March 28, 2024, 4:09 pm

Khắc tên trên đỉnh Pa Thiên

Đỉnh Voi Mẹp - “Nóc nhà Quảng Trị” - theo thông số máy GPSMAP64s của đoàn chúng tôi đo được, là 1707 mét. Còn đỉnh Pa Thiên, thấp hơn chút xíu, là 1623 mét. Đường dễ nhất lên Voi Mẹp là xuất phát từ xã thôn Nguồn Rào - Pin, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa - Quảng Trị. Đi mãi lên, qua Pa Thiên rồi leo tiếp, tổng cộng 14 km đường rừng, sau hai ngày một đêm thì đến…

Thuở xưa, mỗi lần ra biển Cửa Tùng, bơi ra ngoài xa, cách bờ chừng non cây số, là tôi đã nhìn thấy dãy Trường Sơn xanh rì vùng Hướng Hóa, Quảng Trị. Mùa hè nghỉ học, tôi thường theo thuyền ngư dân đi đánh cá, đi lộng, ra xa hơn nữa, mới đủ tầm nhìn thấy những đỉnh núi cao nhất. Dân biển Quảng Trị ngàn đời nay đều lấy những đỉnh núi đó làm vật chuẩn tìm hướng. Bao nhiêu năm nay, tôi qua lại vùng Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Phùng thuộc huyện Hướng Hóa nhiều lần, khi nào cũng ngước nhìn lên Pa Thiên – Voi Mẹp “Nóc nhà Quảng Trị”. Trời xanh, mây và lau trắng, suối trong. Rất có thể khi tôi đứng dưới chân núi Pa Thiên - Voi Mẹp, thì ngoài biển xa cũng có nhiều ngư dân nhìn lên các đỉnh núi đó mà xem hướng ra khơi vào lộng. Cũng nhớ lại mấy năm xưa công tác ở đảo Cồn Cỏ, tôi hay nhớ nhà, nhớ người, thì cũng nhìn vào núi. Voi Mẹp, Pa Thiên tự nhiên in hằn vào ký ức, dù tôi chưa hề được đặt chân đến.

Chả riêng gì tôi, theo lời anh Phan Tân Lâm, phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Quảng Trị, thì số người đặt chân lên hai đỉnh núi này chỉ vài chục. Hồ Văn Kiều, Bí thư thôn Nguồn Rào - Pin, xã Hướng Sơn cho hay: “Dân bản cũng ít khi lên tới đỉnh núi. Vì cao quá, xa quá, nguy hiểm quá. Mà lên, cũng không có việc gì! Dân bản chỉ đi một đoạn thôi, ở dưới này thôi, đặt bẫy con chồn con dúi nho nhỏ thôi, hoặc đi lấy phong lan rừng bán cho người xuôi…”. Phóng viên Phan Tân Lâm từ năm 2012 đã lên núi tổng cộng năm lần. Lần này là thứ sáu, anh rủ tôi đi. “Mỗi lần lên núi xong về nhà, nằm trong chăn ấm nệm êm, là nhớ núi ngay. Nhớ núi còn hơn cả nhớ vợ”, anh cười.

Khá lâu rồi tôi cũng chả vận động gì nhiều. Vài nỗi buồn đau nhấn chìm tôi trong bất động. Ê ẩm sống qua ngày nơi thành phố lạ, gặm nhấm bản thân và thấy đôi chân thừa ra… Cho nên khi Phan Tân Lâm nhắn tin: “Lên núi chơi đi, chụp ảnh, làm phim, trải mình với thiên nhiên tinh khiết”, thì tôi sực tỉnh. Ừ, miềng vẫn còn đôi chân. Thì đi thôi!

