April 25, 2024, 8:37 am

KATE TEMPEST – sức trẻ tự tin và chủ động

 

Tấm lòng rộng mở và nhạy bén phi thường của  Kate Tempest, nữ công dân Anh 33 tuổi, là hiện tượng và sự kiện văn hóa nghệ thuật đáng phấn khởi khó tin, thời điểm hiện tại, tầm vóc toàn cầu. Từ mưởi năm trước, cô bắt đầu được công chúng nghệ thuật không chỉ ở Xứ sở sương mù ngưỡng vọng, như một nhạc sỹ rap đặc sắc, một nghệ sỹ slam hàng đầu, một thi sỹ có hạng, và từ 2016, như một tiểu thuyết gia sừng sỏ… Tình yêu vô tận đối với cuộc sống và con người - phẩm chất chung của mọi nghệ sỹ đích thực - được thẻ hiện không chỉ trong ca từ, câu thơ, chữ nghĩa, mà còn trong nỗ lực giao hòa hết mức có thể với công chúng. Kate Tempest, mỗi lần xuất hiện trước hàng ngàn khán giả, chẳng khác nữ thần cổ Hy Lạp Pythie, một “người điên cực tỉnh”, đồ đệ của thần Appolon, xướng to những phán truyền của các thiên thần. Gần đây hơn, những lúc ấy, cô là Michael Jackon, chưa cần cất tiếng hát, chỉ với vài điệu bộ, đã khiến hàng trăm, hàng ngàn khán giả cuồng lên trong tột cùng hạnh phúc. Không hiếm nhà nghiên cứu kinh ngạc, Kate Tempest là một nhà tiên tri quá trẻ so với những “câu sấm” kiểu Trạng Trình. Những câu sấm của cô là những câu thơ hoặc những ca từ mà cô cất lên, giọng dịu dàng, nhưng ánh mắt và thân hình bốc lửa, ngắt nhịp và lên bổng xuống trầm cực kỳ điêu luyện, tưởng như đấy không phải là lời của con người, mà là của Chúa, của thần thánh.

Chỉ mấy ngày sau các cuộc tấn công Paris của các phần tử Hồi giáo cực đoan, 13/11/2015, cô đã xuất hiện trước công chúng đông đảo của thủ đô Ánh sáng, tức thì khiến công chúng này, từ đau thương tê tái chuyển dần sang bồi hồi lạc quan và tin tưởng. Cô hát bài thơ Châu Âu mất rồi do cô sáng tác, gần như ứng khẩu. Dĩ nhiên bằng tiếng Anh. Không phải ai cũng hiểu được trọn vẹn hay đôi chút. Nhưng chất lạc quan và tin tưởng toát ra từ điệu bộ và phong thái trình diễn thơ, đặc biệt là giọng điệu của cô khiến khán giả ngây ngất thêm mãi và ngộ ra rằng một số nghệ sỹ và người dân Paris mất mạng vì bọn khủng bố, nhưng Paris và nước Pháp vẫn sống vui tươi, sáng tạo và đàng hoàng. Ngược đời là ở chỗ, nội dung bài rap của cô là lời báo động róng riết về thảm họa đang đe dọa toàn thế giới. Thảm họa dó khởi phát từ Lục địa già. Đáng lẽ nhường nhịn nhau, bao dung với nhau – giữa các nhóm xã hội, các cộng đồng khác biệt, giữa các quốc gia, các khu vực giàu nghèo, tiến bộ khác nhau trên trái đất -, để cùng được sống, sống yên ổn, một vài nhóm, thường thuộc thế giới thượng lưu, lại chỉ nghĩ đến lợi ích và hạnh phủc của riêng họ. Chủ nghĩa vị kỷ này lan tỏa ngấm ngầm vào toàn xã hội. Nhiều hậu quả dẫn đến hậu quả cuối cùng:

                                    Hành tinh chúng ta

                                    Ô nhiễm và rệu rã

                                    Cuộc đời thành trò chơi

                                    Thành áo quần lấm lem bỗ bã

                                    Trời trừng phạt trừng phạt, hỡi ôi

                                    Không thấy lối thoát nào cả

                                    Chỉ tận thế thôi mà…

                                                   (Châu Âu mất rồi)

