April 23, 2024, 6:04 pm

Hướng tới mục tiêu xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại*

Trong bối cảnh trên phạm vi toàn cầu đã và đang diễn ra những sự kiện làm thay đổi căn bản diện mạo thế giới, diện mạo mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi nền văn học, nghệ thuật, cách đây không lâu, học giả Hoa Kỳ Samuel Huntington đã tung ra thị trường tri thức thế giới cuốn sách nổi tiếng Sự đụng độ giữa các nền văn minh làm chấn động dư luận. Trong khi đó, học giả nổi tiếng khác là Thomas Friedman lại đưa ra hình dung về một “thế giới phẳng” gợi không ít hứng thú cho giới nghiên cứu. Những luận điểm đó đưa lại cho chúng ta ý niệm về một thế giới đang thay đổi sâu sắc.

Như một hệ lụy đương nhiên, những thay đổi đó đang hàng ngày, hàng giờ tác động mạnh mẽ đến hệ giá trị, từ giá trị chung, giá trị phổ quát, giá trị toàn cầu… đến giá trị riêng, giá trị loại biệt của mỗi quốc gia, dân tộc, trong đó có giá trị văn học, nghệ thuật. Thực tế đó đang tạo ra sự chuyển dịch khá căn bản hệ thống giá trị vốn là một phạm trù rất rộng, bao trùm lên mọi lĩnh vực, khá năng động, không “nhất thành bất biến” và luôn thay đổi theo thời gian, thời đại. Ngay cả dịch Covid-19 đang diễn ra, tưởng không liên quan gì tới hệ giá trị nhưng thực ra lại đang tác động làm thay đổi quan niệm về các giá trị sống, giá trị lao động kiến tạo của con người. Từ buổi bình minh của lịch sử, cùng với quá trình vận động và phát triển của xã hội loài người, các hệ thống giá trị đã được xác lập và từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Nhưng đồng thời, quá tình đó cũng là quá trình chọn lựa, sàng lọc một cách hết sức nghiệt ngã để đúc kết thành các bảng giá trị được xã hội thừa nhận. Ở Việt Nam, theo đúc kết của cố giáo sư Trần Văn Giầu, cố giáo sư Phan Ngọc thì bảng giá trị tinh thần truyền thống được hình thành trong tiến trình lịch sử bao gồm nhiều phẩm chất, nhiều phạm trù giá trị được giữ gìn, bảo lưu và phát triển trong đời sống xã hội hiện đại. Trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, các phạm trù quen thuộc như Chân, Thiện, Mỹ cũng được xem là các giá trị truyền thống cơ bản, cốt lõi chi phối tiến trình vận động và phát triển của lịch sử văn học. Xung quanh hệ giá trị cơ bản và cốt lõi đó, tùy theo từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng trào lưu, trường phái, khuynh hướng nghệ thuật mà xác định ngôi vị cho mỗi phạm trù. Thực tế lịch sử cho thấy trong khi không ít giá trị mới đang được tạo lập, đang được khẳng định và đòi chỗ đứng trong bảng giá trị chung… thì cũng không ít giá trị đang trở nên không còn phù hợp, tỏ ra lỗi thời và đòi được thay thế. Tuy quá trình đó không tránh khỏi những lầm lẫn, ngộ nhân, nhưng là quá trình phù hợp với quy luật, phù hợp với xu thế vận động và phát triển, phù hợp với đòi hỏi tất yếu của đời sống xã hội và nghệ thuật. Đặc biệt là từ những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX đến nay, thế giới rung chuyển trước những sự kiện lớn tạo nên những va đập, xung đột, làm đảo lộn, biến dạng không ít giá trị từng được xem là cơ bản, cốt lõi.

Ở Việt Nam, từ khi Đổi mới và hội nhập đến nay, chúng ta có dịp chứng kiến những biến thiên của hệ giá trị; đặc biệt là từ khi vận hành cơ chế thị trường và hội nhập sâu rộng với thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà trong khoảng thời gian đó, trên phương diện học thuật, bộ môn giá trị học đã được hình thành và bước đầu đạt được những thành tựu nghiên cứu quan trọng làm cơ sở cho nhận thức và lao động sáng tạo. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, trong các văn kiện, các ấn phẩm và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các khái niệm, thuật ngữ như: giá trị, hệ giá trị, chuỗi giá trị, giá trị cơ bản, giá trị cốt lõi, giá trị khu vực, giá trị toàn cầu v.v… lại được sử dụng rộng rãi, được nhắc đến nhiều tới mức phổ cập trong đời sống xã hội.

