April 20, 2024, 7:08 pm

Khi xe máy là “tội đồ”?

 

Trước sự bùng nổ của xe máy, Hà Nội đã chính thức đi đến quyết định cấm xe máy tại bốn quận nội thành, thời điểm thực hiện bắt đầu từ năm 2030.

 

Cần phải nói ngay rằng, đây không phải là lần đầu tiên chính quyền của một địa phương đưa ra quyết định chính thức đối với xe máy. Trước đó, tại nhiều thời điểm khác nhau, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác cũng đã đưa ra nhiều phương án để hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy như: chỉ cho phép xe máy lưu thông theo biển số (ngày chẵn-biển chẵn và ngày lẻ-biển lẻ), hạn chế đăng ký mới xe máy tại tất cả các quận nội thành, một người chỉ được đứng tên đăng ký một xe máy, xe biển số ngoại tỉnh không được phép lưu thông trong nội đô… Thậm chí còn có cả ý tưởng quy định phải đảm bảo vòng ngực ở một chỉ số nhất định mới được sử dụng xe gắn máy… Nói tóm lại, là chính quyền địa phương đã nghĩ ra mọi cách có thể chỉ để cấm người dân nói không với loại phương tiện giao thông đang được xem như phổ biến này…

Ngay lập tức các quy định trên đã vấp phải phản ứng gay gắt từ dư luận xã hội khi cho rằng chính quyền đã vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân. Thậm chí nhiều tiêu cực đã xảy ra và hệ lụy của nó có lẽ đến bây giờ cũng chưa được xử lý dứt điểm. Đó là tỉnh trạng người dân Hà Nội mua xe máy rồi chuyển về cho người thân tại các tỉnh thành khác đứng tên đăng ký hộ. Sau đăng ký người thì tiến hành sang tên đổi chủ, người cứ thế sử dụng do tin tưởng người thân dẫn đến những vụ kiện tranh chấp tài sản khi người được nhờ đứng tên xe máy cho rằng xe đó là tài sản của mình.

Ngoài việc cấm xe máy nhằm giảm áp lực giao thông lên hệ thống hạ tầng độ thị, thì việc đầu tư mở rộng và chỉnh trang các tuyến phố cũng được chính quyền nhiều địa phương lựa chọn, thậm chí giành mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển. Song  do thiếu quy hoạch đồng bộ, thiếu tầm nhìn chiến lược, xa rời thực tế nên hầu hết những quy định này đều không phát huy tác dụng. Thậm chí đi ngược lợi ích của người dân.  Song để có một quyết định cấm xe máy với 91 % đại biểu hội đồng nhân dân đồng thuận, thì đây nên được xem là sự đột phát vì sự phát triển của Hà Nội trong tương lai.

Song, thẳng thắn nhận xét về giao thông nội đô hiện nay mà nói thì xe máy không phải là tâm điểm của nạn ùn tắc giao thông. Và trong một chừng mực nào đó, khi  hạ tầng chưa phát triển, phương tiện công cộng còn yếu và thiếu cũng như đời sống của người lao động chưa vượt qua ngưỡng trung bình thấp thì việc lựa chọn xe máy làm phương tiện tham gia giao thông là hoàn toàn hợp lý. Chưa kể nó thích hợp với đặc thù “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” của Hà Nội.…

Hà Nội có 13 năm để chuẩn bị, đây là thời gian được cho là cần và đủ để tiến hành nói không với xe máy. Song trái với niềm tin của các đại biểu nhân dân, các cơ quan quản lý lại là sự lo lắng thậm chí hoang mang của người dân và nỗi lo giảm thị phần của các hàng sản xuất  xe máy. Đây là những nỗi lo có thật và hết sức bình thường của hầu hết người dân lao động, bởi (nếu như) Hà Nội thành công, thì không chỉ bốn quận nội thành cấm xe máy mà toàn thành phố cũng sẽ cấm xe máy, và rộng hơn là các khu đô thị tại các tỉnh lỵ cũng sẽ cấm xe máy. Và khi ấy, cái kết của xe máy thì ai cũng biết, nó sẽ chỉ còn tồn tại ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khi phương tiện công cộng chưa phủ sóng.

Hãy khoan nới tới cái viễn cảnh của một đô thị văn minh với những khởi đầu mới của các đơn vị vận tải công cộng, những phương tiện giao thông hiện đại, với sự “ăn nên, làm ra” của các ông chủ lớn không còn phai lo đối mặt với nạn tắc đường... Mà hãy nhìn thẳng vào hiện tại với hệ thống hạ tầng đang xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay, và tốc độ thi công, chi phí thi công vào loại đắt nhất hành tinh như hiện nay, thì liệu rằng 13 năm tới đây giao thông Hà Nội có thể thay đổi cục diện?... Hay nói cách khác là biến những ngõ nhỏ, phố nhỏ (từ làng lên phố) trở thành những con phố dài, rộng, bề thế?... Và khi ấy, những lão nông cũng sẽ trở thành những ông chủ ngồi xe hơi để cung cấp nông sản cho thành phố, hoặc giả nếu không sẽ trở thành hành khách của phương tiện công cộng… Bức tranh lạc quan ấy hẳn là còn quá xa vời nếu chỉ nhìn vào một giải pháp duy nhất là loại bỏ những chiếc xe máy tội nghiệp đã bao năm qua gắn bó với người dân thành phố…

Vậy nên chuyện cấm xe máy, có lẽ cần phải được nhìn nhận một cách thực tiễn hơn, chứ không thể chỉ là một chủ trương xuất phát từ khát vọng lạc quan đơn thuần…  

 


Có thể bạn quan tâm