March 28, 2024, 3:08 pm

Không có sự vĩ đại trong một thế giới thiếu đam mê

 

“Một ngày kia, sau khi chúng ta đã làm chủ được gió, sóng biển, thủy triều, và trọng lực, chúng ta sẽ khai mở được năng lực của tình yêu; và khi đó, đúng là lần thứ hai con người khám phá ra lửa.” Tôi đọc được câu này của Teilhard de Chardin, linh mục dòng Tên người Pháp, nhà cổ sinh vật học, nhà thần học và nhà triết học mở rộng thuyết tiến hóa đến lĩnh vực tinh thần và được xem là tạo dấu ấn trong sự hòa giải giữa khoa học hiện đại và tôn giáo. Ở góc độ khác, Hàn Mặc Tử cũng xem trọng năng lượng ấy của thế giới, vai trò then chốt của động lực tinh thần trong diễn trình tiến hóa, một “tuệ quyển” ra đời bên trên sinh quyển: Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu/ Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu/ Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang”. Tôi nghe những quyền năng của “tuệ quyển” như một dạng  ánh sáng chói chang bên bờ vịnh Quy Nhơn thân yêu, nơi nhiều năm nay, trong không gian biểu tượng truyền thống thơ ca đã hình thành các thiết chế dành cho các con người lẫy lừng của khoa học vật lý hiện đại.  

Ảnh TL. Nguồn Internet

Nhiều năm nay, Bình Định - Quy Nhơn đã khá quen thuộc với hình ảnh đôi vợ chồng thông thái cùng với Trung tâm ICISE lừng lẫy: GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam) - GS Lê Kim Ngọc (Chủ tịch Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam tại Pháp). Tôi còn nhớ, để khảo sát triển khai dự án thành lập một Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành, nhằm đảm bảo cho việc thông tin được kịp thời đến với công chúng, ngày 16/12/2011, Sở Thông tin và Truyền thông chúng tôi tổ chức buổi họp báo với sự tham dự gần 50 phóng viên báo, đài phát thanh truyền hình trung ương và điạ phương, do Chủ tịch UBND tỉnh cùng 2 Giáo sư Trần Thanh Vân và Nguyễn Văn Hiệu đồng chủ trì.

Nội dung buổi họp báo hôm đó xoay quanh chương trình lễ động thổ và những chủ đề sẽ được thảo luận trong hai hội nghị: Hội nghị 1 với nội dung “Những biên giới của sắc động lực học lượng tử: Từ những bí ẩn tới khám phá”, và hội nghị 2 với nội dung “Quốc tế lần thứ 10 về lực hấp dẫn, vật lý thiên văn và vũ trụ học” và buổi thuyết trình về Thiên văn học của GS. Trịnh Xuân Thuận với chủ đề: “Big bang và sau đó: vị trí con người trong vũ trụ”. Chủ đề được thảo luận tại các hội nghị bao gồm những tìm tòi thực nghiệm về lực hấp dẫn và các triển khai lý thuyết của chúng. Đặc biệt các hội nghị cũng đề cập tới một lĩnh vực vật lý thiên văn hạt đặc biệt được phát triển gần đây ở Việt Nam, là nghiên cứu tia vũ trụ, do nhóm của GS. Pierre Darriulat tại VATLY/INST ở Hà Nội tiến hành. Hội nghị có sự góp mặt của các nhà khoa học hàng đầu đến từ nhiều nước trên thế giới. Đây là cơ hội cho các nhà vật lý, đặc biệt là các nhà vật lý trẻ của Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kiến thức mới và chuyên sâu với các nhà vật lý hàng đầu thế giới, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu trong tương lai. Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam tiến hành thực hiện, hai Hội nghị quốc tế về Vật lý Hạt và Vật lý Thiên văn ấy diễn ra gắn với các hoạt động này là Lễ Khởi công dự án Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành.

Thời mới gặp, dù lĩnh vực ấy hoàn toàn xa lạ nhưng tôi đã hình dung phần nào quan hệ quốc tế của GS. Trần Thanh Vân trong các cuộc tiếp xúc, nhất là việc biết ông từng cùng với một số nhà khoa học đã sáng lập, điều hành các tổ chức Gặp gỡ Moriond (năm 1966, tại làng Moriond, trên dãy núi Alpes, giáp ranh biên giới giữa Pháp và Italy) và Gặp gỡ Blois (năm 1989, tại TP Blois, miền Trung nước Pháp), tôi vẫn thật xúc động khi thực mục sở thị phát biểu của GS. Sheldon Lee Glashow, nhà vật lý Mỹ đoạt giải Nobel 1979: “Hôm nay đánh dấu ngày đỉnh cao, ngày mà giấc mơ từ rất lâu năm của hai người bạn, hai đồng nghiệp thân mến của tôi là Jean Tran Thanh Van và Kim, những người mà tôi và vợ tôi quen biết, quý mến suốt nhiều thập niên, như những nhà tổ chức duyên dáng và đầy hiệu quả hàng loạt hội nghị khoa học sáng chói, hội thảo, lớp học mùa hè tỏa sáng ở những nơi đẹp tuyệt vời, nhưng có lẽ không nơi nào đẹp bằng Quy Nhơn. Trung tâm kỳ diệu này được xây dựng dành cho giáo dục, là nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sinh viên, nhà khoa học trẻ Việt Nam và các nước láng giềng châu Á”.