Trong một thời kỳ như vậy, văn học, nghệ thuật không phải là một ngoại lệ. Dưới tác động của nhiều yếu tố như: truyền thống văn hóa, nghệ thuật, thể chế chính trị, đổi mới và hội nhập, cơ chế thị trường, giáo dục đào tạo, truyền thông đại chúng, nhu cầu công chúng v.v… hệ giá trị văn học, nghệ thuật đã và đang dịch chuyển đến mức cơ hồ như hỗn loạn, như lâm vào khủng hoảng. Trong sự dịch chuyển đó, nhiều giá trị tưởng như đã bị bỏ qua, rơi vào quên lãng thì nhờ đổi mới mà được nhận thức, đánh giá lại, được chiêu tuyết lại như Thơ mới, Văn chương lãng mạn, Văn chương Tự lực văn đoàn, nhạc tiền chiến và các hiện tượng văn học, nghệ thuật khác từng bị hàm oan một thời chẳng hạn. Ngược lại, cũng có không ít giá trị được xem là truyền thống, là vốn quý, thậm chí được mệnh danh là quốc bảo, quốc hồn, quốc túy như Chèo, Tuồng… lại đang đứng trước nguy cơ mai một do sự ghẻ lạnh của một bộ phận công chúng, nhất là công chúng trẻ tuổi. Thực trạng này nhắc chúng ta nhớ lại những năm đầu thế kỷ XX, trong cuộc đụng độ tiếp xúc lịch sử với phương Tây, trước ảnh hưởng của các giá trị mới lạ, nghệ thuật truyền thống nói chung, Chèo, Tuồng, Rối nước cổ truyền nói riêng đã lâm vào tình trạng khủng hoảng mà cố giáo sư Trần Quốc Vượng mô tả là sự “sụt giá”, “giảm giá”, sự “trốc rễ văn hóa” trước các giá trị mới từ phương Tây thâm nhập vào. Không phải tìm kiếm đâu xa, hãy nhìn vào các lĩnh vực từ Văn học, Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc… đến các chương trình văn nghệ, giải trí trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay sẽ dễ dàng nhận thấy thực trạng giá trị đang chao đảo như thế nào? Trước các câu hỏi: Đâu là giá trị đích thực? Giá trị ảo?... Yếu tố nào làm nên giá trị của tác phẩm nghệ thuật? Giá cả? Doanh thu? Công chúng? Hay yếu tố nào nữa? v.v… Hoặc cần phải tiếp cận hệ giá trị văn học, nghệ thuật từ góc độ nào, phương diện nào? v.v… Thật khó xác định! Mỗi người sẽ có một câu trả lời, một cách lý giải khác nhau mà chưa chắc ai là người nắm phần đúng.

Tình trạng trên khiến cho từ nhiều năm nay, giới phê bình đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng thiếu chuẩn, lệch chuẩn, loạn chuẩn… mà gốc rễ sâu xa của nó là sự khác biệt trong quan niệm, nhận thức về giá trị; là sự thiếu vắng bộ tiêu chí đánh giá một cách khách quan, chính xác và khoa học về tác phẩm nghệ thuật. Không ít trường hợp cùng một tác phẩm, người thì khen hết lời, kẻ thì chê hết nước. Điều đáng lưu ý là từ yêu cầu, nhận thức đến thực trạng giá trị văn học, nghệ thuật đều đã hơn một lần được nhắc đến trong các nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, Nghị quyết 33-NQ/TW khóa XI… Gần đây nhất, trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mời…; bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam…; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” (Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam – Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII).

Yêu cầu xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại là vấn đề quá lớn, quá rộng, quá quan thiết trong đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay. Tuy nhiên ngay lúc này, đặt ra vấn đề “Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại” như tiêu đề bài viết này, thông qua một cuộc hội thảo khoa học, có thể có những vấn đề chỉ kịp xới lên, đề xuất bước đầu để cùng suy nghĩ. Mặc dù vậy, với trách nhiệm cao trước yêu cầu phát triển của văn học, nghệ thuật thời kỳ mới; những nội dung trên rất cần được nhận diện cả trong lý luận và thực tiễn, để từ đó định hướng xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại trong thời kỳ mới…

________

* Trích Báo cáo Đề dẫn Hội thảo khoa học toàn quốc “Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tháng 12/2020

Nguồn Văn nghệ số 52/2020


Có thể bạn quan tâm