April 20, 2024, 4:31 pm

Khát vọng khơi xa

Cách đây ít năm, tôi có dịp trở lại vùng biển Cửa Việt, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Khi ấy dư luận trong nước và quốc tế đang lên án mạnh mẽ hành động trái phép của Trung Quốc đối với chủ quyền nước ta ở biển Đông. Khoảng mười, mười lăm năm trước, tôi từng đến Cửa Việt đôi lần.

Dẫu biết rằng Cửa Việt khi đó là địa phương đánh bắt hải sản trên biển được tiếng là “ăn nên làm ra” nhất tỉnh. Không ở đâu có được đội tàu thuyền mạnh như ở Cửa Việt. Và không ở đâu có được lượng hải sản đánh bắt hàng năm cao như ở Cửa Việt. Nhưng lúc ấy, qua tìm hiểu cán bộ địa phương ở đây, tôi biết tàu thuyền, ngư cụ của ngư dân Cửa Việt hãy còn rất thô sơ, đâu có được như bây giờ. Tuy đã có một đội tàu thuyền được cho là mạnh nhất, đông đảo nhất về số lượng, thuộc vào hàng nhất nhì trong huyện, nhưng tàu thuyền nào lớn nhất ở Cửa Việt lúc ấy cũng mới chỉ đạt công suất từ 100 đến 130 mã lực. Vì vậy mà sức vươn ra khơi xa của người ngư dân vẫn còn rất hạn chế. Đó là chưa kể một số lượng lớn người dân quanh năm chỉ biết quanh quẩn khai thác ven bờ, “sáng vác thúng ra, tối vác thúng về” như một thói quen mà không thể dễ dàng bỏ đi ngay được! Ở đâu cũng vậy, làm ăn chưa ra thì lấy đâu tiền của để xây dựng nhà cửa, mua sắm trang bị tàu thuyền, máy móc. Rồi cuộc sống hàng ngày, chuyện học hành của con cái... Biết bao nhiêu việc cần chi tiêu, người dân Cửa Việt lúc đó chỉ còn biết trông chờ vào mỗi chuyến tàu ra khơi. Có thể nói Cửa Việt ngày ấy vẫn còn rất khó khăn.

Cửa Việt vài năm trở lại đây đã hoàn toàn đổi khác. Tôi đã thầm kêu lên như vậy khi có dịp được trở lại thị trấn này, được đứng trên cầu Cửa Việt, cây cầu lớn nhất, đẹp nhất trên quê hương mình mà phóng hết tầm mắt nhìn ra bốn hướng. Trước mặt tôi là vóc vạc tươi trẻ của một thị trấn chan hòa giữa nắng và gió. Nắng gió ở đây mới thật đúng là nắng gió biển khơi. Suốt mùa hạ bầu trời lúc nào cũng cuồn cuộn gió và rực rỡ nắng. Nắng gió giao thoa, tràn trề, phóng túng. Những ngôi nhà cao tầng, những tường vôi mái ngói, những con đường nhựa đen bóng cũng lấp lánh trong ánh mặt trời. Và kia, ngay trước mặt tôi là đại dương bao la, một màu trong xanh, trải dài mênh mông tưởng chừng như vô tận.

