April 24, 2024, 10:52 am

KẺ BƠ VƠ NẾU VẮNG THƠ

Cách đây gần 2 tháng, tôi vào khoa hồi sức cấp cứu viện 103 thăm nhà thơ Hoàng Trần Cương, ra về lòng nặng trĩu, bởi ông đang chiến đấu vật vã với tử thần. Thấy chúng tôi vào thăm, ông vẫn nhận ra và gật đầu, mắt ngấn lệ, như muốn nói nhiều lắm mà không thể. Tôi biết Hoàng Trần Cương từ khi tôi đang là một thằng nhóc con, bởi ông là bạn thân với cha tôi nhà thơ Võ Thanh An, hầu như không ngày nào các ông không gặp nhau. Và rồi sau này tôi cũng có điều kiện gần gũi và thân với ông, lúc vui khi buồn ông lại gọi cho tôi, có nhiều khi gặp chỉ để ông trút giận bởi một cơn điên đột xuất nào đó. Thú thực, kể từ khi biết ông cho đến nay tôi luôn có một nỗi sợ dành cho ông. Khi bé thì tôi rất sợ ông bởi khuôn mặt như “đá tảng” khó gần của ông. Sau này thân với ông thì tôi lại sợ những cơn điên của ông, lơ mơ ông bổ vào mặt đập bàn và văng đủ thứ. Kể từ khi ông bệnh nặng, tôi lại sợ rồi thế gian này không còn một người thơ như Hoàng Trần Cương nữa. Ôi cái cuộc đời mà ta đang sống sao quá mệt mỏi, sao quá khắc nghiệt, quá bon chen, giành dật, nhiều giả dối và đớn hèn, chỉ còn ít ỏi những con người để ta gắn bó yêu thương, giúp lòng ta dịu lắng, vậy mà cứ thưa dần. Sau khi ở viện về, tôi thầm khấn cho ông được ra đi thanh thản, để khỏi phải chịu nỗi đau đớn thể xác. Và rồi, cái nắm tay với ông hôm đấy đã là lần cuối, Nhà thơ Hoàng Trần Cương đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 16 giờ 40 phút ngày 9 tháng 4 năm 2020 (ngày 7 tháng 3 năm Canh Tý) tại bệnh viện quân y 103. Tang lễ của ông sẽ được tổ chức vào hồi 9 – 10 giờ ngày 13 tháng 4 năm 2020, tức ngày 21 tháng 3 năm Canh tý, tại Phòng số 3, Nhà tang lễ Cầu Giấy, số 1 Trần Vĩ, Hà Nội. Hỏa táng vào hồi 13 giờ tại Đài hóa thân Hoàn vũ.

Dưới đây là bài viết cũ của tôi về Hoàng Trần Cương, xin đăng lại để mọi người cùng đọc, hiểu thêm về Hoàng Trần Cương và cùng chúc ông nhẹ bước đường mây, thanh thản về cõi Vĩnh hằng.

 

Nhà thơ Hoàng Trần Cương (1948-2020)

