April 20, 2024, 10:19 am

Hướng tới kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9: Chuyện ít biết về 2 Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội 19/8/1945

 

Lần nào ra Hà Nội, tôi cũng thu xếp vào thắp hương ở Nghĩa trang liệt sỹ Mai Dịch. Tại đây, cha tôi yên nghỉ cùng những bạn chiến đấu từ “thời kì bí mật”. Bên cạnh mộ cha là mộ phần cụ Nguyễn Khang. Chả hiểu vô tình hay hữu ý mà 2 cán bộ lão thành, từng nhận sứ mệnh lịch sử của nhân dân: lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, lại nằm yên nghỉ bên nhau!

Các xứ uỷ viên Bắc kỳ và Uỷ viên Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội gặp lại nhau ở Việt Bắc năm 1948

( trái qua: Trần Tử Bình, Nguyễn Khang, Trần Quang Huy, Lê Liêm)

Thời kì bí mật

Nguyễn Khang sinh năm 1919, trong một gia đình nghèo tại thôn Nguyên Kinh, tổng Cao Mại, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 16 tuổi, ông rời gia đình đi làm thuê cho một cơ sở in ấn. Đây chính là một cơ sở ấn loát của Xứ ủy Bắc Kỳ tại Thái Bình. Vì thế mà ông sớm tiếp xúc với sách báo tiến bộ và những người cộng sản. Năm 1939, ông lên Hà Nội ông phụ trách Đoàn Thanh niên Phản đế, tham gia Thường vụ Thành ủy. Năm 1941, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt và đày lên Sơn La. Năm 1944, vượt ngục, trở về Hà Nội, tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ tháng 2/1945, ông kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội, biên tập báo Cứu quốc, phụ trách báo Hồn Nước của Việt Minh Hoàng Diệu.

Còn cha tôi, cụ Trần Tử Bình, sinh 1907, hơn ông Khang tròn một con giáp, sinh ra ở thôn Đồng Chuối, Tiêu Động Thượng, Hà Nam, trong một gia đình Công giáo toàn tòng. Nhờ ông cụ thân sinh đi lính cho Pháp thời kì Thế chiến thứ nhất (1914-1918) mà nhà có ít tiền nên cha tôi được vào học Trường dòng Hoàng Nguyên (thuộc xã Tri Thủy, Phú Xuyên, thuộc giáo phận Hà Đông).

Được tiếp xúc với sách báo tiến bộ, tham gia phong trào cả nước ủng hộ 2 cụ Phan rồi vận động chủng sinh Hoàng Nguyên để tang cụ Phan Chu Trinh (24/3/1926) nên ông bị đuổi học và gia đình bị “rút phép thông công” (hình phạt nặng nhất với giáo dân)… Đứng trước ngã ba đường, được Tống Văn Trân giác ngộ “hãy vào Nam Kỳ kiếm sống và tìm đường cứu nước” mà cuối 1927, ông kí “công-tra” với Hãng Tuyển phu Nguyễn Tất Tạo, vào làm phu Đồn điền cao su Phú Riềng (nay thuộc Đồng Phú, Bình Phước).

Có chữ nghĩa, ông là chỗ dựa của anh em phu phen. Được Ngô Gia Tự giác ngộ, ông gia nhập Thanh niên cách mạng đồng chí Hội rồi là đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng tháng 10/1929.

Tết Nguyên đán 1930, là bí thư ông cùng 6 đảng viên chi bộ Phú Riềng lãnh đạo 5000 công nhân làm chủ đồn điền trong gần tuần lễ. Sau đó bị bắt, bị đưa ra Tòa đại hình Sài Gòn và bị đày ra Côn Đảo tới 1935 mới mãn hạn, trả về đất liền.

