March 28, 2024, 7:37 pm

HY VỌNG GIỮA PHỐ HOA

“Để trại sáng tác văn học lần này đạt kết quả, tôi yêu cầu Ban Tổ chức bám sát sự chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, chủ động hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và điều hành các hoạt động nghiêm túc, đúng nội dung chương trình theo kế hoạch, an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Với các nhà văn, tôi đề nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, bám sát thực tiễn, phản ánh chân thực, sinh động các hoạt động huấn luyện, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, có nhiều tác phẩm chất lượng tốt…”. - Đó là lời phát biểu vừa thực tế, vừa chân thành của Thiếu tướng Lê Xuân Sang - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tại buổi khai mạc Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” năm 2020 do Nhà xuất bản QĐND phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật/ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Nhà sáng tác Đà Lạt.
Đại tá Đậu Xuân Luận  - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản QĐND phát biểu tại buổi khai mạc 

Những năm qua, hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật trong toàn quân luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thường xuyên và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đội ngũ các nhà văn Quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao, phát huy tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, thấm đẫm tính nhân văn. Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội và đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội…

Phát huy những kết quả đó, trong những ngày cả nước đang hướng về khúc ruột miền Trung với những xót xa đau đớn, những mất mát đau thương không thể nào kể xiết; sự hy sinh anh dũng của những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã trở thành nỗi đau xé lòng không chỉ của mỗi người chiến sĩ mà còn trở thành niềm xót xa vô hạn trong lòng mỗi người dân. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” lại một lần nữa sáng ngời trên mặt trận chống thiên tai, địch họa. Bởi chỉ mới đây thôi, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, những người chiến sĩ đã nhường cơm xẻ áo, dành tất cả những gì tốt nhất cho nhân dân: nhường doanh trại, giường chiếu lại để làm nơi cách ly, chống dịch lây lan; thì giờ đây họ lại một lần nữa khiến đất trời phải rơi lệ. Không phải vậy mà ngay tại buổi khai mạc Trại sáng tác, khi Đại tá Đậu Xuân Luận - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản QĐND, Trưởng ban Tổ chức trại sáng tác phát biểu: “…văn học nghệ thuật xoay quanh các chủ đề về xây dựng Đảng, xây dựng đất nước, cũng như hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới luôn tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực như: Bộ đội Cụ Hồ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, và chiến đấu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới, biển đảo Tổ quốc; Bộ đội trên tuyến đầu chống dịch, cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; Bộ đội Cụ Hồ tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới; … hứa hẹn sẽ là những đề tài hấp dẫn, là chất xúc tác để dòng văn học viết về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” có thêm sức bật mới...”, thì ngay sau đó, Nhà văn Hà Đình Cẩn - một cây đại thụ của dòng văn học cách mạng đã thay mặt cho những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học về dự trại xúc động chia sẻ: “Gần cả cuộc đời tôi chỉ dành để viết về người lính mà đến bây giờ vẫn còn nhiều tiếc nuối lắm các anh ạ. Mười tám tuổi, tôi xách ba lô và cuốn sổ nhỏ chạy theo những đoàn quân Nam tiến, ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi đôi mươi trên những cung đường đầy lửa đạn quân thù. Cho đến sau này, khi đất nước đã hòa bình, tôi vẫn đau đáu về những năm tháng ấy, về những người lính ấy. Giờ đây, dù tuổi đã cao, nhưng khi còn sức viết, tôi vẫn viết về những người lính ấy. Chắc trong hội nghị hôm nay không ai không biết về những đau đớn của miền Trung trong những ngày qua? Đau đớn đến tuột cùng những mất mát to lớn ấy, những đau thương mà chắc chắn không ai kìm được lòng mình. Chỉ có họ - những người lính Cụ Hồ, những người Anh hùng dám xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân mới làm nên những điều cao cả ấy. Những người anh hùng đã ngã xuống vì nhân dân giữa thời bình bởi sự khắc nghiệt của thiên tai. Và tôi chắc chắn rằng, ngay tại trại viết này, chúng tôi, những nhà văn, nhà thơ đang ngồi đây sẽ trở thành những người chiến sĩ để đem hết những tâm huyết của mình viết về họ, như chính chúng tôi đang viết về chúng tôi…”.

