March 29, 2024, 10:54 pm

Ði Mỹ làm chính sách

Trung tướng Nguyễn Mạnh Ðẩu - nguyên Cục trưởng Cục chính sách, thuộc Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam - là Cựu chiến binh mặt trận Trị Thiên những năm 1966-1971, từng được thưởng 2 Huân chương Chiến công vì thành tích chiến đấu. Thời kỳ tại chức vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, ông là sĩ quan cao cấp đầu tiên của Bộ Quốc phòng Việt Nam đi Mỹ sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu từ phía Mỹ để thực hiện các chính sách về liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và cựu chiến binh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Văn Nghệ, đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Mạnh Ðẩu về chuyến công tác đặc biệt trên đây.

 

Ông Nguyễn Mạnh Đẩu trò chuyện với ông James Canik, GĐ Trung tâm nhận dạng gien ADN của BQP Mỹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cho biết: Từ khi hai Nhà nước Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ vào tháng 7/1995, đến giữa năm 1999, Bộ Quốc phòng 2 nước đã có các hoạt động thăm viếng, hội đàm, trao đổi hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Bộ Quốc phòng nước ta đã cử hai đoàn cán bộ cấp cao sang Mỹ công tác. Đó là đoàn của Trung tướng Trần Hanh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Đại tá Vũ Tần, Cục trưởng Cục Đối ngoại. Tháng 8/1999, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu là đại biểu thứ ba của Bộ Quốc phòng Viêt Nam tham gia đoàn công tác đi Mỹ. Đây là đoàn đầu tiên đi thực thi công tác về chính sách cho liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và cựu chiến binh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

* Trước chuyến đi của các ông, 2 bên đã có những hoạt động trao đổi, hợp tác gì về lĩnh vực này?

- Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Ngay cả trước khi 2 nhà nước chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ, các tổ chức cựu chiến binh 2 nước đã có những hoạt động “ngoại giao nhân dân” khá ấn tượng và có tác dụng tích cực thúc đẩy tiến trình bình thướng hóa quan hệ ngoại giao nhà nước. Đặc biệt từ năm 1995, Hội Cựu Chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam (VVA) đã tổ chức nhiều đoàn sang thăm và làm việc tại nước ta. Nhằm khai thác thêm các kênh thông tin góp phần giải quyết những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh chống Mỹ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã giao cho tôi với cương vị Cục trưởng Cục Chính sách, đã nhiều lần gặp gỡ tiếp xúc với các đoàn Đại biểu Cựu chiến binh trên đây để tiếp nhận các tài liệu, hiện vật có liên quan đến bộ đội ta bị bắt, bị hi sinh mà các cựu chiến binh Mỹ tham chiến Việt Nam nắm được. Theo đó, Cục Chính sách đã triển khai khai nghiên cứu, khai thác và đạt được một số kết quả nhất định trong công tác tìm kiếm cất bốc qui tập mộ liệt sĩ, xác minh một số trường hợp còn “ẩn khuất” trong chiến tranh. Từ những kết quả đó, Chính phủ Việt Nam đã cử Đoàn công tác liên ngành sang làm việc tại Mỹ từ ngày 20/8 đến ngày 29/8/1999; nhằm nghiên cứu hồ sơ liên quan đến việc tìm kiếm chiến sĩ ta hy sinh, mất tích trong chiến tranh chống Mỹ. Đoàn gồm có tôi là Cục trưởng Chính sách của Bộ Quốc phòng; Thiếu tá Huỳnh Trọng Tuấn là cán bộ Cục Bảo vệ An ninh thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tá Nguyễn Thế Công là cán Cục A35 của Bộ Công an (sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng A35) và anh Vũ Việt Dũng là cán bộ Vụ Châu Mỹ của Bộ Ngoại giao. Tôi được cấp trên phân công làm Đoàn trưởng.

* Ông có thể kể đôi điều về chuyến công tác đặc biệt trên đây?

