April 25, 2024, 4:39 am

Khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp

 

Một trong những sự kiện được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm trong tuần qua chính là Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” do Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức tại Đà Nắng với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tham dự Diễn đàn có 250 đại biểu là các thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ đang có các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 50 đại biểu là thành viên của Câu lạc bộ Đầu tư Khởi nghiệp đại diện cho hơn 300 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc được Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam tuyên dương trong giai đoạn 2015-2018 và các đại biểu là các nhà đầu tư, chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nhìn nhận thực trạng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong những năm qua. Đồng thời đánh giá những tác động từ cơ chế, chính sách nhằm so sánh với hướng đi, cách làm của những quốc gia khởi nghiệp đã thành công trên thế giới. Từ đó tìm ra những giải pháp tạo sức bật thật sự cho khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với đặc thù địa chính trị Việt Nam.

Gỡ vướng từ cơ chế

Với nhiều người, khởi  nghiệp chính là những quyết định mạo hiểm trong tương lai. Còn rộng hơn với tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, thì đó là bước khởi đầu không thể thiếu trong kinh doanh gắn với những quyết định mạo hiểm và không phải lúc nào quyết định đó cũng dẫn đến thành công. Và đây, cũng được hiểu là quá trình sàng lọc khắt khe của nền kinh tế thị trường nói chung, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã coi  “doanh nghiệp là hầu bao của quốc gia” thì những chính sách kích cầu doanh nghiệp khởi nghiệp luôn được chú trọng và liên tục hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu hội nhập một cách toàn diện của Việt Nam hiện nay.

Có thể lấy dấu mốc cho quá trình khởi nghiệp doanh nghiệp từ năm 2011, khi chính thức có những ghi nhận về nguồn vốn được đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, chế tạo cơ khí… và theo số liệu thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tính đến hết năm 2017, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã ghi nhận có 92 thương vụ đầu tư với tổng giá trị là gần 300 triệu USD, tăng gần 2 lần so với số thương vụ của năm 2016 và tăng hơn 9 lần so với năm 2011.  

Lý giải cho những con số phản ánh sự vươn lên khẳng định vị thế trong nền kinh tế của doanh nghiệp Việt, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, những chính sách kích cầu của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý an toàn không chỉ cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mà còn mở ra những cơ hội hợp tác, những thị trường mới trên quy toàn cầu. Việc còn lại của doanh nghiệp chính là nắm bắt cơ hội và phát huy lợi thế để lớn mạnh và vươn ra biển lớn. Tuy nhiên, về lý thuyết là vậy, trên thực tế, trong kinh doanh vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên không phải doanh nghiệp  nào khởi nghiệp cũng thành công. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, thống kê từ Cục đăng ký và Quản lý kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy cả nước có 96.611 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 963.411 tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 22.897 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2017. Nhưng cũng  trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 23.053 doanh nghiệp, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017. Có 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2018 là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Từ số liệu trên cho thấy, vấn đề được đặt ra hiện nay là Việt Nam đang thiếu những giải pháp căn bản và đồng bộ để kết nối giáo dục với hoạt động kinh doanh và khởi nghiệp. Đồng thời thiếu các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ các bên liên quan và đặc biệt là thiếu những giải pháp tạo dựng văn hóa khởi nghiệp cho giới trẻ.

Trước đó, tại diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” trung tuần tháng 8 vừa qua, Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 cũng đã được thực hiện với sự tham gia của 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài. Qua thị sát thực tiễn, các thành viên tham dự chương trình đều nhận thấy rất rõ, không có đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ sẽ đồng nghĩa với tụt hậu, thất bại. Do đó, việc Chính phủ cần chấp nhận và chia sẻ một phần rủi ro với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, vì đây là một lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và nhiều rủi ro, là vô cùng cần thiết, từ đó kích thích doanh nghiệp trẻ, thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm, và dám xả thân với lý tưởng sống của mình.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sắp tới, Chính phủ sẽ xây dựng một chương trình quốc gia tầm nhìn 2045 với những chính sách cụ thể về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia... Thủ tướng đề nghị các ngành, các bộ, địa phương xem hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Theo Thủ tướng, Việt Nam cần hình thái hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, kết nối và hội tụ những người có năng lực ở nhiều lĩnh vực; phải có được trái tim hệ sinh thái khởi nghiệp. Và Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để có môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất.

 


Có thể bạn quan tâm