April 20, 2024, 7:33 pm

Khát vọng Kon Tum

 

Một thế kỷ, cộng một thập kỷ để có một KonTum 110 năm thành lập. Kon nghĩa là làng, Tum nghĩa là hồ, từ một làng hồ nhỏ bé bên dòng Đăk Bla năm xưa của các dân tộc Bana, Xê Đăng, Gia Rai, Giẻ- Triêng , B'râu, Rơ Mâm đã hội tụ trên đại ngàn Tây Nguyên, KonTum đã vươn lên phát triễn nhanh bền vững.

 

Lãnh đạo, chính quyền thành phố Kon Tum đón nhận danh hiệu Đô thị loại 2 của Thủ tướng Chính phủ


Đến nay tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn đã đạt 17.627 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 52,43 triệu đồng, tăng 5,65 triệu đồng so với năm 2021, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm 4%, hộ giàu tăng. Hệ thống đường điện trường trạm đã được xây dựng kiên cố giữa màu xanh bạt ngàn của cà phê, cao su, vườn dược liệu, vườn cây ăn trái.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,86%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Diện mạo nông thôn và đô thị không ngừng đổi mới; các tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư, góp phần phá thế ngõ cụt, tạo nên hành lang kết nối với các tỉnh lân cận. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Qua thực tế ở khu du lịch sinh thái Măng Đen thuộc huyện Konplong, chúng tôi đã thấy một sự đổi thay vượt bậc. Các Farmstay, vườn ăn trái đầu tư công nghệ cao được mở rộng. Đặc biệt là có nhiều vườn rau chuẩn Nhật Bản để cho khách thập phương tự hái tự cân. Tại khu phố chợ Konplong đã hình thành ban đầu phố đi bộ mang tên Đại Lộ Hoàng Hôn và cà phê Săn mây. Ngay từ đầu năm ông Trần Hào Hiệp đã di thực hàng trăm gốc cây Mận Bắc Hà về trồng để tạo nên cảnh quan mới lạ cho khu du lịch Măng Đen.

 

Toàn cảnh sân khấu hóa lễ kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum


Trong dự án phát triển của Konplong, khu vực 37 Hộ được quan tâm đầu tư công nghệ cao. Theo chân đoàn cán bộ của tỉnh Đắk Nông về thăm quan, khu cà phê và ẩm thực Roise Garden đã làm nên một điểm Check in trên bản đồ du lịch Măng đen.
Chúng tôi về vùng căn cứ cách mạng TuMrông, từ một huyện nghèo đặc biệt khó khăn, nay đã vươn lên phát triễn rõ nhất là các thôn làng vùng sâu vùng xa, nhiều ngôi nhà ngói khang trang đã xuất hiện, các khu tái định cư ngay hàng thẳng lối.
Con đường 672 xưa kia đất đá lởm chởm nay đã được nâng cấp thành quốc lộ 40B thông thương với huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Đến nay 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 80% các tuyến đường liên thôn, liên huyện được nhựa hóa hoăc bê tông hóa.
Về văn hóa, đến nay nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số đã được nghiên cứa phục dựng, nghề dệt trang phục thổ cẩm của dân tộc Bana, Gia Rai đang được đề nghị Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du lịch đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể của Quốc Gia.
Đến không gian văn hóa cà phê Eva tại thành phố Kon Tum, chúng tôi như sống dậy ký ức xưa về văn hóa làng của các dân tộc Bana, Xê Đăng, B'Râu.. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Ẩn bộc bạch : Chào mừng 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum, tôi phục dựng ngôi nhà của ông bà để lại kết hợp với kiến trúc nhà sàn bản địa của các dân tộc Tây Nguyên nhằm giữ gìn ADN của kiến trúc nhà truyền thống. Đặc biệt thế hệ trẻ của các dân tộc trên địa bàn Kon Tum đã tiếp thu được các công nghệ của văn minh đô thị, góp phần giữ gìn được nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngồi bên dòng sông Dăk Bla, cháu gọi nhà thơ Thu Bồn bằng bác - ông Hà Ban, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cởi mở: 110 năm tỉnh Kon Tum thành lập, biết bao đổi thay, nói gì xa xôi, trước mặt mình đây, mùa khô nắng hạn khô khốc, nay nhờ khai thông dòng chảy đã thành lòng hồ mát mẻ, thư thái. Mời các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ các anh về đất " Lòng Hồ" để ngắm các nhà rông truyền thống, xem các điệu múa hát xoang, theo nhịp cồng chiêng để thăng hoa cùng dòng Đắk Bla thơ mộng, trầm tích sử thi này. " Ông khoe với chúng tôi mới đi thăm Khu di tích lịch sử trận đánh trên điểm cao Chư Tan Kra, nơi những chiến sĩ mũ sắt của Hà Nội quần nhau với địch và hy sinh oanh liệt ở đó, được lãnh đạo, chính quyền Hà Nội đầu tư xây dựng khu tâm linh nơi đây. Ông còn bảo tập trường ca Chư Tan Kra mây trắng của nhà thơ Lữ Mai đã phản ảnh cuộc chiến vào tháng 3 Mậu Thân 1968 giữa người lính Thủ Đô với quân Anh Cả đỏ rất khốc liệt mà giọng thơ rất nhân văn, giàu cảm xúc, giàu thi ảnh và sáng tạo ngôn ngữ" .Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, nguyên lãnh đạo huyện Sa Thầy bộc bạch: " Nhà báo biết không, xưa kia lên đây chỉ thấy toàn bụi le, lau sậy đi lại mịt mù ngập ngụa bụi, lầy, nay đường thông thoáng đến buôn làng. Các thiết chế văn hóa được đầu tư, nhà rông được xây dựng, các điệu múa, hát xoang cồng chiêng được phục hồi". Kon Tum không chỉ dồi dào các trường ca sử thi của các dân tộc, không chỉ giàu có về chiêng, ché cổ mà còn phong phú về nguồn văn học viết. Nhà thơ Tạ Văn Sỹ quả quyết và chứng minh như thế khi tặng cho chúng tôi cuốn sách Văn học viết Kon Tum (1930-1975) do anh sưu tập, hiệu đính và biên soạn của 55 tác giả gồm chí sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng chống thực dân, phong kiến, bị bắt, bị đày lên Kon Tum, cán bộ từ duyên hải miền Trung lên T.

