March 28, 2024, 10:43 pm

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI

 

Sáng nay ( 30/12), Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, với phương châm “Đoàn kết - kỷ cương - đổi mới - sáng tạo - phát triển”  đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đại hội có sự tham gia của 553 đại biểu đại diện cho 27.448 hội viên sinh hoạt trong 288 đơn vị cấp hội, 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, 20 liên chi hội, 205 chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Hội Nhà báo thành phố Hà Nội có 22 đại biểu. Theo chương trình, Đại hội diễn ra từ ngày 29 đến 31-12.

Trước đó, nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, báo cáo tổng kết cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí, thuộc 4 loại hình: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Có hơn 45.000 lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Trong đó, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội có 11 chi hội, liên chi hội, với gần 1.000 người làm công tác nghiệp vụ báo chí.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, báo chí Việt Nam đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19... thực hiện thành công Đề án báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, tổ chức tốt Giải Báo chí quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành; ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; tổ chức hơn 500 lớp bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho những người làm báo

Bên cạnh những thành công, trong 5 năm qua, hoạt động báo chí cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, do tác động của mạng xã hội, xu thế toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vừa tạo cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với báo chí trước sức ép cạnh tranh thông tin, thu hút bạn đọc. hoạt động báo chí còn tồn tại nhiều vấn đề, như: Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, sa đà vào thông tin “mặt trái”, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục; việc thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí có nơi còn mang tính hình thức. 

Để khắc phục tình trạng trên, những người làm báo cần tự trang bị đầy đủ kiến thức, trau dồi đạo đức, nghiệp vụ, tư duy và nhạy bén về chính trị, đặc biệt là giỏi công nghệ, sử dụng thành thạo trang thiết bị thì mới có thể đáp ứng yêu cầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần đổi mới để bảo đảm báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thu hút bạn đọc. Đây cũng là nhiệm vụ cơ bản và là kỳ vọng được đặt ra cho Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025.

VK


Có thể bạn quan tâm