Hoàng Trần Cương được xem như là một trong những trường hợp khá nổi trội của đời sống thơ ca Việt Nam đương đại. Không chỉ trong tác phẩm mà sự nổi trội đó còn thể hiện ở sức viết. Với ông, thơ như dòng máu để nuôi dưỡng cái thân thể vẻ đầy phàm tục và khó coi của mình, nhưng ẩn bên trong là sự đáng yêu của một thi sĩ. Bạn bè ví ông giống như con hàu biển, bên ngoài thì xù xì góc cạnh, bên trong là sự trong trẻo mềm mại. Dường như dòng máu thơ ca lúc nào cũng rần rật rồi ngún lên trong con người Hoàng Trần Cương. Nếu không có thơ hẳn Hoàng Trần Cương sẽ trở thành kẻ bơ vơ trong cuộc đời này. Hoàng Trần Cương sống cuồng nhiệt, đầy sinh khí vì có thơ nhưng cũng lơ ngơ vì có thơ. Cái sự lơ ngơ của ông đôi khi vừa đáng trách nhưng lại vừa đáng yêu đến tức cười. Tôi cũng có “diễm phúc” được chứng kiến đôi phen lơ ngơ đó, nhưng chẳng dám kể ra vì sợ ông bổ vào mặt. Có người bảo ông ấy từng là chuyên viên tài chính, là tổng biên tập báo tài chính, không có chuyện lơ ngơ được. Đành rằng là vậy. Nhưng cũng có người bảo Hoàng Trần Cương làm Tổng biên tập bằng thơ, do thơ điều hành. Kể từ ngày nghỉ hưu, người ta thường bắt gặp ông hay đứng lơ ngơ ở một góc phố nào đó, như kiếm tìm như chờ đợi, hoặc có lúc ngồi xổm hì hụi viết gì đó vào cuốn sổ tay. Hoàng Trần Cương bảo được về hưu cũng là một hạnh phúc. Đời người đến đoạn nào biết đoạn ấy. Về hưu là mình được trở lại thời thơ trẻ, đầu óc bỗng trong veo. Chỉ tiếc là tóc tai mỗi ngày thưa thớt hơn. Nhưng thảnh thơi nhất là mình được tự do, được làm điều mình ưa thích. Một hai ngày không ra đường là cuồng lên. Chết một nỗi bạn bè cứ lịm dần, vắng dần. Thì đã sao đâu, còn có cả thiên hạ cơ mà. Thế là xe ôm đường xa, đi bộ đường gần, mệt đâu nghỉ đấy. Mắt mở khi to khi nhỏ. Mặt mày lúc duỗi lúc co. Tay vuốt lông mày rậm. Chẳng đi đâu mà vội. Cứ đi thôi.

Vậy là, ngày gặp gỡ bạn bè, tối lại ngồi vào bàn viết. Viết như lên đồng. Viết như sợ thiên hạ viết hết của mình. Có bao nhiêu tâm can, có bao nhiêu chữ nghĩa trong đầu, Hoàng Trần Cương đem đổ hết vào thơ. Viết được gì là ngày hôm sau lại đem đọc cho bạn nghe. Bữa nào không được đọc thơ cho bạn bè là bữa đó ông cảm thấy mất vui. Bạn bè ai cũng hiểu được điều đó, mà thực chất mọi người cũng thích được nghe và được trông thấy một Hoàng Trần Cương đầy hào sảng, khí phách mỗi khi đọc thơ. Nói vậy chứ có nhiều ông đọc thơ khiến cho người khác buồn ngủ hoặc chỉ muốn độn thổ bởi bao ánh mắt bên ngoài đang xoi mói một lũ khùng điên. Nhưng nghe Hoàng Trần Cương đọc thơ, ta như mặc kệ tất cả để nghe từng câu chữ, để hiểu, để biết cái lão gàn đáng yêu kia đang viết gì, đang đọc gì.

