April 25, 2024, 6:51 pm

Kẻ cắp bà già

 

Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác của văn học Việt Nam, một trong những điển hình làm nên sự nổi tiếng đó phải kể đến lối “tầm chương trích cú” phong phú và độc đáo của tác phẩm. Bên cạnh những điển tích có nguồn gốc từ Trung Quốc, Truyện Kiều còn xử dụng những điển tích, điển cố hoàn toàn Việt Nam. Trong cặp câu:

Vợ chàng quỷ quái tinh ma

Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau

Ai đã từng mê Kiều đều không bỏ qua đoạn này, cái tài của Nguyễn Du đã gắn hai câu này với một giai thoại, một điển cố có nguồn gốc từ Việt Nam.

Chuyện kể rằng: Ngày xưa ở chợ Phủ (Chợ Bằng ở phủ Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ) có một chàng trai lanh lợi, mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay từ khi còn nhỏ. Chàng làm thuê cho các cửa hàng trong chợ để độ nhật qua ngày. Tính chàng vui vẻ, làm ăn chỉn chu và không bao giờ tắt mắt… nên được nhiều ngườiquý mến. Đến tuổi thanh niên chẳng hiểu sao chàng trai này đổ đốn, xoay sang trộm cắp.

Ở chợ Phủ, chàng hành nghề rất điêu luyện, thủ đoạn tinh vi khiến người mất chỉ còn biết khóc than. Trong vùng thường có các nhà giàu đem hàng hóa đắt tiền đến chợ Phủ, nếu chàng đã “định” thì không ai có cách gì mà giữ được. Có một điều đặc biệt, tính chàng hào phóng thường đem tiền bạc ra chia sẻ với những người nghèo…

Một ngày nọ, sau khi đã ăn sáng xong để chuẩn bị cho một ngày hành sự thì có một bà già đến bên cạnh ngồi xuống và bảo: Mỗi lần đi chợ, mẹ thường để ý đến con ngay từ lúc con còn nhỏ nên rất xót xa… Hoàn cảnh mẹ góa chồng sớm, nhà cửa neo bấn, nay mẹ muốn đón con về lo lắng công việc. Một mai mẹ qua đời, con sẽ trông nom em con, âu cũng là số trời đã định…

Chẳng hiểu sao bà già nọ đã thuyết phục được chàng trai về nhà mình, ngôi nhà không cách xa chợ Phủ là mấy. Trong nhà chỉ có một cô con gái, bà già gọi cô con gái ra nhận chàng trai. Ý sâu xa của bà già là sau khi mình khuất núi chàng trai sẻ là chủ nhân ngôi nhà của nhà mình!

Cháng trai vô cũng phấn khích. Khi đã thân mật bà già phàn nàn: Nhà có con lợn đã lớn, định đem bán từ lâu nhưng vì tuổi già sức yếu, lại không muốn phiền hàng xóm vì họ đã giúp nhiều quá rồi… Chàng trai bảo: Mẹ để con và em khiêng lợn ra chợ bán. Hôm đó đắt hàng lợn nên món hàng được bán nhanh gọn. Sau khi cẩn thận cho tiền vào hầu bao, bà già bảo: Thôi hai con về trước, con giúp mẹ sửa sang cái mái chuồng lợn. Mẹ mua bán một vài thứ về nhà làm mâm cúng để lứa sau nuôi nấng hanh thông.

Bà già không mua bán gì màvào thẳng công đường xin được gặp quan phủ để thưa một việt hệ trọng: Bẩm, tiện thiếp góa bụa, hiếm hoi chỉ sinh hạ được một cháu trai. Từ khi bố nó qua đời nó sinh lêu lổng và hư hỏng.Nó bỏ ra chợ Phủ nhiều năm nay trộm cắp gây phiền nhiễu. Tiện thiếp đã nhiều lần khuyên răn nhưng không được. Nay, dụ được hắn về nhà nhưng vẫn sợ ngựa quen đường cũ, thiếp cầu xin quan lớn cho bắt về phủ đường để giáo dưỡng… Ngàn vạn lần xin qua lớn hàm ân…

Sau khi xem xét, biết rõ lai lịch tên bất lương này.Phủ đường nhiều lần đã có ý định bắt giam nhưng chưa có bằng cớ, nay nhân có bà già tố giác, lệnh bắt giam được thi hành.Sau khi đã bị bắt giam, suốt mấy ngày trời phạm nhân không ăn, không uống và không bắt chuyện với lính canh.Một hôm, phạm nhân tự nhiên bật cười ngặt nghẽo.Lính gác thấy làm lạ bẩm lên quan phủ. Tức thì  quan phủ cho gọi phạm nhân đến công đường, hỏi:

- Tại sao trong suốt thời gian giam giữ nhà ngươi tuyệt thực nay lại bật cười?

