April 20, 2024, 3:27 pm

HUYỀN THOẠI NÚI ĐÁ – VĂN CHƯƠNG VẪN LÀ CỐT TỬ

Sự kiện văn hóa được cả đất nước Australia chờ đợi trong năm nay là bộ phim truyền hình Cuộc dã ngoại ở khu núi đá Hanging – một danh thắng toàn cầu. Từ cuối tháng năm 2018, loạt phim đã được trình chiếu ở Australia. Ngay sau đó, ở Mỹ, rồi Pháp và nhiều quốc gia khác nữa. Bộ phim sáu tập kể chuyện ba nữ sinh và một nữ giáo viên người da trắng mất tích, nhân một chuyến du ngoạn ở Núi đá Hanging thần kỳ. Núi đá Hanging là một dãy núi đá khổng lồ ở bang Victoria, miền đông nam Australia, xuất hiện cách đây chừng sáu triệu năm, sau những đợt núi lửa phun trào dữ dội. Ngọn núi cao 105 mét. Xen giữa các mỏm đá cao ngất nhô lên như nấm là những thung lũng nhỏ toàn bụi thấp điểm những cây cổ thụ màu sắc lộng lẫy. Xung quanh khối đá kỹ vĩ Hangging là mênh mông cảnh tượng tương tự. Chuyện nhóm nữ sinh và một nữ giáo viên biến mất là có thực. Chuyện đó, xảy ra vào đầu năm 1900, vậy là đã ba lần được đưa vào văn học nghệ thuật Australia, - năm 1967, trong một tiểu thuyết; năm 1975, trong một phim truyện; và nay, 2018, trong phim truyền hình như vừa nói – tạo nên một huyền thoại, tồn tại và lan tỏa đã hơn nửa thế kỷ. Giờ đây, khi bộ phim truyền hình ra mắt, huyền thoại bỗng bị nhìn nhận có phần khác hẳn. Cuộc mổ xẻ hi hữu này gợi ra những suy nghĩ cơ bản và thiết thực về sự ràng buộc và tương tác giữa ba yếu tố, văn chương nghệ thuật, xã hội và chính trị. Sự ràng buộc đã, đang và sẽ ám ảnh, kích thích, thôi thúc dấn thân nhiều lương tâm và đầu óc lớn lao của nhân loại…

Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên đề cập đến chuyện mất tích của nhóm nữ sinh và giáo viên là tiểu thuyết Cuộc dã ngoại ở khu núi đá Hanging của nữ nhà văn Joan Lindsay (1896-1984). Ngay từ lúc chào đời, năm 1967, bộ sách không dày, khoảng 300 trang tiếng Việt khổ thường, đã được chào đón nồng nhiệt. Suốt từ đó tới nay, nó vẫn được hâm mộ và ngưỡng vọng, như một tác phẩm văn chương tốp đầu của Australia. Nó được tác giả viết trong chỉ bốn tuần, ở tuổi 71. Joan Lindsay là con một quan toà và một nữ nhạc sỹ. Bà kết hôn với một họa sỹ, thành đạt trong nghệ thuật và chính trị. Đời bà vì vậy là thư thái và êm đềm. Bà từng dự định trở thành kiến trúc sư. Sau đó, học vẽ, và đã thành danh như một họa sỹ đáng nể. Dần dà, do một nữ bạn học chung phòng trong ký túc xá rủ viết truyện chung, bà bắt đầu viết kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết. Bà đã xuất bản 5 tiểu thuyết và 4 tập truyện ngắn. Còn 3 tập truyện ngắn và sáu vở kịch (đều được trình diễn), không in. Cuộc dã ngoại ở khu núi đá Hanging có thể được coi như tổng kết cả cuộc đời bà. Bà từng có nhiều kỷ niệm tuổi thơ với núi đá kỳ lạ đó. Những suy nghĩ về đất nước và cuộc đời được bộc lộ trong kiệt tác chan chứa yêu thương, nhưng thấm đẫm chất dí dỏm đặc biệt của người Anh, cội nguồn xa xôi của bà. Tiểu thuyết được triển khai li kỳ hồi hộp như một truyện trinh thám. Chuyến đi thăm khu núi đá Hanging được lên kế hoạch cẩn thận, được bọn trẻ chờ đợi từ lâu, như một dịp được giải phóng, như một đam mê được thực hiện vượt mức đợi chờ. Và hẳn như một gợi ý thâm trầm: sống trên đời là yêu thương nhau, yêu thương đồng loại, bởi nó diễn ra đúng Ngày lễ tinh nhân, 14 tháng Hai. Đây là ngày cưới của nữ tác giả… Các bé gái của lớp lớn, cùng hai cô giáo, của một trường trung học nữ, tất cả chưng diện lộng lẫy, được chở bằng những chiếc xe ngựa sang trọng, do những con ngựa hồng bóng mượt kéo. Các bé chỉ được tản bộ và vui chơi dưới chân núi Hanging bí ẩn. Dĩ nhiên, cuộc chơi không phải không rộn ràng với nhiều bất ngờ thú vị… Sau bữa trưa thịnh soạn, đúng như bữa trưa của giới quý tộc, các bé chia thành từng nhóm nhỏ, tản mát vào dưới các lùm cây. Nhóm thì vẽ, nhóm thì dạo chơi hay đùa nghịch, nhóm thì trò chuyện, nhóm thì thiu thiu ngủ… Bốn bé lớn tuổi nhất, một nhóm thân nhau hơn cả, được chấp nhận cho thám hiểm vùng núi rợn ngợp có vẻ đầy bí ẩn hãi hùng. Chúng được chiều, phần vì chúng nài nỉ quá tha thiết, phần vì dù sao chúng cũng đã đến tuổi biết nghĩ, biết kìm chế, không liều lĩnh. Song, chúng ra đi không bao giờ trở lại. Đáng nhạc nhiên, mãi tới tối, về trường, khi điểm danh, người ta mới phát hiện ba học sinh ấy vắng mặt. Và cô giáo còn lại mới thú nhận rằng đồng nghiệp của mình, thấy chiều muộn rồi, lũ trẻ vẫn chưa về, vội bổ đi tìm, và cũng bặt vô âm tín…

Cảnh sát địa phương vào cuộc liền. Những chuyến tìm kiếm khắp chốn cùng nơi được tiến hành liên tiếp. Một thanh niên thổ dân, cùng một con chó đi kèm, sục sạo hết chỗ nọ tới chỗ kia. Tất cả đều vô hiệu. Viên cảnh sát phụ trách ngày nào cũng ghi lại tỉ mỉ quá trình lục lạo và không quên ghi rằng thế là mình bị ám sát thêm một lần nữa. Mấy ngày sau thảm họa, hai thanh niên ngẫu nhiên tìm được một nạn nhân đang lần về, nhưng cực kỳ hoảng loạn và hoàn toàn mất trí nhớ. Tiếp theo, người ta tìm thấy vài chiếc giày mềm và áo nịt ngực của các cô bé bị vứt lại… Vậy là chỉ còn tuyệt vọng và đau đớn tột cùng… Không khí trường tư thục nữ Appleyarđ vô cùng căng thẳng. Không khí này chỉ tan biến khi trường đóng cửa. Tất yếu rồi. Bà hiệu trưởng Appleyard vốn đã nghiêm khắc, càng nghiêm khắc hơn bao giờ hết. Bà bỏ các buổi lễ cầu nguyện, cấm ngặt các nữ sinh nhắc tới chuyện buồn. Chúng được lệnh không được rỉ tai nhau, không được tụ tập trò chuyện, phải tránh người ngoài, nhất là các nhà báo. Đến nỗi, chúng như ngầm được trao nhiệm vụ dò xét nhau xem bạn nào dám vị phạm lệnh của trường… Trước đây, không khí nặng nề như vậy đã luôn luôn bao phủ ngôi trường ngày cũng như đêm. Giờ đây, sự ngột ngạt đạt tới đỉnh điểm… Bà hiệu trưởng bị xì xào bán tán ngày càng dữ. Dân chúng trong vùng biết rất ít về quá khứ của bà, nhưng những việc bà làm ở ngôi trường do bà sáng lập thì hầu ai cũng tỏ. Quả vậy, thời ấy, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ở Australia, cũng như ở nhiều nước khác, học hành đến nơi đến chốn, đối với trẻ nhỏ nói riêng và giới trẻ nói chung, cả nam lẫn nữ, đã là một nhu cầu bắt buộc. Phổ biến trên toàn thế giới là chuyện dành cho các nữ thanh thiếu niên những ngôi trường chuyên biệt. Nguyên lý giáo dục của bà Appleyard là giữ nghiêm chuẩn mực thời đại đối với phụ nữ. Một kỷ luật sắt được sáp dụng không có ngoại lệ trong trường. Giờ giấc đâu ra đấy, đi lại thong thả cẩn trọng, nói năng lịch sự, thưa gửi lễ độ…bài vở phải thuộc và làm đầy đủ. Đặc biệt, cơ thể phải luôn kín đáo, với hết áo trong đến áo ngoài nhiều lớp. Điều này khiến cuộc sống của các cô bé vị thành niên  trở nên gò bó, bức bối đến nghẹt thở.

