April 19, 2024, 6:34 pm

Ðiện ảnh có vị gì?

Vừa qua, Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam Vi Kiến Thành đã ký quyết định cấm phổ biến bộ phim Vị của đạo diễn Lê Bảo “vì không phù hợp với văn hóa Việt Nam”. Ðã có nhiều ý kiến trên báo chí, đa phần ủng hộ quyết định này.

Ðể rộng đường dư luận và tôn trọng ý kiến nhiều chiều, báo Văn nghệ xin đăng bài viết phản ánh quan điểm của hai nhà làm phim Phan Ðăng Di và Nguyễn Hoàng Ðiệp, trong đó đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp cũng là một thành viên Hội đồng duyện phim quốc gia. Cùng nhau đối thoại, tìm giải pháp thúc đẩy nền điện ảnh Việt Nam là mục tiêu chung của những cuộc tranh luận lành mạnh, tôn trọng những ý kiến khác biệt của nhau. Báo Văn nghệ hoan nghênh những ý kiến đóng góp của các nhà làm phim, các nhà quản lý và bạn đọc xung quanh chủ đề này.

 

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Ảnh: Internet 

Những ngày tháng 7, tâm trạng chùng chình hơn, phần vì một bộ phim tôi yêu mến đã bị cấm - cấm khi tôi đang là thành viên của hội đồng duyệt quốc gia - nơi trực tiếp ra quyết định. Tôi nói chuyện nhiều hơn với đạo diễn Phan Đăng Di, người mà tôi coi là thành hoàng của làng phim độc lập.

Tôi ở Hà Nội và anh Di ở Sài Gòn, 2 thành phố đang trong giai đoạn căng thẳng. Rạp chiếu đã đóng cửa; họ kiện để đòi giảm giá thuê mặt bằng. Các hãng phim tư nhân cùng ký vào lá đơn kêu cứu. Những dự án phim đang quay đã dừng hết. Đạo diễn Dũng “khùng” gây quỹ giúp người làm phim mất thu nhập vì Covid... rồi anh xin lỗi vì sức lực có hạn, chỉ hỗ trợ được 1000 người; chính anh cũng không ngờ số người khó khăn của ngành điện ảnh lại lớn đến thế. Cùng lúc đó, ở Cannes, Cành cọ vàng được trao cho bộ phim gây sốc nhất năm, kể về nữ vũ công khiêu dâm trẻ tuổi sau khi làm tình với chiếc ôtô Cadillac thì đã có thai!

Ở Việt Nam, phim Vị đã bị cấm vì cảnh khoả thân kéo dài hàng chục phút.

Mỗi ngày qua, những ca dương tính trong cộng đồng vượt ngưỡng dự đoán...

Chúng tôi đều phập phồng chờ đợi một điều gì đó sẽ xảy ra trong nay kia. Người ta nói rằng, nếu mắc Covid sẽ bị ho, đau đầu, sốt…nhưng dễ nhận biết nhất là mất vị giác.

Mất vị giác, tôi sợ chuyện đó vô cùng. Nó nhắc tôi nhớ về người cha trong phim Ẩm thực - nam - nữ (của Lý An) một người đầu bếp mất vị giác. Nó nhắc tôi nhớ về cha mình, một nam y và nấu ăn cực giỏi - ông mất vị giác trước khi qua đời khoảng 2 năm.

Thế là tôi quyết định, mình phải tranh thủ lúc này để ghi nhớ cho tường tận mùi vị của món ăn mà mình thích nhất. Tôi rủ Di, bọn mình phải tìm ra chứ, xem điện ảnh có vị gì. Trước khi chả may tất cả chúng ta sẽ mất đi vị giác. Hoặc tồi tệ hơn là nhỡ mà điện ảnh nó chả còn cái vị gì nữa… thì chúng mình ra sao anh ơi.

HÃY MẠNH DẠN GỌI TÊN NÓ LÊN - VỊ NHẠT!

Đạo diễn Phan Đăng Di (PĐD): Em đi duyệt thì biết đó, chính ra phim càng nhạt, càng vô thưởng vô phạt lại càng an toàn. Kiểu như Cành cọ vàng năm nay là hết cửa ra rạp chính thức ở Việt Nam vì “vi phạm thuần phong mỹ tục” rồi đó, nên các nhà sản xuất nội địa sẽ tránh xa những phim có khẩu vị nặng đô. Một khi bị yêu cầu chỉnh sửa hay đối mặt với nguy cơ cấm chiếu thì đó thảm hoạ. Họ thà tự vo phim cho tròn để lăn được qua ải còn hơn. Còn giới nhập phim, sau vài lần đi duyệt sẽ hiểu ngay cái gì dễ qua cái gì không, nên họ chẳng dại nhập phim “không an toàn”. Chỉ còn lại mấy sứ quán nước ngoài cần tổ chức tuần phim ở Việt Nam thỉnh thoảng còn gửi phim “có vấn đề”, nhưng vài lần không qua được là tự khắc sẽ nhụt chí thôi!

