April 20, 2024, 3:26 am

“Huy Xuân ”và những mùa Xuân trong thơ

Tươi trẻ và dồi dào sức sống, mùa xuân đã làm say đắm bao lòng thi nhân. Niềm say đắm ấy cũng đa sắc, đa màu như chính mùa xuân. Từ đây, ta nhận ra từng đặc điểm tâm hồn, từng phong cách nghệ thuật độc đáo. Chúng ta hãy đến với những bài thơ xuân của Xuân Diệu và Huy Cận, để hiểu thêm đặc điểm phong cách nghệ thuật của hai nhà thơ lớn, hai cây đại thụ vẫn luôn tỏa bóng trong nền thơ ca dân tộc. Đây cũng là đôi bạn thơ tri kỷ đến mức có lúc đã chung một danh xưng “Huy Xuân”

1.

Nhớ về Xuân Diệu thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945, ta nghĩ ngay đến nhà thi sĩ của Xuân và Tình. Say mê với tuổi trẻ, thiết tha cùng tình yêu, Xuân Diệu tuyên bố: “Ta ôm bó, cánh tay ta làm rắn/ Làm dây đa quấn quýt cả mình xuân/ Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần/ Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất” (Thanh Niên). Hình ảnh mùa xuân trong thơ Xuân Diệu quả là một thiên đường trên mặt đất bởi được miêu tả ở thời điểm xuân nhất, tươi thắm nhất. Thi sĩ này thường ngỡ ngàng, say sưa trước bức tranh xuân đang ở đỉnh điểm của cái đẹp, khi mọi yếu tố thiên nhiên đang giữa thời khắc gợi cảm, gợi tình nhất: màu sắc rực rỡ, ánh sáng chói ngời, thanh âm ríu rít, hương vị nồng nàn… Phải chăng điều đó khởi phát từ một con người không thích sự lưng chừng, kiệm lời, yêu hay ghét đều phải rõ ràng, phải công khai bày tỏ. Đây là mùa xuân như bữa tiệc trần gian qua đôi mắt xanh non, tâm hồn rạo rực:

                 Này đây lá của cành tơ phơ phất,

                 Của yến anh này đây khúc tình si,

                 Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

                 Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa,

                 Tháng giêng ngon như một cặp môi gần…

                                                       (Vội vàng)

Hệ thống tính từ định ngữ giàu sức biểu cảm (mật, xanh rì, tơ, phơ phất, si) có ý nghĩa nhấn mạnh đây là mùa xuân đang ở độ trẻ tươi, ngọt ngào nhất. Câu Tháng giêng ngon như một cặp môi gần thật tiêu biểu cho lối tư duy thơ, xây dựng hình ảnh thơ của Xuân Diệu. Từ ngon đã biến tháng giêng vốn vô hình trở thành một vật thể hữu hình, thành đối tượng của ăn, uống, của hưởng thụ trần tục. Hơn nữa, sau từ ngon lại là thủ pháp so sánh “như một cặp môi gần”. Một hình ảnh đầy nhục cảm mà giàu chất thơ! Chỉ là thi sĩ mang trái tim rạo rực yêu đương, nhìn đời qua lăng kính ái ân mới cảm nhận, miêu tả như thế. Qua lăng kính này, Xuân Diệu cảm nhận mùa xuân chính là mùa tình, vườn xuân trở thành vườn tình. Thi sĩ thấy  hoa lá thiên nhiên như cũng đang hẹn hò chờ đợi: “Đây chùm mong nhớ, khóm yêu đương/ Đây nụ mơ mòng đợi ánh sương/ Đây lá bâng khuâng run trước gió/ Đây em, cành thẹn lẫn cành thương” (Dâng). Sang xuân, vạn vật dường như muốn trao duyên, gợi tình, muốn đong đưa, đụng chạm vào nhau: “Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao/ Cây vàng rung nắng, lá xôn xao/ Gió thơm phơ phất bay vô ý/ Đem đụng nhành mai sát nhánh đào” (Nụ cười xuân). Có thể nói ở Xuân Diệu, cái tôi nội cảm có sức chi phối mạnh mẽ bức tranh thơ. Một tâm hồn như thế thì thường hòa điệu với mùa xuân khi ở độ đẹp nhất, chín nhất và miêu tả nó vừa gợi cảm vừa gợi tình, tràn căng sức sống và đậm sắc màu tình ái.