Không có thời gian đi khắp cả thị trấn, tôi ghé về khu phố 5. Đây là khu phố trung tâm của thị trấn Cửa Việt. Thoang thoảng trong gió chiều là mùi cá nướng, mực nướng thơm nồng, mùi mằn mặn, tanh tanh rất đặc trưng của biển cả. Vô số những tàu thuyền đang đỗ ở cửa sông, chiếc nào cũng phấp phới cờ đỏ sao vàng trên nóc, chuẩn bị chờ xuất bến cho một chuyến làm ăn xa. Bác Bùi Đình Sành, cựu chiến binh, Trưởng ban tự quản tàu thuyền của khu phố 5 vui vẻ nói với tôi: “Tìm hiểu về Cửa Việt, chú chỉ cần biết chuyện làm ăn ở khu phố 5 này là đủ. Từ khu phố 5 chú có thể suy ra cả thị trấn này...”. Bác Sành năm nay đã 65 tuổi, nhưng vóc dáng của một ngư dân như bác, chẳng ai nói bác đã ở vào tuổi ấy. Trong mắt tôi thì bác vẫn còn trẻ khỏe hơn rất nhiều so với tuổi. Bác kể với tôi, hồi chiến tranh bác là du kích mật hoạt động ngay ở Cửa Việt này, rồi đến ngày quê hương giải phóng vào năm 1972, bác lại ra nhập quân đội, công tác trong một đơn vị Hải quân, sau đó mới xuất ngũ trở về với cuộc sống đời thường, làm một ngư dân bám biển. Mấy mươi năm lăn lộn với biển cả, quen với cảnh “ăn sóng nói gió”, bác hiểu từng ly từng tý về mỗi con nước lên xuống trong mùa. Sáu năm nay, kể từ khi đội tự quản tàu thuyền của khu phố 5 thành lập, bác được xã viên tín nhiệm bầu làm trưởng ban. Thỉnh thoảng, nhớ nghề, vào vụ cá nam bác vẫn một mình “ra khơi vào lộng” trên chiếc thuyền nhỏ của mình.

Bác Sành cho biết, đội tàu thuyền khu phố 5 bây giờ có tổng cộng hơn 40 chiếc, trong đó có tới 35 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ, mỗi chiếc có công suất từ 300 đến 900 mã lực, chiếm một số lượng đáng kể số tàu thuyền đánh bắt xa bờ của cả thị trấn Cửa Việt. Nhiều năm trở lại đây, nhờ mở rộng ngư trường ra các vùng biển xa mà ngư dân Cửa Việt, nhất là ngư dân ở khu phố 5 này đã tích cực bám biển khai thác được một lượng hải sản rất lớn. Nếu như trước đây sản lượng hải sản hàng năm của ngư dân khu phố 5 chỉ đạt trên dưới 1.500 tấn mỗi năm, thì nay con số ấy đã lên tới 2.200 tấn mỗi năm, trong đó hàng hải sản xuất khẩu chiếm một tỷ lệ đáng kể, đạt gần sáu mươi phần trăm. Cá thu, cá chim trắng là hai loại hải sản luôn được thị trường xuất khẩu ưa chuộng và chấp nhận. Hàng hải sản nội địa ngày càng được mở rộng ra, không chỉ đáp ứng nhu cầu tươi sống tại chỗ mà còn được chế biến, bảo quản tiêu thụ ra các địa bàn khác mang lại nguồn lợi cao.

Trong câu chuyện của bác Sành, có một điều làm tôi chú ý, đó là trong đội tàu thuyền xa bờ ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, có rất nhiều ngư dân là cựu chiến binh. Hỏi chuyện bác Sành tôi mới vỡ lẽ ra rằng, trong tổng số 35 tàu xa bờ của khu phố 5 thì có hơn một nửa chủ tàu thuyền là cựu chiến binh. Còn anh em làm trên tàu, tức là các nhân công, các thuyền viên thì phần lớn là cựu chiến binh hoặc là cựu quân nhân. Những người này chủ yếu là người ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh và một số nữa ở các xã như Triệu An, Triệu Vân của huyện Triệu Phong, họ thuộc diện lao động nông nhàn được các chủ tàu thuê làm việc. Họ đa số trước đây từng là dân quân, du kích, là bộ đội phục viên, xuất ngũ về làng. Tất cả họ ít nhiều đã trải qua những năm tháng được rèn luyện trong quân đội, có người còn là lính chiến đấu ở biên giới Tây - Nam hoặc biên giới phía bắc... Là ngư dân mà cựu chiến binh thì trăm việc, việc gì cũng trôi chảy. Từ ý thức làm việc, tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, đến các sáng kiến cải tiến ngư cụ khai thác sao cho hiệu quả... anh em cựu chiến binh đều làm rất tốt. Nhất là trong thời buổi hiện nay, khi mà ngư trường ở biển đông đang có những biến động bất lợi, thì sự có mặt của ngư dân là cựu chiến binh trong mỗi chuyến ra khơi có thể nói không thể ai hơn. Và nhân dân, những người mẹ, người vợ của họ ở đất liền cũng rất an tâm về điều này. Ở khu phố 5 nói riêng và thị trấn Cửa Việt nói chung, anh em cựu chiến binh rất hăng hái trong các phong trào của tập thể. Họ luôn đi đầu gương mẫu, nêu cao ý thức trong mọi công việc. Dù hôm nay đã trở về với cuộc sống đời thường, họ vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp của người lính thuở nào.