Kon Tum kháng Pháp, cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào Nam đánh Mỹ; những người sinh sống hoặc công tác trong vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Đánh giá về chuyển biến đậm nét của văn hóa văn nghệ của Kon Tum, nhạc sĩ Phan Đức Luận, cựu chiến binh từng chiến đấu giúp bạn Lào, nguyên giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin Kon Tum, nhà thơ Hữu Kim, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Kon Tum đều xác định: Văn hóa nghệ thuật là linh hồn của đại ngàn Kon Tum. Không gian văn hóa cồng chiêng được triển khai khắp huyện, xã. Các buôn làng đều có đội cồng chiêng biểu diễn. Đội cồng chiêng xã Hơ mon huyện Sa Thầy đã đi giao lưu biểu diễn ở Nhật, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á. Chính quyền và người dân đều thấy hiệu quả từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm văn hóa. Ở Măng Đen, nhiều biệt thự bỏ hoang đã khởi động sơn sửa, chỉnh trang mạnh mẽ từ trước và sau lễ hội thổ cẩm, lễ hội hoa anh đào. Một tỉnh hơn nửa triệu dân mà hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có gần 150 vị, các chi hội trung ương về văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, dân gian đều hình thành và hoạt động sôi nổi, có chất lượng. Các gầm nhà sàn lúc xưa chăn nuôi súc vật, nay đồng bào biết chăn nuôi khu vực riêng. Các doanh nghiệp ở các huyện, nhất là ở Măng Đen đã làm những trang trại trồng các loại hoa quý, trái cây đặc sản, mở các nhà hàng ăn uống các đặc sản bản địa. Đồng bào xã Hiếu đã biết trông cây chè để biến trà mang tên Đông Trường Sơn. Ngay như góc cuối khu chợ huyện Kon Plông, doanh nhân Trần Hào Hiệp từ Đồng Nai lên đã " bén rễ xanh cây"xây dựng phố đi bộ Đại lộ Hoàng Hôn, di thực 600 cây mận Bắc Hà về trồng để tạo cảnh quan lạ, đẹp cho du khách, nhất là dân đi phượt, dân nhiếp ảnh nghệ thuật ghé lại uống Cà phê Săn Mây hấp dẫn đến nao lòng khó cưỡng.

Đêm ngày 9.2, dự lễ kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum, không chỉ chúng tôi mà hàng trăm đại biểu, hàng ngàn người dân đều mãn nhãn với màn bắn pháo hoa và chương trình nghệ thuật đặc sắc "Đi tới phía mặt trời"với cả trăm diễn viên và quần chúng. Trống chiêng, vũ điệu đầu trần, chân trần, lời ca, lời ru mang bản sắc âm hưởng bản địa đã tái hiện sức sống mãnh liệt trong đấu tranh cách mạng và xây dựng hòa bình của các dân tộc Kon Tum. Khi kết thúc bài viết này, chúng tôi nhận được hai tin đại hỷ: Thành phố Kon Tum đã được Thủ tướng trao quyết định công nhận đô thị loại 2; UBND tỉnh đã lập dự án trình Chính phủ phê duyệt dự án mở cao tốc liên kết Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum - Quảng Nam và xây dựng sân bay ở Măng Đen. Mong rằng trên con đường hội nhập, hòa nhập, tỉnh Kon Tum sẽ phát triển nhanh mà bền vững, giũ gìn tốt sinh thái môi trường.

Lê Anh Dũng & Đặng Đình Khánh


Có thể bạn quan tâm