- Bẩm quan lớn, xưa nay con làm nhiều điều bất lương mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, như vậy không phải là con coi thường quan lớn. Trong thâm tâm con luôn muốn dứt bỏ tội lỗi… Vừa rồi cuộc đời cho con một cơ hội, con đã làm được một việc thiện, việc có ích cho xã hội thì… lại bị pháp luật trừng trị. Nằm trong lao tù con nghĩ thấy cuộc đời thật buồn cười nên mới bật cười đấy ạ!

- Cuộc đời buồn cười ở chỗ nào?

- Cho đến hôm nay con mới thấy con thua cuộc lần đầu tiên trong đời, mà lại thua một bà già. Bà ấy đã tài tình chặn đứng việc làm phi pháp của con và buộc con phải làm theo ý đồ có lợi của bà ấy. Con bị tống giam là đúng rồi, con sẽ cải tà quy chính. Khi hoàn lương con sẽ đem công sức của mình làm việc tốt cho đời…

Vốn xuất thân trong trường khoa hoạn lại có lòng từ tâm, quan phủ cảm thông với hoàn cảnh của phạm nhân.Song, để thử thách, quan phủ giao cho hắn một việc. Quan bảo:

- Tại phố phủ hiện nay có mười cô gái rất đanh đá, ngoa ngắt và bất trị. Ta đã giao cho đề lại trừng trị mà vẫn không chấm dứt được. Mười cô này càng ngày càng ăn nói tục tĩu, cãi nhau, lăng loàn náo loạn cảhàng phố… Nay ta giao cho ngươi, tìm cách nào đó giáo huấn chúng để chúng thuần thục, Bằng chứng là làm sao người có thể “thơm” cả mười đứa có sự chứng kiến của phủ đường… Nếu được vậy ta sẽ tha tội và tác thành cho ngươi với con gái bà già kia!

Phạm nhân xin nhận với điều kiện xin đặc ân quan lớn cho mượn bộ quần áo và cái roi của thầy đề, quan phủ bằng lòng.

Chiều hôm đó, nắm vững quy luật của các cô thường tụ tập gánh nước ở giếng thơi cạnh phủ đường. Thầy đề “giả” vung roi đánh tới tấp vào các cô không cho một lời phân bua phải trái.Còn các cô chịu đòn với những lời lẽ không đẹp của thầy đề “giả”. Trước vẻ mặt giữ tợn, các cô nhận thấy đây không phải là thầy đề vẫn thường đùa giỡn với các cô mọi ngày. Chắc “thầy này” mới được đổi về đây… Thế là cả mười cô đành chắp tay van lạy.

 - Thưa thầy, chúng con có lỗi gì xin được tha thứ ạ!

- Quan phủ vừa nhận được mật báo, bọn bay dám cả gan ăn trộm mít trong vườn phủ, nên hôm nay ta bắt các ngươi về trị tội!

- Oan cho chúng con lắm ạ!

- Nếu vậy các ngươi phải cho ta ngửi mồm, nếu không có mùi mít ta sẽ xin với quan tha cho…

Thế là “phạm nhân” tiến hành ngửi mồm từng cô. Tất cả việc làm trên được sự chứng kiến của cả phủ đường. Quan phủ chép miệng: Thằng này có tài, thế mà thua mưu của một bà già, thật đáng tiếc! Ngạn ngữ: “Kẻ cắp, bà già” ra đời trong bối cảnh như thế!

Tra cứu trong điển tích, điển cố Truyện Kiều của Nguyễn Du không thấy giải thích rõ ràng về nguồn gốc câu ngạn ngữ này. Trong cuốn Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nhà xuất bản Giáo dục, 2007, do Trần Nho Thìn chủ biên, Nguyễn Tuấn Cường khảo dị, chú thích, bình luận: Ngạn ngữ có câu: “Bà già bắt được kẻ cắp” ý nói chuyện lạ, hiếm gặp trên đời. Hoặc có thể hiểu theo nghĩa: Nử tử bất cảm dữ đạo tranh, duy lão bà nãi đối thủ dã (Con gái thì không dám đấu tranh với kẻ cắp, chỉ có bà già mới là đối thủ).

Căn cứ và những dữ liệu trên có thể khẳng định: Ngạn ngữ “kẻ cắp, bà già” là một điển tích Việt Nam, Nguyễn Du đã xử dụng ngạn ngữ này trong thời kỳ được bổ làm tri phủ Thường Tín (1802).

Nguồn Văn nghệ số 24/2019


Có thể bạn quan tâm