Ở thị trấn Cửa Việt hiếm có một gia đình nào mà cả mấy cha con hàng chục năm qua cùng gắn bó với biển và làm nghề biển như gia đình ông Bùi Đình Chình. Ở đây không ai là không biết lão ngư dày dặn kinh nghiệm ngư trường này. Và mỗi khi nhắc tới gia đình ông là người ta lại nói đến sự lao động hết mình, quanh năm bám biển, quanh năm chịu thương chịu khó của mỗi thành viên trong gia đình ông. Lão ngư Bùi Đình Chình sau mấy chục năm lăn lộn cùng biển cả, giờ đã ở vào tuổi 82, dù nghỉ ngơi an nhàn vẫn không quên động viên con cháu làm ăn. Theo gương cha, cả sáu người con trai của ông là Bùi Đình Thành, Bùi Đình Cam, Bùi Đình Nam, Bùi Đình Cảm, Bùi Đình Bảo và Bùi Đình Đảo, trong đó có bốn người là cựu chiến binh, không một giây phút nào nguôi khát vọng ra khơi. Từ chỗ trước đây ngư cụ chỉ vài ba chiếc thuyền nhỏ, công suất thấp, khai thác ven bờ, ấy vậy mà trong khoảng chục năm trở lại đây, nhờ táo bạo làm ăn, đóng mới tàu thuyền, mở rộng ngư trường sản xuất mà cả sáu anh em cùng trở nên khá giả, giàu có. Họ đã trang bị được cho mình những chiếc tàu có công suất lớn để có thể vươn ra khơi xa. Sáu anh em giờ là chủ nhân của 5 chiếc tàu xa bờ, được đánh giá là những ngư dân có thu nhập cao nhất nhì ở đây. Lượng hải sản họ khai thác được hàng năm đạt trung bình một tỷ đồng mỗi tàu. Như vậy, với 5 tàu hiện có, gia đình ông Bùi Đình Chình đã có thể làm ra được năm tỷ đồng mỗi năm. Quả là một con số ấn tượng mà không phải gia đình nào ở thị trấn Cửa Việt này cũng có thể làm được.