Đòi hỏi như thế là phải lẽ. Nhưng có phần quá cay nghiệt. Có lẽ vì đau khổ cá nhân của hiệu trưởng, một phụ nữ góa chồng? Đôi người được bà thổ lộ rằng bà nuôi lý tưởng giữ gìn hình ảnh huy hoàng của quê cha đất tổ. “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh” là câu ngạn ngữ yêu thích của bà… Trớ trêu thay, vụ mất tích thắt ruột thắt gan kia hình như hoàn toàn xa lạ với không ít người Anh đến định cư xung quanh trường nữ sinh Appleyard, ở Xứ núi đá. Những người này luôn luôn nhàn hạ, chỉ chăm chút việc trông đủ loại hoa, nhất là hoa hồng (Vườn hồng là một biểu tượng của văn hóa Anh, nên nhà nào cũng có). Dù xung quanh hoang vắng, họ vẫn chăm chút cho một cái ao lớn, trong đó một đàn thiên ngay nhởn nhơ bơi lượn. Trời nóng hầm hập, họ vẫn đội mũ thân cao, như bên chính quốc, họ vẫn thích nhâm nhi nước trà, như người Anh chính gốc vẫn uống hàng ngày. Bài hát Chúa cứu nữ hoàng vẫn được cất lên trong các bữa tiệc vườn rộn rã, với đủ cao lương mỹ vị, kẻ hầu người hạ tấp nập...Họ cứ thế sống khép kín, biệt lập, dửng dưng với thế giới bên ngoài, không đoái hoài gì đến sự tồn tại của thế giới ấy. Họ chẳng hề bận tâm tới sự thật rằng cuộc sống quá cao sang của họ không tương thích chút nào với “lãnh thổ không người” mà họ chiếm đoạt làm của họ… Đôi điều vừa được đề cập là vấn đề thiết cốt được nữ nhà văn Joan Linsay nhấn mạnh một cách tế nhị trong tiểu thuyết của bà. Năm nay, vấn đề đó đang được xới lên bức xúc với nhiều giận dữ không chỉ ở Australia. Bức xúc đó là hợp lý, trong bối cảnh thế giới hiện tại…

