April 26, 2024, 2:26 am

Hương vị Tết nơi đồng làng

 

Ở phố, lại nhớ làng.

Khi tết đã về, vào cữ chạp với nắng hanh vàng là tết. Những ngày cuối năm từng tờ lịch được nhẩm đếm như thời ở quê, tôi là đứa con nít thò lò nước mũi cứ đận sáng sớm, là vội vàng đưa tay xé tờ lịch rồi khoe với má “Hôm nay… rồi, sắp đến ngày đưa ông Táo về trời!”. Mà ông Táo đi là tết, đón ông Táo về, hạ nêu ăn chè là hết tết. Ở quê, khác phố; khi đưa ông Táo là rộn ràng chuẩn bị tết vì đồng lúa đã cắt, gà vịt đã đủ lông, thịt thà đã đủ chia, gạo nếp đã sàng sẩy, rau trái đã căng tròn, láng mướt trong nắng se lạnh.

Hương vị tết đồng làng quê má thì nhiều, rồi làm dâu nhà nội cũng không ít. Những năm tháng tuổi thơ ấy, tôi được biết từ câu của người lớn: “Để dành đón tết”, đâu cỡ sau hăm ba tháng mười khi trời quang, mây tạnh không còn mưa lũ bời bời. Đầu tiên, cha lấy từ gác bếp đem gieo trên đất xốp những hạt hoa rồi tạo thành những luống hoa vạn thọ đến cổng rào tre. Má đã đong ba giạ nếp tượng rằn (mỗi giạ từ 5 đến 7kg) phơi ra sân nắng. Đó là thứ đầu tiên tôi thấy lúc vừa dứt những trận mưa triền miên và cũng là thứ để chuẩn bị đón tết đầu tiên phải chuẩn bị trước để có một hương vị tết nơi đồng làng. Giống nếp tượng rằn dùng để nấu xôi, làm rượu, gói bánh tét, bánh chưng hay dập cốm thì rất ngon vì độ dẻo, vị thơm, không dính như nếp cái hoa vàng phương Bắc (nếp hoa vàng bây giờ vẫn còn, nhưng nếp tượng rằn trên cánh đồng Tuy Hòa đã mất giống). Nếp tượng rằn quê ngoại trồng liền với những giống lúa: móng chim, lúa gòn, bông giang rất ngon vì khi nấu hạt rời, xốp mềm và thơm hơn cả nàng hương bây giờ. Rồi má về làm dâu nhà nội, con dâu đất ruộng lại về thôn Vườn Trầu xóm Đường lại ở trên đất trồng nếp tượng rằn thì má luôn tay liềm, tay thúng với những đêm mờ sương lấy nước để có những vạt nếp tượng rằn thân cao, hạt trỉu nặng to tròn. Những giống lúa, hay nếp có tên ấy là hình tượng của người nông dân gắn liền cuộc sống vì lúa móng chim có hạt giống tên gọi, cũng như lúa gòn, bông giang hay nếp tượng rằn vì vỏ dày, vân sọc. Lúa, hay nếp cũng có một thời phù hợp, vì mỗi năm chỉ làm một vụ, đến cả sáu tháng mới thu hoạch nên không cho năng suất cao, đành bỏ. Rồi đến lúa thần nông, đến những tên gọi khoa học xyz của lúa lai xanh thẳm đồng làng hôm nay.

Lan man quá, nhớ nếp tượng rằn má phơi khô, giê sạch rồi đem xay. Những hạt nếp ấy, sẽ thổi xôi cúng ông Táo, cúng Tất niên, nấu chè đặt ngay dưới cây tre cha dựng đầu cổng trên luống hoa vàng vạn thọ làm nêu đón tết và hạ nêu hết tết; phần cha là nấu rượu, cả nia cơm nếp trắng tinh phủ men được cắt vuông vức đặt vào từng khạp da lươn nhỏ đợi lên men để thành cơm rượu và cả những chai rượu nếp tượng rằn có màu vàng mật ngọt nồng. Nếp tượng rằn được rang làm cốm, đóng thành từng khối trắng tinh thơm giòn và ngọt dịu mùi đường. Đó là những ngày áp tết cho đến ngày ba mươi, nếp đã ngâm, thịt heo đã chia bên hàng xóm đem về ướp với gia vị để sẵn. Dưới bóng cây ô mai chớm nụ trước hiên nhà và trên chõng tre có có thêm xấp lá chuối, bó lạt tre ngâm nước để buộc, cả nhà quây quần gói bánh tét cuối năm. Những câu chuyện về đồng áng, về dòng họ bà con, về được mất vụ mùa, về thiên tai bão lũ được ôn lại trong một năm đi qua của tứ mùa chuyển dịch. Rộn ràng, ấm áp và bên ngoài đồng làng đang yên lắng thì cả xóm vẫn vang vọng tiếng heo kêu, tiếng cười đùa, tiếng chổi tre khua trong những khoảng sân cách hàng chè tàu nhà liền nhà và cả mùi khói đốt lá cuối vườn.

Đêm cuối năm, có lẽ duy nhất mỗi năm tôi được thức đến giao thừa, được nghe cha kể chuyện bên nồi bánh tét nghi ngút khói, được moi từ bếp lửa những mảnh than củi cháy đượm ra mà nướng thịt khô lấy từ chái bếp và cùng cha nhâm nhi ly rượu nếp tượng rằn thơm nồng, ngọt dịu, ấm sực. Đồng làng yên ả, bếp lửa tí tách, thấp thoáng bóng nội vào ra nơi bàn thờ gia tiên, nơi ấy, có đủ tất cả từ hương vị đồng làng của xôi, của cốm, của rượu, cả hoa vàng vạn thọ, cả bồng chuối sau vườn và tí nữa thôi, là những đòn bánh tét, bánh chưng đặt trang trọng khi nội đã khăn đóng, áo dài với những nén hương tỏa lan cầu mong mưa thuận, gió hòa.

Đồng làng đã thay đổi, thay đổi rất nhiều sau gần nửa thế kỷ. Đẹp hơn, thênh thang hơn, có nơi đã thành đô thị mà những người xa quê lâu năm trở về phải ngơ ngác. Điện, đường, trường, trạm đã thay đổi bộ mặt nông thôn nhưng vẫn chưa thay đổi người nông dân trong ký ức một thời như những người bạn tôi, cha và chú tôi, láng giềng tôi; chỉ cần nhắc lại hương vị đồng làng vào tết là câu chuyện kể dài không dứt. Làm gì còn nếp tượng rằn ở Vườn Trầu xóm Đường hay lúa móng chim, bông gòn, bông giang thơm lừng một thuở. Lúa các nước có nền nông nghiệp tiên tiến vẫn giữ nguyên như Thái Lan, Nhật Bản cho loại gạo thơm lừng ai cũng biết; vậy mà góc quê tôi sống đã mất hẳn loại lúa nếp nổi tiếng một thời, một thời của đặc sản đồng nội.

Tết đã về, nhớ áo mới của má, đồng tiền của nội, cốm rang của cha, cặp bánh tét nhỏ nhắn xỏ vào chiếc đòn gánh nhỏ xinh hai đầu đi khoe bạn làng vào đầu năm mới và thoảng trong gió xuân trôi về đồng làng, trong chái bếp là hương nếp tượng rằn hay nồi cơm lúa mới từ hạt gạo móng chim, bông giang đang hé nắp trào bọt mừng nắng se vàng.

Ở phố, lại nhớ làng vào dịp tết.

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2019


Có thể bạn quan tâm