Hoàng Trần Cương vừa cho ra mắt tập thơ Bầu trời đất, gồm 45 bài thơ, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Thực ra tôi được đọc tập thơ ấy khi đang còn ở dạng bản thảo. Vào một ngày đẹp trời, Hoàng Trần Cương “tống vào mặt” tôi tập bản thảo Bầu trời đất, có đề bên ngoài sửa chữa lần thứ 5, và bảo “đem về đọc” như mời mọc như ra lệnh. Tuy là tập bản thảo sửa chữa lần thứ 5 nhưng bên trong gạch xóa nhằng nhịt, đoan chắc phải mất mấy tập giấy như thế nữa mới xong được. Nói vậy để thấy sự cẩn trọng, trăn trở của ông với chữ nghĩa, với thơ ca. Vào cái ngày mà Hoàng Trần Cương được đón rước đứa con tinh thần Bầu trời đất về nhà, trong lúc chờ đợi sách từ xưởng in về nhà xuất bản và cũng là giờ hoàng đạo để làm việc trọng, tôi đã cùng ông ngồi uống hết mấy chục vại bia. Một bên thì uống và đọc thơ. Bên kia thì uống và nghe thơ. Mà toàn những bài tôi đã được đọc, được nghe hết cả rồi. Bữa đó Hoàng Trần Cương đọc để cho thời gian qua mau, bởi ông đang sốt ruột, đang háo hức được đón đứa con tinh thần thứ n của mình. Bầu trời đất chưa kịp nguội, thì mới đây Hoàng Trần Cương lại “tống vào mặt” tôi một tập bản thảo Trường ca Long mạch, và bảo “tập này sắp in”. Ông bảo vừa phải trốn về nhà cũ, một mình lụi cụi trong nửa tháng để viết nốt tập trường ca, nơi mà lúc sinh thời bố mẹ ông từng sống ở đó suốt mấy chục năm. Ông bảo về đó để ông bà tổ tiên, cha mẹ phù hộ cho mình viết. Tôi thì không nghĩ vậy, Hoàng Trần Cương về ngôi nhà đó là để cho kí ức dội về và rồi ngày mai ông sẽ lại chạy trốn khỏi căn nhà nhỏ đó đầy hoang mang, đầy bất an nhưng kí ức thì sẽ còn mãi bởi vì ông đã nạp, đã ghi nhớ vào con tim vào tâm trí, vào tác phẩm của mình.

Thành thực mà nói, đọc thơ Hoàng Trần Cương rất mệt. Mệt vì thơ của ông khiến ta cảm thấy mất thăng bằng. Mệt vì sự ray rứt, trăn trở trong con người nhà thơ. Mệt vì cái sự lục cục lào cào, sự trúc trắc, sự chéo nghoe của từ ngữ để rồi nó cứ ám ảnh người nghe, người đọc. Có thể nói Hoàng Trần Cương đã tạo ra cho mình một hệ thống ngôn ngữ rất riêng. Đó là thứ ngôn ngữ của một người Nghệ đã tha phương, đã nhuốm màu khổ ải của cuộc đời. Có lẽ việc sử dụng từ ngữ đặc biệt này đã góp phần lớn tạo nên dấu ấn cho thơ Hoàng Trần Cương. Ta hãy thử cùng đọc lại một số câu xem nó thế nào:

Muốn về nhà quá

Mà mặt đường lại ngủng ngẳng trôi…”

(Ở ngoài đường – Bầu trời đất)

Cảm giác cô đơn dễ nhận thấy của một thi sĩ, ấy vậy mà khi qua tay Hoàng Trần Cương lại khiến ta giật mình trước sự bất an của hoàn cảnh với ngôn từ chẳng giống ai. Có ai lại đem từ “ngủng ngẳng” vào trong thơ bao giờ. Nó vừa thô ráp, đọc lên chẳng thấy thơ tí nào, âm điệu thì trúc trắc, đọc đau cả mồm. Ấy vậy mà nó tạo hiệu ứng ghê gớm. Ám ảnh ghê gớm. Chỉ một từ có thể cứu cả câu thơ, và rồi một câu thơ cứu cả bài thơ.

Hay trong bài Chiếc gối, bài thơ cuối cùng trong tập Bầu trời đất, Hoàng Trần Cương có mở đầu thế này:

Quẩn mặt vào đêm

Anh đi tìm cho mình

Một chiếc gối có hơi bàn tay mẹ

Không hốt được gì cả

Giấc ngủ trật ra đường…”

Nếu đọc thơ Hoàng Trần Cương mà muốn kiếm tìm sự trong trẻo của âm thanh, sự mượt mà của câu chữ, sự lãng mạn của ý thơ thì quả là thảm bại. Chỉ trong 5 câu thơ trên, Hoàng Trần Cương đã liên tiếp khiến cho độc giả bị xây xẩm mặt mày bởi từ ngữ, bởi hình ảnh mà ông tạo dựng. Xây xẩm để rồi nhức buốt. Mấy câu thơ vẫn là sự cô đơn, bất an đến tội nghiệp. Nhưng, đến cuối bài, Hoàng Trần Cương lại chốt hạ thế này:

Anh quấn mặt vào đêm

Và tự nhấc ngày mai kê lên làm gối”

Trời ơi, đầu bài đã quẩn mặt, đến cuối bài lại quấn mặt, đọc thơ mà thế này thì mệt thật. Vừa thoát ra khỏi sự tù túng đã vấp ngay phải sự ngột ngạt. Thơ phú kiểu gì mà dồn nén đến tức thở. Nhưng không, câu cuối cùng “Và tự nhấc ngày mai kê lên làm gối” đã kéo người đọc ra khỏi cảnh huống đó. Dẫu rằng câu thơ cuối này vẫn đầy tâm trạng và đầy cá tính của một con người không mấy dễ chịu. Thơ Hoàng Trần Cương mệt nhưng ám ảnh là thế đấy.

Hoàng Trần Cương là người nhẹ nhàng trước người lạ nhưng khùng điên giữa bạn bè, bởi ông hiểu rằng, khi ở giữa bạn bè ông được an toàn. Tôi đã từng nói với ông nếu tách ông ra khỏi mảnh đất miền Trung thì ông chết chắc, và nếu tách thơ ra khỏi cuộc đời ông thì Hoàng Trần Cương không thể sống nổi. Nhưng còn một cái nếu nữa mà tách ra khỏi cuộc đời thì ông cũng sẽ chết, đó là bạn bè. Đọc thơ của Hoàng Trần Cương ta sẽ thấy hai mảng chủ đề lớn, đó là quê hương và bạn bè.

Khi được gặp lại những người bạn cũ Hoàng Trần Cương viết:

“Tuổi cớm chiều

Nói lời thẳng thớm

Những mến thương có chậm muộn bao giờ

…..

Nào mình rót cho nhau thêm chén nữa

Từ từ thôi nhỡ nghẹn phải ngày xưa

Uống cay đắng mà thành ngọt lự

Cuối giọt buồn chót vót một thời xanh…”

(Gặp lại ngày xưa – Bầu trời đất)

Lời thơ có phần dịu dàng khác kiểu của Hoàng Trần Cương mà cay xống mũi trước tình cảm bạn bè trải qua bao tháng năm, tuy nhiên vẫn mang những nét đặc trưng của Hoàng Trần Cương, như: Nói lời thẳng thớm; Uống cay đắng mà thành ngọt lự, chót vót một thời xanh. Còn hạnh phúc nào khi được ngồi giữa những người bạn như thế, để mình được sống là mình, được yêu thương, được cho phép một chút rồ dại, được khóc và được cười, được thấy mình là giá trị và cũng được thấy mình nhỏ bé biết bao, được đắm chìm trong ngày tháng cũ để làm bàn đạp cho ngày mai. Bi kịch lớn nhất của con người là không được sống là chính mình, tận hưởng chính những nỗi đau của mình mà nhận ra cái cốt lõi cuộc đời, cốt lõi của kiếp người. Có lẽ vì hiểu được điều đó mà Hoàng Trần Cương đã viết “uống cay đắng mà thành ngọt lự”.

Nếu nói thơ là máu thì trong dòng máu đó của Hoàng Trần Cương luôn hừng hực một đam mê, đấy là viết trường ca. Hình như ông luôn cảm thấy bất an, luôn thấy không bằng lòng với mình. Những trường ca mà ông đã cho xuất bản, tuy vật vã và chậm chạp nhưng Hoàng Trần Cương luôn tự cảm thấy nó còn thiếu điều gì đấy, có lẽ bởi trong con người ông chất chứa quá nhiều điều muốn nói và nếu cứ giữ ở trong lòng sẽ bị tăng xông, vậy tốt nhất là nên để nó vỡ tung ra trên trang giấy, như đổ lửa, như gió thốc, như nước sông cuộn chảy. Thế là lại đăm đắm, lại ngẩn ngơ, lại úp mặt mò tìm, lại gò mình với giấy và bút mà thực ra cũng không thể biết nó có hiện hữu hay không, có tìm thấy hay không. Chỉ biết là cứ viết.