- Đoàn chúng tôi xuống sân bay Washington / Reagan lúc 21 giờ ngày 21/8/1999. Ra đón chúng tôi, ngoài Tùy viên quân sự Việt Nam tại Mỹ còn có ông Destas đại diện cho Văn phòng người Mỹ mất tích (DPMO) và đại úy Huy Tuấn là Việt kiều phục vụ trong quân đội Mỹ. Chúng tôi về nghỉ tại khách sạn Embassy Suite.

Ngày 22/8, tại Văn phòng tìm kiếm người mất tích của Mỹ (DPMO), chúng tôi đã nghe thuyết trình về việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong các cuộc chiến tranh. Sau đó, gặp và làm việc với ông Robert Jones là Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Robert Jones nói rằng, trên cương vị đương nhiệm, ông sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam trong việc cung cấp thông tin và cung cấp trang - thiết bị tìm kiếm chiến sĩ ta mất tích, hy sinh trong chiến tranh.

Hôm sau, chúng tôi làm việc với Trung tâm lưu trữ Quốc gia của Mỹ (NARA). Trung tâm này ở trên một khu đồi, được bao quanh những cánh rừng cây cối rậm rạp, cách Lầu Năm Góc khá xa, mất vài tiếng đồng hồ di chuyển bằng ô tô. Tại đây, ông J.Carlin là Giám đốc Trung tâm đã đón tiếp và giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và những vấn đề mà Trung tâm có thể cung cấp cho phía Việt Nam trong khai thác hồ sơ lưu trữ. Suốt 2 ngày tiếp theo, Đoàn nghiên cứu hồ sơ tại Trung tâm NARA. Ngày 26/8, Đoàn làm tại Viện Lịch sử Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) và Viện Lưu trữ hồ sơ Hải quân Mỹ. Tại 2 cơ sở này, chúng tôi đã tìm hiểu cách thức lưu trữ và số lượng hồ sơ. Chúng tôi đã nhận được 42 đĩa mềm vi tính sao chụp 65.000 trang tài liệu về hoạt động của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở Việt Nam. Hôm sau chúng tôi tới thăm và làm việc với Trung tâm nhận dạng gien ADN của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông James Canik, Giám đốc Trung tâm, tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình. Ông nói rằng, 30 năm trước, ông là phi công lái may bay trực thăng cấp cứu thương binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ông tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ đào tạo về mặt kỹ thuật cho quân đội ta, nếu ta có yêu cầu.

* Nghe ông kể thì thấy công việc của chuyến công tác được tiến hành khá thuận lợi trong không khí hợp tác và thiện chí. Vậy có những khó khăn trở ngại nào không, thưa ông?

- Có chứ, và chủ yếu là những vấn đề kỹ thuật. Hồ sơ về chiến tranh ở Việt Nam được lưu trữ ở Mỹ dưới nhiều dạng: Dạng nguyên bản như nhật ký tác chiến, hồ sơ tù binh,… dạng phim ảnh tư liệu chiến trường; dạng đưa vào phần mềm vi tính… Tất cả hồ sơ mà Đoàn đã tiếp xúc đều bằng tiếng Anh và quản lý bằng công nghệ tin học, là những kỹ năng mà chúng tôi hết sức hạn chế. Đã vậy, nội qui chung là chỉ được đọc – xem trực tiếp và ghi chép thủ công, cấm sao chụp dưới mọi hình thức. Những tài liệu nào cần sao chụp, nếu được phía Mỹ đồng ý thì họ sẽ sao chụp và chuyển giao sau… Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ là khi bắt gặp tệp tài liệu về trận ABia ở Tây Thừa Thiên, tôi đề nghị họ sao chụp cho chúng tôi xin luôn tại chỗ và hướng dẫn trực tiếp cách truy cập hồ sơ tài liệu ở dạng này. Đề nghị này đã được phía Mỹ đáp ứng. Ngoài ra chúng tôi còn được sao chụp 578 trang hồ sơ khác và trực tiếp mang về nước. Còn lại hàng chục vạn trang tài liệu khác thì sau đó Văn phòng DPMO chuyển về Việt Nam cho chúng tôi thông qua con đường ngoại giao...

