April 26, 2024, 6:52 am

Huyền thoại một thời

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC KÝ

 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Từ năm 1970-1994, ông dạy học ở Hải Hậu, Nam Định; năm 1994 vào Tp Hồ Chí Minh, là cán bộ phòng Giáo dục quận Gò Vấp; từ năm 2006 nghỉ hưu, chuyên viên tư vấn tâm lý và giáo dục cho tổng đài 1008 tại Tp Hồ Chí Minh. Ông sáng tác văn học rất sớm, ngay từ khi còn trên ghế giảng đường đại học, như tự truyện Những năm tháng không quên. Ông làm thơ chủ yếu cho thiếu nhi. Văn thơ và cuộc đời vượt qua nghịch cảnh của ông có giá trị giáo dục sâu sắc, nhất là với lớp trẻ.

Những tác phẩm nổi bật: Tôi đi học - tự truyện; Tôi học đại học - tự truyện; Tôi dạy học - Tự truyện; Tâm huyết trao đời - tự truyện; Quả bí kỳ lạ - thơ; Chú nhện chơi đu - thơ; Tuyển tập câu đố vui; Đôi tay em - thơ; Lời vàng trao con - thơ…

 

Nguyễn Ngọc Ký, huyền thoại một thời bởi tấm gương vượt khó trong học tập và cuộc sống vừa ra đi, để lại bao tiếc thương cho nhiều thế hệ.

Nhiều người còn nhớ chuyện năm 1951, cậu Ký lên bốn tuổi không may mắc bệnh sốt cao, rồi hai cánh tay bị liệt. Năm lên bảy tuổi, em theo bạn đến trường học, cô giáo cầm đôi tay em rưng rưng lệ: “Tay em như thế này thì viết chữ làm sao được, thôi em về nhà chờ ít năm nữa, lớn lên xem sao”. Ký òa khóc chạy về nhà, làm cô giáo cũng thấy hối hận. Một buổi cô giáo đến nhà thăm em và ngạc nhiên khi thấy cậu học trò đang dùng chân viết chữ trên nền gạch. Cô đâu biết em ngồi hàng giờ nhìn con chim làm tổ, dùng mỏ viết những chữ gì trên lá, em cũng bắt chước làm theo, dùng miệng ngậm bút chì viết trên giấy. Nhưng chỉ được một lát đầu óc em choáng. Nhìn đàn gà bới đất kiếm ăn bằng đôi chân, Ký cũng cặp cục gạch non vào hai ngón chân, vẽ những hình tròn trên đất. Rồi Ký tiến dần lên, cặp bút chì để viết trên giấy. Ký nhớ mãi buổi cậu đến trường, cô giáo nhận em vào lớp, trải cho em tấm chiếu ở góc lớp để em học và viết bằng đôi chân của mình.

Nhờ thông minh và nghị lực phấn đấu phi thường, Ký học giỏi tất cả các môn, nhất là môn toán. Năm 1963 Ký đã được đi thi học sinh giỏi toán toàn quốc và đạt hạng 5. Tấm gương phấn đấu học tập vươn lên của Ký được báo chí loan tin. Em được Bác Hồ hai lần tặng thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi. Năm 1966 Nguyễn Ngọc Ký thi đậu vào trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Những năm học đại học cũng là những năm vất vả của Ký, trường phải sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên trong những năm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Học đại học yêu cầu sinh viên vừa nghe giảng vừa tốc ký. Rồi Ký phải tự xoay xở sinh hoạt hàng ngày bằng đôi chân của mình. Nhiều buổi lớp học ở lại sinh hoạt buổi chiều, đó là khó khăn vì về nhà Ký mới có thể đi vệ sinh. Còn khi ở lại anh phải nhịn, vô cùng khó chịu. Chính vì nhịn đi vệ sinh nhiều lần, anh bị bệnh viêm cầu thận, càng về già chứng bệnh càng nặng. Gần mười năm cuối đời ông phải tuần ba buổi chạy thận.

Ngay từ thời sinh viên Nguyễn Ngọc Ký đã sáng tác thơ và “bắt chân” vào viết tự truyện Những năm tháng không quên (tái bản đổi là Tôi đi học) viết về năm tháng Ký đã vượt qua những khó khăn như thế nào để có thể đến trường, lòng biết ơn những người thân, thầy cô, bạn học... đã giúp anh phấn đấu vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Sau bốn năm học, cuốn sách cũng hoàn thành, gây xúc động cho bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã mời anh đến nhà riêng, động viên, khen ngợi, hướng anh trở về quê nhà dạy học, nhằm khích lệ thế hệ trẻ noi gương anh, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Những năm làm giáo viên, thầy giáo Ký đã sáng tạo ra cách dạy. Thầy viết những ý chính cần truyền đạt lên tấm bìa cứng, rồi dùng tấm giấy trắng khổ lớn che lại. Giảng đến đâu thầy dùng chân kéo tờ giấy trắng tụt dần xuống để lộ dòng chữ cần truyền đạt. Có khi thầy chuẩn bị câu đố để mở đầu bài giảng, làm tiết dạy thêm sinh động. Với kiến thức sâu rộng, thầy đã truyền đạt đến học sinh những hiểu biết và tình yêu văn học. Bởi vậy, 20 năm liền thầy đoạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, là chiến sĩ thi đua. Năm 1992, thầy được Hội đồng Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2005 thầy được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam tặng danh hiệu: “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”.