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (NHĐ): Em mới bắt đầu công việc nhưng đã thấy nể hội đồng duyệt. Phim dở từ đâu cứ đổ hết về vùng trũng Việt Nam. Những bộ phim nhàn nhạt, không có vị gì thật sự nổi bật. Thỉnh thoảng có 1 – 2 phim đáng để mổ xẻ tranh cãi thì… bị cấm. Mà em thì chẳng làm gì được cả, tranh luận ư, bảo vệ ư, cuối cùng vẫn là thiểu số. Liệu khi cấm một bộ phim, những người tiền nhiệm của mình, họ có dằn vặt? Họ có đứng ra bảo vệ hay họ sẽ tặc lưỡi thà cấm nhầm còn hơn bỏ sót? Và có ai muốn đối thoại với người làm phim? Có ai muốn làm một điều gì đó thật sự cho điện ảnh - muốn bảo vệ tính toàn vẹn của sáng tạo?

PĐD: Dằn vặt là thứ vô hình nên người trong cuộc không nói ra làm sao mà biết được. Mà nói thật, việc Cục trưởng Điện ảnh đương nhiệm trước khi cấm Vị “vì không đáp ứng một số tiêu chí của Luật”, lại dành những lời trân trọng tài năng của Lê Bảo, hay việc bà Hội đồng như em, công khai thể hiện sự không đồng thuận với lệnh cấm có lẽ cũng chưa có tiền lệ đâu. Và hình như cũng chưa có tiền lệ việc công khai đối thoại giữa Hội đồng duyệt và tác giả phim bị cấm, dù xét theo lẽ công bằng đây là điều cần thiết.

NHĐ: Công nhận là duyệt phim mệt thật. Đang Covid, lượng phim ít mà đã bải hoải vì xem phim chán. Nếu cứ đau đáu với từng trường hợp thì chắc kiệt sức mất. Mọi người trong Hội đồng (rất tốt và nhiều kinh nghiệm) luôn nhắc em rằng đây không phải chuyện mình bình chọn phim hay hay dở. Mà là chuyện phim có đúng luật hay không. Em có bàn lùi là nếu vậy thì để A.I (trí tuệ nhân tạo) làm cho đỡ mệt. A.I báo động chỗ nào thì mình cử người vào xem đúng chỗ đó thôi. Nhưng mọi người đã phân tích cho em hiểu rằng, không thể có A.I nào thay được hội đồng duyệt! Em cũng không thật sự hiểu đâu... Và lại tiếp tục đau đầu với chuyện làm sao không cấm nhầm phim, bỏ sót người tài. Thời Bi, đừng sợ (2009) bọn mình đã từng trông chờ vào đối thoại, khi ấy anh em mình cũng rình rình xin gặp Cục trưởng ở Cannes mà rồi game đã đặt sẵn kèo thua cho bọn mình, anh nhớ không? Thời Đập cánh... (2014) thì em may hơn, hoặc lỳ hơn chăng, cục trưởng lúc ấy là cô Ngô Phương Lan trực tiếp lắng nghe. Em cảm nhận được rõ ràng cô Lan tin ở bộ phim. Đập cánh không tơi tả như Bi, chính nhờ đối thoại. Sau này thì đến Ròm, cũng nhờ đối thoại tạo dựng niềm tin từ tư lệnh ngành mà thoát hiểm.

Nên nhất định phải có cách nào, để nhà làm phim được đối thoại. Phải có một cơ chế mềm dẻo - hay gọi là “mục tiêu kép” cho nó đúng trend (thời thượng) - để phim được đến nơi cần đến mà không mang tiếng đã “banded” (cấm) tại Việt Nam chứ?

