April 25, 2024, 5:58 pm

Khi con ruốc vào mùa

 

       Tôi sinh ra ở một làng ruốc. Tuổi thơ đã lớn lên cùng nghề ruốc. Nói “nghề ruốc” tức đánh bắt ruốc biển. Miền Trung nhiều nơi gọi là “khuyếc”, miền Bắc gọi là “moi”. Thế nhưng do đặc tính sinh thái và hải lưu của từng vùng biển, nên chỉ có con ruốc ở Quảng Bình là vừa ngon, vừa ngọt và mềm. Đến nay, chắc chắn trong mỗi chúng ta ít ai bảo là chưa hề biết tới con ruốc. Đó là một loại tép biển. Nhiều người cho rằng ruốc lớn lên thành tôm nhưng theo các lão ngư thì không phải. Vòng đời của nó gần như chỉ quanh quẩn trong năm rồi biến đi theo sóng gió, bão tố, đến thời vụ lại xuất hiện lứa mới. Loài sinh vật bé nhỏ, mảnh mai này, coi thế cũng tinh ra phết. Không phải nơi nào nó cũng áp vào. Tùy theo thời điểm, mùa vụ. Tùy theo ngọn gió, con nước… để nó vào mỗi vùng biển khác nhau. Khi “trời tốt” có thể đánh bắt lai rai tới dăm ba ngày. Nhưng khi trời sắp có bão, hay gió mùa sắp về, lũ ruốc cứ áp đại trà vào sát bờ, thậm chí nó lăn thành vồng, thường gọi là “ruốc áp động”. Lúc này, chỉ cần chiếc vợt tay hay chiếc kheo đẩy bộ cũng có thể xúc được hàng tạ ruốc.

Nhớ lúc lên chín, lên mười, tôi thường được mẹ giao cho nhiệm vụ “đặc biệt quan trọng”, đi đưa cơm cho cha lặn ruốc. Những năm sau, cha cũng lặn ruốc nhưng trên thuyền của hợp tác. Học về, tôi vừa mang cơm vừa vác theo chiếc vợt cào ruốc. Lắm hôm gặp mé ruốc vào lộng, tôi cũng lội ào xuống như mọi người và kiếm được mấy cân. Tự mình làm ra cái gì nhìn cũng thích. Tôi mang bọc ruốc về, mẹ tôi vừa khen vừa ra đón từ ngõ. Tìm chiếc nong rắc phơi, tới chiều mẹ dùng chiếc “que chống rèm” đánh vào mặt sau mấy cái, tức thì con ruốc bong ra. Mẹ dùng chiếc lon sữa bò đen xỉn vừa lường vừa đếm, hơn ba chục lon con ạ! Tôi hạnh phúc và không quên kỷ niệm ngày đầu vào nghề ruốc của mình.

*

Ngày biển động, cấm có ai tìm thấy một con. Chỉ biết vào những lúc biển êm, ruốc mới di cư vào gần bờ. Yếu tố địa hình cực kỳ quan trọng, có những vùng ruốc xuất hiện quanh năm, cũng có vùng chúng chỉ áp vào theo những thời điểm nhất định. Nhưng có thể coi giai đoạn từ tháng tư đến tháng mười là chính vụ. Riêng phương tiện đánh bắt ruốc biển, Quảng Bình có gần nghìn tàu thuyền lớn nhỏ. Chỉ tính ba xã Ngư Thủy (Bắc, Trung, Nam) của huyện Lệ Thủy và xã Hải Ninh - Quảng Ninh đã có gần 300 thuyền và cả nghìn lao động làm nghề giã ruốc. Huyện Quảng Trạch có 5 xã biển, thì hầu như tất cả đều có nghề ruốc. Có điều, mỗi xã áp dụng một cách khác nhau. Quảng Xuân chuyên nghề lưới xăm, còn gọi là lưới trủ. Quảng Phú chuyên te và giã, Quảng Đông chuyên lặn và cào. Riêng Cảnh Dương hỗn hợp nhiều nghề nhưng phần đông là đi kheo. Có những đợt, chỉ tính các xã Ngư Thủy, Hải Ninh, Cảnh Dương đánh bắt mỗi ngày hàng chục tấn ruốc tươi. Mỗi thuyền thu từ 3-6 tạ/ngày, người đi kheo cũng có thể đạt trên tạ ruốc. Nếu bán ngay cho thương lái, giá từ 7000-10000 đồng/kg. Gặp lúc “tốt nắng”, ruốc chỉ phơi một ngày được bán với giá từ 60000-80000 đồng/kg tùy theo độ lớn nhỏ và màu sắc. Rõ ràng là một nguồn thu lớn cho nhiều đối tượng, kể cả các lao động không thường xuyên.

