April 24, 2024, 2:51 am

Khai mạc kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khoá XIV: Phát huy trí tuệ, tạo đột phá vì lợi ích của nhân dân

  • Sáng  ngày 22/10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV đã khai mạc tại Hà Nội. Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày, và bế mạc vào ngày 21/11/2018. Theo thông lệ của những kỳ họp cuối năm, bên cạnh nhiệm vụ lập pháp,Quốc hội sẽ tập trung thời gian thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội cho năm 2019.
  • Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm cho 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ những vị trí mới được bầu bổ sung do chưa đủ thời gian lấy phiếu) theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân và Nghị quyết số 85/2014/QH13. Đây là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm duy nhất giữa nhiệm kỳ, và sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, mà những người được lấy phiếu tín nhiệm cũng coi đây là đợt sát hạch quan trọng, ghi dấu ấn nhiệm kỳ của mỗi người trên cương vị được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn .
Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khoá XIV sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày, và bế mạc vào ngày 21/11/2018. Ảnh Internet

Phát huy trí tuệ

Trước rất nhiều vấn đề của thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV được cử tri và người dân kỳ vọng sẽ đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội; xây dựng các chính sách pháp luật phù hợp, khả thi để góp phần quản lý, điều hành hiệu quả các mục tiêu đề ra. Đây cũng là kỳ họp diễn ra ngay sau thành công của Hội nghị T.Ư 8 với việc thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Vấn đề trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu của mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Do đó, yêu cầu Quốc hội sát dân hơn nữa; phát huy trí tuệ nhiều hơn nữa là những đòi hỏi bức thiết của cử tri và người dân cả nước.

 

Về công tác lập pháp

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020: phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 (trong đó có xem xét kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019-2022).

Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; Đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Về công tác giám sát

Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu kỳ họp đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngoài ra, Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

 

Tạo đột phá

Một trong những điểm mới và cũng được coi là ghi dấu ấn quan trọng của kỳ họp thứ 6, là việc Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao của đất nước, chắc chắn sẽ có những tác động sâu sắc, nhiều mặt tới đời sống của nhân dân.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Cộng hòa Áo theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Áo Sebastian Kurz… trong chuyến công du thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, hai bên đã đi đến quyết tâm ủng hộ việc ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (IPA) trong thời gian sớm nhất.

Có thể thấy, đây là hai trong hàng loạt những động thái tích cực của Chính phủ nhằm tạo ra những đột phá mới cho nền kinh tế.

Cùng với các hoạt động hướng ngoại, hoạt động hướng nội cũng được đẩy mạnh để phát huy tiềm lực nội tại của nền kinh tế. Tại tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do Bộ Kế hoach & Đầu tư tổ chức diễn ra trung tuần tháng 10, cho thấy, một trong những thành tựu nổi bật của kinh tế - xã hội năm 2018 chính là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. Trong đó, tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, ước tính đạt 6,7%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, mô hình tăng trưởng chuyển dần sang chiều sâu… Do đó, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Việt Nam sẽ chủ yếu là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6,8%.

Hiện thế và lực đã có, việc còn lại lúc này chính là  sự mong mỏi về những quyết sách mới sẽ được ra đời từ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV tác động tích cực, mạnh mẽ đến đời sống -xã hội người dân và cử tri cả nước.

PV

 


Có thể bạn quan tâm