April 20, 2024, 12:46 am

Khoa học trong truyện tranh

 

Một hội nghị gần đây ở Pháp đã tập hợp các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu để thảo luận về cách vẽ minh họa khoa học, đặc biệt là trong các truyện tranh.


Truyện tranh dựa trên khoa học, như truyện “Le Labo” (Phòng Lab) của họa sĩ truyện tranh Jean-Yves Duhoo, rất phổ biến ở Pháp.

Truyện tranh, hay còn gọi là  “band dessinée” là một thể loại truyện được sáng tác một cách công phu, tinh vi và đầy phức tạp ở Pháp, nơi nó được các nhà sử học nghệ thuật coi là nghệ thuật thứ chín. Nhiều truyện tranh Pháp được viết dành cho người lớn và có chủ đề chính trị hoặc lịch sử. Vì vậy, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi truyện tranh dựa trên sự kiện/ câu chuyện khoa học có một vị trí đặc biệt ở đất nước này: thật vậy, đoàn làm việc của Pháp tại CERN (Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu) còn có chức danh “họa sĩ truyện tranh nội trú” trong nhiều năm, và một trong những cuốn sách bán chạy nhất năm 2017 là cuốn hồi ký phong cách truyện tranh của nhà du hành vũ trụ Thomas Pesquet. Vừa qua, những “siêu anh hùng” của vũ trụ truyện tranh-khoa học đã tụ họp tại Angoulême - thủ đô của truyện tranh Pháp để tham dự cuộc Hội thảo về cách kể các câu chuyện khoa học, cách vẽ minh họa khoa học (Telling Science, Drawing Science - TSDS). Ở lần tổ chức thứ hai này, hơn 100 nhà khoa học, nghệ sĩ và nhà giáo dục đã tập hợp để chia sẻ kinh nghiệm của họ và tìm kiếm những ý tưởng mới trong cách minh họa những câu chuyện khoa học.
Theo Pierre-Laurent Daures, thành viên ban tổ chức TSDS và chủ tịch của Stimuli, một hiệp hội điều phối hợp tác giữa nhà khoa học và nghệ sĩ, “kết hợp kiến thức khoa học với vẽ truyện tranh là một thách thức”, bởi một truyện tranh thông thường sẽ kể lại về trải nghiệm của các nhân vật theo một trình tự thời gian nhất định bằng các khung tranh nối tiếp nhau, trong khi đó những khám phá khoa học lại chỉ là những thực tế khách quan, vô thời gian và thường là không ẩn chứa một câu chuyện nào cả. Nếu dung hòa, giải quyết được sự khác biệt đó, “có thể sẽ tạo ra một giải pháp truyền thông khoa học đột phá”. 
Những giải pháp như vậy đã được trưng bày tại hội thảo TSDS. Ở lối vào của Bảo tàng Truyện tranh, nơi TSDS được tổ chức, có trưng bày một số các tác phẩm truyện tranh do các sinh viên đã tốt nghiệp thực hiện cho luận văn tiến sĩ của họ. Các tác phẩm này cũng nằm trong khuôn khổ các chương trình tiếp cận cộng đồng do trường đại học tài trợ. Trong các cuộc nói chuyện, các nhà nghiên cứu từ Pháp, Morocco và Chile đã trình bày một số truyện tranh dựa trên khoa học, chẳng hạn như một cuốn sách đã sử dụng truyện “Alice lạc vào xứ sở diệu kì” để giải thích các số liệu thống kê cơ bản. 
Nếu được thiết kế tốt, một truyện tranh có thể lôi kéo người đọc, khiến họ không thể rời mắt đến tận trang cuối cùng. Do đó, một khía cạnh quan trọng của việc truyền thông khoa học chính là cẩn thận lồng ghép các khái niệm khoa học vào các chi tiết của câu chuyện. “Chúng ta có thể thấy rằng khi kiến thức khoa học càng đóng góp vào cấu trúc của cốt truyện, khoa học càng trở nên dễ tiếp cận hơn”, Cécile de Hosson một trong những chuyên gia giúp tổ chức hội nghị TSDS và đến từ LDAR (một trung tâm nghiên cứu khoa học và toán học ở Paris), cho biết. Cô chỉ ra rằng mọi người thường đọc truyện tranh để cười hoặc để giải trí. Nếu một truyện tranh đáp ứng được các nhu cầu đó, nó sẽ là phương tiện hiệu quả để cung cấp kiến thức khoa học.
Sự hiệu quả đó thể hiện rõ nhất khi một truyện tranh khoa học lấy một khái niệm trừu tượng, khô khan và thổi hồn vào đó bằng sự hài hước hoặc bằng một cách thức minh họa thông minh. Trong Le Mystère du Monde Quantique (Những bí ẩn của thế giới lượng tử), một cuốn truyện tranh năm 2018 của nhà vật lý Thibault Damour tại Viện Nghiên cứu khoa học tiên tiến (IHÉS) ở Bures-sur-Yvette, Pháp và họa sĩ Mathieu Burniat, một phiên bản hoạt hình của Max Planck đang giải thích ý nghĩa của hằng số Planck cho một nhóm trẻ em trong khi đang làm bánh crêpe. Thay vì rắc hạt đường lên mỗi chiếc bánh crêpe, Planck lại đưa ra các viên đường, đại diện cho các gói năng lượng được lượng tử hóa. 


