April 24, 2024, 10:07 am

Khi nghệ thuật hoá thân lịch sử

 

Sự kiện lịch sử bi hùng trôi qua đã 50 năm, khi 13 chiến sỹ thanh niên xung phong (11 nữ, 2 nam) của Tiểu đội 2 (gồm 14 chiến sỹ), Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An kiên cường bám đường đến phút chót cuộc chiến tranh và anh dũng hy sinh ở tọa độ lửa Truông Bồn sáng ngày 31 tháng 10 năm 1968, thời khắc mà chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa (ngày 1/1/1968), Lệnh tạm dừng ném bom miền Bắc Việt Nam của Tổng thống Mỹ có hiệu lực. Họ, những người đang còn ở độ tuổi thanh xuân ấy, đã không đến kịp khoảnh khắc hòa bình cận kề. Họ trở thành biểu tượng anh hùng cao đẹp, như biết bao tấm gương cao cả của dân tộc ta trong sự nghiệp bảo vệ, thống nhất non sông, xây dựng Việt Nam giàu mạnh, trường tồn. Bấy lâu nay, nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng đã có nhiều tác phẩm viết về Tiểu đội Cảm tử Truông Bồn, Tiểu đội Thép Truông Bồn, nhưng ở loại hình sân khấu thì “Hoa lửa Truông Bồn” là tác phẩm đầu tiên.

Cảnh trong vở  Hoa lửa Truông Bồn

Kịch bản: PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ; Chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh: Nguyễn An Ninh; Đạo diễn: NSND Lê Hùng…do Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ dàn dựng, biểu diễn, đã đem lại nhiều xúc cảm thẩm mỹ và hiệu ứng bất ngờ cho khán giả sau 3 đêm diễn liên tục tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (20, 21, 22/1/2019).

 

Kịch bản: Một tâm hồn thế hệ

Hoa lửa Truông Bồn trước hết là câu chuyện chân thực đi sâu vào tâm hồn trong trẻo của tầng lớp thanh niên đã tình nguyện dấn thân vào cuộc chiến khốc liệt. Hướng khai thác vào chiều sâu tâm hồn con người, tác giả kịch bản đã dựng lại được cả Tâm hồn thế hệ,  về những lớp người rất trẻ, chân quê và bình dị ấy đã yêu và sống ra sao.

Vượt qua những khó khăn do phần lớn các nhân chứng đã hy sinh, đã già yếu, những hạn hẹp về tư liệu, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã vận dụng sự am hiểu về lịch sử (chứng tỏ qua các vở kịch Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Hừng Đông, Thầy Ba Đợi...) và dụng công chắp nối các sự kiện, tình tiết lịch sử, nhân vật lịch sử, khái quát hóa thành tính thời đại, tính điển hình, tính chân thực, tính lý tưởng để viết nên Hoa lửa Truông Bồn.

 Đây là một kịch bản sân khấu khái quát về những con người, một lớp người của một thời kỳ lịch sử. Tác giả đã kể lại qua bốn lớp vở, phục dựng lại câu chuyện về những chiến sỹ TNXP, bộ đội, người dân hết sức sống động và hấp dẫn. Họ như đang sống cùng chúng ta, bên ta, với ta, cùng ăn ở, nói cười, yêu thương, hờn giận và ham muốn. Đó là cách khắc họa hình tượng những người anh hùng tự nhiên, sống động, gần gũi. Đó cũng là yêu tố đầu tiên, bút pháp quan trọng, cốt tử làm nên tính hấp dẫn, xúc động, thẩm mỹ, giàu tính thuyết phục của Hoa lửa Truông Bồn.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ tỏ ra là người có tài khi ông thử sức mình để dựng lại một câu chuyện lịch sử mà không đóng khung trong bối cảnh, tình tiết khô cứng, công thức, giáo điều. Kịch bản Hoa lửa Truông Bồn tiếp tục cách nghĩ, cách nhìn, cách tái hiện lịch sử; nhận thức và khắc họa đúng đắn Bản chất Con người của một thời đại anh hùng, một thế hệ anh hùng. Trong kịch bản “Hoa lửa Truông Bồn” lần này, ông vẫn chủ trương khai thác mặt đời thường của các nhân vật, không chú tâm, lệ thuộc vào phản ánh tính khốc liệt của chiến tranh. Chính sự chủ đạo xuyên suốt trong bút pháp kịch bản đã tạo nên của lối đi riêng của tác giả. Việc xây dựng tuyến nhân vật, khi khai thác rất chủ tâm tâm lí nhân vật, nhấn vào bản chất con người Việt từ trong sinh hoạt, trong mơ ước và khát vọng bình thường với những mối tình cụ thể mà Hoa lửa Truông Bồn đề cập, đã không chỉ làm nên tính chân thực đầy thuyết phục cho khán giả hôm nay (nhất là cho giới trẻ khi nhìn lại quá khứ, về những người anh hùng của một thời đã xa) mà còn tô đậm nhân vật trở thành Nhân vật điển hình của văn học và sân khấu tạo đà hợp lí khi hành vi và phẩm chất anh hùng xuất hiện. Nghệ thuật dựng nhân vật, dẫn chuyện ở kịch bản của Nguyễn Thế Kỷ với hướng tìm tòi thể hiện này, tạo nên sức cuốn hút, tính thuyết phục khán giả “tin vào một sự thật” đã có.