Năm 1975, nhà điện ảnh trẻ Péter Weir, 31 tuổi, đưa chuyện của tiểu thuyết lên màn bạc. Bộ phim cùng tên thành công vang dội, không chỉ trong nước Australia mà cả trên thế giới, mở đường cho Pêter Weir trở thành một nhà điện ảnh hàng đầu. Ngay năm đó, tiểu thuyết của Joan Lindsay được tái bản với lượng phát hành kỷ lục ít có: 350.000 bản. Hình ảnh lộng lẫy, âm thanh hút hồn, nhân vật như thần tiên trong trắng, kiệt tác điện ảnh chấn động khán giả bởi sự bất ổn tinh thần của các nữ học sinh, bởi khao khát tình dục và tự do, bởi sự mỏng manh của con người và xã hội của họ trước thiên nhiên hùng vĩ và đáng sợ. Dường như con người bất lực trước vũ trụ bí ẩn… Được tô đậm hơn trong văn học nhiều, hình ảnh cô bé Miranda trong phim, một trong ba nữ sinh mất tích, vẫn là một biểu tượng của Đất nước Australia và “Mẫu quốc”, của nhà văn và nhà điện ảnh. Ấy là sức sống thanh xuân vĩnh cửu giữa thế giới khắc nghiệt và thù nghịch. Miranda xinh đẹp nhất trường, được bạn bè ngưỡng vọng, được bà hiệu trưởng quý trọng nhất, đang mơ ước rời bỏ ngôi trường “tù ngục”. Phim truyền hình sáu tập 2018, ngoài việc lấy Miranda là nhân vật trung tâm, đi sâu hơn vào nhân vật bà hiệu trưởng, nhằm báo động mạnh mẽ về vấn nạn trọng nam khinh nữ vẫn gây ra vô số “ những giọt nước mắt mà đời không trông thấy” trên toàn cầu. Thành tựu này của bộ phim truyền hình chưa thỏa mãn công chúng nghệ thuật không chỉ ở Australia. Và một lần nữa, tiểu thuyết của Joan Lindsay lại được tìm đọc và ngẫm ngợi. Thực tế này cho thấy, chưa bao giờ, tác phẩm chuyển thể lất lướt hay thay thế được tác phẩm văn chương đích thực. Chả hạn, phim Cuốn theo chiều gió, 1939, nhiều người có thể không xem nữa, nhưng tiểu thuyết duy nhất (cùng tên), 1936, của cây bút nữ đặc sắc Mỹ Margaret Mitchell (1900-1949) thì cứ tái bản liên tục. Joan Lindsay kết hợp nhuần nhuyễn nhiều thể loại văn học, tạo nên một bài thơ văn xuôi kỳ ảo, đan xen ý nhị nhiều cung bậc cảm xúc và suy nghĩ trái chiều. Nếu chỉ cần 10 tác phẩm để hiểu Xứ sở chuột túi, Cuộc dã ngoại ở khu núi đá Hanging của Joan Lindsay nhất định có mặt trong đó. Như một bài ca cô đọng và xúc động về Cõi trần gian, cuốn sách ôm ấp nhiều ẩn dụ. Hóa ra Cõi ấy còn nhiều câu hỏi chưa trả lời được. Những câu đáp đã có lại không dễ thực hiện chút nào. Câu thứ nhất: hạnh phúc đích thực - khi ta no đủ vui vẻ, đồng loại không rủi ro và bất hạnh. Ý này, nữ văn hào đã nhắn gửi kín đáo qua những trang tuyệt bút miêu tả cuộc sống sung mãn của người Anh ở nơi thực chất không phải của họ. Câu thứ hai, chiếm giữ những vùng đất không phải của mình -  không được phép coi thường nó, coi thường dân sở tại. Ở Australia hiện nay, khoảng 720.000 thổ dân còn lại đang “lưu vong ngay trên xứ sở của họ”. Ba tác phẩm văn nghệ kể trên – chưa ai vượt được Joan Lindsay trong việc miêu tả hết vẻ đẹp hút hồn kỳ bí của khu núi đá Hanging. Đáng tiếc, vừa quên bao thống khổ mà công cuộc thuộc địa hóa của châu Âu gây ra cho người chủ thực sự của châu Úc, vừa không đòi hỏi người Âu tôn trọng và công bằng với họ… Huyền thoại Núi đá vậy là chưa đầy đủ…

 

Nguồn Văn nghệ số 48/2018

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm