April 25, 2024, 6:38 am

Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 tại Hà Nội

Đến hẹn lại lên, vào ngày Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu (11/2/2017) Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XV đã được Hội Nhà văn Việt long trọng tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Đến chúc mừng và chia vui với ngày hội văn hóa độc đáo này có các đồng chí Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương; đồng chí Vũ Mão, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại sứ và Tùy viên văn hóa của 15 đại sứ quán các nước tại Hà Nội; đông đảo các nhà văn, nhà thơ tại Hà Nội, các tỉnh thành và hàng ngàn lượt người yêu thơ, khách du xuân trong và  ngoài nước.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khai mạc Ngày Thơ 

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong diễn văn khai mạc ngày hội văn hóa đặc biệt này cho biết: 14 năm về trước, tại nơi này, ngày này, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã tạo được sự kiện văn hóa mới mẻ trong đời sống tinh thần của thủ đô và cả nước. 14 năm qua, mỗi năm Ngày Thơ Việt Nam lại được cải tiến, bổ sung, sáng tạo, để làm phong phú thêm nội dung và hình thức, kếp hợp giữa nghệ thuật nghe nhìn, nghệ thuật trình diễn thơ với các hoạt động thông tin xuất bản, triển lãm, thư pháp, câu đối vv, và sự tham gia nhiệt tình của các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp với các hoạt động của các CLB thơ tại thủ đô và các Hội VHNT địa phương, Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành một lễ hội văn hóa mới, nơi gặp gỡ tao nhã và đấm ấm giữa nhà thơ và công chúng yêu thơ.

 

Năm 2017, Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức lần thứ XV, cũng là năm kỉ niệm 60 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam. Với phương châm: Các nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước, tự hào về các giá trị thơ ca đã cống hiến cho tổ quốc trong 60 năm qua, và nguyện sẽ sâu sát hơn nữa với cuộc sống của đất nước, phấn đấu sáng tạo nhiều giá trị thơ ca mới đáp ứng sự chờ đợi và tình yêu thơ ca của nhân dân cả nước.

Với chủ đề “Đồng hành và Sáng tạo cùng đất nước” Ngày Thơ năm nay có nhiều đổi với so với các năm trước. Điểm nhấn đầu tiên là Con đường thi nhân, với chân dung các nhà thơ Việt Nam tiêu biểu từ nhiều thế kỷ trước cho đến hiện tại. Ngày Thơ năm nay là không còn sự phân biệt sân thơ trẻ và sân thơ truyền thống.

Con đường thi nhân

Tại sân Văn Miếu, sân thơ truyền thống là nơi hội tụ của rất nhiều nhà thơ lớn có tên tuổi lên giao lưu đọc thơ và giới thiệu các tác phẩm thơ của mình, nội dung chủ yếu về đề tài chiến tranh. Xen kẽ là các màn văn nghệ thể hiện những bài thơ được phổ thành nhạc, còn là sự xuất hiện, giao lưu của hai nhà văn đã giành giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam là Chu Lai và Lê Minh Khuê. Tại đây, hai nhà văn đã chia sẻ về văn học đề tài chiến tranh và hậu chiến…

Trong khi đó, sân Thái Học lại rộn ràng lễ hội thơ trăm miền. Hằng năm vẫn dành cho sân thơ trẻ, năm nay được thay bằng sân thơ trăm miền. Thơ trăm miền là cuộc hội ngộ thơ của các Câu lạc bộ thơ thủ đô và cả nước. Chương trình được chia thành hai phần. Phần một dành để vinh danh các nhà thơ đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn và các tác giả đoạt giải cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội, cùng các nhà thơ trẻ được kết nạp hội viên Hội Nhà văn trong năm vừa qua. Phần hai là tổng hòa những màn trình diễn của các câu lạc bộ thơ đến từ thủ đô và các tỉnh thành trên cả nước.

Lễ thả thơ

  Ban tổ chức cũng dành không gian riêng cho thơ thiếu nhi, tại đây các em nhỏ được tham gia các hoạt động về thơ. Có thể nói với những thay đổi về hình thức không gian thơ sân Thái học không kém phần sôi động so với sân khấu chính ở sân Văn Miếu.

Tại Hồ Văn, Chợ Ông Đồ được tổ chức quy củ, sôi động, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật thư pháp.

Ngoài ba khu vực chính diễn ra các hoạt động thi ca, điểm nhấn quan trọng nữa của Ngày Thơ năm nay là Triển lãm ảnh ngoài trời, trưng bày những bức ảnh độc đáo, thậm chí có nhiều bức ảnh lần đầu được công bố về hoạt động của Hội Nhà văn trong 60 năm qua.

Đồng thời với Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XV cũng đã được tổ chức sáng tạo, độc đáo tại nhiều địa phương trên cả nước, trở thành nơi tôn vinh, nơi truyền bá các giá trị thơ ca của dân tộc đến các thế hệ. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho biết ảnh hưởng lớn lao của Ngày Thơ Việt Nam đến cộng đồng quốc tế như thế nào: 14 năm qua, hàng trăm nhà thơ quốc tế từ khắp các châu lục đã được mời đến dự Ngày Thơ Việt Nam, họ tỏ ra rất xúc động về lòng hiếu khách và tình yêu thơ đặc biệt của người dân Việt Nam. Các nhà lãnh đạo của các tổ chức văn học quốc tế đều thống nhất đánh giá rất cao ngày thơ cao Ngày Thơ Việt Nam xứng đáng là một trong những Festival thơ thế giới.

50 câu thơ hay nhất được chọn lựa rộng hơn theo chiều kích thời gian dọc dài đất nước đã được thả bay trong Lễ Thả Thơ, kết thúc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XV với chủ đề “Đồng hành và Sáng tạo cùng đất nước”. Theo tinh thần đó, Ngày Thơ còn vang lại nhiều dư âm tốt đẹp, như lời nhà thơ Anh Ngọc: “60 năm qua, Hội Nhà văn đồng hành với các nhà văn trên con đường sáng tạo, thì nhà văn đồng hành với dân tộc, và thiên chức của nhà văn là đồng hành với con người.”

 

 

                                            


Có thể bạn quan tâm