April 19, 2024, 10:18 pm

Khi “đổi mới” quay trở về vạch xuất phát

Khi những ồn ào về Bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 được biên soạn theo chương trình mới tạm lắng, thì việc phân hạng giáo viên nói riêng, viên chức nói chung không chỉ khiến người trong cuộc lo lắng, bất an, mà dư luận xã hội cũng cảm thấy thất vọng khi những “đổi mới” được cho là phù hợp với điều kiện thực tiễn, thực chất lại quay trở về vạch xuất phát.

Công bằng mà nói, việc phân hạng giáo viên, vốn là câu chuyện không mới, thậm chí nó đã trở đi, trở lại trong quyết tâm chấn hưng nền giáo dục từ mươi mười lăm năm về trước. Vào thời điểm đó, người ta gọi đó là phong trào “ba không”: Nói không với tiêu cực, nói không với chạy theo thành tích và nói không với đào tạo không đạt chuẩn. Sau “ba không”, Bộ tiếp tục đưa ra sáng kiến “chấm điểm” giáo viên nói chung, hiệu trưởng nói riêng, để làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành của từng cá nhân trên cương vị được phân công công tác. Chưa bàn đến hiệu quả của những giải pháp cơ học nói trên đến đâu, chỉ biết chưa có bất kỳ báo cáo mang tính chính thống nào được Bộ giáo dục & Đào tạo công bố về tỷ lệ giáo viên, hiệu trưởng có mức tín nhiệm thấp hay không hoàn thành nhiệm vụ. Việc lên lương vẫn tuân theo chế độ chung, theo kiểu “đến hẹn lại lên” trong khi chất lượng giáo dục hoàn toàn không có đột phá. Thậm chí, trong một chừng mực nhất định, nhiều chuyên gia giáo dục và nhiều nhà giáo tâm huyết cho rằng, giáo dục cần sự “Thay máu” từ giáo trình, phương thức giảng dạy lẫn người dạy và học. Sự “thay máu” cần phải được thực hiện đồng bộ từ các cơ sở đào tạo “nguồn” - đầu vào khối ngành sư phạm đến giáo trình giảng dạy bậc đại học, trên đại học. Sau đó là sách giáo khoa của từng cấp học phải được biên soạn theo hướng người học là trung tâm và phù hợp với xu hướng chung của thể giới. Mặc dù nhận được những khuyến nghị và đã có độ trễ về thời gian để Bộ Giáo dục & Đào tạo có thể tìm ra tia sáng ở cuối đường hầm. Nhưng kỳ vọng ấy đã không xảy ra, để thay vào đó là sự chắp vá trong biên soạn sách, loay hoay với việc chuẩn hóa trình độ giáo viên thông qua hàng loạt những yêu cầu mang tính bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, mà không phải thầy cô nào cũng cần đến chúng. Không có gì là quá, khi dư luận trong và ngoài ngành gọi đó là những “giấy phép con” cản trở con đường “thăng tiến” của nhiều người, nhưng lại là nguồn lợi béo bở của các cơ sở đào tạo các loại văn bằng, chứng chỉ nói trên. Và sâu xa hơn còn tạo nên khoảng tối trong cơ chế Xin - Cho vốn là khởi nguồn của tham nhũng bị xã hội lên án.

Sẽ không có gì phải tranh luận khi những sáng kiến về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo được chú trọng, bằng những sáng kiến đó có thể khiến cho giáo dục đổi từ Lượng sang Chất mà vẫn giữ được sự ổn định cần thiết. Song, mong muốn đó có lẽ vẫn nằm ở Thì tương lai. Bởi những sáng kiến nhân danh “đổi mới” lại quay trở về vạch xuất phát khi tiếp tục lấy kết quả các cuộc thi làm thước đo của thành tích.

Trước những ồn ào về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức khiến người trong cuộc và dư luận xã hội đi từ ngạc nhiên đến bất an. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan, nhằm ổn định về mặt tâm lý, tránh gây phiền hà cho giáo viên nói riêng, viên chức nói chung, giúp họ yên tâm công tác.

Như vậy, có thể thấy, không chỉ có Bộ Giáo dục & Đào tạo, tạo ra những “giấy phép con” để quản lý lao động ngành, mà tình trạng này cũng tồn tại ở nhiều lĩnh vực ngành, nghề khác nhau tạo nên làn sóng đua nhau học các lớp đào tạo để lấy chứng chỉ, bằng cấp. Điều này không chỉ gây lãng phí về tiền bạc (đối với cá nhân khi theo học bằng kinh phí tự túc và lãng phí nguồn lực công khi nguồn kinh phí được tổ chức, đơn vị quản lý chi trả từ ngân sách Nhà nước) mà còn tạo ra lợi ích cục bộ đối với các cơ sở đào tạo. Theo đó, sẽ có cuộc  “thanh kiểm tra” toàn diện được diễn ra để loại bỏ “giấy phép con”. Hy vọng rằng, kết quả sẽ không làm viên chức nói chung, giáo viên nói riêng thất vọng.

Hiện yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo xóa bỏ, nhưng những điều kiện cần và đủ để “thăng hạng” giáo viên vẫn đang làm khó lực lượng lao động ngành. Và đó chính là kỳ đà cản mũi khiến những nỗ lực “Đổi mới” của ngành Giáo dục & Đào tạo lại quay trở về vạch xuất phát.

Nguồn Văn nghệ số 14/2021


Có thể bạn quan tâm