Người dân Cửa Việt thường nói vui với nhau rằng, người họ Bùi ở đây có lẽ do được đại dương ưu ái nên ai làm biển cũng giỏi, ai cũng có thu nhập cao sau mỗi chuyến ra khơi. Câu nói vui ấy xem ra lại rất thật. Bởi, nơi làng chài ven biển này, không chỉ có mỗi gia đình ông Bùi Đình Chình làm ăn giỏi, mà còn có rất nhiều người họ Bùi khác cũng chẳng kém cạnh gì. Có điều, họ làm ăn giỏi không như ai đó nói vui là được đại dương ưu ái, mà họ làm ăn giỏi lại xuất phát từ chính bản thân họ. Rất tiếc là tôi đã không gặp được hai anh em một gia đình họ Bùi khác là anh Bùi Đình Biểu và người em là anh Bùi Đình Biền để hỏi chuyện làm ăn, vì cả hai đều đã ra biển từ hôm qua. Tôi biết họ chỉ là qua lời kể của ông Trưởng ban tự quản tàu thuyền. Cả hai anh em họ đều là cựu chiến binh, cựu quân nhân và cùng làm ăn giỏi có tiếng ở thị trấn Cửa Việt này. Và như để chứng minh cho lời nói của mình là sự thật, ông trưởng ban tự quản tàu thuyền kéo tôi ra ngoài hiên chỉ tay về phía một ngôi nhà hai tầng khang trang nằm cạnh đường xuyên Á. “Đấy, nhà của anh em họ đấy! Mỗi cái vừa xây xong có trị giá hai tỷ đồng. Tất cả đều là tiền từ những chuyến ra khơi đấy!”. Có một ông họ Bùi khác là Bùi Đình Chính sau hàng chục năm bám biển làm ăn, giờ bước vào tuổi xế bóng cũng đã nhanh chóng truyền nghề lại cho ba người con trai của mình là các anh Bùi Đình Chiến, Bùi Đình Huệ, Bùi Đình Mươi. Họ là những ngư dân luôn bám biển, và đặc biệt luôn đi xa, thường ra tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác hải sản. Có làm sẽ có tất cả! Mỗi chuyến ra khơi trở về của họ bao giờ cũng thu được lợi nhuận rất cao. Cơ ngơi nhà cửa, ngư cụ sản xuất của họ giờ đã đâu vào đó, không thiếu một thứ gì, nhưng cả ba anh em chẳng ai nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi.

Biển cả vốn không hiền hòa, nhưng lại rất bao dung và công bằng với tất cả mọi người. Ai tích cực bám biển, ai chủ động vươn ra khơi xa, người ấy đều được đại dương trả công xứng đáng. Chả thế mà khi tìm hiểu về công việc làm ăn ở đây, tôi biết ngư dân Cửa Việt không chỉ riêng họ Bùi mà những ngư dân khác như gia đình ông Võ Linh Quyền, Hồ Bé, Bùi Xuân Tấn, Nguyễn Văn Chánh... cũng là những ngư dân đang lúc “ăn ra làm được”. Cựu chiến binh Võ Linh Quyền trước đây từng là chủ nhiệm hợp tác xã nghề cá. Ông rất tích cực, hăng hái với công tác địa phương và cũng rất năng động trong làm ăn. Vì thế mà sau này khi giao lại tàu thuyền cho con quản lý, người con của ông là Võ Văn Huynh đã theo gương cha rất quyết đoán trong làm ăn. Ít ai ở Cửa Việt có những chuyến đi xa và dài ngày như Võ Văn Huynh. Hơn mười năm qua, ngư trường của anh chủ yếu là các vùng biển xa đất liền. Anh có một quan niệm rằng, đã là biển của ta, thềm lục địa của ta thì dù có xa cách bao nhiêu, gian khổ bao nhiêu, cũng phải đến cho được nơi đó làm ăn. Vì thế mà trong mỗi chuyến ra khơi, tàu của Võ Văn Huynh bao giờ cũng đến với biển Trường Sa, Hoàng Sa, có khi còn ra tận vùng biển giáp với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Có một câu chuyện xin được kể ra ở đây để biết rằng người ngư dân này đã đi xa như thế nào trong mỗi chuyến ra khơi. Ấy là có một lần, đang ở giữa biển khơi, xa đất liền hàng trăm hải lý thì Võ Văn Huynh chẳng may gặp tai nạn bị thương nặng đến mức gãy cả sống mũi. Tình thế lúc ấy là phải bằng mọi cách cấp cứu vết thương cho anh. Nhưng cấp cứu bằng cách nào đây? Trở về Cửa Việt thì quá xa, phải mất ba đến bốn ngày mới có thể tới nơi. Mà cấp cứu tại chỗ thì lấy đâu ra những thứ cần thiết. Cuối cùng chỉ còn một cách duy nhất là tạm băng bó vết thương cho anh rồi gọi về đất liền. Nhận được tin chẳng lành, Chi cục bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Quảng Trị đã liên lạc với các cấp có thẩm quyền, để rồi tàu của ta được hướng dẫn đưa Võ Văn Huynh vào điều trị vết thương tại một cơ sở y tế ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), đến hơn một tuần sau mới ổn định sức khỏe để trở về Cửa Việt. Thì ra, trong chuyến đi làm ăn đó, tàu của Võ Văn Huynh đã ra gần đến vùng biển đảo Hải Nam, nhưng là thềm lục địa của ta, cách xa Cửa Việt hàng trăm hải lý.