Bản thân con ruốc dễ chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Ăn tươi có thể xào chín tới, thái lá chanh non, kẹp bánh đa nướng. Hấp cách thủy trộn gỏi cuốn bánh đa nem. Nhiều người còn khoái khẩu hơn với món ruốc chua. Cách này có cầu kỳ chút đỉnh, ruốc tươi trộn dấm ăn, chút muối, riềng, ớt, tỏi và củ kiệu rồi đóng lọ. Đơn giản nhất là ruốc khô, với nồi canh khế, canh chay, rau muống, rau khoai hay ray đay, rau ngót… chỉ cần một dúm thôi đã cảm nhận vị ngọt đậm đà. Ruốc khô còn giúp các bà nội trợ, dễ dàng kiếm “đồ mồi” cho “đức lang quân”. Rang lon ruốc khô, bóc vài ba múi bưởi, thái quả xoài xanh, thêm quả khế, một dúm rau thơm, trộn đều cùng gia vị. Chỉ có thế mà “đệ huynh” tao ngộ hàn huyên, lắm phen “cưa” đứt cả lít. Vẫn chưa hết, lại còn cái anh “ruốc quết”, phía bắc gọi là “mắm tôm” được coi là thực phẩm để dành, sử dụng quanh năm với nhiều “công dụng đặc biệt”. Thơm ngon nhất là ruốc quết được chứa trong chum/vại sành, lâu ngày đông đặc gần như bánh đúc. Chẳng dấu gì, ngày trước trên mâm cơm của nhiều gia đình, thường có chén ruốc quết để ăn dặm, chấm rau luộc, chấm dưa, cà, chuối xanh. Những gia đình “sang” hơn thì có món “tương ruốc” để trong âu sành hoặc lọ thủy tinh. Nghe thì sang thật, té ra chỉ là lạc rang giả nhỏ, ớt bột được rây mịn, cho tất vào bát ruốc quết, trộn đều rồi ém vào bình. Bữa cơm xắn một nhát cho ra dĩa con, vắt thêm chút chanh, coi như thêm một món “bắt miệng” tốn cơm. Nhất là cái khoản “cầy tơ”, nếu không gặp “mắm tôm” coi như bỏ. Do thường múc bớt để dùng, giữa bề mặt đặc quánh ấy tạo ra một vùng lõm chừng cái bát to. Tại đây, một thứ nước có màu vàng sậm cứ rỉ ra, lắng đọng lại, trong veo. Đó chính là “nước mắm ruốc”, một thứ nước chấm “trên cả tuyệt vời”. Đúng thế, nước mắm ruốc dùng chấm xôi thì xôi nổi tưng, chấm lòng heo thì miếng lòng săn lại, bỏ vào miệng ngọt lừ.

Người Việt ta dù đi đâu, sung túc bao nhiêu vẫn lưu luyến quê hương và không quên hương vị quê nhà. Nhiều cô bác từ nước ngoài về tâm sự, cứ nghĩ đến cái mùi khẳn nồng và vị ngọt “dễ chịu” của con ruốc là đã thấy “ứa nước miếng”. Vậy nên cái anh ruốc tương, kể cả ruốc quết đã có cơ hội “nhập tịch” nhiều gia đình Việt, thậm chí cả những khu chợ Việt ở bên đó.