Sau “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9” ở Quy Nhơn, với sự hiện diện của 5 nhà vật lý đoạt giải Nobel và nhiều nhà khoa học lừng danh khác, đến nay đã là “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 15”, ICISE đã tổ chức gần 60 hội nghị khoa học quốc tế và 20 trường khoa học chuyên đề, khoảng 5.500 nhà khoa học quốc tế, trong đó, có 12 người đoạt giải Nobel, 2 người đoạt giải Fields (được xem Nobel toán học), 2 giải Kavli (giải thưởng thiên văn học quốc tế cao nhất) và 1 giải thưởng vật lý Dirac (giải thưởng danh giá nhất trong ngành vật lý lý thuyết)… Không những thế, ICISE đã mời được rất nhiều nhà khoa học gốc Việt trên thế giới về lại đất nước để đóng góp công sức, trí tuệ trong các lĩnh vực. Ngoài ra, việc đào tạo, nhận giúp đỡ cho hàng trăm em sinh viên Việt Nam được qua nước ngoài học tập, nghiên cứu khoa học. Chắc chắn những người quan tâm sẽ còn nhiều suy nghĩ cho chặng đường tiếp theo. Mong muốn, chia sẻ chung nhất của các nhà khoa học vật lý đoạt giải Nobel là tương lai, Việt Nam sẽ có vị thế nhất định trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Đó là niềm hy vọng và sẻ chia chân thành bởi tấm lòng của khách phương xa đặt chân lên một trung tâm ấm áp giữa vùng đất thân thiện, hiếu khách. Tất nhiên, những động thái tích cực từ địa phương đến trung ương để ngày một phong phú và hiệu quả từ một Trung tâm khoa học quốc tế theo sáng kiến đầy thiện tâm của GS Trần Thanh Vân và Hội Gặp gỡ Việt Nam là rất quan trọng, với mong muốn hoạt động của Trung tâm sẽ là cầu nối giữa các nhà vật lý Việt Nam trong nước với các nhà vật lý nước ngoài, nhà vật lý Việt Nam ở nước ngoài, bước tạo dựng cho thế hệ khoa học trẻ…

Nhiều lần về Quy Nhơn tham gia Gặp gỡ Việt Nam, năm 2018 GS. Đàm Thanh Sơn đã nói: "Việt Nam vẫn còn cần rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Vì không có những viện nghiên cứu, trường đại học như thế cho giới trẻ làm khoa học thì hiện tượng chảy máu chất xám sẽ tiếp tục. Trong một thời gian dài, nhiều người trong số chúng tôi đã nghĩ, tìm cách nâng cao chất lượng khoa học ở Việt Nam, chúng tôi hiểu rằng bài toán này là rất khó. Chúng tôi đang nhìn trung tâm ICISE như là một ví dụ chứng minh rằng có thể làm một cái gì thành công cho khoa học Việt Nam". Mới đây, GS. Trần Thanh Vân cũng chia sẻ với báo chí: “Không thể kêu gọi sinh viên đi theo khoa học nếu như họ thấy trong khoa học có những chuyện không tốt, những chuyện giả dối (…) Có thực tế, các nhà khoa học cần được sống trong môi trường khoa học, họ không phải thường trực nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tôi đã từng tiếp xúc với một nhà khoa học nước ngoài. Ngay cả lúc ăn, họ cũng không để tâm xem mình đang ăn gì mà chỉ chú tâm nói về vấn đề khoa học họ đang nghiên cứu.”. Bóng hình đôi vợ chồng khoa học thực thụ hết lòng cống hiến cho khoa học Việt Nam và thế giới, cùng bạn bè của họ từ các phương trời năm châu bốn bể của họ hội tụ về Trung tâm ICISE hoành tráng… đã đánh thức những tiềm lực, trở thành vẻ đẹp vừa giản dị vừa kiêu sa góp thêm những nét khá đậm đà trong cấu trúc lịch sử văn hóa Bình Định - Quy Nhơn truyền thống và hiện đại. Hơn mười năm trước, với cuộc gặp gỡ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” GS. Trần Thanh Vân đã nhận diện ở góc biển Quy Nhơn một “bến đò vũ trụ”. Bên cạnh “hoàng cung vật lý” ICISE, không gian với ám ảnh thơ ca Hàn Mặc Tử bàng bạc trên xứ sở này: “Không một tiếng gì nghe động chạm/ Dẫu là tiếng vỡ của sao băng”, Hàn Mặc Tử đã từng đưa thuyền hồn lên tận xứ trăng sao: “Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt/ Khép phòng thắp nến, nến rơi châu” và cái tâm thức thơ ca - vũ trụ ấy chưa bao giờ thôi dào dạt với mai sau: “Máu tim ta tuôn ra làm bể cả/ Mà sóng lòng dồn dập như mây trôi/ Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ/ Dâng cao lên, cao tột tới trên trời”.

 Tôi thực sự tâm đắc với ý kiến của GS Trần Thanh Vân rằng bên cạnh kiến thức, làm người thầy hay lãnh đạo phải có đạo đức và lối sống làm sao tạo ra được sự ngưỡng mộ, thu hút để truyền cho các thế hệ học trò đi sau một ngọn lửa đam mê. Những điều không dễ thực hiện ấy ông đã nghiệm sinh và hiện thực hóa trong cả cuộc đời hòa nhập với giới khoa học quốc tế và đã biến thiết chế, môi trường khoa học thành thánh đường cao cả phụng sự lòng tin và chân lý. Hàn Mặc Tử cũng từng: “Ra không gian là vượt hẳn thượng tầng/ Tấp tới đến ở ngoài kia vũ trụ/ Nơi khí tượng bốc ngùn muôn tinh tú…”


Có thể bạn quan tâm