 

2.

Đọc thơ Huy Cận ta càng thấm thía sức mạnh cải hóa, trẻ hóa hồn người kỳ diệu của mùa xuân. Buổi “Lửa thiêng” (trước Cách mạng tháng Tám) chàng thanh niên chưa đầy hai mươi tuổi mà tâm hồn sớm mang nặng nỗi sầu đời, từng viết những câu thơ ảo não, da diết buồn vào bậc nhất trong phong trào Thơ mới lại cũng là tác giả của không ít vần thơ tươi tắn và trong sáng, say nồng và hớn hở trước mùa xuân. Bên cạnh nỗi cô liêu bàng bạc trước “sông dài trời rộng” ở Tràng giang, bên cạnh lòng ngẩn ngơ xa vắng với “đèo cao quán chật, bến đò lau thưa” ở Chiều xưa hay nỗi buồn thê thiết trong Nhạc sầu, ta được bắt gặp “mùa tươi lên rún rẩy/ Trong cành hoa trẻ, cổ chim non”, được thưởng thức cái hương vị trẻ đậm, âm thanh rộn rực của mùa xuân: Luống đất thơm hương mùa mới dậy/ Bên đường chân rộn bước trai tơ/ Cây xanh cành đẹp xui tay với/ Sông mát tràn xuân nước đậm bờ… Những câu thơ truyền đến cho người đọc cảm giác về sự hăng trẻ tràn đầy của cảnh vật, lòng người ngày xuân. Và ngày xuân dường đã xóa đi hình ảnh chàng thi sĩ hay “tủi nắng sầu mưa”, hay thổi vào cảnh vật xung quanh mối “sầu vạn kỷ”:

                    Ồ những người ta đi hóng xuân

                    Cho tôi theo với, kéo tôi gần

                    Rộn ràng bước nhịp hương vương gót

                    Nhựa mạnh tuôn trào tưởng dính chân

                                                        (Xuân)

Hồn xuân trong Lửa thiêng là một bài thơ độc đáo. Ở đây, với lòng yêu người, yêu xuân nồng thắm, Huy Cận đã hòa đồng “người yêu nho nhỏ” thật xinh đẹp, đáng yêu của mình với thiên nhiên mùa xuân. Người được thiên nhiên hóa, người lồng trong cảnh, làm nên hồn xuân: Ngực trắng tròn như một trái rừng/ Mắt thì bằng rượu, tóc bằng hương/ Miệng cười bừng nở hàm răng lựu/ Sáng cả trời xanh mấy dặm đường… Và thiên nhiên được nhân hóa, được đặc tả thật cụ thể như con người:

                     Khách qua đường ơi, em tôi đây

                     Chân em: cỏ mượt, mắt: hồ đầy

                     Lòng em hóa cảnh chờ em gặp

                     Man mác hồn xuân ngọn gió hây

Tâm hồn thi sĩ Huy Cận giàu cảm quan vũ trụ, cảm quan không gian. Ông thường cảm nhận mình như một phần của vũ trụ vừa huyền bí vừa xôn xao chuyển động. Chúng ta cũng không quên Huy Cận từng tốt nghiệp kĩ sư Nông Lâm. Bởi thế, thơ ông hay nói về đất đai, mùa màng, về hạt, mầm, cây lá…, hay ca ngợi sự nảy nở sinh sôi. Đây là nhà thơ của Vũ trụ ca, của Đất nở hoa, của Hạt lại gieo. Những điều này thật thú vị, đã làm nên nét độc đáo trong cảm nhận mùa xuân của Huy Cận.

 

3.