Các ngư dân cựu chiến binh như Hồ Bé, Bùi Đình Thủy, Bùi Xuân Tấn khi đang tại ngũ là bộ đội ở chiến trường biên giới Tây Nam; Võ Thanh Tấn là bộ đội tình nguyện ở nước bạn Lào; Nguyễn Văn Chánh là bộ đội Hải quân... bây giờ đều là chủ tàu xa bờ ở thị trấn Cửa Việt. Mỗi người một hoàn cảnh riêng tư, nhưng cùng giống nhau một điểm, ấy là trong từng mỗi con người mang phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ này, ai ai cũng nuôi một khát vọng được làm chủ biển cả, được ra khơi vào lộng, được tự do đi lại làm ăn trên biển, bất kể nơi ấy là Trường Sa hay Hoàng Sa. Vì vậy mà trong mỗi chuyến ra khơi, những cựu chiến binh ngư dân này đã luôn tỏ rõ mình vừa là người sản xuất, vừa là người canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Một chiếc tàu xa bờ có thể đến được với Hoàng Sa, Trường Sa, để đóng mới, người ngư dân Cửa Việt phải bỏ ra từ 8 đến 10 tỷ đồng, 8 tỷ là tàu vỏ gỗ và 10 tỷ là tàu vỏ sắt. Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ, thì dù phải vay mượn, phải thế chấp tài sản, người ngư dân cũng sẵn sàng sắm cho được, để có thể vươn ra với biển cả. Và trong mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài từ 15 đến 20 ngày, mỗi tàu thuyền cũng phải chuẩn bị cho được mọi thứ cần thiết. Cái gì thiếu được, chứ 3000 lít dầu là không thể thiếu một lít. Rồi phải mang theo cho được 400 đến 500 cây nước đá, 10 phi nước ngọt loại 200 lít, 2 bình ga cỡ trung bình, 50 kylôgam gạo. Và có một thứ nữa mà mỗi tàu thuyền khi ra khơi không thể thiếu, ấy là tủ thuốc, gồm các loại thuốc và dụng cụ y tế thông thường. Một chuyến ra khơi, chẳng hạn như ngư trường Hoàng Sa, chỉ riêng thời gian đi và về đã tốn hết 7 ngày, thì vị chi một chuyến ra khơi, nếu kéo dài 15 ngày, thì chỉ còn lại có 7 ngày lênh đênh khai thác trên biển. Nói điều này để biết rằng, những ngư trường quen thuộc, làm ăn có hiệu quả thường là ở rất xa đất liền, chỉ tính công đi và về thôi cũng đủ để thấy người ngư dân vất vả biết chừng nào.

Cựu chiến binh Bùi Đình Sành cho rằng, sáu năm nay, kể từ khi thành lập ban tự quản tàu thuyền, ngư dân khu phố 5, mà nòng cốt là anh em cựu chiến binh, đã thực sự tiến thêm một bước mới trong cung cách làm ăn. Đó là tính cộng đồng, sự giúp đỡ lẫn nhau khi đang hành nghề trên biển. Trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi xã viên trong vấn đề cứu hộ cứu nạn. Ý thức đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Những phát hiện mới đối với ngư trường làm ăn có hiệu quả. Tất cả những điều ấy ngày càng được nâng cao, luôn luôn được xem trọng và sẻ chia trên tinh thần đoàn kết yêu thương giữa người này với người khác, giữa tàu này với tàu khác. Hàng quý, hàng năm, ban tự quản tàu thuyền vẫn giành những buổi họp sơ kết, tổng kết để thông báo tình hình trên biển, đồng thời rút ra những bài học, những kinh nghiệm cho những chuyến làm ăn tiếp theo.