Ở châu Âu, sự “rệu rã” bắt đầu tử Tổ quốc của Kate Tempest. Những yêu thương gần như khẩn thiết nói trên của cô cất lên từ sự am tường và theo rõi sát sao lịch sử và thời cuộc. Sau Đại chiến II, ý tưởng về một châu Âu thống nhất đã được một số nguyên thủ và chính khách của châu lục, trong đó có Pháp, Đức và Xứ sở sương mù, khởi xướng và bền bỉ thực hiện. Thảo luận, bàn bạc, thỏa thuận… liên tục, hơn bốn mươi năm sau, vào ngày 1 tháng mười 1993, Liên minh châu Âu - khối thống nhất về chính trị, kinh tế và tiền tệ - chính thức ra đời. Cùng với Pháp và Đức, Vương quốc Anh đóng vai trò chủ chốt trong Liên minh. Từ khi những làn sóng di cư từ chấu Á và châu Phi nổi lên cuồn cuộn, “Anh cả” này bắt đầu dao động. Từ cuối 2015, xuất hiện nhiều ý kiến kêu ca về sự thiệt thòi của “Anh” từ khi gia nhập Liên minh vốn được thế giới kỳ vọng thật nhiều. Kèm theo đó là một phong trào vận động cho Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu). Một trong những nhân vật chủ đạo của phong trào là Theresa May, nữ thủ tướng Anh hiện tại. Cả Vương quốc sôi lên. Thủ tướng Anh lúc ấy, David cameron, tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, vào 23/6/2016, hy vọng giữ nước mình ở lại Liên minh, phù hợp với xu hướng thời đại là “thành thực hòa giải và hòa hợp”. Thực tế, 51,9% số người tham gia, một kỷ lục, 72% dân cư, đồng ý với việc Xứ sở sương mù “đào ngũ”. Ba lý do chính của sự đồng thuận: 1/ không muốn Liên minh chấu Âu áp đặt cho dân Anh một số luật; 2/ cho rằng việc ở trong Liên minh là quá đắt đối với họ (đóng nhiều tiền cho Liên minh, không được nhận về tương ứng); 3/ chán nản về thực tế nhiều người dân các nước thuộc Liên minh tự do tới sinh sống và làm việc ở Quốc đảo sương mù. Daviđ Cameron từ chức. Theresa May lên thay, bắt đẩu các cuộc đàm phán với Liên minh về việc nước Anh ra khỏi. Nhiều cuộc như vậy suốt từ bấy đưa đến thỏa thuận cuối cùng, và cuối tháng 11/2018, được các nguyên thủ quốc gia châu Âu và nữ thủ tướng Anh thông qua chóng vánh. Tuy vậy, tất cả không giấu nổi lo lắng và phiền lòng. Ngày 11 tháng 12 vừa rồi, hạ viện Anh hoãn thông qua thỏa thuận ấy. Liên minh đáp ngay rằng thỏa thuận vừa rồi đã chuẩn.

Chuyện trên không bất ngờ. Mấy năm nay, bàn cãi về Brexit vẫn nối tiếp bất tận. Đặc biệt, vẫn âm ỉ ở Anh nhu cầu một cuộc trưng cầu dân ý khác. Nghĩa là Brexit là sai lầm. Như nhiều chuyên gia cả thế giới cảnh báo. Rằng nước Anh sẽ mất mát lớn về kinh tế, rằng nó tự biến thành một gia đình chia rẽ, gia đình không thể trụ được, rằng nó tỏ ra đáng thương, vì hiện giờ, nó là đất nước ở đó, không ai muốn chịu trách nhiệm về những hành động của mình, nhiều người Luân Đôn hình như đã mất tính điềm tĩnh thường trực của họ, rằng không lâu nữa, nó sẽ ngộ ra mình là một đất nước tầm thường… Việc thỏa thuận rời Liên minh châu Âu chưa được hạ viện thông qua phơi bày những khiếm khuyết chết người của kinh tế và chính trị Quốc đảo. Đấy ví như doanh nghiệp gia đình – quản lý thường kém cỏi…- thao túng nền kinh tế xã hội, nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nhân công nước ngoài… “Ngôi nhà Anh quốc” sụp đổ thì châu Âu cũng không còn: Brexit làm hiện rõ mồn một “một Lục địa già chỉ được coi là một thị trường chung, thị trường mà các nước gia nhập chỉ nhằm thâu tóm những lợi thế cho mình, lợi thế mà Lục địa không thể mang lại”; “Chúng ta thấy trong Brexit một châu Âu tuột khỏi tay các công dân của nó, rơi vào tay một giai tầng chính khách chân không bén đất, cật chẳng bén trời, sống theo nguyên lý vô trách nhiệm và không trừng phạt, thích nói và làm ở nước mình một đàng, ở cộng đồng chung một nẻo”... Những trăn trở ấy, trước phải đi lắt léo và gián tiếp, để đến với người dân, bỗng được ùa thẳng vào con tim và khối óc của họ, qua tiếng hát, câu thơ và trang văn của Kate Tempest, cô gái Anh không thụ động và yếu mềm. Với cô, nghệ thuật cần tương tác tích cực và tận độ với công chúng. Cô tỏ ra thực tế lắm, khi vận dụng loại hình rap trong ca nhạc và slam trong thơ. Ráp – xuất hiện chừng bốn chục năm trước ở những khu da đen nghèo khổ Hoa Kỳ, rồi lan nhanh ra toàn thế giới – có thể hiểu là một dàn đồng ca hay hợp xướng đặc biệt, trong đó ca sỹ là người lĩnh xướng sành điệu và hết mình, công chúng bị chủ đề biểu diễn kích hoạt tới tận những miền cảm xúc và suy tư sâu thẳm; ca sỹ chính là người phát ngôn cho họ, sôi nổi tột cùng, qua những lời hát giật cục, như nghẹn giọng, như hào hển, với những ca từ thẳng băng, và có phần khiêu khích, bộc lộ thẳng thừng cảm nhận của đông đảo nhân dân lao động về các vấn đề nhức nhối của xã hội. Slam thơ (bên cạnh slam nhạc, slam múa), một nghệ thuật hùng biện thi ca, do nhà thơ - thợ xây dựng Mỹ Marc Smith khởi xướng năm 1986, ở thành phố ông ra đời. Ông đại chúng hoá thơ bằng cách tổ chức trong các quán ba những cuộc tranh tài ứng khẩu thơ, các thí sinh, bất kỳ ai có mặt, y chang các võ sỹ đấm bốc. Nghệ thuật ấy giờ đây cũng đã thành một trào lưu toàn cầu. Và Kate Tempst là một trong những gương mặt sáng giá được hâm mộ nhất. Nếu đọc thông thường, thơ hoặc ca từ của cô có lẽ cũng vầy vậy thôi. Nhưng phẩm tính của rap hay slam, như phép màu ảo thuật, biến chúng thành những con chim thần, thôi thúc và dẫn dắt say mê và dũng mãnh.