Nếu như Xuân Diệu thường say sưa với mùa xuân đang ở thời điểm đẹp nhất, ở độ chín nhất thì Huy Cận lại hay rung cảm với mùa xuân lúc khởi đầu, ở ban đầu. Thơ xuân Huy Cận mang rõ cái cảm giác mầm búp, cảm giác hồi sinh để nảy nở. Một đêm trăng xuân, nhà thơ như thấy “mùa động đầu cành”:

                         Trăng êm cho gió thanh tân

                         Hương rừng tỉnh dậy ái ân xuống đồng

                         Đêm nay không khí say nồng

                         Nghìn cây mở ngọn, muôn lòng hé phơi

Xuân Diệu hay tả mùa xuân ở buổi ban mai. Xuân ý của Huy Cận thật hay khi tả mùa xuân ở thời gian đêm. Phải chăng đêm mới thực là thời gian của những động cựa, sinh sôi, thời gian của những phát triển, trưởng thành trong lòng tạo vật. Phải chăng đêm mới thực ẩn dấu những gì huyền bí, xôn xao. Cái thanh tân, cái mầm búp của thiên nhiên khiến lòng người cũng hòa theo mà hồi xuân, mà mơ mộng:

                           Khuya nay trong những mạch đời

                           Máu thanh xuân dậy thức người héo hon

                          Ngón tay tưởng búp xuân tròn

                          Có người ra dạo vườn non thẫn thờ

Xuân Diệu đứng bên ngoài mà nhìn ngắm mùa xuân, mà tỏ bày ham muốn ôm, riết, say, thâu, bấu, cắn…hết thảy mọi vẻ đẹp của thiên nhiên tươi thắm, trẻ trung ấy. Huy Cận lại nhập vào, xem mình là một phần của mùa xuân, ứng cảm với mùa xuân bằng cả tâm hồn, bằng cả da thịt. Bởi “Xuân gội tràn đầy / Giữa lòng hoan lạc” nên tấm lòng Huy Cận cũng trẻ lại với Cỏ mọc đầu non / Chiều xuân tươi mạnh / Gió bay vào hồn… Có khi nhà thơ tưởng tượng mình hớn hở khoác tấm áo xuân và sức xuân đang hát lừng trong thân thể: Ta vận áo xuân đi hớn hở/ Tâm tư ngào ngạt hiến dâng đời/ Thân cũng hát lừng cao nhịp lửa/ Hoa thiên thu hẹn nở cùng môi (Áo xuân).

Cảm nhận về sự hòa nhập con người với thiên nhiên, vũ trụ, cảm nhận về mầm búp, về nảy nở sinh sôi cứ chảy suốt những bài thơ xuân của Huy Cận từ trước đến sau Cách mạng thánh Tám. Hiển nhiên, cảnh xuân trong các bài thơ sau Cách mạng sinh động, ấm áp hẳn lên bởi đậm đà bóng dáng những con người lao động, đậm đà không khí làm ăn tiến tới của cuộc sống trong chế độ mới. Chẳng hạn cảnh “Mưa xuân trên biển”: Mưa xuân trên biển, thuyền yên chỗ/ Tôm cá chắc đầy phiên chợ mai/ Sắm Tết thuyền về dăm khóm đỗ/ Đảo xa thâm thẩm vệt mưa dài... Hay ở “Trong hội mùa xuân”, nhà thơ lắng nghe tiếng mùa xuân Sinh sôi nảy nở/ Rạo rực xa gần… Mùa xuân sinh nở lại đất trời, cũng như chế độ xã hội mới tuổi xuân xanh đang thai nghén hạnh phúc cho con người Ôm nghìn sức trẻ/ Bước trên đường dài... Cảnh xuân trong thơ Huy Cận ngày một đậm “chất xã hội” nhưng không vì thế mà giảm đi vẻ trẻ tươi mơn mởn, mất đi cảm giác khởi đầu của một chu kỳ đất trời mới, sự sống và niềm vui mới.

Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020


Có thể bạn quan tâm