March 29, 2024, 11:49 am

Kết thúc tuần làm việc thứ 4 và Bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV: Lan toả quyết tâm kiến tạo và phát triển đất nước

 

Sáng nay ( 20/11), Quốc hội đã họp phiên toàn thể, bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV. Sau 22 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.  Kết quả kỳ họp đã tạo niềm tin về sự đoàn kết, nhất trí để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của những năm tiếp theo và cả nhiệm kỳ 2016-2020.

Hoàn tất công tác nhân sự

Ngay trong ngày khai mạc, với số phiếu gần như tuyệt đối, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Quốc hội phê chuẩn giữ cương vị Chủ tịch nước. Song song với công tác nhân sự, Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Truyền thông, mạng xã hội cũng như cử tri và người dân cả nước đều rất quan tâm và đánh giá cao những lá phiếu công tâm của đại biểu dành cho các tư lệnh ngành, dù việc lấy phiếu diễn ra dưới ba hình thức được cho là giải pháp khá an toàn cho người được lấy phiếu tín nhiệm: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, nhưng đã phản ánh đúng năng lực và trách nhiệm của các thành viên Chính phủ tại lĩnh vực ngành quản lý.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 9 dự án gồm (Luật Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch). Đồng thời cho ý kiến 6 dự án luật gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia… Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  năm 2019 (trong đó có xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019-2022) và nhiều báo cáo quan trọng khác.

Từ việc lấy phiếu tín nhiệm, sức nóng của nghị trường đã thực sự lan toả trong đời sống xã hội. Người dân, cử tri cả nước dõi theo các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng như những phiên thảo luận tập trung các dự án Luật như một nhu cầu tự nhiên, để rồi tự lọc cho mình những thông tin cần thiết phục vụ cuộc sống mưu sinh. Đó có thể là việc Quốc hội phê chuẩn nghị quyết về tăng lương cơ sở lên 1.490.000 đồng thay vì mức 1.390.000 như hiện nay vào 1/7/ 2019; phê chuẩn Hiệp định CPTPP, hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, được dự báo sẽ có tác động rất lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới một cách phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước. Và, cũng có thể là dự án Luật giáo dục đại học (sửa đổi), Luật giáo dục (sửa đổi), không chỉ có liên quan đến đại bộ phận người dân mà còn có tính tác động lâu dài đến sự tồn vong của đất nước.Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cũng không nằm ngoài mối quan tâm của toàn xã hội. Đây là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới, gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng vì vậy được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài, nhưng khi Luật đã được thông qua, thì băn khoăn  chưa hẳn đã hết. Nhiều câu hỏi về tính chính xác trong xác định nguồn tài sản tham nhũng, về  biện pháp thu hồi tài sản do tham nhũng mà có vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.


Đưa Luật và nghị quyết vào cuộc sống

Do là kỳ họp cuối năm, cũng là giữa nhiệm kỳ, nên khối lượng công việc phải hoàn thành là vô cùng lớn, đòi hỏi Quốc hội phải làm việc hết sức tập trung, trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm. Có lẽ vì vậy, mà không có gì ngạc nhiên khi ngay trong phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu các đại biểu trong thời gian họp Quốc hội, hạn chế tối đa tiệc tùng, gặp gỡ để tập trung thời gian, sức khoẻ, trí tuệ hoàn thành trọng trách mà cử tri, nhân dân giao phó. Quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoàn toàn phù hợp với Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trước những mối đe doạ phi truyền thống.
Trước vấn đề nợ công chính phủ tăng cao, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, đồng thời  đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 với đa số phiếu tán thành. Theo đó, những chỉ số “mềm dẻo” được áp dụng cho năm 2019 lần lượt gồm: tổng số thu ngân sách nhà nước dự toán năm 2019 là 1.411.300 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.633.300 tỷ đồng. Kèm theo đó, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục những hạn chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý vốn đầu tư, nợ công và bội chi ngân sách, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia…
Những quyết sách của Quốc hội nói trên sẽ đi vào cuộc sống. Và trong một thời gian ngắn sẽ tạo ra những chuyển biến nhất định cho xã hội. Với chương trình làm việc đồng bộ, dân chủ tiếp thu ý kiến của toàn dân, Quốc hội tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình để trong thời gian tới tạo khuôn khổ cải cách thể chế tốt hơn cho sự phát triển kinh tế, đất nước. Bởi suy cho cùng sự nghiệp phát triển kinh tế trong tình hình mới phải là sự nghiệp của toàn dân, và đây cũng chính là yếu tố quyết định tương lai của đất nước. Sau phiên bế mạc, các đại biểu Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri, thông báo đến cử tri kết quả của kỳ họp, đồng thời nỗ lực để lan toả quyết tâm đưa Luật, nghị quyết vào cuộc sống, thông qua lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát, từ đó chuyển tải đến Quốc hội ở những kỳ họp tiếp sau.

PV


Có thể bạn quan tâm