April 20, 2024, 6:31 am

Hương rừng ngọc đất

Kiên “chim” đã hò hẹn năm lần bảy lượt để đi Hà Giang mà đến giờ mới thành hiện thực. Chuyến ngược ngàn này dù không đột ngột nhưng vẫn ngoài suy nghĩ của tôi bởi cách hành trình hơi rích rắc.

Phải chạy xe máy từ Hà Nội lên Vĩnh Yên, rồi mới lên xe của Toàn, một chủ tiệm buôn mành và ri đô khá lớn ở thành phố bên cạnh đầm Vạc, ba chúng tôi rời Vĩnh Yên khi trời chạng vạng tối. Qua Việt Trì, Đoan Hùng, Tuyên Quang, men theo dòng sông Lô ngoằn ngoèo uốn khúc, khoảng hơn mười giờ đêm thì tới thị trấn Bắc Quang. Mấy cô bạn thời lính của Toàn đang đợi chúng tôi, vẻ mặt ai cũng tươi vui, rạng rỡ. Thuở trai trẻ Toàn từng đóng quân giữ biên giới phía Bắc, ở đây. Chàng lái xe chở quân nhu của trung đoàn pháo binh quen biết dân bản địa khá nhiều, đặc biệt là các cô gái. Thật đúng là tình cá nước, sau hơn hai chục năm gặp lại nhau, đã ngoại tứ tuần mà họ cứ ríu ran bao ký ức, bao kỷ niệm. Thì ra họ vẫn giữ liên lạc với nhau và cuộc hội ngộ khuya khoắt này đã được báo trước bằng điện thoại.

Nơi các bạn cũ của Toàn tiếp chúng tôi là một quán tạp hóa rộng rãi bên quốc lộ 2. Chủ quán là Diệp, một thiếu phụ có nét đẹp đăc trưng của người miền rừng phía Bắc: cao dong dảy, da trắng mịn và đôi mắt gợi buồn. Nâng ly trà thoảng hương vị Thái Nguyên, một mùi thơm vừa quen vừa lạ phảng phất, tôi ngó quanh nhà thấy mấy bức tượng gỗ màu vàng sẫm, nhỏ thôi nhưng tôi đoan chắc chính mùi hương thoảng ra từ đấy: Mùi ngọc am! Không nén nổi tò mò, tôi hỏi Diệp: “Bức tượng tỏa mùi thơm phải không em?”. Cả mấy cô bạn của Toàn nhìn tôi, Diệp cười: “Người miền xuôi mới lên mà tinh thế? Ngọc am đấy anh. Có cả mùi thơm của gù hương nữa”. Phương, một cô giáo, vẻ sành sỏi: “Anh đã nghe nói về gỗ ngọc am chưa? Ngọc am rất tốt cho sức khỏe, anh ạ. Bọn em vẫn tìm về làm gối kê đầu, làm đồ gia dụng, đồ thờ và cả trang trí trong nhà.”

 

Minh họa: Tô Chiêm 

 

Sau chén trà thơm, tôi xin phép các bạn đi “mục sở thị” những hoang đường còn sót lại đang hiện hữu ở đây. Những mẩu lũa gỗ màu vàng, nguyên sơ, không sơn phết, như hình hài chúng sinh ra, được gọt rũa qua loa, có thể hình dung ra bất cứ hình thù gì theo tưởng tượng của người nhìn ngắm. Có vẻ chủ nhân không câu nệ lắm về sự tinh xảo của tay nghề chế tác mà chú trọng vẻ tự nhiên thiên phú cho “tác phẩm”, người ta “chơi” như để “lấy mùi” hương rừng lộc đất, như cần thiết có sự hiện diện của ngọc am trong gia thất của mình.

Lời đồn đại về ngọc am quả không ngoa, chí ít là hương thơm và sức lan tỏa của nó trong đời sống người dân. Đã nghe, đã đọc nhiều thông tin, rằng Hà Giang là xứ sở của ngọc am, loài gỗ quý thượng đẳng từ ngàn xưa; loài gỗ họ nhà thông  (còn có tên là hoàng đàn rủ) chỉ sống trên núi đá cao của Hoàng Su Phì, của Tây Côn Lĩnh, có hương thơm và ẩn chứa bao điều kỳ diệu, huyền bí đến độ… tâm linh và tính thực dụng của con người; rằng lũa ngọc am là vô giá, tinh dầu ngọc am có thể ướp xác người nguyên vẹn cả ngàn năm… Và thật bất công, cũng như vì bộ ngà quý giá mà những đàn voi mất dần trong rừng thẳm; vì chiếc sừng có thể “chữa bách bệnh” mà loài tê giác biến khỏi Đông Dương; vì bộ cốt có thể giúp con người “trường sinh bất lão” khi cô đặc thành cao mà loài hổ - chúa sơn lâm gần như biến mất trên rừng Việt Nam... Chính sự kỳ diệu và huyền bí ấy của ngọc am đã đẩy loài gỗ lẽ ra bất tử này bị tuyệt diệt ở Việt Nam bởi sự tàn phá ghê gớm của con người.

Nhiều nguồn tin kể lại rằng: Tự xa xưa, người Hán bên kia biên ải tìm đến xứ Hà Giang này khai thác ngọc am, lúc ấy đang mọc thành rừng, thành bãi trên các núi đá xứ lạnh. Lợi dụng sự xa xôi hẻo lánh của vùng biên viễn và sự kém hiểu biết của người bản địa về loài gỗ quý này, các triều đại phong kiến phương Bắc đã cho người lội sông vượt núi sang triệt phá ngọc am. Những cây trăm năm, ngàn tuổi với vóc dáng thanh cao mà vững chãi trụ giữ giữa gió tuyết phong ba ấy đã phải làm mồi cho rìu, cưa và sự hám lợi. Ngọc am ngã xuống giữa đại ngàn như những chiến binh đơn độc ngã xuống ở tiền tiêu bởi những đường cưa, lưỡi rìu ác độc tham lam. Chúng được chở về phương Bắc hoặc bị chôn vùi vào một địa chỉ nào đó đợi ngày những lâm tặc ngoại bang sang bới lên chuyển đi biệt xứ. Cây ngọc am vốn sinh sản tự nhiên, lớn lên hoang dã và phát triển cực chậm; các chiến dịch tận thu cây ngọc của lâm tặc đã để lại những khoảng trống vô bờ, vĩnh viễn ở miền rừng biên giới này, để cho đến bây giờ, ngọc am đang trở thành ký ức, đang trở thành huyền thoại. Những di tích còn sót lại đến hôm nay, là những mảnh, những gốc, những thớ lũa ngọc am vàng đượm, thơm đến nức nở, nghẹn ngào, được người dân bòn mót từ khắp xó núi nẻo rừng về làm vật báu trong nhà.

Tôi ngắm nghía, hít hà hương gỗ ngọc am mà ngẫm nghĩ đến chuyến đi của Kiên “chim”. Với Kiên, anh không đi để xem, để biết về một miền Hà Giang chen đầy những di tích, danh thắng mê hoặc lòng người như tôi. Kiên lên Hà Giang lần này là có mục đích hẳn hoi. Cái “đích’ ấy chính là tìm lại sự sống cho loài gỗ ngọc am đã đi vào huyền thoại.

Kiên sinh trưởng trong một gia đình thành thị, bố người Hà Nội “gốc”, mẹ anh là một cô gái sinh ra bên bờ sông La, được ông ngoại đưa sang Thái Lan kiếm sống và hồi hương những năm 1960. Làng Khương Thượng của anh nổi tiếng vì những món ăn truyền thống ở đất Hà thành như chả nhái, lẩu ếch…. Vợ chồng Kiên, nhờ sự tinh nhạy và chịu khó đã có một tiệm ăn khá có tiếng tăm ở trên vườn đất cha ông để lại. Kiên để vợ đảm đương việc kinh doanh, còn mình thì tìm đất mở thêm trang trại ở các vùng ngoại ô, thậm chí cả những vùng núi rừng xa Hà Nội để nuôi đủ thứ “con” từ chim chóc đến gia cầm và các động vật khác. Cũng vì thế mà cái quán sâu trong làng Khương Thượng ấy có tên là quán Kiên Chim.

Kiên “chim” rong ruổi hết rừng xuống biển, hết Bắc đến Nam để tìm những món độc chiêu ở các vùng miền bổ sung cho nhà hàng của vợ. Đi nhiều, anh đâm “nghiện” đi. Chiếc Suzuki chạy dầu năm chỗ ngồi mấy năm nay cùng anh và bạn bầu rong ruổi trên đường bất kể ngày đêm, mưa nắng. Chứng kiến những miền núi đồi Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên vắng dần cây xanh, mất dần rừng thẳm thức tỉnh tâm hồn nhạy cảm của anh phải góp sức trả lại màu xanh cho môi trường, đem lại lợi ích cho cuộc sống. Nghĩ là làm, anh cùng một số bạn bè, cộng sự lên tìm đất ở Phia Đén, Cao Bằng để đưa đào giống từ Sa Pa, Yên Bái về trồng. Kiên kể: Từ miền rừng Phia Oắc, anh được tiếp cận với một loài gỗ mà đồng bào các dân tộc ở đây lấy về nhóm bếp hoặc gọt đẽo thành đủ thứ hình hài để trong nhà cho thơm. Người thì bảo là xá xị, người thì bảo là gù hương…, có chàng kiểm lâm thì lại bí mật thì thầm: Cây này quý hiếm đấy, quốc cấm đấy… Rồi trên đường rong ruổi chốn biên cương, Kiên xác định được những gốc gỗ được moi lên từ đất sâu, từ đáy suối ấy chính là loài ngọc am quý hiếm.

Hóa ra không phải chỉ ở Hà Giang mới có gỗ ngọc am. Chính nơi Kiên “chim” cắm trại để trồng đào, trồng thông đỏ ở Phia Đén – Nguyên Bình, Cao Bằng cũng có lũa ngọc am sót lại. Đây là vùng núi cao nhất của biên giới Cao Bằng với ngọn núi Phia Oắc và ngọn Phia Đén sừng sững uy nghi. Phia Đén là ngọn núi thấp hơn trong hai quả núi ấy. Tiếng Tày: “Phia” là núi - ngọn núi, còn “Đén” là đèn – ngọn đèn. Người dân xã Thành Công dưới chân Phia Đén kể rằng nhiều đêm khi trời quang mây tạnh, nhìn lên đỉnh núi này có một vật phát sáng như một vì sao, như một ngọn đèn lấp loáng. Ngọn núi “Chúa” Phia Oắc - đỉnh cao nhất của cánh cung Ngân Sơn - Yên Lạc trong vòng cung Đông Bắc - có độ cao 1931 mét so với mặt biển được coi là cái đầu của con sơn long dài hơn trăm ki lô mét kéo từ Nậm Quét (Cao Bằng), qua phía đông của Bắc Kạn, xuống tới tận Lang Hít (Thái Nguyên). Với rừng rậm núi cao, khí hậu ẩm ướt, rừng ở Phia Oắc cây cối đan dày lớp lớp như tựa vào nhau để chống lại tuyết lạnh và gió gào. Cây gỗ ở đây hầu hết có thân to, lùn và cổ quái rêu phong...

Theo một số người già có hiểu biết văn hóa, thổ ngữ của người bản địa, cây ngọc am tiếng Tày là cây “mạy vác”, “mạy” là cây, “vác” cũng có nghĩa là “Oắc”; vì thế núi mới có tên là Phia Oắc, là núi Mạy Vác - (ngọc am). Chỉ chừng ấy ràng buộc đã là một lời khẳng định mối tơ duyên giữa tên núi, tên cây rồi. Tuy nhiên không hiểu sao khi chúng tôi hỏi người dân đây là gỗ gì thì hầu hết đồng bào người Dao Tiền lại không biết tên loài “củi lũa” này. Khi tôi hỏi một anh kiểm lâm ở Trạm Phia Đén rằng những mẫu gỗ thơm lừng mà anh đang hì hục đẽo gọt thành những con vật này là gỗ gì, họ đều tảng lờ “không biết tên” hoặc có anh còn nói chệch cho tôi hiểu đó là gỗ gù hương. Tôi đã có kinh nghiệm từ Hà Giang và qua Kiên “chim” về ngọc am rồi nên nghĩ chắc mấy chàng kiểm lâm này không muốn tiết lộ “trầm tích” ngọc am đang chất chứa trong ruột núi ở đây. Họ tránh phiền hà khi dân tình kéo nhau đi lùng sục bởi rừng này đâu chỉ có lũa gỗ, còn có bao nhiêu trầm tích khác như thiếc, manggan, vàng, bạc, muông thú và lâm đặc sản khác… Mà khi dân đã săn lùng thì thật khó lòng quản lý.

Cũng thật lạ, chỉ cách nhau hơn trăm cây số đường rừng nhưng bên Hà Giang, ngọc am là báu vật, là gỗ lũa, là sụn, là măng, có thể làm đồ mỹ nghệ, tạc tượng Phật hay linh vật, thú cưng... Người ta còn chưng cất tinh dầu ngọc am từ thứ gỗ vụn sau chế tác, những dăm gỗ ấy được chưng cất thủ công và cho ra đời thứ tinh dầu trong vắt như cồn, sóng sánh như sáp và thơm ngất ngây ngất ngư nữa. Tinh dầu ngọc am để làm gì cũng ít người biết song giá bán rất đắt đỏ. Thế nhưng ở rừng Nguyên Bình, Cao Bằng thì người dân không biết đến giá trị của loài trầm tích này. Họ hồn nhiên khai thác về và… làm củi đốt cho ấm, cho thơm?

Trong quá trình tìm hiểu về loài gỗ ngọc am, tôi được nghe các “nhà ngọc am học” của Hà Giang kể rằng trên đỉnh Tây Côn Lĩnh vẫn còn vài cây ngọc am tồn tại. Họ tỏ ra sành sỏi khi tả ngọc am là một loại cây thân gỗ có hương thơm ngát, lá thuộc họ kim nhưng khi cầm lại không gây đau tay. Tôi chợt nhớ vùng núi đá cao nguyên Đồng Văn có rất nhiều cây sa mộc. Thân gỗ cao vút nhưng lá đầy gai nhọn và chính tôi đã bị gai lá này đâm một nhát vào tay khi cố tình trườn ra một mỏm đá để chụp ảnh toàn cảnh thị trấn cổ Đồng Văn. Vết đâm tròn xoe, giọt máu trồi ra cũng tròn xoe như hạt cườm đỏ. Chứng tỏ gai lá tròn và sắc lẹm. Người ta cố tình tả lá ngọc am mềm, không gây đau tay chắc là để phân biệt cây gỗ sa mộc và cây ngọc am chăng? Có anh chàng còn lên mạng quả quyết ở bản nọ xã kia còn có cây cao mấy chục mét, đường kính hai ba người ôm, được ông nội một cán bộ xã trồng ngót trăm năm. Hy vọng đó sẽ là cây ngọc am giống làm cơ sở cho việc nhân trỉa sau này, chúng tôi đã nhờ Phòng Lâm nghiệp của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cao Bằng tìm hộ để nhân giống. Nhưng sau một thời gian, được trả lời đó là một loài sa mộc, cũng họ nhà thông chứ không phải ngọc am. Hỏi thăm mãi, thậm chí có lần tôi đã cùng một anh bạn lặn lội năm ngày trên chiếc xe máy, trong vai nhiếp ảnh gia đi du lịch khắp các miền Hà Giang từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc rồi vòng qua Bắc Mê về thành phố Hà Giang; lại trèo lặn hết các bản xã ở Hoàng Su Phì, trèo lên lưng chừng Tây Côn Lĩnh, lên cả đỉnh Chiêu Lầu Thi chót vót để hỏi qua dân mong nhìn thấy cây ngọc am còn sống mà chiêm ngưỡng. Tuy nhiên ở đâu cũng bặt vô âm tín.

Lại tìm trên mạng intenet thì có thông tin: Người Trung Quốc gọi ngọc am là san mộc và bên nước họ còn cả cánh rừng cổ thụ. Họ đóng chặt cửa rừng cấm khai thác nhưng lại mò sang tận các nước lân bang thu thập bòn mót về nội quốc để sử dụng. Tiếc tê tái khi ở đất nước chúng ta không biết quý khoáng sản, tài nguyên; không biết để dành cho con cháu mai sau những của cải quý giá hơn cả bạc vàng, để bây giờ rừng trơ núi trọc, đồi núi tan hoang, để lại khoảng trống trơ đau lòng và buồn tủi với những cồn cát trắng phơ (bạch sa), những ngọn núi xói mòn sụt lở.

Thực tình tôi không phải như Nguyễn Kiên đi tìm cây giống ngọc am để nhân thành bãi thành rừng. Tôi như bị thôi miên cái mùi thơm của ngọc am từ lần gặp đầu tiên, khi được gối lên tấm gối vải êm mịn mà thơm nức nở hương gỗ quý. Đó là những chiếc gối đơn bên trong chứa dăm bột ngọc am – thứ dăm mộc được vun vén khi chế tác đồ mỹ nghệ người ta tận dụng khỏi tiếc của giời. Gối ngọc am bằng vải thơm và êm, lại còn có gối ngọc am bằng gỗ nữa. Những súc gỗ lũa nhỏ vài ba ki lô gam được bào trơn, đánh bóng kỹ, cắt xén gọn gàng vừa tầm đầu những ông già quen gối đá nằm sương khiến họ thoải mái khi được giấc ngon trong làn hương thoảng nhẹ, trong nỗi an yên bởi quan niệm: Đồ vật bằng ngọc am khi đặt trong nhà sẽ có tác dụng rất tốt trong việc xua đuổi tà ma, xua đuổi xui xẻo và đón những điều may mắn, thịnh vượng vào nhà…

Gỗ để làm vật liệu chế tác đồ mỹ nghệ trong dân gian có nhiều loại, có thể kể đến những loại đắt đỏ hiếm hoi và được tôn vinh hàng đế vương của loài gỗ như: Hoàng đàn, sưa đỏ, trầm hương, trắc các loại, mun, gõ đỏ, đinh hương, bách xanh, ngọc nghiến, pơ mu… Loài gỗ nào cũng có vẻ đẹp, độ vững bền cao, nhất là khi chúng đã được tôi luyện qua nắng lửa mưa nguồn, đạt đến độ lũa, độ nu hoặc hóa thạch. Có những loại đắt không mấy người có tiền mua nổi và có tiền cũng không tìm ra. Tuy nhiên nếu kết hợp giữa bền đẹp, quý hiếm với vấn đề tâm linh và sức hấp dẫn bởi hương liệu thơm tho, tốt cho sức khỏe, làm cho người cảm thấy kết hợp được giữa vật chất sang trọng và tinh thần an yên khi có các vật thể ấy trong nhà thì có lẽ nhiều người chuộng nhất ngọc am rồi đến thủy tùng mà thôi. Riêng ngọc am, loài gỗ này được quý chuộng cũng một phần do các tích xưa để lại nữa. Người ta lưu truyền rằng: Ngọc am chỉ dành cho các bậc đế vương sử dụng; hoặc câu chuyện có một viên quan từng bị khép tội khi quân và bị giáng chức chỉ vì “dám” tậu cho cha mẹ mình một bộ hậu sự bằng ngọc am, thậm chí có bài viết trên mạng còn khẳng định tên tuổi của một quan đầu tỉnh ở Quảng Bình đã bị xử tội khi dám dùng tinh dầu ngọc am ướp xác cho bố mẹ mình nữa… v.v. Gỗ lũa ngọc am hảo hạng còn tiết ra một loài “tuyết” trên thân thể nó như những hạt ngọc trắng lấp lánh; trước ánh sáng mặt trời hay ánh đèn, trăm ngàn hạt tuyết li ti ấy tạo ra lấp lánh ngũ sắc, vô cùng rực rỡ làm thần bí thêm vật thể quý trong nhà.

Cũng vì thế mà những bức tượng chế tác bằng ngọc am có hồn có cốt hơn nhiều loài gỗ vô hương khác; từ cái vòng đeo tay của nam thanh nữ tú, chuỗi tràng hạt của các vị chân tu, những tượng Phật, tượng Thánh, tượng Mẫu, những hình thú hình chim, linh vật… từ loài gỗ này được nhiều người ưa chuộng.

Khi vớt được ngọc am từ suối, sông, bùn đất… người ta theo màu sắc, chất gỗ, độ chứa tinh dầu mà chia thành hai loại: vàng và đỏ, trong đó gỗ ngọc am đỏ được săn đón nhiều hơn cả bởi chúng có mùi thơm dai nhất, sắc màu hấp dẫn nhất.

Các bạn nếu lên Hà Giang và một số tỉnh vùng núi phía Bắc, vào các khách sạn hay nhà nghỉ, vào những cơ sở vật trị liệu sẽ thấy người ta đặt trong phòng tắm những chiếc thùng gỗ màu sẫm nâu. Đó là những chiếc thùng, chiếc chậu được làm từ ngọc am đấy. Khi cho nước ấm vào, nước trong thùng sẽ bốc lên mùi thơm hương gỗ quý. Thứ nước tắm rửa bình thường khi đựng trong những bồn men, chậu nhựa ấy sẽ trở thành dược liệu thơm thảo cho người dùng nếu được chứa trong bồn tắm ngọc am. Đồng bào Dao đỏ thường sử dụng bồn gỗ này để ngâm nước lá thuốc phục vụ cho du khách nghìn dặm đường xa gột rửa mỏi mệt, tìm cảm giác thanh sạch tươi vui trên miền đá hoa trùng điệp. Người ta tin rằng nếu được tắm trong bồn tắm làm bằng loại gỗ quý này thì sẽ có tác dụng rất tốt trong việc thải bỏ các độc tố trong cơ thể, giúp cho khí huyết được lưu thông, ngăn ngừa chứng bệnh rôm sảy, nhất là ở trẻ nhỏ.

    Vậy mà ngọc am đã mất tăm mất tích trên núi rừng Việt Nam? Sau chục năm trời từ buổi đầu tiên cùng Kiên “chim” lên Hà Giang tìm cây giống ngọc am, hôm nay để kết cho dòng tình cảm mến yêu về loài gỗ huyền thoại này, tôi gọi điện cho Kiên hỏi thăm hành trình và kết quả của cậu ấy. Kiên cho biết rừng đào ở Phia Đén của anh giờ đã trưởng thành, lực lưỡng và hoa trái rất sum suê. Riêng cây ngọc am trong ý tưởng thì chưa có lời giải. Kiên kể rằng, sau chuyến đi hôm đó, tình cờ gặp một người chạy xe tải chở cây giống cho các nhà buôn, nghe anh ta nói có nguồn cây ngọc am giống. Kiên dặn lấy cho mấy ngàn cây nhưng người lái xe chỉ chở về tặng cho Kiên vỏn vẹn năm cây. Anh đưa lên trồng trước cửa Trạm Kiểm lâm Phia Đén để có người chăm sóc và theo dõi sự trưởng thành. Tuy nhiên những cây này được cán bộ kiểm lâm cho biết đó cũng là một loài sa mộc chứ không phải ngọc am. Kiên thất vọng và từ đó cũng không theo đuổi nữa. Giờ mấy cây “ngọc am – sa mộc” ấy đã khá lớn rồi, còn cây ngọc am ở Việt Nam, chẳng lẽ đã thành huyền thoại?

Bùi Quang Thanh

Nguồn Văn nghệ số 49/2022

 

Có thể bạn quan tâm