April 25, 2024, 5:39 am

Khói chiều biên ải. Truyện ngắn của Kiều Duy Khánh

Vịn chắc vào hai chiếc nạng gỗ, ông Quang lập cập tiến về phía ban thờ vợ. Thắp nén hương, ông đứng thẳng người, giọng đầy xúc động:

- Bà Cúc ơi, ngày mai thằng út sẽ đưa tôi lên Tây Bắc, tìm về bản Phiêng Sa xưa… Không biết người cũ ai còn ai mất, nhưng tôi phải lên để thực hiện lời hứa của mấy chục năm trước, để khi về với bà tôi mới yên tâm. Bà sống khôn thác thiêng thì chỉ lối dẫn đường cho tôi, bà nhé.

 

Minh hoạ: Đặng Tiến 

*

Quang chợt tỉnh. Đâu đó hương lúa nếp thơm nồng thơm ngậy. Đâu đó hơi lửa ấm và tiếng nổ tí tách của củi than. Có phải mình đang ở quê không? Có phải mẹ đang nhóm bếp? Quen thuộc và cũng xa lạ quá.

Chống tay ngồi dậy, nhưng thấy đau nhói bên chân phải. Nhờ ánh lửa bếp chờn vờn cháy cách đó không xa, Quang nhận ra mình đang nằm trên một cái đệm bằng rơm trong căn nhà gỗ nhỏ. Rơm chưa khô hẳn, vẫn còn mùi thơm ngái của lúa mới. Yên ắng quá. Nghe được cả tiếng con cầy hương kêu “ngo…e…ngoe…” trên ngọn cây rất gần. Vậy là rừng ở gần đây thôi. Nhưng đây là đâu? Ai đã cứu mình? Chân tay không bị trói, chứng tỏ Quang không rơi vào tay địch. Vậy là yên tâm rồi. Quang thiếp đi trong mệt mỏi và đau đớn hằn trên khuôn mặt.

Tiếng nói chuyện lao xao khiến Quang bừng tỉnh giấc. Nghển cổ nhìn lên. Trời đã tang tảng sáng. Bên bếp lửa lật phật cháy, một người đàn ông tuổi trung niên dáng hơi gầy bình thản ngồi rít thuốc lào. Khói thuốc cay nồng bay mù mịt như sương khiến anh ho sặc sụa.

- Tỉnh lại rồi đấy à? Là người xấu hay người tốt? Việt gian hay là bộ đội? Nếu là kẻ thích dẫn hổ về bắt lợn nhà thì không đi ra khỏi bản này được đâu.

Quang nén đau, chống tay ngồi dậy. Tiểu đội cháu đang chiến đấu ngoài khu vực ngã ba Cò Nòi được lệnh tăng cường vào Phiêng Sa bổ sung lực lượng cho đội Quyết Tiến, cùng phối hợp với ban xung phong Lào Bắc lập căn cứ huấn luyện quân sự, tiến tới giúp bạn Lào xây dựng căn cứ địa cách mạng tại huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn. Đi nửa đường thì gặp phục kích của giặc Pháp, cháu bị trúng đạn và bất tỉnh trong rừng, còn chín đồng đội nữa không biết ở đâu…

Quang mở túi áo ngực định lấy giấy tờ chứng minh thì chủ nhà xua tay:

- Ta chỉ hỏi thế thôi, nếu không tin thì bây giờ anh đã bị trói vứt ra ngoài rừng để làm mồi cho con hổ trắng rồi. Đêm qua du kích bản phát hiện anh trong cánh rừng Pha Cúng nên đưa về đây. Bị ngã từ vách núi đá xuống, giập đùi phải rồi, nặng đấy. Bộ đội cứ ở đây chữa cho khỏi. Đứa gái Tha Von này là con gái bạn ta bên Lào. Cả nhà bị tây bắt hết lên đồn làm phu, nó trốn thoát sang đây. Nó biết lấy thuốc chữa vết thương giỏi lắm. Đợi trời sáng ta bảo nó vào rừng lấy thuốc cho.

Bây giờ Quang mới để ý trong bếp còn có một cô gái độ mười sáu, mười bảy tuổi đang làm men ủ rượu. Cô gái có làn da trắng như cánh hoa ngọc lan buổi sớm, đôi mắt đẹp và buồn thăm thẳm. Đúng lúc cô nhìn về phía Quang. Hai ánh mắt chạm vào nhau, bối rối, ngượng ngùng.