Nhà văn Hà Đình Cẩn thay mặt cho những thành viên về dự trại chia sẻ tại buổi khai mạc

Ngay sau những chia sẻ đầy cảm động ấy của nhà văn Hà Đình Cẩn, cả hội trường như lắng xuống. Những khóe mắt rưng rưng trên những gương mặt trầm tư mà quyết liệt. Từng trại viên như thầm tự hứa với lòng mình mà cũng như đang hứa hẹn với nhau phải viết được cái gì đó để xứng đáng với niềm tin và hy vọng của Ban Tổ chức.

Rồi sau giây phút ấy, Đại tá Lê Văn Thái - Phó Chủ nhiệm Chính trị của Học viện Lục quân lại có những chia sẻ vừa như làm tan đi cái bầu không khí u buồn ấy lại vừa như thôi thúc các văn nghệ sĩ phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn: “Kính thưa các bác, các anh, các chị văn nghệ sĩ, chúng ta hôm nay đang ngồi đây chắc chắn ai cũng đau xót lắm, nhưng đã là những người lính, chúng ta luôn biết biến những đau thương thành hành động cụ thể; Và ở trại sáng tác này, cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện Lục quân chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà văn, nhà thơ. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để cùng các nhà văn, nhà thơ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu mà trại sáng tác đề ra…”. Những chia sẻ của Đại tá Lê Văn Thái cũng như sự nhiệt tình của cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện Lục quân như đã tạo thêm động lực để các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu càng có quyết tâm hơn. Không thế mà sau lời tuyên bố khai mạc Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” năm 2020 của Đại tá Đậu Xuân Luận vang lên, các nhà văn như đã bừng bừng khí thế, nỗi đau của miền Trung ruột thịt như tạm thời lắng lại, thay vào đó là những câu thơ của những tiếng hô “có” vang lên: “Tiếng có là tôi/ Giữa đội hình tiểu đội/ Mười hai tiếng có là A/ Ba mươi sáu tiếng có là B/ Một trăm hai mươi tiếng có là C/ Khối tiếng có hoá quân cờ/ Trên bản đồ chiến dịch… Đánh vài trận bữa cơm lơ ngơ thừa bát đũa/ Những tiếng có ngồi im không muốn xua ruồi/ Cả đại đội giờ chỉ còn trung đội/ Những tiếng có vô danh nằm lại phía sao rơi…” (Người lính) như thể để khẳng định “chúng ta giờ đây chính là những người lính, dẫu không trực tiếp đương đầu với thiên tai nhưng đang gánh trên vai trọng trách để làm vơi đi những mất mát đau thương ấy, đem lại niềm tin cho xã hội bằng những giá trị tâm hồn; bằng hình ảnh của những người chiến sĩ Cụ Hồ luôn tỏa sáng khắp muôn nơi…”.

Khép lại một buổi sáng đẹp trời giữa thành phố hoa thơ mộng bằng những cái bắt tay siết chặt như thầm hứa với nhau và cùng hy vọng, các thành viên Ban Tổ chức vui vẻ chia tay và gửi lại những niềm tin nơi các văn nghệ sĩ. Ngoài kia, đường phố Đà Lạt như rộn rã hơn, các văn nghệ sĩ giơ những cánh tay đầy quyến luyến. Khi chiếc xe chở đoàn đã khuất sau những bóng thông già, những “chiến sĩ cầm bút” cũng lặng lẽ trở về phòng, ngồi vào bàn và thì thầm lên tiếng: “Các anh hãy tin ở chúng tôi!”.

 

 


Có thể bạn quan tâm