Gần ba mươi năm đi xa, mỗi lần có dịp nhớ về quê nhà, tôi luôn dành những phút hoài niệm về những mùa ruốc. Về những cú ngụp lặn của cha khi con ruốc rộ, về nụ cười của cha nở trên gương mặt răn reo và giọng nói ấm áp khi thấy con trai mang cơm bới… Cuộc đời có sự sắp đặt nào chăng? Khi trở về tìm nơi trú chân, tôi cũng an cư tại một làng biển. Đáng nói là ở đó, người dân làm nghề ruốc còn “siêu” hơn nhiều. Nói theo kiểu chữ nghĩa là phương cách người ta bắt con ruốc còn “đa dạng” hơn nhiều. Ngẫm ra, nghề đánh bắt ruốc không làm hại các sinh vật biển khác, không ảnh hưởng môi sinh, hủy hoại môi trường. Nghề ruốc nhanh kiếm ra tiền nên được coi là nghề “gỡ bữa”, “kiếm gạo” dễ dàng nhất, nhanh nhất trong các loại nghề biển. Nhớ lại những ngày kham khổ, “gạo châu củi quế”. Đang “tay không chân rồi”, lo chạy ăn từng bữa. Nghe biển có ruốc vào, kẻ vác kheo, người xách vợt chạy xuống, chỉ sau vài giờ đã có trong tay cả “mớ” tiền… Có thể nói, không có nghề nào đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả tức thì như nghề ruốc. Thế mới biết, xứ sở mình lắm sản vật, tuy bình thường nhưng là “cứu cánh” cho bà con khi chưa có điều kiện “làm ăn lớn”.

*

Đánh bắt loại hải sản này, thường sử dụng nhiều loại phương tiện và ngư cụ khác nhau. Từ Nghệ An trở ra đánh bắt bằng tàu, thuyền, bè mảng… Nhất là các khu vực Sầm Sơn, Hoàng Hóa, Hậu Lộc - Thanh Hóa, chủ yếu với nghề te và giã kéo. Quảng Bình chúng ta có nhiều cách đánh bắt. Từ Bố Trạch trở vào vẫn theo nghề giã nhưng vùng Quảng Trạch và Ba Đồn có phần đa nghệ hơn. Những nơi làm nghề te, trước mũi tàu được lắp hai càng lớn để buộc vàng te, khi gặp ruốc người ta hạ càng xuống rồi tăng tốc. Những nơi chuyên làm nghề lặn, bà con dùng thuyền gỗ hoặc thuyền nan, thường gọi là “bơ nan” và một số lượng lớn dùng vợt tay để cào. Đi kheo ở Cảnh Dương có hai cách, đi gần bờ thì đẩy trực tiếp nhưng khi ra xa, độ sâu từ 2-3m trở lên người ta phải lắp “chân cà kheo”. Nếu tiếp tục ra sâu hơn phải nối thêm ống. Ống cũng có ống ngắn, ống cao tùy theo mực nước. Mỗi lần lắp hoặc tháo ống, tự một mình người đó xoay xở, khó khăn nhưng nghề nghiệp nên cũng quen dần. Vùng ven sông Gianh có nghề cất vó, gọi là “rớ tàu” và nghề đóng đáy… Vào các dịp triều cường, nhất là trước và sau tết, ruốc áp cả vào trong sông. Vừa đón tết, bà con các làng Tân Mỹ, Mỹ Hòa, Tân Xuân, Thanh Hải… cũng thu hoạch khá, nhiều thuyền tới hàng tấn ruốc.

Đặc tính của người ngư dân, quen cần cù, lam lũ. Ngay cả những ngày vui tết, đón xuân nhưng có ruốc xuất hiện, tức thì trên biển có người đánh bắt. Thế là năm mới đã có tiền vào, vừa tăng thêm niềm vui, vừa khởi sự cho một năm làm ăn, hy vọng “cá dày ruốc được”. Tục ngữ có câu “Không chi cũng ngày tết/ Hết chi cũng ngày mùa”. Nhất là thời nay, tết đến chẳng thiếu chi “sơn hào hải vị”. Nhưng khi có ruốc về, người thì ra chợ, người đón mua từ biển. Ruốc tươi trộn gỏi hình như trở thành món khoái khẩu trong ngày xuân. Trời se se lạnh, nắng mới ươm ướm vàng, hoa lá thi nhau nhu nhú lộc non. Một vài chén “nùi lá chuối”, khà một tiếng rõ dài rồi cuốn bánh đa nem, chấm mắm pha mù-tạt. Chao ôi! Thật tuyệt! Ngày tết có ruốc về, chợ làng tăng thêm người mua kẻ bán, các mặt hàng khác cũng có cơ tiêu thụ rôm rả hơn...

Lúc trước, những ngày gần tết, người lo việc làng xóm thường đi các gia đình mượn bộ chân kheo. Sau đó sơn lại, dán màu xoắn ốc, tăng thêm vẻ cầu kỳ chuẩn bị cho lễ hội. Không ai là không sẵn sàng nhưng khi có ruốc vào, những gia đình đó không có đồ nghề để đánh bắt. Vài chục năm lại đây, những nơi tổ chức trò chơi này đã đặt làm những bộ chân kheo mang đặc thù riêng, vừa phù hợp với lễ hội, vừa giảm bớt lo lắng cho các “công bộc” và trở ngại cho bà con. Khi con ruốc sắp vào mùa, là lúc mấy bác thợ mộc khá bận rộn. Nói “mấy bác”, vì không phải ai làm thợ mộc cũng quen công việc này. “Làm nghề nào chiêm bao nghề đó”, các cụ nói cấm có sai. Nghề kheo, như trên đã nói. Khi con ruốc nằm khơi, phải nối chân lên để bám theo chúng. Phải làm sao cho việc tháo lắp thật thuận lợi, một mình thao tác dễ dàng. Bởi vậy người ta chăm chú bào quét chiếc sào cái và đôi sào con, xoi tiện làm sao cho đôi chân kheo và các cặp ống phải chính xác như những chi tiết máy. Chau chuốt kỳ công nhất là cặp “tù và”, đây là hai bàn trượt để đẩy chiếc kheo lướt đi nhẹ nhàng. Cánh thợ lưới cũng tấp nập đơn hàng, nào đóng giã, đóng kheo, may vợt… Có dịp ngắm biển những ngày có ruốc, một bức tranh hài hòa, quyến rũ. Mặt biển nhộn nhịp bơ, thuyền quay trở. Những chiếc nón mấp mô trên mặt sóng, thỉnh thoảng một vài miệng kheo được cất lên, xem chừng mức độ “ăn” ruốc của đường kheo. Trên bờ tấp nập xe đạp, xe máy chở “hàng” về. Đây đó, những đống ruốc tươi hồng đang đợi người đi đón. Trẻ em như cảm nhận được niềm vui, nô đùa bên sóng, chợt chúng “bu” lại khi có một bác nào đó vác kheo vào bờ đổ ruốc. Đón “hàng” về, là lúc công việc của các bà bắt đầu. Trời nắng đem phơi, trời mưa đem muối, rồi thu quén, quết, giả… bao nhiêu “vấn đề” cứ tuần tự ở một làng ruốc. Rồi con cháu về! Miền Bắc ư? Miền Trung ư? Kể cả miền Nam! Ruốc khô, ruốc muối củ kiệu, muối đu đủ, nhất là ruốc quết làm tương đã sẵn sàng. Ngày chúng lên đường, cứ thế cho lên xe “dường nằm cao cấp” hành quân luôn!

*

Mấy năm nay, bà con phấn khởi vì ruốc liên tiếp được mùa. So với các hải sản khác, ruốc biển đảm bảo độ tươi, sạch, nên được nhiều người ưa thích, tiêu thụ dễ dàng, dù giá cả có thấp chút đỉnh. Độ trước và sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, ruốc cũng áp sát bờ. Chưa biết chuyện chi nhưng thấy của thì tham làm cái đã. Bà con đánh bắt ruốc có dịp phơi phong, muối mắm, thôn xóm sực nức mùi… thơm. Khi biết lượng ruốc này bị ô nhiễm, các gia đình chấp nhận để ứ đầy các chum vại. Từ khi biển sạch, việc đánh bắt ruốc trở về với sự sôi động vốn có của nó. Chiều xuống, tới đâu cũng gặp những bữa nhậu mà “mồi mè” là ruốc tươi. Những ngày tốt nắng, các trục đường bê-tông trở thành “thảm ruốc” đỏ hồng, thơm lựng. Số ruốc do đi về muộn vẫn phải đem muối làm ruốc quết, lại phải sắm thêm đồ chứa, xếp chật cả sân. Nhìn vậy, vẫn chưa quên một thời “biển ốm” nhưng tết đến, xuân về, nhà nhà vẫn ấm cúng, vui vẻ, không khí đón xuân vẫn rạo rực khắp thôn làng. Ai cũng tin rằng tất cả rồi sẽ qua đi, sẽ lùi nhanh khi người ta tìm thấy ở mùa xuân những hứa hẹn tươi mới. Bởi vậy, khi có thương lái mua hàng, mọi người chỉ bán đi số mới mà không hề đếm xỉa tới lượng ruốc nhiễm bẩn. Với một lý do đơn giản: “Đã biết ruốc bị ảnh hưởng còn bán cho người ta ăn sao?” 

Nguồn Văn nghệ số 16/2019

                                                                                         

 

 

 


Có thể bạn quan tâm