Gượng ngồi thẳng nhìn về phía chủ nhà, Quang định hỏi gì đó. Như đoán được suy nghĩ của anh, chủ nhà đận đà:

- Đây là bản Phiêng Sa rồi. Bộ đội tên gì? Quang à. Ta tên Lao Khô. Biết tên thì gọi tên cho nó thành anh em con cháu. Ở đây cũng khổ như bản Súp Pia, Kéo Điếng bên Lào. Giặc Tây nó về cướp bóc, bắt người đi phu, khổ hơn con trâu con bò. Từ ngày bộ đội Quyết Tiến và ban xung phong Lào Bắc về lập căn cứ, thỉnh thoảng lại đánh một trận lớn. Thanh niên bản ta đi theo bộ đội, làm du kích hết rồi. Người già, phụ nữ thì làm nương trồng lúa, trồng ngô gùi lên cho bộ đội. Bộ đội no bụng còn có sức đuổi tây. Cái đồn ở bản Nà Khạng bên Lào mới bị bộ đội hai nước phá đi đấy. Nhưng chúng nó lại lập cái đồn mới ở Keo Vén, cách đây chưa đến nửa ngày đi bộ. Hầy, còn khổ với chúng nó nhiều…

Có tiếng chó sủa ngoài đầu bản, tiếng người xì xồ chửi bới mỗi lúc một gần. Từ ngoài, một thanh niên cũng độ tuổi của Quang chạy ào vào hớt hải:

 - Chá (1) à, tây nó lại đến, đông lắm… có cả súng nữa. Súng to hơn súng kíp của chá đấy…

Ông Lao Khô quăng cái điếu cày, đứng bật dậy. Nhanh thôi, thằng con Lao Lử dẫn đường, Tha Von đỡ bộ đội trốn xuống cái hang đá cuối vườn đi.

Tha Von luýnh quýnh chạy đến chỗ Quang. Sau một chút bối rối, cô xốc nách Quang theo bước chân Lao Lử tất tả đi về phía hang đá cuối vườn.

Sáu tên Pháp và hai lính dõng xồng xộc lao vào, tên nào cũng lăm lăm cây súng. Chúng lục tung khắp các ngõ ngách. Lưỡi lê sáng xanh bật lên lách tách. Chỗ nào nghi ngờ là xiên lê cắm phập. Không tìm được gì. Mấy tên lính Pháp mặt đỏ phừng phừng xì xồ gì đó. Tay lính dõng mặt xương, môi thâm như nghiện thuốc phiện quét đôi mắt ti hí sục khắp các ngõ nghách một lần nữa. Ê ông già, có thấy kẻ lạ mặt nào chạy vào đây không? Che giấu Việt Minh sẽ bị bắt về đồn, treo lên cái cột cao để quan Pháp thử súng, rồi cứ để lủng lẳng đó cho bọn quạ đến mổ dần, nhớ đấy.

Chợt hắn nhìn xuống nền nhà, rít lên:

- Máu ở đâu rơi trên nền nhà đây. Vết máu còn mới lắm. Á à, lão già dám để gan lão to hơn gan quan Pháp cơ à? Nói, lão giấu bọn Việt Minh ở đâu.

Ông Lao Khô thoáng giật mình. Nhưng chỉ một tích tắc thôi đã lấy lại vẻ bình thản. Ông nhớ đến con hoẵng mới săn về sáng sớm, vẫn còn trói chặt để ngoài máng nước. Sáng nay ta vừa bắn trong cánh rừng Đin Trí được con hoẵng béo. Máu nó rơi ra thôi mà. Mấy ông không vội thì ở lại uống rượu, ăn thịt với gia đình đi. Làm thịt nhanh thôi.

Tụi lính xông ra ngoài theo hướng tay chỉ của ông Lao Khô. Con hoẵng bị trói bốn chân vẫn năm thoi thóp. Những viên đạn súng kíp găm lỗ chỗ trên đùi, máu chảy đỏ loang một khoảng đất. Tay lính dõng thấp lùn vừa kiếm cây gậy xiên ngang qua bốn chân con hoẵng, vừa hất hàm vào trong nhà:

- È, ông già bắn được con hoẵng ngon đấy. Rừng này là của quan Pháp. Bắn thú trong rừng cũng là bắn thú của quan. Để chúng tôi đem về trả lại cho quan. Nhà có rượu ngô không? Đem ra biếu quan một chum, quan tha cho tội săn trộm.

