April 20, 2024, 1:09 am

Khát vọng cống hiến của một ngôi trường nhân văn, hội nhập

 

Nhận lời mời của ông bạn thơ vong niên Bùi Hữu Thiềm, lên xe từ bến xe Giáp Bát, 1g30 sáng tôi có mặt ở thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Ông bận chăm vợ ốm, nhờ thầy giáo, doanh nhân Lê Hạnh- Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Chu Văn An đón tôi.

 

Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Chu Văn An -  trường tư thục đầu tiên của khu vực miền Đông Quảng Ninh

Ban đầu là chuyện xứ sở, dòng tộc, sau đó là chuyện làm ăn, cuối cùng tâm đắc cũng là chuyện nhà trường. Theo thầy Hạnh và nhà thơ Bùi Hữu Thiềm, tên Móng Cái nguyên gốc là Mang Nhai, Mang là sông, Nhai là phố, người Pháp đến gọi trại ra là Móng Cái. Móng Cái là phên giậu của quốc gia nên sự nghiệp giáo dục được lãnh đạo, chính quyền đầu tư chăm sóc. Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Chu Văn An là trường tư thục đầu tiên của khu vực miền Đông Quảng Ninh. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đông Thịnh, nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của trường bộc bạch: Đó là công đầu của doanh nhân, thầy giáo Lê Hạnh. Khi còn làm hàng hải sản xuất khẩu, tình cờ đọc bài báo biết Trường Dân lập Lương Thế Vinh do giáo sư Văn Như Cương thành lập, nên chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm , lập dự án báo cáo ngành giáo dục, lãnh đạo, chính quyền tỉnh huyện phê duyệt để lập trường. Mọi khó khăn về đất không trong diện quy hoạch, nằm trên một cái ao cá, và trong khu thương mại du lịch cửa khẩu đã được tháo gỡ.

 

Nhà thơ Bùi Hữu Thiềm trao đổi kế hoạch kỷ niệm 20 thành lập trường với các giáo viên 

Xuyên suốt 20 năm đồng hành với nhà trường là ông Bùi Hữu Thiềm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Móng Cái và ông Nguyễn Duy Hưng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trực tiếp giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các thủ tục để thành lập trường. Năm đầu tiên 2001, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Hạnh đã chiêu dụ các thầy giáo ở nhiều miền quê khác nhau về tham gia quản lý, giảng dạy. Thầy giáo Nguyễn Đồng Thịnh nguyên trưởng phòng giáo dục và đào tạo thị xã Móng Cái làm hiệu trưởng đầu tiên; thầy Nguyễn Ngô Tam giáo viên Văn của một trường công lập tỉnh đầu quân, thầy Trạc Minh Châu giáo viên Toán từ thành phố Hạ Long về dạy Toán và làm chủ nhiệm lớp. Để kịp khai giảng năm học mới, Ban giám hiệu nhà trường đã mượn 6 phòng học của Trường Tiểu học Lý Tự Trọng để các em vào lớp 10 với 170 học sinh. 10 năm sau, cơ sở vật chất nhà trường đã đảm bảo được 28 phòng học cho 28 lớp với 1200 học sinh. Đến nay tròn 20 năm, nhà trường đã phát triển bề thế, luôn ổn đinh sĩ số học sinh với 31 lớp, 1300 học sinh. Một vinh dự, năm 2013, trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Bộ Giáo dục Đào tạo công nhận Trường chuản quốc gia giai đoạn 1. Một phần trăm giáo viên của trường là giáo viên cơ hữu, có hai mươi phần trăm là trên chuẩn nhờ được đào tạo từ nguồn vốn của Hội đồng quản trị. Phần lớn học sinh đã tìm được việc làm ổn định, học tiếp đại học các ngành kiến trúc, sư phạm, ngoại thương, quân đội, công an. Có 5 em là tiến sĩ các ngành kiến trúc, ngôn ngữ, lịch sử, an ninh...

-Dạ thưa, ai lĩnh xướng ra tên trường mang tên danh sư, bậc thầy của nhiều vị thầy dạy học ưu tú của đất nước Chu Văn An? tôi hỏi. Thầy Lê Hạnh: Đó là Nhà giáo Ưu tú Nguyên Đồng Thịnh, ông thuyết phục nên học tập trường Chu Văn An ở Hà Nội nơi đào tạo ra lớp lớp nhân tài của đất nước. - 20 năm ấn tượng sâu sắc và kỷ niệm sâu sắc nhất của thầy là gì? Thầy Nguyễn Đồng Thịnh tâm sự: Trường đã xây nhà ở lâu dài cho các hộ gia đình giáo viên, công nhân viên. Mô hình trường dân lập ban đầu rất lạ lẫm, không ai muốn giảng dạy, thế mà doanh nhân chủ tịch Hội đồng quản trị trường đã đến các Trường Đại học: Sư phạm Vinh, Thái Nguyên, Sư phạm 2 Hà Nội thuyết phục vận động các thầy có chuyên môn giỏi và tâm huyết về dạy và gắn bó với nhà trường cho đến nay. Còn nhà thơ Bùi Hữu Thiềm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Móng Cái, nay là thành phố Móng Cái tâm sự: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư nhân văn nhất cho con người, cho chất xám, cho tương lai.