 

Ông Nguyễn Mạnh Đẩu (thứ hai bìa trái) cùng đoàn công tác tại Trung tâm NARA, Bộ Quốc phòng Mỹ.

 

* Ông vừa nhắc đến trận ABia, có phải là Humbrager Hill (Đồi Thịt băm) một thời nóng rẫy trên báo chí Mỹ?

- Đúng rồi, đó là trận đánh diễn ra trong hai ngày 21 và 22/5/1969 ở vùng núi miền Tây Thừa Thiên. Hồi đó, tôi là Chính trị viên Đại đội đặc công thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, tham gia chiến dịch này. Tất nhiên lúc đó đại đội chúng tôi chỉ tác chiến trong một khu vực nhất định, nay được nhìn thấy những thước phim tư liệu quay toàn cảnh chiến trường, càng thấy rõ hơn ý nghĩa của chiến công và mức độ ác liệt của chiến dịch. Thú thật, tôi đã cố kìm nén để giấu những giọt nước mắt khi nhìn lại những hình ảnh hi sinh của đồng đội…

* Còn có tài liệu nào được ông “nhận dạng tại chỗ” như vậy không?

- Sau này về nước gỡ ra biên dịch sắp xếp lại thì cũng có, nhưng thời gian tra cứu, sưu tầm bên đó thì chỉ “gặp” một vài sự kiện liên quan thôi. Chẳng hạn như sáng 26/8/1999, trong khi làm làm việc với Viện Lịch sử Thủy quân Lục chiến Mỹ, họ đưa cho tôi xem bức ảnh chụp một đại úy Mỹ đang bám đánh cầu Đông Hà, ghi là tháng 5/1972. Thấy thế, tôi đính chính ngay: Đây có thể là bức ảnh tạo dựng, hoặc nhầm lẫn về ngày tháng. Vì tháng 5/1972 thì thị xã Đông Hà đang bị chúng tôi chiếm đóng, làm sao lại có bức ảnh này được. Trao qua đổi lại vài câu nữa, cuối cùng họ công nhận tôi nói đúng.

* Thưa ông, cùng với những trường hợp bị thương, bị bắt, hi sinh, mất tích… thì di chứng của chất độc da cam/dioxin do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam cũng đang là vấn đề nhức nhối của hàng vạn cựu chiến binh chống Mỹ cứu nước. Hồ sơ lưu trữ của Bộ Quốc phòng Mỹ mà các ông được tiếp cận, có những tài liệu về vấn đề này không và có được các ông đề cập trong chuyến công tác kể trên?

- Theo đề nghị của chúng tôi, phía Mỹ đã dành một buổi chiều ngày 25/8 để chúng tôi được nghe bà Tiến sĩ Susan Mather, đại diện cho Bộ Cựu binh Mỹ, giới thiệu về chất độc màu da cam/Điôxin và tác hại của chúng đối với binh lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tại cuộc trao đổi trên đây, tôi đã nêu các câu hỏi: Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã sử dụng chất độc Dioxin từ bao giờ? Số lượng bao nhiêu? Khi dùng chất độc này, người Mỹ có lường đến tính chất cực kỳ nguy hiểm của nó? Quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị nhiễm độc Dioxin khoảng bao nhiêu người và thường bị những căn bệnh gì? Chính sách của Chính phủ Mỹ đối với những quân nhân Mỹ bị nhiễm chất độc?… Bà Sunan Mather đã trả lời khá cụ thể những câu hỏi trên và cho biết đây là một trong những vấn đề “hậu chiến Việt Nam” mà nước Mỹ phải đối mặt và giải quyết. Hiện nay, mức trợ cấp thường xuyên cho mỗi nạn nhân tùy theo mức độ ảnh hưởng, cao nhất là 25.000 USD/năm.