*

Nhưng rốt cuộc, tôi vẫn không lên được đỉnh cao nhất Voi Mẹp “Nóc nhà Quảng Trị”, mà chỉ dừng lại ở đỉnh Pa Thiên. Đất trời đang giữa tháng Hai ta. Mưa gió quật tơi tả. Tôi nấp vào sau lưng một tảng đá lộ đầu Pa Thiên để tránh gió mưa tìm chút hơi ấm. Ở đây quần thể đá lộ đầu nằm sát nhau dày đặc như bầy voi rừng. Đôi chỗ, có thể nhảy từ lưng voi này sang lưng voi khác, nhưng hãy cẩn thận: Vực sâu trước mặt! Mưa trong hàng triệu năm qua đã làm mặt đá thô nhám, thủng lỗ chỗ. Tôi áp thân mình vào vách đá nhận từ nó hơi ấm tuyệt vời. Tôi áp mặt mình lên mặt đá ram ráp, xước nhẹ. Rút điếu thuốc lá đã bị ướt, nhưng không thể châm lửa được. Chiếc bật lửa ga Tàu tôi bật bằng mọi cách nhưng vô hiệu, tôi mệt lử và thất vọng quẳng nó đi… Thì bất ngờ một bàn tay rất trắng, ngón thuôn dài mảnh dẻ con gái xòe ra trước mặt tôi chiếc bật lửa Zippo. Ôi! Tôi reo lên. Em kiếm được ở đâu của hiếm này? Bật lửa Zippo xịn của quân đội Mỹ đó em! Em nhặt được đằng kia! Ở đâu, em có nhặt được gì nữa không? Không, à mà còn vài thứ em không biết là gì, mà sao anh tham lam thế? Ừ, chính vì thế mà anh hôm nay lên núi đó, em biết không? À, mà em là ai đấy, em đi với đoàn nào, anh chưa từng nhìn thấy em bao giờ? Cô gái nhìn tôi, áo mưa quân đội xanh thẫm, những giọt nước mưa chảy dài trên khuôn mặt nàng như những nước mắt. Em không là ai cả! Anh châm thuốc đi, hút một điếu thôi nghe, cho đỡ lạnh. Khi tôi châm được thuốc lá bằng chiếc bật lửa Zippo, ngẩng mặt lên thì cô gái đã biến mất. Em ơi! Em gì ơi! Cho anh biết tên, em ở đoàn nào?

Phan Tân Lâm đá vào chân tôi: “Ngủ mơ à? Ông tài thật, mưa gió như này mà còn ngủ được! Mà ông mơ gọi em nào, đoàn nào? Có đoàn nào ngoài đoàn ta 18 người hôm nay?”. Rồi Lâm đưa cho tôi điếu thuốc lá đang cháy: “Hút tạm đi!”.

Trước đó một ngày, sau khi băng qua hai yên ngựa, từ độ cao 1350m, đoàn chúng tôi bỏ rừng già, bắt vào con suối mà chúng tôi đặt tên luôn là “Suối Pa Thiên”, men theo nó tiến lên. Suối rất trong, dốc, rêu xanh trơn mượt mà phủ dày các phiến đá. Khát nước quá, tất thảy chúng tôi đều vục mặt vào suối uống như chưa từng được uống. Mệt rũ, tôi nằm lên một phiến đá bằng phẳng. Bầu trời mù sương dày đặc. Lá phong đỏ thẩm trong tán rừng. Muôn loài cây ra hoa trắng tôi không biết tên. Tất cả các cành cây, thân cây đều rêu đóng, treo lên từng hạt mưa long lanh như ngọc. Và rồi, hoa đỗ quyên! Loài hoa này năm xưa tôi đã gặp trên núi Bạch Mã, Thừa Thiên - Huế. Tôi nhớ hôm đó Huế đang diễn ra một kỳ Festival rộn rã, nhưng tôi chả hiểu có điều gì xui khiến đã rời bỏ đám đông lễ hội mà phóng xe lên Bạch Mã. Tôi lần đến thác Đỗ Quyên, leo lên dốc qua từng bậc cấp, hoa đỗ quyên nở tràn trề, bụi nước li ti từ thác bám trên từng cánh đỗ quyên rồi phản chiếu ánh nắng tạo nên vô số cầu vồng nho nhỏ. Tôi nằm bên thác Đỗ Quyên suốt một buổi chiều như thế cho đến khi mặt trời tắt thì lại tình cờ nhập vào một nhóm bạn trẻ đến cắm trại qua đêm. Chúng tôi đêm đó đã uống, đã đàn hát bao nhiêu bài hát tiền chiến, lãng mạn; đã cười và nói với nhau để thấy thân quen trong một khoảnh khắc của tuổi trẻ mịt mờ… Giờ đây, mệt quá tôi muốn nằm mãi giữa lòng suối Pa Thiên này. Hay là tôi chờ một lá phong đỏ thẩm ba cánh, chẳng khác gì loài phong năm cánh Canada đang rơi vào lòng suối kia, chỉ cần một chiếc lá phong ba cánh thôi bay đến đậu trên mặt tôi đây mà đánh thức có điều gì đó còn trong tôi nữa không, tôi hãy còn chưa biết? Đỗ quyên nữa, ở đây cánh hoa trắng pha hồng nhạt không rực rỡ như trên núi Bạch Mã, cho nên nó mang vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết. Tôi trèo lên cây hái một chùm đỗ quyên đang chìa ra giữa lòng suối trao cho nàng. Nàng thốt lên khi thấy tôi đi chông chênh suýt ngã trên từng viên đá suối gập ghềnh để mang đỗ quyên đến bên nàng. Chả hiểu sao chiếc áo mưa quân đội màu xanh rêu lại hợp với gương mặt nàng như thế. Dường như tôi từng đã gặp nàng? Tôi buột miệng: Này em, chúng ta đã gặp nhau ở đâu ấy nhỉ? Chưa anh ạ, chúng ta chưa gặp nhau bao giờ? Vậy tại sao em lại có mặt ở đây, bên anh, nơi rừng hoang núi lạnh này? Em luôn ở đây! Nàng cười. Nói đúng hơn là em luôn ở bên anh, trong anh. Em… em là vô thức của anh, cứ tạm cho là như thế! Và bởi thế, em không thuộc về anh đâu! Không, chúng ta không nói về chuyện sở hữu, mà anh chỉ băn khoăn chút thôi… Anh băn khoăn điều gì? Điều gì à? Rất nhiều, chẳng hạn như cái màu hoa đỗ quyên ở đây sao nhạt hơn Bạch Mã? Đúng vậy đó anh, trong chiến tranh đây là vùng máy bay quân đội Mỹ rải chất độc da cam, chất diệt cỏ. Anh nghĩ xem, tác động hóa học kinh hoàng đó có thể làm biến dạng sinh quần, gây đột biến gen hay không?

Sau này về nhà, ngồi tra Google, tôi đọc được thế này: Hoa đỗ quyên là thành viên của chi Rhododendron, chúng phần lớn có nguồn gốc ở châu Á. Hoa đỗ quyên được cảnh báo là rất độc, tất cả các bộ phận của nó đều chứa chất độc. Ví dụ như độc tố trên cánh hoa gồm andromedotoxin và arbutin glucoside. Triệu chứng đầu tiên khi bị ngộ độc hoa đỗ quyên là buồn nôn, mệt mỏi, khó thở. Ngoài ra, người bị ngộ độc hoa còn có thể bị mất cân bằng, rơi vào ảo giác. Ôi chao, hèn chi hôm đó vục mặt uống nước suối Pa Thiên no nê xong, tôi mới nhận thấy trong vũng nước có nhiều cánh hoa đỗ quyên đã rụng xuống từ lúc nào. Tôi nhớ hôm đó mình đã bật cười thành tiếng khi nhìn thấy gương mặt mình hốc hác thê thảm trong làn suối, liền liên tưởng đến anh chàng Narcissus trong thần thoại Hy Lạp. Truyền thuyết Narcissus - hoa thủy tiên ấy đã ám ảnh tôi trong rất nhiều năm. Sao có thể tự ngắm mình lâu như thế chứ? Ngẩng mặt lên khỏi suối và nhìn ra xung quanh, tôi nghe loáng thoáng trên cao xa kia tiếng anh em trong đoàn gọi “Trần Hoài ơi, dậy đi tiếp thôi, sắp tới điểm hạ trại rồi”. Suối Pa Thiên dần rộng ra, và sau một cơn thở dốc, một thác nước từ trên cao hiện ra đổ xuống trước mặt tôi. Mọi người đã ở trên đỉnh thác, hét to hướng dẫn tôi cách trèo lên. Mất nửa giờ chui nhủi, luồn qua từng thân cây, dây leo chằng chịt, tôi cũng đã vượt thác, lên đến nơi nhập với đoàn. Tại đây, bên bờ suối ngay trên đỉnh thác, chúng tôi hạ trại, căng bạt, dựng lều và đốt lửa nấu cơm. Mặt trời dần dần hạ xuống dưới chân. Nhiều anh em đã tắm gội sạch sẽ, phơi quần áo trên các phiến đá. Củi khô không thiếu, lửa cháy rừng rực. Cơm dọn ra, cá khô kho với thịt lợn, mắm, muối lạc. Và miếng cơm vào miệng, nhai và đừng vội nuốt: Cơm ngọt lừ, ăn đến mấy bát bụng no oạch mà miệng vẫn thèm nhai.