Lần ấy, khi tôi đang có mặt tại thị trấn Cửa Việt thì các phương tiện thông tin đại chúng vẫn hàng ngày đưa tin Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trên thềm lục địa của Việt Nam. Cùng với việc hạ đặt giàn khoan trái phép là việc Trung Quốc đưa một lực lượng tàu bè, máy bay lên đến cả trăm chiếc hộ tống và bảo vệ giàn khoan của họ, ngăn cản tàu của Cảnh sát biển, Kiểm ngư ta làm nhiệm vụ, cũng như xua đuổi tàu thuyền của ngư dân ta khai thác hải sản. Dư luận trong nước và quốc tế đồng loạt lên tiếng ủng hộ Việt Nam và lên án Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta.

Bất chấp những khó khăn, trở ngại ở biển Đông, cũng như ngư dân khắp mọi miền đất nước, vào những ngày này, ngư dân Cửa Việt vẫn tiếp tục ra khơi, bám biển sản xuất. Ai cũng xác định rằng, ngư trường Hoàng Sa là thềm lục địa của Việt Nam, là biển đảo của Việt Nam. Đó còn là ngư trường truyền thống đã có từ rất lâu của ngư dân Việt Nam nên không ai có quyền ngăn cấm ngư dân Việt Nam được đến đó làm ăn. Tàu của cựu chiến binh Bùi Xuân Tấn trong một đợt ra biển đã bị tàu Hải giám của Trung Quốc phá hỏng 17 tấm lưới làm thiệt hại khoảng 150 triệu đồng, nhưng người ngư dân này vẫn không nản chí, để rồi anh vẫn tiếp tục ra khơi đến với ngư trường Hoàng Sa. Và chỉ mới hôm kia thôi, tàu của hai anh Hoàng Hải và Đoạn Dũng cũng mới từ biển Hoàng Sa trở về, mang theo trên mỗi tàu 4 tấn cá các loại. Nghỉ ngơi chưa được mấy ngày hai anh đã lại chuẩn bị cho một chuyến làm ăn mới rồi. Khi tôi đang có mặt ở đây thì Cửa Việt cũng đang là thời gian mở màn cho chiến dịch đến với biển Hoàng Sa. Dự kiến trong chiến dịch này tất cả các tàu xa bờ của Cửa Việt sẽ đến với Hoàng Sa, vì Hoàng Sa thân yêu. Và người ngư dân đi đầu trong chiến dịch này là cựu chiến binh Bùi Đình Thủy. Từ nửa tháng nay, nghĩa là từ hôm xảy ra những bất ổn trên biển đông, người cựu chiến binh ngư dân này đã có cả thảy ba chuyến ra khơi đến với ngư trường Hoàng Sa. Cả ba chuyến đều mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến.

Khát vọng khơi xa là khát vọng ngàn đời nay của người dân biển. Nếu như người nông dân lấy ruộng đồng làm nơi sinh sống, sản xuất, thì người ngư dân không thể gì khác ngoài đại dương mênh mông. Cuộc sống sản xuất của họ là dựa vào biển. Đói hay no là từ biển. Giàu sang hay nghèo hèn cũng từ biển mà ra. Đến với ngư dân Cửa Việt vào những tháng năm này, tôi càng hiểu thêm về cuộc sống của người dân vạn chài. Họ là thế đấy! Vất vả, nhọc nhằn. Trên thì trời, dưới thì nước. Rồi sóng to gió cả. Đầy những hiểm nguy rình rập. Bão tố phong ba vốn đã quá quen thuộc với họ, giờ lại là những thế lực nhòm ngó, gây gổ, đuổi xua. Nhưng tôi tin, hơn ai hết, người ngư dân đang biết phải làm gì để vượt qua những khó khăn, gian khổ ấy. Cũng như con thuyền của họ, lênh đênh mãi trên biển rồi cũng có lúc cập bờ bình yên...

Nguồn Văn nghệ số 24/2021


Có thể bạn quan tâm