April 23, 2024, 1:45 pm

Khoảng lặng của sân khấu đương đại

 

     Thực tế cho thấy, hằng ngày, trên khắp đất nước ta, các loại hình nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, múa… đang hoạt động hết sức sôi nổi. Dù khắt khe đến mấy đi nữa, chúng ta vẫn phải ghi nhận những thành tựu to lớn, đáp ứng lòng mong đợi của đông đảo công chúng, như các phương tiện truyền thông, báo chí, công luận đã phản ánh khá chân thực và đầy đủ. Vì thế, trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một vài tồn tại của loại hình nghệ thuật sân khấu, qua con mắt của một người làm nghề, từ trong “bếp núc” và phía sau những cánh gà của sân khấu… 

Cảnh trong vở " Giấc mộng vàng son". Ảnh Internet

SÂN KHẤU VỚI ĐỀ TÀI LỊCH SỬ

       Vừa qua, Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc Tuồng và Dân ca kịch đã được tổ chức tại Nhà hát Lam Sơn - Thanh Hóa, với  sự tham gia của 11 đơn vị Tuồng và Dân ca kịch cùng 16 chương trình nghệ thuật… Điều đó chứng tỏ sân khấu vẫn là một trong những loại hình nghệ thuật thu hút các nghệ sĩ trên con đường sáng tạo, trong cơn bão của kinh tế thị trường vô cùng khó khăn, vất vả; mà không khéo, nhiều khi người nghệ sĩ không còn là chính mình nữa trong công cuộc mưu sinh… Liên hoan lần này cũng tập hợp nhiều gương mặt trẻ, đây là một tín hiệu đáng mừng của sân khấu truyền thống, nó cũng minh chứng một điều này: nghệ thuật nói chung, trong đó có sân khấu, là một dòng chảy không ngừng của cuộc sống, mà sự tiếp nối của các thế nghệ sĩ như hết lớp sóng này đến lớp sóng khác... theo thời gian, tạo nên diện mạo của nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã tồn tại suốt hàng ngàn năm qua…

      Tuy nhiên, ngoài những thành công mà các đơn vị nghệ thuật đã gặt hái được, cùng những giải thưởng, huy chương vàng, bạc cho các vở diễn và các cá nhân… khi nhìn lại sau một liên hoan nghệ thuật, tôi vẫn thấy những hạn chế, những hạt sạn, những bất cập… trong một số vấn đề của sân khấu - từ nghệ thuật biên kịch, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật, múa… và nhất là nghệ thuật biểu diễn của diễn viên - đó cũng là lẽ tất nhiên, là điều bình thường mà chúng ta phải bình tâm, khách quan để khắc phục và hướng tới.

     Rõ ràng, những thành công của các vở diễn đề tài đương đại trong việc phản ánh cuộc sống hôm nay, đã được khẳng định với những thành công nhất định của nó. Nhưng với đề tài lịch sử, thì vẫn còn thiếu những kịch bản mới mẻ cả về hình thức cũng như nội dung. Không ít đạo diễn còn vấp phải những sai sót về quan niệm và phương pháp thể hiện đề tài qua các nhân vật. Một số vở diễn có tình tiết không chính xác, có vở còn lúng túng trong những mảng, miếng, thủ pháp dàn dựng…    

      Lịch sử với văn học, nghệ thuật quả là một đề tài rộng lớn, bởi vậy, chúng ta phải tổ chức tốt hơn việc đưa lịch sử lên sân khấu và phát huy tác dụng của sân khấu đề tài lịch sử. Những gì mà người nghệ sĩ đã suy nghĩ, đã viết, chính là trữ lượng tư tưởng, và đó là điều chúng ta hết sức quan tâm. Ngay cả trong lịch sử, sân khấu không chỉ nên viết về các nhân vật anh hùng, ông vua, bà chúa... mà cần phải đề cập đến quần chúng lao động, bởi đó chính là động lực của lịch sử… cũng như sáng tạo, hư cấu là quyền mỗi tác giả, nhưng không vì thế mà được phép xuyên tạc lịch sử một cách tùy tiện, chủ quan, áp đặt và duy ý chí…

      

TRỐNG VẮNG SÂN KHẤU HÀI ...