Nửa đêm. Tiếng sương rơi lộp bộp trên mái lán làm tôi tỉnh dậy, ra ngồi trên tảng đá to giữa lòng suối Pa Thiên. Tôi ngửa mặt nhìn trời sao chi chít lọt qua tán rừng và màn sương mỏng. Đống lửa đã tàn, chỉ còn những viên than hồng nổ lép bép. Từ phía tây, ánh trăng hạ huyền soi vào lán. Có con chim gì kêu đêm, đều đặn “chíc chíc chíc”, nghe rất buồn. Tiếng thở của người, có tiếng nói mớ của anh chàng Vân Kiều nào đó trong đoàn, mớ bằng tiếng dân tộc nên tôi không hiểu gì. Ánh trăng suông in bóng tôi vào lòng suối. Nước chảy róc rách kiên nhẫn bào mòn các mặt đá đến tròn trặn. Dấu tích mùa lũ năm 2020 ở đây còn nhận ra rất rõ. Quãng đường lên núi Pa Thiên, chúng tôi gặp vô số các điểm sạt lở, cổ thụ đổ chắn ngang đường mòn. Sườn núi lở tạo vách dựng đứng 90 độ, phơi ra màu đất rừng tươi roi rói. Nhiều nơi chúng tôi phải vượt qua hàng trăm mét đất đá, bùn lầy và cây cối sạt lở như thế. Đôi khi đoàn chúng tôi dừng lại nghỉ chân, ngồi vắt vẻo trên một thân cây đổ, ngước lên đỉnh Pa Thiên, Voi Mẹp cao vời trước mặt, mường tượng nếu ngay bây giờ xảy ra một cơn sạt lở núi ào ào đổ xuống, thì biết chạy đằng nào? Chỉ cần một cành cây nhỏ thôi chận ngang ngực, dìm xuống, là… Nếu không may xảy ra như thế, chắc có lẽ tôi sẽ ở yên tại chỗ thôi, tôi sẽ chẳng cần dùng bản năng của mình để chạy trốn. Tôi sẽ quỳ xuống, gục đầu vào gốc cây hay tảng đá mà sám hối và tạ ơn trời đất, tạ ơn ba mạ tôi. Và hai con tôi. Chúng không còn bé nhưng cũng chưa lớn, rồi mai đây chúng có tìm được tôi không?

Nàng đến ngồi bên và nắm lấy bàn tay tôi. Mùa lũ qua rồi anh ạ. Không còn lở núi nữa đâu, anh đừng nghĩ lẩn thẩn. Mùa lũ 2020 thì qua rồi nhưng năm nay thì chưa đến chứ em, và nhiều năm tới nữa… Ừ. Nhưng anh thấy không, có nhiều nơi ta đã vượt qua các vách núi sạt lở từ hàng trăm năm trước nhưng bây giờ cây cối đã mọc lên lấp kín, cây rất tốt. Phải tin mắt lắm thì mới nhận thấy điều đó. Dường như tại những nơi đó cây mọc rất thẳng và có nhiều hoa rừng, nhất là phong lan. Nơi dốc Mạ Ơi, em đã nhìn thấy loài lan Kim Tuyến Anoectochilus Setaceus, rồi lan Hài Táo Paphiopedilum Appletonianum, lan Khúc Thần Trắng Panisea Apiculata Lindl. Loài Luống Xương Anneslea fragans Wall thì có đặc tính cánh hoa khép lại khi có gió bão. Vậy à em, khi leo dốc Mạ Ơi anh kiệt sức, mắt mờ chân run nên chả nhìn thấy gì. Dốc Mạ Ơi cũng là một điểm sạt lở từ vài trăm năm trước đó anh! Em này, nếu giả thử anh là một người đã bị núi lở vùi lấp tại dốc Mạ Ơi hàng trăm năm trước, và tất nhiên giờ đây anh chỉ là… ảo ảnh, thì em sao? Nàng bật cười khanh khách: Không phải là anh bị vùi lấp, mà là em, chính em mới bị vùi lấp! Tôi rợn người, lạnh cả sống lưng. Vậy… em là ảo ảnh thôi à… Em là vô thức của chính anh. Anh quên em đã nói điều này rồi sao? Vô thức luôn bị ta vùi lấp nhưng nó cực kỳ mạnh mẽ… Điều đó thật là buồn cười, anh nhỉ.