*

Vết thương ở đùi Quang ngày càng sưng tấy lên, máu vẫn rỉ rỉ chảy. Người nóng hầm hập. Tha Von ngồi bên anh, nhúng nước cho ướt khăn rồi đắp lên trán anh để làm dịu đi cơn sốt, nhưng chỉ được một lúc chiếc khăn đã nóng như nhúng vào nước sôi. Quang lịm đi trong cơn sốt mê man. Anh ú ớ gọi tên đồng đội. Rồi Quang mơ thấy Cúc. Bàn tay Tha Von mà Quang ngỡ bàn tay của Cúc. Anh nắm lấy áp lên ngực mình. Tha Von run bắn lên. Lần đầu tiên có người con trai nắm tay mình khiến cô như hụt hơi, như tan chảy. Hơi nóng từ tay Quang chạy rần rật sang Tha Von. Khuôn mặt cô đỏ bừng, nóng ran. Tha Von nghe thấy cả quả tim trong lồng ngực mình đập những tiếng nhanh, gấp, run rẩy. Cô vội rụt tay mình ra khỏi tay Quang, có chút gì như là luyến tiếc. Cô luýnh quýnh chạy ù ra cửa hang để Quang không tỉnh dậy và phát hiện ra tâm trạng mình lúc này. Quang vẫn mê man, chẳng có ai nhìn thấy điều vừa xảy ra, nhưng Tha Von vẫn lúng túng, ngượng ngùng như vừa bị bắt quả tang. Cô giả như lơ đãng nhìn ra ngoài cửa hang, thi thỉnh thoảng len lén liếc về phía Quang. Tha Von đưa bàn tay đặt lên ngực mình. Bàn tay ấy Quang vừa nắm chặt…

Đợi bọn Tây đã đi xa, Tha Von ra khỏi hang, tất tả vào rừng tìm cây thuốc. Thuốc rễ cây thì để đun uống, thuốc lá thì giã nát đắp vào vết thương, không lâu sau cơn sốt đã dịu dần.

Qua mấy ngày đắp thuốc, chân đã có thể co duỗi được, tuy còn hơi gượng. Những cơn sốt không còn tìm đến mỗi đêm. Thỉnh thoảng trong giấc ngủ chập chờn, anh thấy Tha Von ngủ quên, đầu cô gục đầu xuống cạnh Quang, cảm nhận được hơi thở đều đều nóng hổi. Mái tóc đen dài chạm cả vào má anh khiến một nguồn cảm xúc lạ lẫm dâng lên, bồi hồi. Nhưng Quang vội dìm nén nó lại. Anh nghĩ về Cúc để tự nhắc nhở mình.

*

Ông Lao Khô xem lại vết thương, khuôn mặt giãn ra. Da non đã mọc đỏ, thế là sắp khỏi rồi. Giờ cũng nửa đêm, bộ đội Quang mặc bộ quần áo của tôi, mang theo cái súng kíp. Tha Von dẫn đường đưa anh đến hang Thẩm Mế. Nếu không may gặp bọn lính đi tuần thì giả làm vợ chồng vào rừng săn thú. Đi sớm đi, mọi người đang đợi đấy.

Rừng đêm tối như đen như hòn than ngâm nước. Tha Von hàng ngày vẫn mang cơm vào cho bộ đội nên quen đường, cứ thế mà dò dẫm bước đi. Đi theo cảm nhận. Quang bám theo cái bóng lờ mờ phía trước, nghe tiếng bước chân giẵm trên lá lạo xạo mà tiến theo. Thỉnh thoảng quá đà giẵm lên cả chân Tha Von khiến cả hai ngã nhào. Lúng túng, bối rối một thoáng rồi lại đứng lên đi tiếp. Chẳng ai dám đưa bàn tay ra trước, giữ khoảng cách nên toàn lạc bước chân. Nhìn Quang vấp ngã dúi dụi, Tha Von vừa thương vừa giận…

Tiếng con chim gọi sáng kêu “Cục…quắc” đâu đó trên ngọn đồi phía xa. Trời đã nhờ nhợ sáng. Đêm nhả dần ra con đường nhỏ gập ghềnh. Bước chân nhanh và gấp hơn. Hang Thẩm Mế đã ở phía trước. Lối vào hang nhỏ hẹp tua tủa những nhũ đã gồ ghề. Vừa khom vừa lách mới chui lọt vào. Niềm vui vỡ òa. Chín đồng động đội đều có mặt trong hang cùng những bộ đội Lào. Nghẹn ngào nắm tay, mừng mừng tủi tủi.

Tiểu đội trưởng Lanh giơ hai cánh tay thô và rắn chắc vỗ bồm bộp vào vai Quang. Sau trận phục kích bất ngờ của giặc, bọn tớ thấy thiếu cậu nên luồn rừng quay lại tìm nhưng không thấy, cứ tưởng cậu lọt vào tay chúng nó rồi. May hàng ngày bà con dưới bản Phiêng Sa và người nhà cụ Lao Khô đem cơm lên kể lại nên bọn tớ biết cậu còn sống và đang trị thương. Về đây khỏe mạnh thế này là tốt rồi.

Nhiệm vụ phối hợp giữa bộ đội Quyết Tiến Việt Nam và ban xung phong Lào Bắc tiếp tục được triển khai. Cuộc họp diễn ra ngay trong đêm. Nội dung thông báo vắn tắt. Gia đình bác Lao Khô và bà con bản Phiêng Sa đã giúp đỡ được nhiều bạc trắng. Hiện đồng chí trưởng ban Ban xung phong Lào Bắc đem bạc về nước mua sắm vũ khí. Trong thời gian đợi đồng chí trở về, chúng ta tiếp tục hoạt động. Ai thạo địa hình thì trinh sát nắm rõ các vị trí đồn bốt, đường đi lối lại, cách thức hoạt động của mỗi đồn. Ai khéo dân vận, thạo ngôn ngữ địa phương thì chia nhau về các bản cả Lào và Việt Nam vận động bà con tham gia cách mạng. Khi đã trang bị đủ vũ khí và lực lượng đủ mạnh sẽ tiến vào vùng Bắc Lào xây dựng căn cứ địa kêu gọi đồng bào các bộ tộc Lào đứng lên cùng ban xung phong đánh đuổi giặc Pháp.

Quang được giao nhiệm vụ tìm đến các bản làm công tác dân vận, xây dựng lực lượng du kích. Địa hình chưa thông thuộc, tiếng Lào thì bập bõm nên anh ngỏ ý mời Tha Von đi cùng.

Những ngày bên cạnh và chăm sóc cho Quang là những ngày đẹp nhất đối với Tha Von. Bao cảm xúc, tâm trạng lạ lùng dâng lên như muốn nhấn chìm, hòa tan cô vào những cung bậc diệu kỳ. Từ hôm Quang chuyển vào hoạt động trong hang Thẩm Mế, ngày nào cô cũng giành lấy việc đưa cơm lên cho các anh. Mỗi lần từ hang trở về, cảm giác bâng khuâng và trống vắng làm trĩu nặng bước chân.

Trước đề nghị của Quang, Tha Von như không tin vào tai mình. Ánh mắt Quang chờ đợi như nhìn xoáy vào trái tim, vào suy nhĩ khiến cô chợt run lên. Tha Von khẽ gật đầu, chợt thấy lòng chống chếnh. Cảm giác như lần đầu tiên được uống sừng rượu cần. Ngọt lịm và chao đảo. Mười ngón tay Tha Von cứ đan xoắn vào nhau, lúng túng, ngại ngùng.

Tụi lính dõng rồi lính Tây vẫn lùng sục vào khắp các bản từ Việt sang Lào để cướp bóc và bắt người đi phu xây đồn. Trong bản chỉ có người già và trẻ em ở lại giữ nhà, giữ đất. Phụ nữ, đàn ông bỏ trốn vào rừng dựng lán làm nương. Ngày ngày, Quang và Tha Von phải bí mật đi tìm đến các lều lán ẩn sâu trong rừng. Những đội du kích được thành lập và bí mật tập luyện, từ bản xa đến bản gần, từ bản Lào sang bản Việt.

*

Sau mấy ngày trèo đèo lội suối, lại thành lập thêm một đội du kích bản. Trên đường trở về hang Thẩm Mế, Quang và Tha Von dừng lại trên đỉnh núi Kéo Vén thả hồn theo làn mây trắng xốp bồng bềnh phía xa. Dưới kia là con suối ngăn ngắt hiền hòa nhìn như một con rồng xanh đang bay giữa mây, giữa nắng. Tha Von khẽ nghiêng đầu về phía Quang nhưng vẫn giữ một khoảng cách, để mặc mái tóc đen nhánh buông dài.

- Kia là suối Mơ Tươi đấy. Con suối không biết bắt đầu từ đâu. Nó không chảy thẳng theo đường biên giới mà từ đất Lào quê em chảy sang Việt Nam, rồi lại từ Việt Nam về Lào. Cứ thế chảy mãi như một đường chỉ thêu khâu nối hai nước chúng mình thành một. Anh thấy con suối có đẹp không?

Quang nhìn con suối uốn lượn, lại nhớ dòng sông quê nhà…

Chợt phát hiện một chiếc sừng đen bóng dưới chân vách đá cạnh đó. Tha Von nhặt lên đưa cho Quang, rạng rỡ:

- Đây là cái sừng của con sơn dương đực đấy. Con sơn dương đực chỉ bị rụng sừng khi con cái chết hoặc bị thợ săn bắn thịt thôi. Ai có cái sừng này thì sẽ lấy được người mình yêu… Nọng tặng cái sừng này cho anh Quang…

Chiếc sừng hơi dẹt và cong xoắn nhìn khá đẹp. Dọc đôi có thể làm được hai chiếc lược nhỏ xinh. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu Quang…

Đêm. Tranh thủ lúc mọi người ngủ, Quang bí mật gọt đẽo cái sừng sơn dương. Sau mấy đêm hí hoáy rũa mài, chiếc lược đầu tiên đã xong.  Chiếc lược nhỏ xinh cong theo hình dáng chiếc sừng nhìn khá đẹp và tinh tế. Anh khắc lên cán lược chữ Cúc để dành tặng người mình yêu thương vẫn chờ đợi ở quê nhà. Bây giờ bắt tay vào làm chiếc lược tặng Tha Von để cảm ơn cô về những ngày qua đã vì anh mà vất vả. Định bụng sẽ bí mật đến khi chiếc lược được hoàn thành.

Nhưng chưa kịp làm xong thì có tin khẩn của đại đội trưởng từ chiến tuyến Châu Yên hỏa tốc đến. Cấp trên đã tăng cường hai tiểu đội từ Mộc Hạ lên bản Phiêng Sa. Lệnh tiểu đội 3 rút về phối hợp với du kích bản Luông Mé, Thèn Luông bảo vệ cầu Chiềng Đông.

Quang cài chiếc lược còn làm dang dở vào một nghách đá bí mật rồi gấp tư trang, chuẩn bị lên đường. Việc quân gấp rút, chẳng thể đến cám ơn gia đình bác Lao Khô một câu, cũng không kịp nói lời tạm biệt Tha Von đành viết vội mấy dòng vào mảnh giấy gửi lại.

“Tôi phải trở về đơn vị gấp, không kịp tạm biệt Tha Von. Chiếc lược tôi làm từ cái sừng sơn dương còn dở dang…. Đợi chiếng tranh kết thúc, tôi sẽ quay lại làm cho xong chiếc lược để tặng Tha Von…”

Tha Von như không tin vào mắt mình. Đất dưới chân như rữa ra thành nước mắt. Trang giấy nhòe nhoẹt những con chữ. Những con chữ cũng đau đớn trước cuộc chia ly không hẹn trước.

Mấy dòng viết vội mà dằng dặc cả một thanh xuân khắc khoải đợi chờ…

*

Tiểu đội của Quang trở lại trận địa đúng lúc cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt nhất. Máy bay vận tải, máy bay chiến đấu như một đàn quạ đói quần đảo suốt ngày đêm. Bom ba càng, bom bướm, bom Na Pan, bom khói… rắc như vãi trấu dọc hai tuyến đường 13 và đường 6. Chúng âm mưu đánh sập cầu Chiềng Đông, băm nát các tuyến đường nhằm ngăn chặn chi viện của ta lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Trong một trận ném bom điên cuồng lúc nửa đêm, cả tiểu đội Quang đã hi sinh tại vị trí chốt chặn xung yếu ngay ở đầu cầu. Quang là người may mắn duy nhất sống sót, nhưng một mảnh bom đã cắt lìa chân trái. Nằm trong bệnh viện dã chiến, Quang thấy lòng còn nóng hơn khói lửa ngoài kia. Đồng đội anh vẫn ngày đêm vẫn kiên cường giữ chốt bảo vệ hai tuyến đường trọng yếu, còn anh đành bất lực nằm đây, làm sao không dằn vặt.

