April 19, 2024, 7:53 am

Kết thúc Đại hội cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN THỨ X

Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, tại nhiều địa phương trong cả nước, các chi hội nhà văn Việt Nam đã gấp rút hoàn thành các đại hội/ Hội nghị văn học ở cơ sở để thực hiện quyền và trách nhiện của hội viên đối với Hội trong lộ trình tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X.

Có lẽ sôi nổi nhất trong dịp này là khu vực miền Trung. Bắt đầu từ giữa tháng 10 ở Huế (15/10), ngay sau khi nước lũ vừa rút; vào phía Nam có Đà Nẵng (19/10), Bình Định (24/10), Quảng Nam (31/10)…Ra phía bắc có Nghệ An (24/10), Thanh Hóa (25/10), Hà Tĩnh (31/10) và nhiều nơi khác ở khu vực phía Bắc, đã lần lượt hoàn thành đại hội cơ sở trong tinh thần vượt khó, trong không khí khẩn trương, nhưng cũng không vì thế mà kém phần nghiêm túc, trách nhiệm. Đáng chú ý nhất trong dịp này là Đại hội chi hội khối cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, được tổ chức vào ngày 30/10 tại trụ sở số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Đây có thể xem là Đại hội có tính chất “khoá đuôi” ở cấp cơ sở, không chỉ bởi được tiến hành gần như sau cùng, mà bởi đối tượng tham gia, ngoài những nhà văn đã và đang công tác tại các cơ quan của Hội, Đại hội chi hội khối cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam còn tập trung đông đủ những nhà văn hội viên thuộc các chi hội khác mà vì lý do nào đó đã chưa kịp có mặt ở những Đại hội cơ sở trước đó. Như vậy là sau Đại hội này, với 54 đại biểu có mặt, trong tổng số 93 đại biểu thuộc danh sách hội viên của chi hội và bổ sung, đảm bảo tất cả các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trừ những người sức khoẻ yếu và những người đang sống, làm việc tại nước ngoài không thể có mặt tham dự; thì tất cả đều đã được tham gia vào tiến trình Đại hội lần thứ X. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cùng các thành viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có mặt tham dự và chỉ đạo đại hội. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Việt Nam tham gia đoàn Chủ tịch điều hành đại hội.

 

Đại hội chi hội khối cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam.                   Ảnh: HỮU ĐỐ

 

Theo đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh trong phát biểu chỉ đạo Đại hội, Chi hội Nhà văn Việt Nam khối cơ quan bao gồm toàn những người đã và đang công tác tại Văn phòng và trong các cơ quan cấp 2 của Hội. Đây là một thuận lợi (và cũng là đặc thù) của Chi hội Nhà văn khối cơ quan, bởi các hội viên đều có sự gần gũi, gắn bó, có đầy đủ thông tin và hiểu rất rõ về công việc của Hội. Từ đặc thù này mà các ý kiến tham luận tại Đại hội, bên cạnh những vấn đề mang tính chiến lược của Hội, như mục tiêu nâng cao chất lượng sáng tác, đẩy mạnh hiệu quả của công tác quảng bá văn học, công tác hội viên và chất lượng kết nạp hội viên, các vấn đề liên quan đến giải thưởng văn học… thì cũng có nhiều ý kiến tập trung đánh giá về công tác lãnh đạo, điều hành và quản lý cơ sở vật chất, cũng như các hoạt động chuyên môn khác của Hội. Ở lĩnh vực này, có thể thấy không phải chỉ riêng trong nhiệm kỳ vừa qua, mà từ những nhiệm kỳ trước đó, Hội Nhà văn Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về cơ ngơi, cơ sở vật chất cũng như các thiết chế văn học. Không chỉ cơ sở hạ tầng được cải tạo, xây mới, mà nhiều cơ quan cấp 2 cũng được củng cố và phát triển, giúp cho hoạt động của Hội ngày càng được mở rộng tới nhiều mặt, nhiều lĩnh vực và khu vực trong đời sống xã hội. Có được kết quả này thực sự là một nỗ lực to lớn của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam qua các nhiệm kỳ gần đây. Mặc dù trong lĩnh vực này vẫn còn tồn tại một vấn đề chưa giải quyết được, đó là vụ tranh chấp khu đất do một hộ gia đình xây dựng bất hợp lý trong khuôn viên do Hội Nhà văn quản lý từ nhiều năm qua. Mặc dù vấn đề đã được tòa án kết luận, song do những bất cập về cách tiếp cận pháp lý, nên kết quả chưa đảm bảo sự công bằng cho Hội Nhà văn Việt Nam, và hiện vẫn đang là một nội dung mà Hội phải tiếp tục giải quyết