*

Buổi sáng thức dậy trong rừng thật trễ nải. Không còn trăng sao thơ mộng đêm qua mà là mưa nhẹ. Hiếu, cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa sau cuộc họp quyết định đoàn chia thành ba nhóm: Một đi thẳng lên Voi Mẹp, một khám phá Pa Thiên, hai người ở lại lán nấu cơm. Từ độ cao 1450m, chúng tôi lại men theo lòng suối tiến lên. Mưa càng lúc càng nặng hạt, và càng gần đỉnh núi thì gió càng mạnh dần lên. Bạt ngàn hai bên bờ suối là cây le xanh, thuộc họ hòa thảo, nhóm tre nứa. Thân nhỏ, mảnh dẻ, xinh xắn, loài cây này dùng làm ống hút được các quốc gia châu Âu rất ưa chuộng. Tôi dạm hỏi: “Nếu tổ chức cho người dân khai thác để xuất khẩu, chắc chắn có hiệu quả kinh tế?”. Hiếu trả lời ngay: “Chưa có chủ trương anh ạ. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên, mọi hoạt động khai thác lâm sản, khoáng sản và dịch vụ phải cân nhắc rất kỹ. Muốn khai thác phải làm đường, mà như thế thì tổn thương rừng lắm”.

Lòng suối Pa Thiên dần thu hẹp, chúng tôi phải vượt qua nhiều cái thác hơn. Cây rừng thấp dần, rồi chúng tôi bỏ suối vì nó dẫn lên vách núi lở cao hàng trăm mét, quá nguy hiểm, mà băng qua một khoảnh rừng khá bằng phẳng mọc đầy cây phong con cao chỉ hai gang tay. Từng chiếc lá ba cánh và có cả bốn, năm cánh như loài phong Canada xanh mơn mởn. Ở đây lại có nhiều cây dứa dại lá gai sắc. Loài cây này tôi đã gặp nhiều ở đảo Cồn Cỏ. Chúng mọc thành lũy trùm lên các tuyến chiến hào phòng ngự phía đông và đông bắc đảo. Quả dứa dại khi chín màu vàng tươi, cắt nhỏ phơi khô, sắc làm nước uống chữa bệnh sỏi thận rất tốt. Cũng trong những lùm dứa dại đảo Cồn Cỏ rắn lục sống rất nhiều. Chúng bò vắt vẻo trên cây lá, nhiều lần rơi trên vai tôi khi đi trong lòng hào kiểm tra công sự. Không nghi ngờ gì nữa, dứa dại Cồn Cỏ có nguồn gốc từ rừng Trường Sơn: Quả dứa dại chín rụng theo khe, suối, sông trôi ra biển rồi dạt vào bờ đảo. Rồi bắt rễ trên cát san hô mà cứ thế mọc lên tiếp tục cuộc sinh tồn đồng thời lan tỏa nòi giống của mình. Rắn lục Cồn Cỏ cũng thế, từ rừng Trường Sơn theo rều rác lũ cuốn mà trôi ra biển… Chúng chỉ khác ở đất liền là nọc độc khá yếu và rất hiền, ít khi cắn. Nếu lỡ bị rắn lục Cồn Cỏ cắn cũng chỉ hơi sưng một tí, một buổi là tan, chả mệnh hệ gì.

Chúng tôi bắt vào một nhánh suối khác và lầm lũi đi lên cho đến khi nó chỉ còn là một khe nước nhỏ chìm trong bạt ngàn lau lách, đường kính cây rừng nhỏ bằng cổ tay. Rời khe, chúng tôi dần tiếp cận đỉnh núi Pa Thiên. Xung quanh là cây chè xanh mọc hoang. Nhấm một búp chè thấm đẫm nước mưa, thấy ngọt pha lẫn vị chát nhẹ. Vậy là tối nay khi trở về nơi cắm trại chúng tôi sẽ được thưởng thức loại chè xanh núi Pa Thiên này. Luồn qua một đám rừng rậm nơi yên ngựa, chúng tôi bắt gặp nhiều đống phân bò tót. Hiếu cho hay, nơi đây khoảng 8 cá thể bò tót có tên trong sách đỏ, sinh sống. Đây, loại cây trúc thân ngắn là thức ăn ưa thích của bò tót, linh dương. Trúc thân ngắn cao chỉ ngang bắp chân, mọc tràn sườn núi thoải dần lên đỉnh Pa Thiên. Và bây giờ, chúng tôi lọt thỏm vào mịt mù sương khi đậm đặc cuồn cuộn, khi thì thoảng ra và có ánh nắng mặt trời lọt tới. Sau cùng, từng cơn mưa ào đến và gió quật tơi bời. Chúng tôi tạm dừng lại nơi bãi đất bằng phẳng, rộng rãi từng là sân bay trực thăng dã chiến của quân đội Mỹ trong chiến tranh. Tôi săm soi từng mẩu vật chiến tranh còn sót lại. Có một hố bom khoan rất sâu nằm chìm trong đám trúc. Vài mảnh kim loại, mẩu áo giáp, một viên pin quân sự đã bị gió mưa nửa thế kỷ qua làm mủn mục. Một lá quốc kỳ Việt Nam đã rách tả tơi của nhóm Phan Tân Lâm cắm lên từ cách đây hai năm trước. Đỉnh Pa Thiên đây rồi! 1623m!