Không thể tiếp tục cầm súng, Quang đành về quê, gửi một chân ở lại chiến trường. Cúc vẫn mòn mỏi đợi chờ. Kỉ vật duy nhất Quang giữ được nguyên vẹn là chiếc lược sừng sơn dương.

Còn chiếc lược làm dở dang để lại hang Thẩm Mế, thi thoảng nó lại vô tình trở về trong giấc mơ như nhắc nhở Quang về một lời hứa với mảnh đất biên viễn mù sương…

*

Sau một hành trình dài, bây giờ thì ông Quang đã đứng đây, trước cửa hang Thẩm Mế. Đường vào hàng gồ ghề những nhũ đá. Nhờ cậu con út đỡ, ông chống nạng tập tễnh tiến vào. Trong khoảnh khắc, mọi ký ức xa xưa đột ngột trở về, như một dòng sương mây ào lên từ thung lũng. Ông ngỡ mình đang là anh bộ đội mười tám tuổi của mấy chục năm về trước. Ông đứng ngẩn ra, muốn nói gì đó mà sao giọng nghẹn lại. Từ khóe mắt dăn deo đục mờ, như có một giọt sương sớm rơi vào, nhòa nhoẹt. Chỗ tảng đá bằng phẳng kia là nơi ông và đồng đội họp mỗi đêm. Giữa hai trụ đá cao chỗ này là nơi mọi người đóng tạm những cái giường tre ngủ nghỉ… Bây giờ tất cả trầm lặng và hoang sơ, ẩm thấp và u buồn. Thằng Thạch, thằng Chiến, thằng Vũ, thằng Tùng… Rồi những bạn Lào nữa, bây giờ mọi người ai còn ai mất? Có ai trở về đây không? Cầm cái đèn pin nhỏ đem theo, ông run run soi vào từng góc nhỏ, nhũ đá. Mỗi nơi đều lưu giữ những kỉ niệm khó quên để mà rưng rưng, để mà nghẹn ngào xúc động.

Lần theo trí nhớ, ông Quang tìm thấy chiếc lược làm dở dang giấu trong nghách đá nhỏ. Ông áp nó lên ngực, cố nén sự xúc động đang trào lên như muốn bóp nghẹt trái tim.

Ông tìm về bản Phiêng Sa xưa. Cụ Lao Khô, người cứu sống ông năm ấy đã mất từ lâu. Chàng trai Tráng Lao Lử giờ đã là một cụ già tóc bạc. Hai mái đầu bạc gặp lại nhau mừng tủi nghẹn ngào. Bên mâm rượu khuya cạnh bếp lửa chờn vờn, những kỉ niệm hòa cả những ngọt bùi, đắng cay vào trong chén rượu.

Bất chợt ông Quang quay về phía ông Lao Lử.

- Ông còn nhớ cô Tha Von không? Ngày đó thỉnh thoảng ông dẫn tôi vào rừng săn, cô ấy cũng hay đi cùng. Rồi những lần đem cơm… Không biết giờ ở đâu? Mấy chục năm rồi…

Ông Lử rót thêm rượu vào chén, cời cho bếp lửa cháy to lên. Bà Tha Von vẫn còn sống đấy. Bà ấy không lấy chồng, vẫn ở một mình trong bản Pha Lóng bên Lào. Năm nào bà Tha Von cũng sang nhà tôi một lần, vào đúng ngày ông ra đi. Lần nào cũng chỉ hỏi xem ông có quay lại không, rồi lại trở về. Năm nay thì không thấy sang, chắc già yếu quá rồi. Ông có muốn gặp bà ấy không, ngày mai tôi đưa đi. Từ đây sang cũng hết một ngày.

