April 25, 2024, 2:31 pm

Kê khai tài sản và câu chuyện về lòng trung thực

  • Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 vừa được Chính phủ trình bày trước Ủy ban tư pháp của Quốc hội, cả nước có 63 tỉnh, thành, cùng các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, song chỉ có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật
  • Cũng báo cáo trên, 1,1 triệu đối tượng trong diện kê khai tài sản chỉ có 3 đối tượng kê khai thiếu trung thực.
  • Câu hỏi đặt ra lúc này chính là độ chung thực của báo cáo đến đâu?. Trong khi Chính phủ, Quốc hội khẳng định tình trạng tham nhũng đang ở cấp độ nguy hiểm…

 

Kê khai tài sản được xem là những điều kiện cần và đủ để đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ. Ảnh Internet

Kê khai nhưng không kiểm chứng

Kê khai tài sản là chuyện không mới đối với bất kỳ một cán bộ- đảng viên trong guồng máy hành chính sự nghiệp hiện nay. Thậm chí việc kê khai tài sản còn được làm thường xuyên và được bổ sung thường xuyên khi cá nhân viên chức, công chức được đề bạt vào cương vị công tác mới. Đây được xem là những điều kiện cần và đủ để đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, thu nhập, hiện nay đang khiến dư luận cho rằng chưa hiệu quả. Hay nói đúng hơn là việc làm cho có mà không có bất kỳ một động thái nào cho cái gọi là kiểm tra hay kiếm chứng những bản kê khai đó.

Thế nên mới có chuyện những biệt phủ rộng hàng ngàn ha, trị giá hàng nghìn tỷ đồng của quan chức diện trung ương, tỉnh quản lý. Khối tài sản đó khi được công luận đưa ra ánh sáng kèm những giải trình của người trong cuộc về nguồn gốc là do lao động cực nhọc mà có (mò cua, làm thêm…) đã khiến dư luận đi từ bất ngờ sang phẫn nộ...

Đã có không ít người nói thẳng ra rằng, tài sản khủng đó do quyền lực đem lại. Thế nhưng vì sao “con voi lại có thể chui lọt được lỗ khóa” . Câu trả lời rất đơn giản, kê khai nhưng không công khai và không có kiểm chứng. Bản kê khai được làm cho có và được cất vào ngăn tủ khi đã có những lời cam đoan, cam kết trung thực của người kê khai. Thế nên mới có chuyện biệt phủ mọc lên trên đất rừng, đất nông nghiệp mà chính quyền không biết, em chồng tham gia điều hành công ty dược nhưng Bộ trưởng không thừa nhận…

 

Nhốt quyền lực lại

Tài sản là kết quả của quá trình tích lũy nhiều năm, nền không thể một sớm một chiều từ một công chức bình thường trở thành những  ông chủ đất, thậm chí ông vua của một vùng như truyền thông gần đây đăng tải. Do đó việc kê khai tài sản không cần phải làm nhiều, mà làm thường xuyên và phải được công khai để những người có trách nhiệm biết được việc kê khai. Nên hiểu, người có trách nhiệm ở đây chính là cấp trên của họ, là những cơ quan dân cử . Và như đã nói, kết quả kê khai cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nếu kê khai không trung thực phải xử lý nghiêm, có như vậy việc kê khai tài sản mới có tác dụng tích cực

Trở lại với báo cáo của Chính phủ, Qua hơn 5.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 190.000 cuộc thanh tra chuyên ngành đã được triển khai, ngành thanh tra đã phát hiện vi phạm hơn 34.000 tỉ đồng, hơn 5.800 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 19.500 tỉ đồng và trên 5.000 ha đất. Cơ quan thanh tra cũng yêu cầu xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 14.700 tỉ đồng, 729 ha đất; quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 3.180 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 83 vụ, 176 đối tượng. Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị xử lý tài chính gần 40.000 tỉ đồng. Thế nhưng chỉ có 4 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật (Quảng Nam 1 người, Kiên Giang 3 người).

Trước những số liệu trên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đã không ngần ngại bày tỏ: Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa thực sự hiệu quả. Đáng nói nhất là biện pháp kiểm soát tài sản hiệu quả thấp, số lượng bản kê khai tài sản nhiều nhưng số lượng phải xác minh, số đối tượng bị xem xét trách nhiệm vì kê khai không trung thực rất ít, còn những trường hợp gây hoài nghi trong dư luận… là những vấn đề nổi cộm nhất về sự kém hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.

Kê khai tài sản để biết rõ nguồn gốc tài sản do đâu mà có đang trở thành vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Thế nhưng đi cùng với những con số về tài sản khủng là những băn khoăn về hình thức xử lý, thu hồi khối tài sản do tham nhũng quyền lực hiện nay làm sao cho triệt để và hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong xã hội đang là vấn đề buộc Chính phủ và Quốc hội phải quyết liệt thực hiện. Hẳn biện pháp nhanh, mạnh, mang tính răn đe sẽ hiệu quả hơn đi đường vòng chỉ để nhắc nhở hoặc để cho đương sự tự giải trình. Trường hợp của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nên được xem là một khởi đầu của chính phủ hành động và liêm chính. Những chỉ đạo kịp thời về việc làm rõ khối tài sản của bà Thoa, cùng hình thức kỷ luật thỏa đáng đã và đang đem lại niềm tin trong người dân. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn không ít cá nhân cố tình né tránh, không thừa nhận sai phạm, tự biến mình thành kỳ đà càn mũi làm chậm quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo đang được dư luận đồng tình ủng hộ.

Hiện Chính phủ đang đề nghị gấp rút "hoàn chỉnh dự án luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, luật Tố cáo sửa đổi trình Quốc hội khóa XIV, xây dựng cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch" để chính thức “ nhốt quyền lực” vào trong lồng thể chế, để quyền lực đó không phát huy được sự độc đoán một cách không ai ngăn cản.

Chúng ta đang ở những tháng cuối cùng của năm 2017, với những quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,,7% cùng với đó là xây dựng thành công một Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính. Đây sẽ là những tiền để cần thiết và vững chắc để bước vào năm 2018 với một dự báo sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nạn tham nhũng. Nhưng nói gì thì nói nếu không trung thực thì không thể phòng chống được tham nhũng mà trung thực với một số người hẳn vẫn còn khó lắm thay!

 


Có thể bạn quan tâm