Huơ! Huơ! Huơ! Tôi hú lên, nhìn xuống sườn núi mây bay như biển. Rồi nhìn lên cố xác định hướng đỉnh Voi Mẹp nhưng không thể vì nó chìm sâu trong mây mù. Lạnh run cầm cập, chúng tôi rút lương khô ra nhai trệu trạo. Sau đó từng người tản ra ẩn nấp sau lưng các hòn đá lộ đầu. Tôi dùng mũi dao khắc tên mình vào chân một hòn đá nhỏ. Rồi hơi ấm của đá giúp tôi chìm vào một giấc mộng mị vô thường, trong khi xung quanh gió mưa rít từng cơn. Cô gái ấy lại đến bên tôi. Nàng mặc áo mưa quân đội, nước mưa chảy dài trên gương mặt như những nước mắt. Nét mặt nàng thân quen chắc chắn tôi đã gặp đâu đó trong đời, ít nhất là một lần mà không sao nhớ nổi. Nàng từng nói, nàng đến từ vô thức của tôi? Hay là từ những phức cảm, ám ảnh và ham muốn vốn là, đã khiến đời tôi chơi vơi dằng dặc trong một thành phố lạ? Hay, nàng là một phần thế giới của chính tôi vừa huyền bí vừa hiện hữu mà tôi đã bất lực, không thể nào chạm vào được? Nàng đến từ tương lai, từ những ngày tháng tôi chưa được sống song hoàn toàn nhận thức được nỗi bất định của nó, như là miền ký ức của tôi để giành yên ổn, mong đợi và yêu thương mà từ hôm nay tôi đang vun vào đó?

Trong túi áo mưa quân đội của nàng mọc lên một cây phong nhỏ, dù rất nhỏ nhưng lá có năm cánh đỏ thẫm như loài phong Canada. Tôi giơ tay hái một chiếc lá và gió lập tức cuốn đi ngay. Nàng cười, anh hãy khắc tên em nữa nhé! Nhưng anh có biết tên em đâu? Tên gì cũng được, anh hãy đặt cho em một cái tên đi. Nhưng tại sao em không nói cho anh biết tên em? Cô gái trầm ngâm, giơ tay ra đón mưa… Tôi ôm lấy nàng, mềm mại ấm áp vô cùng. Ừ, thôi được, anh khắc tên em là tên một người… tình cũ, nhé! Vâng… Và rồi thật bất ngờ nàng gắn lên môi tôi nụ hôn mê dại đến đau đớn.

Theo lời Phan Tân Lâm, từ Pa Thiên lên Voi Mẹp chỉ còn 84m cao độ, đường dễ rồi, chỉ cần vượt qua một yên ngựa và sườn núi cây lúp xúp, thời gian mất chừng già nửa buổi sáng. Trên đó mây trắng bồng bềnh dưới chân, có xác máy bay, vũ khí, mũ sắt quân đội Mỹ, có quả bom còn nguyên lành nằm trong lòng suối cạn. Từ đỉnh Voi Mẹp có thể nhìn thấy thung lũng Hướng Linh tràn đầy chong chóng điện gió như một miền cổ tích. Cũng từ đây ta có thể nhìn thấy sườn núi lở nham nhở là nơi 22 quân nhân của Đoàn kinh tế - quốc phòng 337, đã bị vùi lấp hi sinh hồi tháng 10-2020… Biết vậy nhưng vào chiều nay mưa gió ngút trời trên đỉnh Pa Thiên cùng những mộng tưởng vô bờ khiến tôi đành cúi đầu tạ lỗi trước Voi Mẹp, xin được quay về chân núi.

Và… rồi đây có ai lên đỉnh Pa Thiên, nếu tìm đến hòn đá lộ đầu hình thù như con voi đang nằm phía Đông Nam của núi, vạch đám trúc thân ngắn ra sẽ thấy dưới chân nó có khắc tên tôi và tên cô ấy.

Nguồn Văn nghệ số 17/2022


Có thể bạn quan tâm