Ông Quang như nhào về phía trước, nắm lấy tay Lao Lử, lập cập:

- Bà ấy… bà ấy còn sống thật sao? Bà ấy hỏi về tôi hả ông… hả ông…

Rót thêm cho chén rượu sóng sánh tràn cả ra ngoài, ông Quang xúc động. Tôi cạn với ông một chén đầy… một chén đầy vì niềm vui nó cũng đầy như chén rượu…

Bây giờ thì cả ông Lao Lử và ông Quang đều ngật ngưỡng say. Đêm đã khuya lắm. Gió từ rừng lào thào lay cửa. Hơi lạnh se sắt luồn vào đêm run rẩy. Ông Lử chất thêm củi, lù phù thổi cho lửa to lên, múc thêm rượu từ cái chum cho đầy thêm bát.

Lấy cái lược sừng từ trong túi áo bộ đội sờn bạc, với con dao mèo sắc ngọt treo trên vách, ông Quang hí hoáy tỉ mẩn gọt mài để hoàn thiện nốt. Thỉnh thoảng hai ông lại nâng chén rượu, lòng đầy sảng khoái. Men rượu khiến đôi tay như có thần. Ông nắn nót từng cái răng lược một cách tinh tế mà đầy ngẫu hứng trong niềm say mê nguyên vẹn.

Tiếng chim gọi sáng cất lên một hồi dài phía rừng xa, chiếc lược sừng cũng vừa lúc hoàn thành. Ông lấy gio bếp đánh kỹ một lượt rồi đổ bát rượu ngô tắm lên chiếc lược. Chiếc lược sừng cong vút và đen bóng. Ông cứ nâng niu, ngắm nghía mãi với một sự hồi hộp là kỳ.

Sau khi đến trạm kiểm soát biên phòng xin giấy thông hành, Lao Lử và ông Quang vội vã lên đường trong niềm hứng khởi rạo rực.

Đường đến bản Pha Lóng cao và dốc, gập ghềnh và cheo leo. Đường như sợi lanh nhỏ vắt dài trập trùng qua bao ngọn núi. Phải thuê hai xe ôm người bản địa đưa đi. Nhiều đoạn đường xe máy cũng không leo nổi, đành xuống lóc cóc đi bộ. Ông Lử còn khỏe, leo núi quen nên chẳng đáng ngại. Ông Quang chỉ còn một chân, chống nạng vượt dốc cao, muôn vàn vất vả. Bóng hai ông níu vào nhau, lầm lũi trong sương, nắng.

Bản Pha Lóng đã ở phía trước. Những ngôi nhà lợp broximang lúp súp rải rác quanh ngọn đồi khum khum tựa con rùa ngủ. Hai người dừng chân nghỉ bên gốc cây chăm pa đầu bản cho đỡ mệt và giấu sự hồi hộp đang nén căng.

Lại tiếp tục đi. Bây giờ thì hai ông đã dừng lại trước một căn nhà gỗ nhỏ cuối bản. Sau tiếng gọi của ông Lao Lử, cánh cửa khẽ mở. Một bà cụ tóc bạc phơ, lưng còng như cây Chăm Pa trước gió lẩy bẩy bước ra. Bà cụ nhìn về phía hai người khách. Ông Quang bàng hoàng. Đôi mắt kia… đôi mắt với ánh nhìn xa xăm và buồn hiu hắt, mỏi mòn ấy…Đúng là bà Tha Von rồi.

Gần như cùng lúc bà Tha Von cũng nhận ra ông, và gần như cùng lúc ông bà đã gọi tên nhau trong nghẹn ngào thảng thốt. Ông quang lập cập chống nạng tiến đến bên bà Tha Von. Ông lấy chiếc lược sừng run run chải nhẹ lên mái tóc bạc như khói chiều của bà, ầng ậng:

- Tôi trở về muộn quá, nhưng còn kịp tặng bà chiếc lược này. Tôi với bà có duyên nhưng mà duyên muộn phải không bà. Bà đừng ở đây một mình nữa. Về Việt Nam với tôi. Về với tôi, bà nhé…

Bà Tha Von rưng rưng nắm lấy chiếc lược ấp vào ngực. Rồi bà cúi xuống, nhặt lên một hòn đất, nghẹn ngào:

- Tôi đợi ông về để nói với tôi câu này đã mấy chục năm… Tôi đem theo hòn đất này theo ông về, để từ giờ tôi có hai quê để mà nhớ mà thương, có hai quê để mà đi và về…

______

1. Chá: Bố, tiếng Mông

Nguồn Văn nghệ số 33/2022


Có thể bạn quan tâm