Tôi đã nói với bà Sunan Mather và những người Mỹ có mặt hôm đó rằng: Tỉnh đến thời điểm lúc đó (8/1999), ước tính ở Việt Nam có khoảng 4 vạn người tham gia chiến tranh bị nhiễm độc, gây ra các bệnh tật rất nặng nề cho bản thân và con cháu của họ. Ước tính trong cả nước có khoảng 76.000 cháu sinh ra bị ảnh hưởng do chất độc da cam/dioxin. Đến thời điểm đó, qua báo cáo chưa đầy đủ của 21 tỉnh đã có 16.445 người tham gia chiến tranh sinh ra 20.766 trẻ dị tật, dị dạng; Trong đó có 3.562 cháu bị liệt hoàn toàn; 4.579 cháu bị tâm thần; 5.549 cháu bị dị dạng; 1.185 cháu bị mù, và cac dạng khác... Đây là nỗi đau nhức nhối lâu dài. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã có chính sách đối với binh lính Mỹ và các nước chư hầu tham gia chiến tranh Việt Nam bị nhiễm chất độc hóa học do chính Mỹ gây ra, nhưng chưa có trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin là người Việt Nam. Cuộc đấu tranh vì công lý và lương tâm còn tiếp diễn…

* Là người lính đã trực tiếp cầm súng đánh giặc Mỹ xâm lược trên chiến trường, ông suy nghĩ như thế nào về việc tiếp tục trao đổi, hợp tác với “cựu thù” để giải quyết những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, trong đó có vấn đề chính sách đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và nạn nhân chiến tranh trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước?

- Cũng cần nhắc lại rằng: Trong một thời gian dài, xuất phát từ tinh thần nhân đạo, thiện chí và thực hiện những cam kết trong Hiệp định Paris về Việt Nam, chúng ta hoặc đã nỗ lực đơn phương tìm kiếm, hoặc đã phối hợp với phía Mỹ tìm kiếm thu hồi và trao trả cho Mỹ nhiều đợt, với hàng trăm bộ hài cốt quân nhân Mỹ, cùng nhiều tài liệu, hiện vật quan trọng liên quan đến lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Là người từng trực tiếp chỉ đạo và thực hiện công tác chính sách, tôi nhận thấy các cơ quan chuyên trách của phía Mỹ khi tiếp xúc và làm việc với chúng tôi về công việc này đều tỏ ra lịch sự, thân thiện, hợp tác. Còn nhớ, ngày 18/5/1994, trong lần tiếp xúc đầu tiên giữa Cục Chính sách Bộ Quốc phòng Việt Nam với Đoàn VVA tại Hà Nội, ông Jimbradi trưởng đoàn VVA đã nói với tôi: Trong chiến tranh, chúng ta là kẻ thù của nhau. Còn bây giờ, mong các ông đừng coi chúng tôi là kẻ thù nữa. Và tôi đã trả lời: Dân tộc Việt Nam chúng tôi có một quá khứ được đắp bồi bằng xương máu, công tích của biết qua bao thế hệ. Đó là truyền thống oanh liệt, là niềm tự hào, là bài học vô giá, là điểm tựa của muôn đời cho con cháu. Với ý nghĩa đó, chúng tôi không bao giờ khép lại quá khứ. Nhưng bây giờ, gặp nhau ở đây, trên cương vị mới, trong khung cảnh khác, chúng ta cần gác lại quá khứ để trao đổi cung cấp thông tin cho nhau từ hai phía nhằm tìm được hài cốt, di vật, tin tức của đồng đội các ông và đồng đội chúng tôi. Đây không chỉ là vấn đề chính trị, mà trước hết là vấn đề nhân đạo, nhân văn và nhân loại. Hơn một phần tư thế kỷ trước tôi đã nghĩ như thế. Và bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế!

* Xin cảm ơn Trung tướng về cuộc trao đổi thú vị hôm nay!

Nguồn Văn nghệ số 30/2021


Có thể bạn quan tâm