Tôi cho rằng, đây là hướng đi đúng đắn, sáng giá, mà tác giả kịch bản đã làm nên sự thành công có tính cốt lõi của tác phẩm. Điều này không chỉ là bài học cho lĩnh vực sân khấu, nó là bài học có tính quy luật, đã thành kinh viện trong cả lĩnh vực văn học, khi tạo ra tác phẩm đụng đến đề tài lịch sử, bàn về tính anh hùng ca trong đời sống.

Chính từ nhận thức có tính kinh điển như vậy, khi bàn về con người thời cuộc, Hoa lửa Truông Bồn là vở kịch hát giàu tính khái quát, về thời đại, về tâm hồn, tạo nên hình ảnh có tính điển hình, rất hợp lí, không thi vị hóa cuộc chiến mà vẫn làm nên một dư chấn tình cảm không nhỏ trong lòng người xem hôm nay qua cái nhìn về một giai đoạn lịch sử.

Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên là một phóng viên chiến trường, cũng đánh giá: "Một vở diễn hết sức xúc động. Hoàn cảnh điển hình, tính cách điển hình và tình huống cũng điển hình. Không có tầm hiểu biết, năng lực nghệ thuật và tình yêu quê hương thì không thể viết được kịch bản này".

 

Hoa Lửa Truông Bồn vừa dân tộc vừa hiện đại

Từ kịch bản văn học của Nguyễn Thế Kỷ, nghệ sỹ Nguyễn An Ninh đã chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh và Đạo diễn, NSND Lê Hùng dàn dựng thành vở kịch hát Hoa lửa Truông Bồn. Câu chuyện lịch sử về một địa danh, một đơn vị anh hùng ở xứ Nghệ có khai từ và 4 lớp kịch được kể lại, hồi tưởng rất sống động và xúc động. Các nghệ sĩ thoại và hát với chất giọng Nghệ An thuần khiết, chân chất, biểu cảm, lại sử dụng đắc địa những làn điệu dân ca hay nhất của xứ Nghệ đã làm ra nét duyên riêng, không lẫn với vùng nào khác. Tôi hỏi Nguyễn Thế Kỷ: “Sao tác giả không “Bắc hóa” hay “phổ thông hóa” cách thoại của các nhân vật?”. Nguyễn Thế Kỷ cười mà rằng: “Nói năng, giao tiếp, cách phát âm, cả thổ ngữ, phương ngữ nữa...là những nét văn hóa rất đáng coi trọng, riêng có của từng vùng miền, sao lại phải “hóa” này “hóa” nọ. Mình bây giờ mà nhại tiếng Hà Nội thì mọi người sẽ nghĩ sao, còn trợn mắt lên ấy chứ. Vậy thì cứ để các diễn viên nói đúng như tiếng của nhân vật lúc sinh thời.”

Hoa lửa Truông Bồn đã tái hiện lại một thời hoa lửa, ấy là sống lại khí thế cách mạng trong một đặc thái riêng của Nghệ An tạo thêm tính gần gũi, giàu sức thuyết phục đối với khán, thính giả. Bởi câu chuyện về những người thanh nữ anh hùng đã xảy ra ở miền riêng Truông Bồn, vì thế đã tạo nên nét riêng không trộn lẫn với miền đất khác mà vẫn nêu rõ tính chất chung khí thế của một thời cả nước lên đường đi đánh Mỹ. Chính vì thế, cả ba đêm công diễn liên tục tạo nhiều xúc cảm, ghi dấu một vở diễn rất thành công, mang đậm dấu ấn riêng về một câu chuyện anh hùng của miền Trung lịch sử.

Vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh ấy được NSND Lê Hùng dàn dựng kết hợp nhuần nhuyễn với sân khấu hiện đại đầy ước lệ, kĩ thuật hiện đại như sự kết hợp với màn hình led, mỹ thuật, âm thanh, khói lửa, phim ảnh tư liệu đúng cảnh huống tạo nên sự hợp nhuần nhuyễn của hơn 4 lớp chuyện. Từ kịch bản tới dàn dựng hợp cảnh hợp người pha trộn với dân ca Nghệ Tĩnh, một mặt tạo nên vở diễn vừa dân tộc vừa hiện đại.

 Hoa lửa Truông Bồn, ngoài kịch bản đến chuyển thể và dàn dựng còn có sự vào vai rất xuất sắc của các diễn viên như NSND Hồng Lựu vai Trần Thị Thông (khi tuổi đã cao); NSUT Minh Tuệ vai Diên (khi tuổi đã cao); NS Thiên Huế vai Trần Thị Thông (lúc trẻ) … PGS.TS nghệ thuật Nguyễn Văn Thành nhận xét: "Lâu rồi, mới thấy một vở kịch hát truyền thống hội đủ ái, ố, hỉ, nộ đến thế, lấy được nhiều nước mắt và cả nụ cười, tiếng vỗ tay, tiếng khen thực lòng như thế…". Đúng như vậy, họ diễn mà không diễn, họ đã rất tự nhiên hóa thân vào nhân vật của mình, vào cảnh sắc quê hương mình, vào khát khao chân, thiện, mỹ của chính họ.

 

Từ Lịch sử tới Nghệ thuật cần một tấm lòng

Ba đêm công diễn vở kịch hát Hoa Lửa Truông Bồn đã thu hút rất nhiều khán giả ngồi chật ních trong Nhà hát của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khán giả từ trẻ đến những người từng tham gia trận mạc đều chăm chú theo dõi, vỗ tay tán thưởng và có nhiều phút rưng rưng xúc động. Đó là điều hiếm hoi đáng khích lệ cho sân khấu hôm nay. Ngay từ khâu kịch bản, tác giả tránh được những giáo điều khô cứng, minh họa dễ dãi khi khắc họa bản anh hùng ca về những người anh hùng. Vở diễn ra mắt đúng với dịp kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 TNXP anh hùng Truông Bồn tựa như nén tâm hương tri ân những người đã khuất. Tâm sự với tôi, tác giả Nguyễn Thế Kỷ nói: “Trong 13 người hy sinh ở Truông Bồn có 9 người quê hương Yên Thành của tôi. Ngày đó, cha tôi - một thương binh nặng thời chống Pháp là Chủ tịch huyện Yên Thành. Cha tôi cũng đội mưa bom, bão đạn, lăn lộn với cán bộ, quân và dân huyện nhà để sản xuất và chiến đấu chống Mỹ. Tôi còn nhớ như in khuôn mặt đau đớn tột cùng của ông khi nhận được tin những anh hùng của Tiểu đội Thép Truông Bồn đã hy sinh”.  Như vậy một sự kiện lịch sử, những con người lịch sử, những tình huống lịch sử đến nghệ thuật hẳn có cội gốc của nó. Tạo ra được một văn bản có tính nghệ thuật, thuyết phục được người đọc và người xem hẳn là con đường chẳng dễ dàng. Và lời tâm sự trên khẳng định một điều đơn giản rằng, tác giả kịch bản và cả đội ngũ nghệ sĩ đã có sự liên hệ rất sâu nặng với những người đã khuất, với trang sử bi hùng hôm qua.

Hoa Lửa Truông Bồn mang lại thông điệp đầy ân nghĩa cho thế hệ hiện tại và hẳn nó làm không ít người cầm bút suy nghĩ rằng từ lịch sử tới nghệ thuật, khi muốn có sự hóa thân để xây dựng hình tượng văn học, nghệ thuật chính phục được công chúng thì ngoài vốn sống, tài năng, rất cần một trái tim ấm nóng và sự lao động hết sức nghiêm túc của người cầm bút.

Nguồn Văn nghệ số 10/2019


Có thể bạn quan tâm