Mảng nội dung quan trọng trong ca khúc và thơ của cô là chân dung những con người bình dị. Chúng được khắc họa như những con người đáng yêu, minh triết và không nản lòng. Không thỏa mãn với thành công của thơ ca và ca hát, cô luôn luôn nghiền ngẫm, bất kỳ đâu, nhất là ở các quán cà phê, bất cứ lúc nào, để viết nên một tác phẩm khả dĩ chia sẻ được với công chúng những suy tư ám ảnh. Năm 2016, tiểu thuyết đầu tay, Những viên gạch tụ nên ngôi nhà (Tạm dịch từ nguyên văn The bricks that built the houses. Bản tiếng Pháp: Hãy nghe thành phố sụp đổ), ra mắt như một bất ngờ hoan hỉ. Kết cấu theo lối gia phả cây – cành – lá, cây này lá kia đan xen vào nhau, đa giọng điệu, đa thời gian, đa cảm xúc và suy ngẫm,…, bộ tiểu thuyết hút hồn, khiến kinh ngạc vì tính hiện đại, tạo nên một thế giới văn chương muôn hồng ngàn tía, hấp dẫn và như “đe dọa”. Ấy là chuyện của giới trẻ Luân đôn và cha mẹ họ những tháng năm này. Những nghịch lý nhìn thấy và không nhìn thấy - chả hạn, để chiều chuộng một số kẻ thích hơn người, người ta phả bỏ một nhà mày, biến thành một khu vui chơi với những quán ăn nhậu hay cà phê quá thừa thãi đèn chùm,…- liên tục làm tiêu tan những cơ hội học tập, việc làm và cống hiến của giới trẻ, cha mẹ biết rõ nguy cơ cho con cháu mà bất lực… Cứ thế, chủ nghĩa hưởng thụ bằng mọi giá ngáng trở hay ngưng trệ dần những hoạt động thiết cốt của một xã hội lành mạnh: tập trung sản xuất của cải vật chất và tinh thần, vui chơi giải trí điều độ và tinh tế, không xâm hại những ràng buộc hiển nhiên phải nhân bản giữa con người với con người, giữa cá nhân với tập thể, giữa gia đình với xã hội… Giới trẻ Luân đôn, cũng như phụ huynh của họ trước đây, giàu hoài bão và nghị lực, song vấp phải thực tế kỳ quái như vừa nêu, đành phải “tự cải biến” ít nhiều, để tồn tại và hy vọng phát triển. Các nhân vật đều sinh động. Ba nhân vật chính đều điển hình và được khen ngợi. Becky, một diễn viên múa chuyên nghiệp, muốn thành lập một đội ba lê cho riêng mình. Song để sống được bằng nghề, cô phải làm thêm nghề khác là chạy bàn và mát xa… Harry có tài kinh doanh và tổ chức, nhưng cô không sao tạo dựng được chỗ đứng, đành chuyển tài năng vào buôn bán ma túy, để chờ thời và độ nhật… Chàng Leon, bạn của cô, tài năng đầy mình, chủ yếu là quản lý, đành đi làm thuê đủ việc vặt, mong tích được chút vốn, để xây dựng một cuộc đời hữu ích và lương thiện… Có điều, cả ba không bi quan, vẫn nuôi ý chí thành đạt và đóng góp thật nhiều cho xã hội…