Tôi đã từng thích thú với Trường ca Trầm tích của Hoàng Trần Cương. Có thể nói đó là một trường ca xuất sắc của ông và xuất sắc trong số những tác phẩm đã viết về miền Trung. Ở Trầm tích, Hoàng Trần Cương đã tạc nên, đã giải phẫu, bóc tách cặn kẽ, lý giải chi tiết, chiêu tuyết cẩn trọng về con người và mảnh đất miền Trung. Cứ ngỡ như Hoàng Trần Cương chẳng còn gì để viết về mảnh đất đó, ấy vậy mà một Long mạch lại ra đời. Nếu như ở Trầm tích là một giọng hào sảng, đắng đót mà sâu lắng thì ở Long mạch phảng phất sự thảng thốt. Vừa gan ruột nhưng vừa có gì đó hoang mang lo lắng. Lo lắng điều gì không biết. Hoang mang điều gì không lý giải được. Vẫn là những con người ấy, vẫn là mảnh đất ấy, nhưng được nhìn dưới một góc độ khác, một khoảng cách khác. Hoàng Trần Cương viết Trầm tích như đang sống đang đắm mình một cách nguyên bản ở mảnh đất đó. Còn Long mạch được viết với cái nhìn, sự vọng tưởng của một kẻ tha phương đang hướng về.

“Khẩn nguyện người

Cho con được bòn đãi những tháng năm trầy trật

Được quỳ xuống ôm thốc vào lòng quầng địa linh còn mất

Được hiến dâng

Những tầng vỉa ngỡ hẫng chân rồi vẫn đứng ngồi níu bện

Vẫn là phương pháp sử dụng từ ngữ đặc trưng đó (bòn đãi, trầy trật, ôm thốc, níu bện), vẫn là tình cảm thiêng liêng đó nhưng ở Long mạch, giọng điệu mang nhiều tính hoài niệm, gần mà xa, thân thương mà vời vợi. Rồi có lúc lại trở thành bất an, lo lắng cả những điều không tưởng, nhưng nó cũng phần nào thể hiện được cá tính quyết liệt, mạnh mẽ của Hoàng Trần Cương cũng như người miền Trung:

Cho con xin được cầu trời vái đất

(Xin đổ suối đổ sông những lời ngu dốt

Xin chôn sống mọi điều thảng thốt

Lỡ nhập vào con trong khoảnh khắc này)

Ôi! Sông Lam đừng có một ngày

Không chảy về xuôi nữa

Và mọi suối sông từng róng riết miết xanh đất Việt

Đừng có một ngày

Không biết chảy về đâu

Đừng có một ngày quê mình không còn biển

Đừng có một ngày trong muộn phiền con dựng ngược sông lên

(Chương III: Nết đất – Trường ca Long mạch)

Sao lại bất an đến thế nhỉ. Cũng phải thôi. Hoàng Trần sinh ra trên mảnh đất nghèo khó của dải đất hình chứ S có quá nhiều biến động, trải qua một cuộc đời nhiều sóng gió. Nếu trước chưa từng bất an thì bây giờ bất an, khi tuổi đã về chiều, có nhiều chiêm nghiệm với cuộc đời, đó cũng là điều dễ hiểu.

Người miền Trung cực đoan, có lẽ Hoàng Trần Cương cũng không thoát khỏi tố chất đó. Nhiều người bảo dân miền Trung có đặc tính địa phương chủ nghĩa, điều này cũng không sai. Tại chương VII: Mạch chủ, Trường ca Long mạch, Hoàng Trần Cương đã lý giải điều đó:

Ôi xứ Nghệ

Đi biệt tăm cùng trời cuối đất

Cứ nghe giọng quê mình là cuốn chặt lấy nhau

Có phải đất này đời trước đời sau chung nhau nhóm máu

Cùng sinh sôi trong cơ khổ bần hàn

Cùng lớn lên trong cà pháo dòn tan

Nước mắm cốt Diễn Châu

Chắt lên từ đáy biển

Mặn mà ở đó mà nên

Có phải nơi đây núi hiểm sông sâu tình người níu bện

…………

Chúng mình

ấp vào nhau

Dựng phên dậu lũy thành

Bền chặt đồng hương đồng xứ

Cùng hội cùng thuyền cùng mộng

Ôm ghì mảnh đất cha ông”

Đó là sự đoàn kết, là sự yêu thương đùm bọc, bện lấy nhau của người dân xứ Nghệ. Họ bảo bọc cho nhau, nâng đỡ cho nhau, tạo thành sức mạnh của nhau, chia sẻ cùng nhau, để vượt qua khó khăn, để trụ vững giữa cuộc đời này, để sống làm người.

Với Hoàng Trần Cương, hình ảnh con sông Lam, giống như mạch nguồn cảm xúc để cho ông làm thơ. Ở Trầm tích đã thế, ở Long mạch vẫn vậy. Con sông Lam hiện lên vẫn linh thiêng, vẫn hiền hòa, vẫn mạnh mẽ, vẫn kiêu hùng. Với Hoàng Trần Cương, sông Lam là tình yêu, là sự sống, là sáng tạo, chính vì vậy hình ảnh con sông cứ hiện lên rải rác trong suốt tập trường ca. Để rồi đến Chương IX: Sông và em, Hoàng Trần Cương đã làm hiện lộ sông Lam một cách rõ nét nhất. Trong chương này, ông có viết về ba dòng sông, đó là: sông Lam quê ông, sông Hồng nơi ông đang sinh sống, và sông Cầu quê hương người phụ nữ hiện diện trong cuộc đời ông. Trong chương này, Hoàng Trần Cương như trả nghĩa cho ba dòng sông, tuy nhiên đoạn ông viết về sông Lam vẫn hay nhất, bởi với ông đó là dòng sông khát vọng, dòng sông hoài niệm, dòng sông của tương lai, dòng sông của tất cả các dòng sông. Sau khi đọc chương này, có người bảo Hoàng Trần Cương viết về ba dòng sông nhưng để rồi ba dòng sông đó lại đổ về một dòng sông, đó là dòng sông Hoàng Trần Cương. Nhận xét này vừa đúng mà không đúng. Theo tôi, cho dù có viết về ba dòng sông hay có thể nhiều hơn nữa thì cũng chỉ có một dòng sông chảy ngược vào con người ông, chảy ngược vào những góc khuất, ẩn ức của ông để tạo nên dòng sông Hoàng trần Cương:

“Sông Lam

Tuôn vào anh

Bạt ngàn nóng lạnh

Khi im ắng

Lúc cồn cào sóng gió

Trằn qua đất đá cỗi cằn

…..

Xối sạch trụi

Mọi tị hiềm hiểm họa

Bỗng thấy mình cũng sắp thành sông…”

Đọc Long mạch có những đoạn vẫn tạo cảm giác gắng gượng cho người đọc, mà phẩm chất thơ của Hoàng Trần Cương là sự tự nhiên. Thơ ca đến với ông như bản năng, như từ trên trời rơi xuống, lúc đó sẽ là những câu thơ hay. Tài năng của Hoàng Trần Cương không phải là do thời gian hay học hỏi đem lại mà là thứ tài năng trời cho, thứ tài năng của những cơn điên, những cơn ngộ chữ đem lại. Đó là thứ tài năng mà bất cứ kẻ làm sáng tạo nào cũng thèm khát.

Long mạch chưa kịp in ra thì Hoàng Trần Cương lại bảo đang viết một trường ca nữa, và đến khi đó tôi sẽ là người được ông ”tống vào mặt” tập bản thảo để là người đọc đầu tiên. Vâng, tôi cũng mong được ông “tống vào mặt” nhiều quả như vậy.

(Nhân đọc tập thơ Bầu trời đất và Trường ca Long mạch)


Có thể bạn quan tâm