 Nguyễn Ngọc Ký còn tập luyện để tự mình đánh răng, tắm gội, khâu vá, tưới cây, quạt cho con ngủ, đánh máy vi tính... bằng đôi chân của mình.

 Nguyễn Ngọc Ký được kết nạp vào Hôi Nhà văn Việt Nam năm 2006. Những tác phẩm nổi tiếng của ông là ba cuốn tự truyện: Tôi đi học, Tôi học đại học, Tôi dạy học. Với cách kể lôi cuốn, thuyết phục độc giả bằng những sự kiện có thật, chan chưa tình yêu quê hương, yêu thầy cô bạn bè, người thân... Độc giả rung động cùng tác giả về lòng biết ơn người, biết ơn đời. Cuộc đời này thật đáng sống, thật đáng yêu, khi ta biết vươn lên, vượt nghịch cảnh. Hồi còn học cấp ba Nguyễn Ngọc Ký mê tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky. Hình tượng nhân vật chính Paven Corsaghin vượt qua khó khăn, gian khổ, không nản chí phấn đấu cho lý tưởng của mình, cuối đời bị bao nhiêu là thương tật, vẫn cắn răng chống chọi, sống để viết nên tác phẩm bất hủ. Nguyễn Ngọc Ký cũng học theo Paven, “sống làm sao để không ân hận những năm tháng sống hoài sống phí”. Những tác phẩm tự truyện của anh cũng thấp thoáng hình tượng Paven của Việt Nam. Bởi thế ba cuốn tự truyện của Nguyễn Ngọc Ký mà nhân vật xưng tôi trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tặng huy chương Vì thế hệ trẻ cho tác giả Nguyễn Ngọc Ký.

Bên cạnh mảng văn xuôi độc đáo, Nguyễn Ngọc Ký còn là nhà thơ viết cho thiếu nhi khá ấn tượng. Có lẽ ngay từ nhỏ, Nguyễn Ngọc Ký đã đằm mình trong vòng tay yêu thương của  thầy cô, cha mẹ,  bạn bè... nên trong tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký luôn sâu nặng lòng biết ơn. Nhà thơ muốn đóng góp thật nhiều cho việc nâng cao tâm hồn các em thiếu nhi, giúp các em thêm sâu đậm tình yêu người, yêu thiên nhiên, hướng các em đến những gì cao đẹp. Bởi thế ông dành nhiều tâm huyết vào thơ thiếu nhi. Ông đã sáng tác hơn hai chục tập thơ cho các em và 3 lần đoạt giải thưởng văn học cho thiếu nhi toàn quốc do Trung ương Đoàn và Hội Nhà văn tổ chức.

Nguyễn Ngọc Ký có 3 bài thơ được chọn đăng trong sách giáo khoa như: Con đường làng (SGK Tiếng Việt 2, tập1- Nxb Giáo dục, 2002): “Con đường làng/ vừa mới đắp/ Đã xanh ngắt/ hàng phi lao/ Gió xôn xao/ Đến đưa võng/ Chim vui sướng/ Đến chuyền cành/ Bướm từng đàn/ Bay rộn rã”... Nhịp điệu thơ ba chữ như bước nhảy của các em thiếu nhi trên đường đến trường; Em thương (SGK Tiếng Việt 3, tập 2 - Nxb Giáo dục 2014; và Nặn đồ chơi (SGK Tiếng Việt 1, Nxb Giáo dục 1983-2000)... 

Nguyễn Ngọc Ký đã viết 34 đầu sách, trong đó có 25 đầu sách cho thiếu nhi. Một gia tài tác phẩm đồ sộ. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dành nhiều quan tâm đến nguyễn Ngọc Ký. Thủ tướng đã nói “Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương vượt khó tuyệt vời và trở thành huyền thoại sống cho bao thế hệ cắp sách đến trường suốt nửa thế kỷ qua”.

 Sách của Nguyễn Ngọc Ký được bạn đọc nhiệt liệt đón nhận, nhiều cuốn tái bản đến hơn chục lần, mỗi lần cả vạn bản. Ông cũng dành hàng ngàn buổi gặp gỡ, nói chuyện với các em học sinh trong toàn quốc, nhằm giáo dục lẽ sống, bồi dưỡng lòng ham học cho các em, đồng thời thắp lên ngọn lửa vượt khó, khơi dậy lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu con người... cho các thế hệ tương lai của đất nước. Bốn lần được gặp Thủ tướng, được Thủ tướng hết lòng quan tâm nhưng Nguyễn Ngọc Ký không dựa vào ai mà tự mình đứng trên đôi chân của chính mình. Được xã hội quan tâm, giúp đỡ nhưng ông vẫn tự dặn mình: “Tôi biết mình là ai, một người khuyết tật, muốn bù đắp lại những gì thua thiệt phải cố gắng hơn người bình thường, cố gắng một cách phi thường, đó là lối đi của người khuyết tật như tôi, mặc cảm mà không tự ti, không lẫn trốn, không buông xuôi”.

Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2 giờ ngày 28 tháng 9 năm 2022, tại nhà riêng, thành phố Thủ Đức, hưởng thọ 76 tuổi.

Nguồn Văn nghệ số 41/2022


Có thể bạn quan tâm