Đạo diễn Phan Đăng Di. Ảnh: Internet

PĐD: À, “mục tiêu kép” thì phải nhắc đến Trung Quốc - vốn rất tập trung với chuyện đẩy phim ra thế giới. Những phim Trung Quốc đình đám tại các liên hoan phim (LHP) lớn ở châu Âu thập niên 90 thế kỷ trước, chủ yếu đều khơi nỗi đau Cách mạng văn hoá, mà khơi tận cùng bi kịch. Đến mức các cấp quản lý của họ phải sáng tạo ra loại giấy phép đặc biệt chỉ cho chiếu những phim này ở nước ngoài còn trong nước thì tạm treo lại. Về sau có những đạo diễn làm tới chủ đề nhạy cảm hơn là sự kiện Thiên An Môn như trường hợp Lâu Diệp với Di Hoà viên. Phim này không được cấp phép nhưng vẫn ra mắt tại Cannes. Đạo diễn sau đó chính thức nhận án phạt cấm làm phim trong 5 năm. Vậy mà trong 5 năm đó, Lâu Diệp vẫn quay được 3 phim, tất cả đều ở Trung Quốc, vẫn mang đến Cannes và được chào đón nồng nhiệt. Chuyện này khiến ai cũng hiểu rằng lệnh cấm trên chỉ là hình thức vì dường như Trung Quốc thấy việc phim của họ xuất hiện tại Cannes vẫn là việc nên duy trì.

Cho nên chúng ta đừng sốt sắng cấm các phim Việt khác biệt hoặc gây tranh cãi, đặc biệt các phim đã được thừa nhận ở những LHP lớn. Mình là một nước nhỏ, có cần thiết phải làm cho nó co rúm hơn nữa bằng quá nhiều cấm đoán hay không?

NHĐ: Em có cảm giác sự cấm cản, xuất phát từ những người ưu tư, vốn không tin rằng thiếu họ thì cuộc sống này vẫn phát triển tốt đẹp và bọn trẻ thì vẫn có thể vươn lên tự do và độc lập. Một sự nghi ngờ rằng bên ngoài có quá nhiều độc hại và hãy định hướng sáng tạo cho thật an toàn với các tiêu chí mà chúng tôi đây - nhờ lập trường vững chắc nên biết rõ nó là nhân văn. Giống như họ thương và lo lắng cho mình, bọn làm phim lạc lối.

PĐD: Ừ vẫn y nguyên từ thời bao cấp, vẫn tư duy theo kiểu xem hộ, lo hộ, nghĩ hộ quần chúng. Chính thế nên Việt Nam cũng có hệ thống phân loại phim theo độ tuổi nhưng thay vì giúp mở rộng mức độ táo bạo trong biểu đạt và tránh cắt phim thì ở ta phim cắt vẫn cắt, dán nhãn độ tuổi vẫn dán - nó chẳng khác gì một kiểm duyệt kép. Trong lúc đó ai cũng biết Netflix đã vào từng nhà, thu tiền người xem từ mấy năm nay rồi. Cách “kiểm duyệt” của họ đã dựa hoàn toàn vào sự tự giác và quyền lựa chọn của người xem rồi mà cách duyệt của mình vẫn theo kiểu một hội đồng quyết định thay cho toàn thể người dân cái gì được xem, cái gì không.

NHĐ: Trao quyền cho người xem thì sẽ theo cơ chế hậu kiểm?

PĐD: Thì dành thời gian tập trung xây dựng những chính sách giúp điện ảnh nước mình phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh và có tiếng nói quốc tế chứ không trong tình trạng vừa thiếu chiến lược, thiếu mục tiêu, thiếu tầm nhìn và đặc biệt là thiếu hẳn sự gắn kết giữa giới quản lý và cộng đồng làm phim như hiện tại. Mô hình đó không đâu xa, Hàn Quốc kìa, đầy thứ để học.

NHĐ: Parasite (Ký sinh trùng) được ra rạp Việt Nam dù cắt tương đối, mọi người hay đùa nhau là phim như thế đố mà làm được ở đây. Đợt này em duyệt, Hàn Quốc cũng nhiều phim nhạt lắm, nhưng nhìn toàn cục thì họ vươn vai đúng kiểu ngoạn mục khiến mình không thể không nể phục.

PĐD: Anh thấy cả một hệ thống của họ dù vẫn cạnh tranh nhau nhưng ai cũng tràn đầy năng lượng, bươn chải nỗ lực vì một mục tiêu chung biến Hàn Quốc thành trung tâm điện ảnh châu Á. Họ đoàn kết, lắng nghe nhau và sẵn sàng chịu trách nhiệm để đạt được mục tiêu. Ai cũng trong một tinh thần sẵn sàng làm việc, sẵn sàng cho thay đổi, không bị nhạt trong những phát biểu suông. Tiện đây cũng nhắc lại, ông Kim Dong-ho chính là người kiên quyết phản đối việc kiểm duyệt phim tham dự LHP Busan khi ông tổ chức nó lần đầu năm 1996. Chính sách kiểm duyệt phim của Hàn Quốc cũng thay đổi theo hướng nới rộng dần và nay chỉ còn áp hạn chế độ tuổi.

Chúng ta cũng có LHP quốc tế Hà Nội, mới ra đời song vận hành khá bài bản và có định hướng rõ ràng. Để thử nghiệm những thay đổi về kiểm duyệt, sao không dùng LHP này mạnh dạn chiếu những phim có chất “thách thức” như Vị tới khán giả. Dù sao việc giới thiệu những phim gây tranh cãi là sứ mệnh thông thường của các LHP trên thế giới, mình ngoại lệ làm gì đâu!

NHĐ: Em thích Haniff (LHP quốc tế Hà Nội)! Thích nỗ lực tuyển và mời phim của họ.

Anh biết em nghĩ gì khi xem Vị không? Em nghĩ là, ồ nhất định mình phải ủng hộ Lê Bảo và bộ phim của cậu ấy - một bộ phim nên thơ và đáng nể vì nhiều lẽ. Nếu chỉ tập trung vào khía cạnh nghệ thuật và giọng điệu tác giả thôi ta sẽ thấy phần hình ảnh huyễn tưởng và ấn tượng. Những cơ thể trần trụi, chảy ra - trương lên - ụ lại. Không khí u sầu, ngột ngạt, trấn áp, một thứ bạo lực sinh ra từ từ và chậm rãi. Nếu quy nó về một thứ vị cụ thể, nó là vị của những nụ hoa tam thất – đắng và hậu ngọt rất nhẹ, cứ như là thoảng qua.

PĐD: Thoảng qua và tuyệt đối không NHẠT đúng không?

NHĐ: Không, tuyệt đối không NHẠT. Người xem có khi sẽ ném đá vì nó quá...đậm ấy chứ. Em nghĩ, với người làm phim, cái chống chỉ định chính là NHẠT. Làm mà NHẠT thì làm làm gì? Như Bảo, mất 8 năm để hoàn thiện một hương vị riêng cho điện ảnh, quả là đệ nhị kiên trì trong thiên hạ. Kiên trì thật sự!

PĐD: Kiên trì là mình nói cho sang thôi chứ ai muốn chờ như vậy. Có điều chính cái sự quá an toàn, quá cũ kỹ từ cách chọn dự án phim, phân bổ ngân sách đến cách duyệt phim hơn 10 năm qua khiến nhiều người nản. Cả một thế hệ làm phim trẻ, khao khát làm mới đều chọn con đường tự đi tìm vốn từ các quỹ hỗ trợ nước ngoài hay từ các quan hệ gia đình, thân hữu chứ không dính dáng gì đến nhà nước nữa, dù quả thật dự án nào cũng phải chờ rất lâu. Đập cánh là 4 năm nhỉ, còn Vị anh nhớ lần đầu Bảo đưa anh dự án cũng 6 năm rồi. Nói thật lúc đó nếu chưa xem phim ngắn Bảo làm anh đã khuyên Bảo đầu hàng vì nó quá phức tạp cho một phim đầu tay. Tiền ít, thời gian quay dài, nếu không có sự kiên định sắt đá của Bảo và những người ủng hộ thì không thể nào xong được phim này. Cho nên nhìn Vị hôm nay cần phải nhìn cả hành trình nó vật vã để nên hình hài, nhìn cả một tinh thần vì nhau của người làm phim khắp mấy châu lục, cả lòng trắc ẩn và sự tử tế của anh em.

Nhưng cách Bảo làm Vị với tinh thần “tử vì đạo” như vậy chỉ có thể thích hợp cho phim đầu tay thôi. Để làm tiếp, phải tìm con đường khác bớt cơ cực hơn, để còn sức đi đường dài. Bàn đến chuyện này, thì phải nhắc đến vai trò của Nhà nước và đặt câu hỏi: tại sao đạo diễn trẻ của chúng ta được những quỹ điện ảnh uy tín nhất của thế giới giúp làm phim và có phim vào những liên hoan phim quan trọng hàng đầu nhưng họ vẫn vô hình trong mắt nhà quản lý.

Có công bằng không khi những tài năng nỗ lực đưa phim Việt ra quốc tế lại bị gạt khỏi những đầu tư hoặc tệ hơn, bị làm khó bởi chính hệ thống quản lý của chúng ta.

MÙI VỊ CỦA NỖI SỢ!

NHĐ: Nhiều khi em tự hỏi “người ta sợ mình hay người ta ghét mình?” Rồi em nghiêng dần theo suy nghĩ: điện ảnh bị ghét, bị coi thường, coi nhẹ, so với các ngành khác.

Thể thao có thành tích thì vận động viên chắc chắn được động viên thiết thực luôn. Nhà làm phim có thành tích ở những LHP hàng đầu thì cũng... vẫn chỉ xoay quanh chuyện kiểm duyệt thế nào, cảnh nóng ra sao, hoặc khổ hơn là bị phạt, bị cấm.

Em cảm thấy điện ảnh như một hạng mục không thiết yếu - nên không được chú trọng mấy. Và giống hiện thực của thời kỳ Covid, khi đã là không thiết yếu thì dẫu anh có là bánh mì đi chăng nữa... anh vẫn có thể bị bắt nạt, bị lờ đi như thường.

PĐD: Sự không thiết yếu đó hình như có liên quan đến trạng thái ơ thờ bao trùm trong cách quản lý điện ảnh của chúng ta suốt một thời gian dài. Việc quản lý ở mình đang loay hoay với nhiệm vụ gác cổng, thiếu hẳn tư duy rộng rãi cho phát triển, một khả năng thích ứng với thay đổi và tinh thần sẵn sàng đối thoại, cộng tác vì cái chung. Mọi thứ vì thế cứ rã rời ra, nhà nước đi đường nhà nước, tư nhân đi đường tư nhân, không nhìn đâu ra cảnh các bên chụm đầu lại bàn mưu phát triển ngành. Bản thân giới làm phim cũng không đoàn kết, còn các hội nghề nghiệp thì hoàn toàn không có tiếng nói bênh vực nghệ sỹ trong những trường hợp phải ra mặt. Trong bầu không khí như vậy, những tiếng kêu động đến thiên đình của ngành thời gian qua rất tiếc lại chẳng liên quan gì đến tâm thư phát triển ngành, những đề xuất thay đổi chính sách hoặc chí ít là yêu cầu một đối xử công bằng hơn cho thế hệ trẻ; nó chỉ là về một khu đất của hãng phim bị giao sai cho một công ty đường thuỷ và tình trạng rối bời của một số nghệ sỹ vì hãng bị cổ phần hoá… Những tiếng kêu khá cục bộ và không ở tầm vĩ mô.

NHĐ: Em lại thấy không thờ ơ, em thấy rất đau đáu! Em được gửi cho đọc các bài báo mà trong đó mọi người kêu gọi các nhà làm phim lan toả tinh thần tích cực, hãy làm phim về Việt Nam nhân văn, cao thượng, khát vọng vươn lên. Đồng thời cũng nhắn nhủ các nhà làm phim trẻ đừng cố chiều theo khẩu vị phương Tây để đi LHP quốc tế. Và yêu cầu nhà nước tăng nặng hình phạt với những đạo diễn chệch choạc. Anh có thấy sự đau đáu này quen quen?

PĐD: Ừ, vẫn như xưa. Tại sao phải sợ khẩu vị phương Tây. Phương Tây sinh ra điện ảnh, cũng là nơi đặt ra tiêu chuẩn giữ vị thế định giá thế giới; đó là một sự thật mình nên chấp nhận một cách vui vẻ. Tự tôn là thứ khi mình đủ mạnh mình tự khắc có, khi chưa mạnh thì im lặng tu chí mà học cho bằng người ta. Mọi sự la toáng lên nhân danh tự tôn đều thể hiện sự tự ti cả.

Về điện ảnh, Nhật học phương Tây hơn trăm năm và Hàn học chừng 90 năm, bây giờ đều đã là những nền điện ảnh lớn nhất châu Á nhưng chưa bao giờ họ phủ nhận hệ đo lường của phương Tây hoặc theo nó là xấu hổ. Dù đã tự xây dựng cho mình những liên hoan phim lớn nhất châu Á như Busan hay Tokyo, cả Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn luôn đặt ưu tiên hàng đầu để phim của họ xuất hiện tại Cannes, Berlin, Venice hoặc Oscar, những trung tâm định giá uy tín nhất của giới làm phim toàn cầu, tương tự như giải Nobel Thuỵ Điển là uy tín nhất để định giá văn chương thế giới vậy.

Vì thế một nền điện ảnh nhỏ và gần như vô danh của chúng ta muốn hoà nhập quốc tế cần đặt mục tiêu xuất hiện thường xuyên và giành giải tại các LHP lớn này (xin nhắc lại là LHP lớn và xịn nhé, vì thế giới có hàng chục ngàn LHP mà hầu hết trong số đó không ở tầm vóc quyết định giá trị, đôi khi còn trao giải bừa, chỉ cần anh đóng tiền vào). Hơn mười năm trở lại đây chúng ta đã bắt đầu xuất hiện tại các LHP này rồi, bắt đầu từ các hạng mục song song tiến dần vào khu vực chính thức, bắt đầu từ phim ngắn, nay đã tới phim dài, đó là một tín hiệu tích cực cần được duy trì và đẩy lên nữa.

Còn nói về vị của những nơi này ư? Nó luôn luôn có vị phù hoa khiến ai cũng muốn chen chân vào, và thường khi, những vị gay gắt như cào vào tim, cấu vào họng, như vỗ vào mặt lại được đón chào. Vì nếu chọn nhạt thì cách gì để nó không chìm nghỉm trong một thế giới ngày càng phẳng ra thế này?

NHĐ: Chống nhạt chứ không chọn nhạt! Nói dễ làm khó. Nhất là khi phải đối mặt với các yêu cầu rằng Việt Nam có hệ giá trị riêng, bao nhiêu cái đẹp cái hay, bao nhiêu nét văn hoá truyền thống thì không làm mà cứ đi làm về những thứ đen tối, bôi xấu để cốt đi LHP. Hay thời của Nguyễn Huy Thiệp qua rồi, và ngày nay đừng mơ chuyện Tướng về hưu phiên bản điện ảnh qua vòng kiểm duyệt?

PĐD:  Anh đang nghĩ về cái lý luận rằng phim A phim B làm xấu hình ảnh Việt Nam. Nếu lý luận như thế thì chúng ta cũng nên đặt câu hỏi là một nền điện ảnh tự vẽ xấu mình nhiều nhất như Mỹ, có làm xấu nước Mỹ, có làm người ta sợ mà không đến nước Mỹ nữa không, có khiến ai trong chúng ta vì phim Mỹ mà ngăn không cho con em mình sang Mỹ du học hay định cư không?

Cho nên những lý luận cố tình lẫn lộn khái niệm như vậy vừa không thuyết phục về mặt lý lẽ vừa gây phiền nhiễu cho môi trường sáng tạo chứ chẳng bảo vệ gì cho văn hoá cả.

NHĐ: Bọn mình đã già rồi à? Sao bọn mình đã phải đặt ra những câu hỏi vĩ mô thế nhỉ? Những câu nhỏ xinh hơn, như là tại sao chúng ta lại sợ các cảnh khỏa thân? Tại sao chúng ta sợ bộ phận sinh dục của nam và của nữ? Sợ cả câu thoại có từ “đảo”? Tại sao chúng ta sợ nhiều thứ đến thế? Chúng ta có thực sự trả lời được không?

Em rất thích Biệt đội Thiên Lý của Y Ban, mà đọc xong bỗng xác lập luôn một thứ phản vệ ấy là tự kiểm duyệt. Em quyết định rằng, ôi cái truyện này làm sao có thể được in ra. Em nói chuyện với chị Ban, chị ấy cũng kể là bản thân tin rằng còn lâu truyện mới được công bố. Mà thế thì làm sao chuyển thể thành phim đây? Thế mà Viết & Đọc họ in! In đàng hoàng luôn! Sao điện ảnh mình không có được cái đường hoàng đó chứ. Chúng ta không tin vào sự trong sáng của nghệ thuật và cũng không tin vào nghệ sĩ ư? Hay chúng ta đang sợ hãi điều gì?

Nói đến đây, em bắt đầu nhận ra điện ảnh mình có mùi vị của nỗi sợ!

PĐD: Điện ảnh chúng ta bị sợ hãi phủ bóng quá nhiều nên cũng đánh mất quá nhiều cơ hội để trưởng thành. Những ai đã bước ra khỏi nỗi sợ ấy nên can đảm mà bước tiếp, đừng vì bất kỳ lý do gì để bị kéo lại vùng sợ! Chả ai nên người nổi mà cứ sợ hãi mãi đâu.

Nguồn Văn nghệ số 32/2021

Nguyễn Hoàng Ðiệp - Phan Ðăng Di (thực hiện)


Có thể bạn quan tâm