 

Hiệu trưởng Lê Hạnh ( Bên trái) cùng nguyên Bí thư tỉnh ủy quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng

Hiệu trưởng Lê Hạnh là một doanh nhân vừa là người quản lý giáo dục, chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty THHH Chu Văn An kinh doanh giáo dục có ý thức trách nhiệm cao, không chỉ làm giàu cho mình mà còn phụng sự cho việc phát triển giáo dục cho các đối tượng học sinh không có điều kiện vào học trường công và phần lớn là kinh tế gia đình gặp khó khăn. Anh ấy đã quyết định miễn, giảm học phí hàng trăm triệu mỗi năm cho các học sinh đặc biệt khó khăn như con mồ côi, hoàn cảnh ngặt nghèo khốn khổ.

Trong buổi cơm trưa cùng tôi với các doanh nhân và ban giám hiệu nhà trường Chu Văn An, ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh tâm tư: Ở nước ngoài, ai học giỏi, nhiều tiền mới vào học trường tư. Trường tư cạnh tranh lành mạnh nên chất lượng dạy và học đều hiệu quả, chất lượng cao trong đào tạo nhân tài. Tôi quan tâm đến các trường ngoài công lập. Đến nay Quảng Ninh có 21 trường bậc trung học phổ thông, trong đó có các trường có nhiều cấp học như trường Lê Thánh Tông, Văn Lang, Chu Văn An. Ông Hưng tâm đắc: Trên thế giới, những trường học nổi tiếng như Ha- vớt đều là trường tư. Tôi nghĩ bây giờ, lãnh đạo, chính quyền các cấp không nên phân biệt mà đối xử bình đẳng giữa trường công và trường tư. Các trường tư thục đã thực hiện chủ trương xã hội hóa thành công không dựa vào bầu sữa mẹ Nhà nước. Trường tư thục Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Chu Văn An là một điển hình về xã hội hóa. Không thỏa mãn với thành quả đạt được, nhà trường xác định mục tiêu trong 20 năm tới: Tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường đáp ứng yêu cầu tiêu chí giảng dạy của một trường chất lượng cao. Tiếp tục củng cố và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn vững về chính trị đạo đức cả về chất lượng và số lượng có năng lực thích ứng với môi trường giáo dục, môi trường xã hội, thương yêu và tôn trọng nhân cách học sinh. Học sinh được giáo dục rèn luyện toàn diện, chú trọng năng lực thực hành, có nhân cách bản lĩnh tự tin để học tiếp bậc học cao, học làm người và học làm giàu. Nhà trường mạnh dạn chủ động liên kết hợp tác với các doanh nghiệp các cơ sở giáo dục tiên tiến hiện đại trong và ngoài nước để đào tạo kỹ năng thực hành theo yêu cầu xã hội, đào tạo tiên phong về công nghệ thông tin nhất là số hóa trường học để xứng đáng mang tên nhà giáo kiệt xuất, người thầy của muôn đời Chu Văn An. Chia tay với các thầy, các doanh nhân, các vị lãnh đạo tâm đắc với sự nghiệp trồng người, tôi càng thêm thú vị khi họ đều làm thơ và có tâm hồn yêu thơ. Thầy giáo, doanh nhân Lê Hạnh viết: Mẹ là người thầy đầu tiên. Dạy dỗ tôi khúc dịu hiền lời ru. Thầy giáo Tống Khắc Hài đúc rút bài thơ Bài học lớn: Dâng sớ xin chém bảy lộng thần. Vua không nghe, thầy đi ở ẩn. Bài học lớn ở người thầy lớn.Ngẩng cao đầu tất cả vì dân. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng tâm huyết: Học làm người học làm giàu. Biết sướng khổ biết nỗi đau dân nghèo. Thấy tiến bộ thì quyết theo. Tâm phụng sự vượt cheo leo đạp bằng. Người trí tuệ người văn nhân. Sách quý phải đọc thơ văn phải tìm. Còn nhà thơ Bùi Hữu Thiềm, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Móng Cái ví vị thầy có nhân cách đạo đức được phụ huynh học sinh và dân Móng Cái kính trọng quý mến là Nguyễn Đồng Thịnh như Hoa muống biển: Sao không nở tím bên thềm. Sao không làm dáng liễu mềm nhẹ buông. Sao không leo giậu vượt tường. Cứ ghì lấy đất mà thương suốt đời. Không nói không rằng, thầy giáo, nhạc sĩ ôm cây đàn ghi ta bập bông theo bài hát mình sáng tác : Chu Văn An Chu Văn An. Còn vang mãi ngàn năm lời thề. Từ Văn Miếu ngàn xưa vọng về. Vì gấm vóc giang sơn Lạc Hồng. Ta tự hào tô thắm mái trường Chu Văn An.


Có thể bạn quan tâm