Trích từ phiên bản tiếng Anh của "Le Mystère du Monde Quantique" (Bí ẩn của thế giới lượng tử) của tác giả Thibault Damour và Mathieu Burniat. Để giải thích về lượng tử hóa, các tác giả đã vẽ Max Planck cắt ra những viên đường cho trẻ em.

Một chiến lược truyền thông khác được sử dụng trong truyện tranh chính là việc đưa những nhân vật không phải chuyên gia vào câu chuyện. Điều này được thể hiện bởi nhà vật lý Clifford Johnson tại Đại học Nam California trong tiểu thuyết đồ họa năm 2017 của ông với tên gọi là Các cuộc đối thoại (The Dialogues). Trong cuốn sách, các nhân vật thảo luận về các chủ đề vật lý như lỗ đen và đa vũ trụ trong các bối cảnh thân thuộc, chẳng hạn như trên tàu hoặc trong quán cà phê. Các cuộc trò chuyện hằng ngày thu hút độc giả. Nó khuyến khích độc giả xem bản thân họ cũng là những tiềm năng tham dự vào cuộc trao đổi, Johnson cho biết. Ông đã tự vẽ những bức minh họa cho cuốn tiểu thuyết, tận dụng nhiều công cụ mà chỉ có truyện tranh mới có được. “Bạn có thể có nhiều lớp hình ảnh trực quan: thực tế và trừu tượng, ẩn dụ và nghĩa đen, thậm chí cả văn bản, tất cả đều cùng nằm trên một trang và được nhìn thấy cùng một lúc”, Johnson cho biết. Ông cũng đã sử dụng phương pháp này để giải thích vì sao truyện tranh có thể giải thích được cách các hạt tương tác sử dụng sơ đồ Feynman. Ở một trang của cuốn truyện, hai nhân vật đang thảo luận về cách hoạt động của sơ đồ Feynman. Ở trang còn lại, Johnson vẽ một sơ đồ ví dụ, chia thành nhiều ô tranh nhỏ để giải thích cách hai hạt kết hợp với nhau, tương tác với nhau và rồi biến mất khỏi tranh. 
Truyện tranh có thể biểu diễn không gian và thời gian theo cách mà các hình thức truyền thông khác khó hoặc không thể nào làm được. Trong phát biểu tại ISDS của nhà vật lý vũ trụ Roland Lehoucq từ Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (CEA) ở Saclay, Pháp, ông trình bày nhiều minh họa mà ở đó các nghệ sĩ tận dung cách thể hiện không thời gian độc đáo của truyện tranh. Chẳng hạn như, một nhân vật ở khung trên của trang giấy “thăm dò” nội dung ở khung chân trang - ngụ ý là nhìn thấy trước tương lai để thay đổi hiện tại. Một ví dụ khác, một người vươn ra ngoài khung tranh để với ra khung bên cạnh – ám chỉ việc thực hiện một hành động can thiệp mờ ám từ xa. Các trang của truyện tranh cũng có thể được khoét lỗ để nhìn xuyên qua trang dưới, giống như “lỗ giun” (wormholes) trong không thời gian, cho phép người đọc có thể nhìn qua một chiều không gian mới, Lehoucq nói.   
Trong khi có các nhà khoa học như Johnson và Damour tham gia vào việc sáng tác truyện tranh, hầu hết các họa sĩ truyện tranh khoa học khác không phải là những người làm khoa học được đào tạo bài bản. Jean-Yves Duhoo, chẳng hạn, là một họa sĩ từng làm việc cho một bộ truyện tranh có tên “Le Labo” xuất hiện trên tạp chí truyện tranh Pháp-Bỉ với tên gọi là Spirou. Mỗi cảnh, Duhoo lại đến thăm một địa điểm nghiên cứu khác nhau, bao gồm Đài thiên văn Paris và cơ sở máy gia tốc hạt (synchrotron) ở Saclay. Duhoo ghi lại các chuyến thăm của mình bằng những bức ảnh, nhưng khi vẽ, anh làm việc hoàn toàn từ những gì còn lại trong bộ nhớ. “Tôi muốn ghi lại ấn tượng của tôi về nơi này,” anh nói. Nếu một chiếc máy có vẻ lớn, hoặc nếu một phòng thí nghiệm có vẻ lộn xộn, Duhoo sẽ thể hiện điều đó trong hình minh họa của mình. 
Bằng cách này, các nghệ sĩ như Duhoo dường như có lợi thế ở chỗ họ bước vào thế giới của nhà khoa học chỉ bằng một cây bút chì, bảng vẽ đồ họa và trí tưởng tượng. “Cách trình bày của truyện tranh khiến chúng tôi nhìn những câu hỏi khoa học dưới góc nhìn khác” Daures nói. Ví dụ, khi một nhà thiên văn học nói rằng Trái đất quay quanh Mặt trời, thì người nghệ sĩ, chẳng hạn, sẽ đáp lại bằng một câu hỏi mới, như là nên vẽ hai thực thể đó lớn như thế nào? Và từ góc độ nào thì chúng ta có thể quan sát được chuyển động này? “Việc minh họa buộc chúng tôi xem xét lại cách hiểu của mình về vấn đề đó” Dauren nói. □

Minh Châu dịch
Nguồn: https://physics.aps.org/articles/v12/69

Nguồn Tia Sáng

Có thể bạn quan tâm