biểu: Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo về thực trạng, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí sách giáo khoa; của đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) về giải pháp tiếp tục thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt, việc duy trì trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trong điều kiện kinh tế ổn định vĩ mô; đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về giải pháp đảm bảo hạn chế trục lợi các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, về làm sao để tăng năng suất lao động, khi năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 là 4.019 USD, so với Thái Lan 11.633 USD, thấp hơn Thái Lan 3 lần. Năng suất của Malaysia gấp hiện gấp Việt Nam 5 lần. Năng suất Hàn Quốc gấp 14 lần, Nhật Bản gấp18 lần và Singapore gấp 25 lần. Từ thực tiễn này cũng có ý kiến cho rằng, sau hơn 40 năm giải phóng, thống nhất đất nước, năng suất lao động Việt Nam bằng 34% của Thái Lan tức là 1/3 là quá thấp. Vì vậy, các đại biểu đã đặt vấn đề phải xem lại sự chỉ đạo của Chính phủ triển khai ở các địa phương. 

 

Đến trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng

Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu, nhiều Bộ trưởng đã  trả lời hết sức thẳng thắn những vấn đề đã được giải quyết trong nửa nhiệm kỳ của mình và không ngần ngại nhận trách nhiệm trước những vấn đề còn tại trong lĩnh vực mình quản lý. Song cũng lại có Bộ trưởng tỏ ra lúng túng khi cho rằng vấn đề nội tại của ngành có liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề… Ai cũng biết, mục đích của phiên chất vấn là làm rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành trước những nội dung thuộc lĩnh vực mình phụ trách, để từ đó thúc đẩy việc thực thi nhiệm vụ đặt ra. Nhưng để xảy ra những sai sót trong lĩnh vực quản lý của mình, thì Bộ trưởng cần nhận trách nhiệm cá nhân không chỉ là đòi hỏi của đại biểu mà cũng là mong muốn của cử tri, người dân cả nước. Để sau đó, người đứng đầu và ngành sẽ có sự rút kinh nghiệm thực sự, tận tâm giải quyết những tồn tại, yếu kém, tránh những sai sót và tránh tạo ra “ấn tượng trái chiều” với lĩnh vực đó…

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài báo cáo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn. Trước Quốc hội và Quốc dân đồng bào, Thủ tướng khẳng định nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau: “Đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn. Nếu tất cả 63 tỉnh thành, tất cả chúng ta ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ năm xưa”.

Vẫn biết, mong ước của Thủ tướng cũng là mong ước chung của đại biểu, cử tri, người dân cả nước. Nhưng, nếu nhìn vào thực tiến cuộc sống sẽ thấy, có những việc tưởng như đơn giản, gần gũi trong cuộc sống nhưng cũng rất phức tạp, không thể xử lý trong một sớm một chiều. Nhất là khi có thêm sự "dồn toa" khó khăn từ lịch sử. Thế nên, cố gắng, nỗ lực thôi chưa đủ, mà đòi hỏi các thành viên chính phủ  phải phát huy tài năng, tâm huyết hơn nữa, để có thể đề ra được các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sát thực, quyết liệt, hiệu quả cho dân, cho nước.

PV

 


Có thể bạn quan tâm