Bộ tiểu thuyết là minh họa sinh động cho thực tế Xứ sở sương mù, với Brexit, cội nguồn của chia rẽ, đang bế tắc. Nó càng lôi cuốn vì chất lạc quan có tính thuyết phục. Thật trớ trêu, chính phủ Anh dự định kỷ niệm Brexit - khởi nguồn lâu rồi, được coi như một thắng lợi của  Xứ sở - vào tháng ba 2019, với việc phát hành một đồng tiền riêng cho nó, trên đó ghi “Hòa bình, thịnh vượng và hữu nghị với tất cả các dân tộc”. Trớ trêu này càng khiến tiếng nói của Kate Tempest được lắng nghe và suy ngẫm. Cô không bi quan là có cơ sở. Thứ nhất, đảng bảo thủ - chủ trò của Brexit - với số đảng viên làm thủ tướng Anh nhiều nhất (16 vị, trong khi công đảng chỏ có 9 vị) từ đầu thế kỷ 20 tới nay, đang phân hóa rõ rệt. David Cameron, sinh năm 1966 và Theresa May, sinh năm 1956, đều thuộc đảng bảo thủ, nhưng Cameron kiên quyết phản đối Brexit. Thứ hai, người dân thường bao giờ cũng tỉnh táo và bao dung. Họ mới là yếu tố quyết định. Điều này, cô “ngộ” ra, vừa từ huyền thoại, đặc biệt là huyền thoại cổ Hy Lạp, vừa từ cuộc sống thường nhật, chủ yếu từ gia đình. Đây là nơi đầu tiên cô học hiểu và yêu con người và cuộc sống. Cha mẹ luôn bị sức ép về kinh tế, về không gian sống. Nhưng cha mẹ không than vãn, mà bình tĩnh giải quyết êm thấm mọi chuyện, phát huy đủ sáng kiến và càng yêu quý nhau hơn. Cha cô là công nhân xây dựng. Ngày làm lụng vất vả, đêm cha vẫn kiên trì theo học các lớp buổi tối. Năm cô lên mười, cha tốt nghiệp đại học luật và trở thành luật sư. Tấm gương sáng đáng tự hào và đầy khích lệ! Những chuyện đó khiến cô bé tò mò, tìm cách lý giải. Cô thôi đến trường, mà học buổi tối như cha. Ban ngày, cô tranh thủ đọc ngấu nghiến mọi sách báo có được. Cô lân la đến hiệu sách gần nhà, xin đọc nhờ, được ông chủ tốt bụng chấp nhận. Cô hay hát và làm thơ, thầy Anh văn cổ vũ. Mười ba tuổi, cô lui tới các cửa hàng băng đĩa. Rồi các điểm thu âm. Cô xin được hát múa, lúc đầu đôi khi bị coi thường. Rối dần dần, tiếng hát của cô được đón đợi. Từ năm 16 tuổi, cô chính thức lên sân khấu, đường phố thôi. Đến nay, cô đã trình làng ba đĩa nhạc, hai tập thơ, hai vở kịch và một tiểu thuyết. Tất cả đều được ngưỡng mộ. Những buổi biểu diễn thì không đếm xuể. Sống là giao hòa. Giao hòa bằng lời thơ, tiếng hát, thước phim hoặc nét vẽ…Tự tin và tin vào Con Người: bí quyết của Kate Tempest là đó. Mỗi người thực ra là một thiên thần. Thiên thần từ ngàn xưa đã đến với hiện tại, nhập vào hiện tại: 

                                     Thiên thần nào đâu xa

                                     Thiên thần ở trong ta…

                                                    (Những nhà tân cổ điển, Tập thơ thứ nhất, 2013, của Kate Tempest)

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2019

 

 

 

 

 

                       

Kate Tempest, sinh năm 1985 ở London                          Bìa tiểu thuyết đầu tay


Có thể bạn quan tâm