      Từ ngàn xưa, tiếng cười đã không thể thiếu được trong cuộc sống của loài người, trong đó có dân tộc Việt Nam. Trong các câu chuyện dân gian, cổ tích, tiếu lâm, cả huyền thoại, dã sử, lịch sử… cho đến kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca… tiếng cười đã trở thành vũ khí sắc bén, tạo nên sức mạnh cho con người, vượt qua những khó khăn, gian khổ của cuộc sống thường nhật, thiên nhiên huyền bí, hoang dã; và của chính sự tồn tại của con người trong đấu tranh giai cấp, để hình thành, tồn tại, phát triển. Tiếp thu những tinh hoa của di sản văn hóa dân gian trên nhiều lĩnh vực đó, từ khi xuất hiện, nghệ thuật sân khấu dân tộc Việt Nam, tiêu biểu là chèo, tuồng cũng như các thể loại sân khấu đương đại khác - đã sáng tạo nên nhiều nhân vật và các vở diễn hài nổi tiếng… mà tiếng cười đã được nghệ thuật hóa, tạo nên những giá trị đặc biệt, thực sự hấp dẫn công chúng để tồn tại đến hôm nay... Ngoài hấp dẫn, cuốn hút khán giả, người ta còn nói rằng tiếng cười còn là một vũ khí của sân khấu dân tộc. Tiếng cười đã giúp cho người nông dân Việt Nam, trong hàng ngàn năm lịch sử, đã đả phá nhiều thói hư tật xấu, tố cáo những hành vi áp bức, bóc lột. Tiếng cười, mặt khác, còn là một cách để “quên đi kiếp nạn trần ai” của người nông dân trước hoàn cảnh sống, dưới chế độ phong kiến...

       Cách đây tròn 8 năm, vào năm 2011, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Quảng Ninh đã tổ chức Liên hoan Sân khấu Hài toàn quốc, lần thứ nhất. Lần đầu tiên trong nửa thế kỷ qua, một cuộc gặp mặt của các nghệ sĩ hài, các trích đoạn hài, các tiết mục hài và vở diễn hài được tổ chức một cách quy mô, chuyên nghiệp. Vạn sự khởi đầu nan, đây là một cố gắng lớn của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, trong bối cảnh sân khấu thưa vắng khán giả hiện nay, nhằm thổi bừng lên ngọn lửa sáng tạo - vốn đã có vẻ nguội lạnh của các nghệ sĩ sân khấu hài - trước hiện tượng “hài kịch” đang biến thành “hề kịch”…

       Trong suốt cả một tuần lễ, khán giả của vùng đất mỏ Quảng Ninh đã được cười thoải mái, cười sảng khoái, cười hồn nhiên, hỉ xả…và cả những tiếng cười xót xa, chua cay nữa. Dù là tiếng cười như vỡ rạp, tiếng cười thầm kín, dí dỏm, hoặc tiếng cười “giật mình”, cười ra nước mắt để suy ngẫm; thì những tiết mục trong đêm khai mạc đủ các thể loại Tuồng, Chèo, Xiếc, Kịch nói, Cải lương đã thật sự là hài kịch, chỉn chu, nghiêm túc, sâu lắng…Khi những nhân vật hài của quá khứ hàng ngàn năm, hàng trăm năm trong Chèo, Tuồng, và nhất là những nhân vật của cuộc sống đương đại (các Sếp lớn, Sếp nhỏ, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng thôn, cán bộ hành chính các thành phố, tỉnh lỵ, bà con nông dân, chiến sĩ cảnh sát, người lính cựu chiến binh năm xưa, những thanh niên trẻ tuổi)…xuất hiện trên sân khấu. Phải nói rằng, Liên hoan sân khấu Hài đã có những thành công nhất định về nghệ thuật trong việc phản ánh nhiều vấn đề của cuộc sống…

      Tuy nhiên, bình tâm, khách quan và công bằng mà nói, nghệ thuật Hài, với những kịch bản hoàn chỉnh, hay các trích đoạn nội dung sâu sắc, có tính nghệ thuật cao, hấp dẫn và cuốn hút công chúng đương đại - nhất là với thế hệ khán giả trẻ, vẫn là một khoảng trống lớn của sân khấu hiện nay… Bởi đã 8 năm trôi qua, nhưng vẫn chưa thể tổ chức được một Liên hoan cho sân khấu Hài toàn quốc lần thứ hai? Đây chắc chắn là một vấn đề không nhỏ, rất cần sự quan tâm của đội ngũ tác giả, các nghệ sĩ sân khấu và sự chỉ đạo một cách tài ba, bài bản của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Nguồn Văn nghệ số 34/2019

                                     

       

 

    

   

       

 

 

                                           

 

   


Có thể bạn quan tâm