Đối với việc quan tâm, chăm sóc, thu hút hội viên, nhiều ý kiến ghi nhận là trong những năm qua, Ban Chấp hành Hội Nhà văn, trực tiếp là nhà thơ Hữu Thỉnh, trong vai trò Chủ tịch Hội (và trước đó là Tổng Thư ký Hội) đã làm rất tốt điều này. “Kính trên bền dưới” là cách nhà thơ Vũ Quần Phương nói về điều này. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì bổ sung thêm: Chính tấm lòng tình nghĩa với đồng nghiệp, nghiêm túc, kỹ lưỡng với văn chương mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã luôn phát hiện ra nhiều cái mới trong sáng tác của các nhà văn, đặc biệt là thong qua những bài viết gần đây của ông. Có lẽ đây cũng là một trong những phẩm chất cần thiết mà một người đứng đầu Hội Nhà văn không thể không có. Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: “Cho đến giờ phút này có thể nói, nhà thơ Hữu Thỉnh là người không phải chỉ có một sự nghiệp. Ngoài sự nghiệp của một nhà thơ, ông còn có một sự nghiệp trong Lý luận phê bình, là một nhà Lý luận tổng kết, và một sự nghiệp lãnh đạo…”.

Đánh giá kỹ về phẩm chất và thành quả của Ban Chấp hành, cũng như cá nhân Chủ tịch Hội Nhà văn là để dẫn đến những ý kiến khá mới mẻ và sâu sắc trong những vấn đề về điều lệ, về nhân sự lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới. Ở nội dung này, nhà thơ Hoàng Minh Châu cho rằng cần phải hiểu và chấp nhận khái niệm “tiếp biến” không chỉ đối với lĩnh vực văn hóa, văn học, mà đó còn là sự nghiệp của cách mạng, sự nghiệp của Hội Nhà văn. Nhà thơ Trần Nhương thì đề xuất ý kiến nên đưa vào điều lệ điều khoản quy định bầu trực tiếp Chủ tịch, giống như đã bổ sung nội dung bầu trực tiếp Ban Kiểm tra tại Đại hội… Ý kiến của nhà văn Đỗ Hàn về khái niệm Hội viên Danh dự cũng là một gợi ý mới trong góp ý sửa đổi điều lệ.

Lĩnh hội những ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo văn kiện Đại hội X, Hội Nhà văn Việt Nam; cũng như những góp ý cho Ban Chấp hành về công tác hội, nhà thơ Hữu Thỉnh sau khi trao đổi, bổ sung thêm những ý kiến làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu nên ra, như công tác bảo vệ quyền lợi, công tác kết nạp hội viên, và một số vấn đề trong xây dựng hội…, ông kết luận: Nếu như ở các Đại hội khác trong khối Văn học nghệ thuật, Báo cáo của Ban Chấp hành chỉ tập trung vào kiểm điểm các hoạt động của Hội trong một nhiệm kỳ, thì trong báo cáo của Hội Nhà văn Viêt Nam đã quan tâm đến vấn đề tư tưởng. Sau khi nghiên cứu thên Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành sẽ cố gắng lĩnh hội thêm những tư duy về văn hóa của Đảng trong thời kỳ mới để hoàn thiện thêm Báo cáo của mình. Mục tiêu của Đảng ta hiện nay, trước hết và trên hết, phải là vì lợi ích quốc gia. Điều này thể hiên một hệ tư tưởng mới, mà Hội Nhà văn Việt Nam, vì thế cũng phải đổi mới. Đổi mới sẽ làm cho Hội tốt hơn lên. Chúng ta hy vọng và tin tưởng với với chủ trương đổi mới của Đảng, Đại hội X của Hội Nhà văn Việt Nam sẽ là một đại hội có tầm, có tư tưởng…    

Kết thúc Đại hội chi hội khối cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, cũng là kết thúc chương trình Đại hội cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X để bước vào công tác chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc, sẽ được tiến hành vào các ngày từ 23 đến 25 tháng 11 sắp tới.

Lương Ngọc An

Nguồn Văn nghệ số 45/2020


Có thể bạn quan tâm