Trở về quê hương, tiếp tục hoạt động: bí thư chi bộ, bí thư Huyện ủy Bình Lục, bí thư Hà Nam rồi được giao nhiệm vụ Xứ ủy viên Bắc kỳ. Ngày 24/12/1943, ông bị bắt ở Thái Bình. Tại nhà thương Phủ Lý đã bẻ song sắt cửa sổ, trốn mà không thành. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, 9/3/1945, ông cùng anh em tù Hỏa Lò tổ chức “đại vượt ngục” cho hơn 100 tù chính trị theo đường trèo tường và chui cống ngầm, trở về với phong trào, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

 

Những ngày tháng 8-1945

Quay lại chuyện cụ Nguyễn Khang… Ở Hà Nội, Nguyễn Khang gặp cô nữ sinh Tạ Thị Thọ. Anh thầm yêu trộm nhớ rồi vận động cô tham gia “Việt Minh thành Hoàng Diệu”. Dân Hà Nội ngày ấy ai cũng biết gánh xiếc Thú nổi tiếng của cụ Tạ Duy Hiển. Cụ đưa các nghệ sĩ và thú cưng đi biểu diễn khắp Bắc, Trung, Nam. Chính cô Thọ đã lấy tiền của gia đình để mua giấy, mực in, cung cấp cho tổ chức in ấn báo Hồn Nước do anh phụ trách.

Đầu tháng 8/1945, bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Văn Trân lên Tân Trào họp, bàn giao lại cho 2 Thường vụ Xứ: Nguyễn Khang phụ trách Hà Nội, Trần Tử Bình trực cơ quan Xứ ủy ở Vạn Phúc và phụ trách 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Ngày đó thông tin liên lạc không như giờ, chỉ có giao thông chạy chân (gọi là ZT). Trước khi đi Tuyên Quang, bí thư Xứ ủy dặn: “Nắm chắc chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nếu thấy thời cơ chín muồi thì quyết định cho Tổng khởi nghĩa. Các anh phải chịu trách nhiệm trước Đảng và dân tộc!”.

Trần Tử Bình bám trụ ở ATK Vạn Phúc, sát với thị xã Hà Đông. Có bất kì động thái gì ở Hà Nội, Nguyễn Khang đều đạp xe vào Vạn Phúc trao đổi. Những cuộc tiếp xúc của Việt Minh (Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa, Trần Đình Long) với Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, và của Lê Trọng Nghĩa với thủ tướng Trần Trọng Kim đều được bàn bạc kĩ lưỡng… Qua radio (phương tiện thông tin duy nhất bằng tiếng Pháp) mà 2 ông nắm được tình hình thế giới và Việt Nam. Thấy có nhiều biến động, 2 Thường vụ Xứ triệu tập Hội nghị Xứ ủy ở Vạn Phúc vào ngày 14-8-1945 với sự có mặt của các xứ ủy viên: Văn Tiến Dũng, Lê Liêm, Nguyễn Văn Lộc, Đặng Kim Giang, Xuân Thủy... Sau này, hội nghị Vạn Phúc được coi là “Hội nghị Tân Trào dưới xuôi”.

Ngày 15/8, nghe tin Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh, 2 ông quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội do Nguyễn Khang làm chủ tịch cùng Nguyễn Quyết[1], Trần Quang Huy[2], Nguyễn Duy Thân[3], Lê Trọng Nghĩa[4] và cố vấn Trần Đình Long[5].

Ngày 17/8, được tin công chức chính phủ Trần Trọng Kim mít-tinh ở quảng trường Nhà hát Lớn; Nguyễn Khang đã giao cho đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu “phá mít-tinh này nhưng chỉ phá rồi rút”. Thấy thời cơ đến, các thành viên đã cướp diễn đàn, hô hào bà con ủng hộ Việt Minh và biến cuộc mít-tinh thành cuộc tuần hàng thị uy lớn chưa từng có ở Hà Nội. Hàng vạn người vòng qua Bờ Hồ, lên chợ Đồng Xuân, rồi đi trong trời mưa lên tận Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch)… Lính bảo an, lính Nhật và chính quyền bù nhìn không hề phản ứng.

Ông Lê Trọng Nghĩa kể lại: “Chiều ấy, tôi và anh Bình đang nóng ruột chờ ở Vạn Phúc thì thấy anh Khang phóng về, vứt xe cạnh bể nước rồi lao vào nhà, chém tay: “Thời cơ đến rồi, phải cho Hà Nội khởi nghĩa thôi!”.  Rồi 2 anh lệnh cho Hà Nội khởi nghĩa vào sáng ngày 19-8, chỉ có một ngày chuẩn bị...”.

Sinh thời, ông Trần Quang Huy có kể: “Lần đó cử người vào Hà Đông lấy lá cờ đỏ sao vàng khổ cực lớn, chuẩn bị treo ở Nhà hát Lớn. Chị Thọ cho mượn chiếc xe đạp Pháp đắt tiền - hiệu Peugeot. Khi đạp xe ra đến gần gò Đống Đa thì thấy lính bảo an chặn kiểm tra, anh ta vứt xe ngay vệ đường rồi ôm cờ chạy vào làng Nam Đồng... Như vậy là Đảng còn nhiều món nợ với nhà chị Thọ”.

Trưa 19/8, sau cuộc mít-tinh ở quảng trường Nhà hát Lớn, các cánh quân tách ra tiến về các trọng điểm. Một cánh do 2 Thường vụ Xứ ủy cùng Nguyễn Duy Thân, Lê Trọng Nghĩa hướng về Phủ Khâm sai (nay là Nhà khách Chính phủ, 12 Ngô Quyền). Trước khi từ nhiệm, cụ Phan Kế Toại nhắc viên chỉ huy bảo an: khi Việt Minh đến thì đừng chống đối mà giao cơ sở cho họ. Nhưng khi đoàn người ào ào áp sát hàng rào, những họng súng vẫn lạnh lùng chĩa ra. Nhiều chiến sĩ đã leo cổng trèo vào. Trước sức ép của lực lượng Việt Minh, lính bảo an phải mở cổng. Vào đến nơi, Trần Tử Bình lệnh cho Việt Minh đưa Khâm sai Nguyễn Xuân Chữ đưa về ATK Vạn Phúc rồi dùng điện thoại, báo cho chính quyền ở các tỉnh phải bàn giao công sở cho Việt Minh. Cùng lúc đó, cánh quân do Nguyễn Quyết tấn công vào Trại Bảo an binh (đối diện với rạp phim Tháng Tám bây giờ), bị Nhật cho xe tăng ra bao vây. Họ sợ Việt Minh sẽ cướp kho vũ khí lớn trong đó. Có nguy cơ nổ súng, đổ máu.

Tin được báo về Phủ Khâm sai, 2 Thường vụ Xứ cử Lê Trọng Nghĩa ra đàm đạo với quân Nhật. Sau vài giờ giằng co, lính Nhật chịu rút và yêu cầu Việt Minh phải cử người tới gặp chỉ huy tối cao của họ. Lại một lần nữa, 2 ông cử Lê Trọng Nghĩa và Trần Đình Long “vào hang cọp”. Vì khéo léo thương thảo và không động chạm đến lòng “tự trọng Samurai” mà tối ấy, họ chấp nhận “sự hợp pháp của “nhóm nổi loạn” và yêu cầu không để dân chúng tiếp tục làm loạn, không được nổ súng...”.

Vậy là Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội diễn ra đúng trong một ngày và không hề đổ một giọt máu. Đặc biệt, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội diễn ra khi chưa hề nhận lệnh từ Trung ương. Cũng ngay trong đêm 19/8, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội họp và quyết định: Ra mắt ngay chính quyền lâm thời trước quốc dân đồng bào và chính khách ngoại giao. Ngay sáng hôm sau tại vườn hoa Con Cóc trước Phủ Khâm sai đã ra mắt Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ (do Nguyễn Khang là chủ tịch, Nguyễn Duy Thân – phó chủ tịch phụ trách nội chính, Lê Trọng Nghĩa phụ trách đối ngoại…) và Ủy ban Nhân dân Hà Nội do Trần Quang Huy là chủ tịch…

 

Trong kháng chiến chống Pháp

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, 19/12/1946, Nguyễn Khang được giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu 1. Còn Trần Tử Bình là Phó bí thư QQQ (mật danh của Quân ủy Trung ương), Phó Tổng thanh tra quân đội.

Khi chuẩn bị chuyển từ thế phòng ngự sang tổng phản công thì có nguồn tin từ đại biểu Quốc hội Đoàn Phú Tứ báo với cụ Hồ: Trần Dụ Châu, đại tá, cục trưởng Cục Quân nhu, bị tha hóa, ăn cắp công quỹ, tư lợi, ăn chơi sa đọa… Cụ Hồ đã giao cho Tổng Thanh tra quân đội vào cuộc. Trần Tử Bình và Cục trưởng Quân pháp Phạm Trịnh Cán (cử nhân Luật từ thời Pháp) cùng cán bộ thanh tra xuống các đơn vị điều tra, thu thập chứng cứ và đưa ra truy tố trước Tòa án binh. Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Tòa án binh đã mở phiên tòa xử Trần Dụ Châu do thiếu tướng Chu Văn Tấn là chánh án, thiếu tướng Trần Tử Bình - công cáo ủy viên thay mặt chính phủ. Chủ tịch Nguyễn Khang cũng có mặt. Trần Dụ Châu bị tước quân hàm tại phiên tòa. Ngay hôm sau, Trần Dụ Châu bị tử hình.

 

Cùng là đại sứ ta tại Trung Quốc

Năm 1957, Nguyễn Khang được cử làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc (thay đại sứ tiền nhiệm Hoàng Văn Hoan đã đảm nhiệm thời gian 1955-57) và kiêm nhiệm đại sứ ở Mông Cổ. Đến năm 1959 thì hết hạn. Vì đã có thời gian (1951-1956) cùng trường Lục quân Việt Nam đóng quân ở Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) để đào tạo hàng nghìn sĩ quan cho Tổng phản công 1954 nên Trần Tử Bình được cử sang thay. Tháng 4-1959, Trần Tử Bình lên đường sang Bắc Kinh. Ông đảm nhiệm vị trí này suốt 8 năm trời từ 1959 đến 1967 và có nhiều đóng góp cho việc xây dựng tình hữu nghị giữa 2 dân tộc, tận dụng hiệu quả sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc cho công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam và công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

*

Hai đồng chí, 2 người bạn đã gắn bó cùng nhau suốt từ thời kì hoạt động bí mật rồi cùng nhận sứ mệnh lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, góp phần lật trang sử nước nhà sang một trang mới độc lập, tự do. Hai ông cùng nhau tham gia kháng chiến, rồi cùng nhau hoạt động ngoại giao thời bình; nay lại yên nghỉ bên cạnh nhau. Ấy cũng là một cái duyên!

 

 


[1] Sau này là đại tướng, Phó chủ tịch Hội đồng nhà nước. (SN: 1922)

[2] Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội; sau này là bộ trưởng, (1922-1995).

[3] Đại biểu quốc hội khóa 1 (1946); Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu 1. Mất tại Trung Quốc 1952. (1907-1952).

[4] Đại biểu quốc hội khóa 1 (1946), đại tá, Cục trưởng Cục Quân báo (1922-2015).

[5] Tốt nghiệp Đại học Phương Đông Mat-xcơ-va  (1928-31), tù Sơn La, ứng cử viên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Hồ Chí Minh. Bị thủ tiêu cuối 1945. (1904-1945).

Nguồn Văn nghệ số 32/2019


Có thể bạn quan tâm