April 20, 2024, 9:01 pm

Hương núi

Xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) là địa phương duy nhất được phong danh “Làng nghề thuốc Nam” ở nước ta. Hai ngàn người Dao quần chẹt sống rải rác kéo dài hàng chục cây số, phía tây chân núi Ba Vì, cách trung tâm thủ đô chừng 70 cây số. Ở nơi đó quanh năm ngát hương thơm cỏ cây và mây bay bao đời nay. Người Dao ở đây luôn thể hiện nếp sống văn hóa của riêng mình hàng trăm năm qua.

 

Người Dao ở Ba Vì chế biến thuốc Nam

 

Những bí ẩn trên núi cao

Xưa kia người ta thường gọi người Dao quần chẹt ở trên núi Ba Vì là Mán sơn đầu. Bởi hàng trăm năm trước người Dao sống trên độ cao từ 400 mét đến 1000 mét trên núi Ba Vì (cao 1.296 m). Họ có tục dùng sáp ong chải tóc và quấn gọn trên đỉnh đầu. Đó là một quan điểm thẩm mỹ cổ xưa về vẻ đẹp mái tóc của người phụ nữ. Nhưng đến nay tục bó chân (quấn xà cạp trắng) là vẫn còn giữ được. Nó gắn với trang phục quần ống bó đến gối của người con gái. Đây chính là hình ảnh quần chẹt của người Dao ở Ba Vì. Do vậy nhìn con gái người Dao quần chẹt thường hấp dẫn ở dáng dấp thon gọn nhanh nhẹn và nước da ai cũng trắng hồng. Để giữ được nước da khỏe mạnh và mịn màng là một bí mật của người Dao. Họ có bài thuốc tắm cổ truyền xưa nay ai cũng phải dùng vì cần phải bảo về da tránh côn trùng đốt. Hoặc đặc biệt bài thuốc tắm còn trị được bệnh sốt rét do muỗi.

Gặp chúng tôi ở thôn Hợp Nhất, lương y Triệu Phú Quý hể hả nói đó chính là bài thuốc tắm trắng có từ lâu đời của người Dao bao đời nay. Khi sống trên núi cao người Dao sinh hoạt tự do tự tại. Họ phải lo từ miếng ăn đến sinh hoạt và chữa bệnh. Không mấy khi họ phải xuống núi khám tại các bệnh viện thành phố. Người Dao sống đầy bí ẩn trong những làn mây bay và sương phủ kín quanh năm. Đôi khi họ xuống núi đi chợ bán vải thổ cẩm, bán thuôc và gia súc để đổi lấy muối và dầu đốt đèn. Vì hai thứ đó trên núi không thể làm ra.

Nhạc điệu âm thanh cồng chiêng vang động trên núi rừng Ba Vì luôn cuốn hút những người tò mò và say mê thám hiểm. Đó là những điều bí ẩn mà bao đời qua những người Kinh ở quanh vùng cho đó là thế giới của dân xứ mọi (thiểu số ít người). Ít người dám mò lên vì sợ bị bỏ bùa hay lo dân Mán sơn đầu bắt giữ. Mãi đến khi toàn bộ dẫy núi Ba Vì được quy hoạch thành “Khu rừng quốc gia đặc biệt” (năm 1991) người Dao được vận động xuống núi canh tác. Nhưng do ít đất ruộng người Dao quần chẹt tập trung làm thuốc nam bán lấy tiền sinh sống thêm. Từ đây những bí mật của người Dao mới được khám phá đầy đủ. Họ hòa nhập với người Kinh và người Mường quanh vùng tạo thành một cộng đồng thân thiện.

Quả lại thêm một bất ngờ khác trên con đường men theo chân núi, chạy dọc xã Ba Vì, tôi nghe thấy tiếng kèn Pí lè du dương, ngân nga từ một ngôi nhà sàn. Một giọng hát trong veo như tiếng chim hót vậy. Tôi lắng nghe. Đây là những giai điệu tình yêu của người Dao. Người ta gọi nó là Páo Dung. Hát Páo dung nghĩa là hát dân ca Dao. Lời ca cho một cuộc tình sao lại chan chứa nỗi lòng đến vậy. Tôi nghe như thấm ngọt đến từng câu: “Anh ơi! Hình như em đã yêu anh? Em sẽ rất buồn vì nhớ anh/ Anh ơi, khi làm nương, làm rẫy/ Khi đi săn, di núi/ Anh hãy cõng theo hồn em…”. Âm sắc thì thầm da diết và đầy quyến rũ.

Thực ra các làn điệu dân ca Páo Dung, tựa suối nguồn tinh thần của một dân tộc, và cũng là một kho báu của người Dao. Páo Dung cho giao duyên. Páo Dung cho hát ru… Còn nữa Páo Dung cho nghi lễ, tín ngưỡng và phong tục. Kể cả Páo Dung hát về lao động và sinh hoạt vui chơi. Nghĩa là người Dao sinh sống luôn luôn gắn liền với hát ca. Páo Dung được coi là hơi thở của tâm linh Dao. Người Dao có thể hát và múa suốt ngày đêm trong các lễ hội. Riêng tết Nhảy làm lễ cúng tổ tiên và trời đất, thì mọi người thay nhau múa hát liên tục ba ngày đêm liền không nghỉ một giây khắc nào. Người xem không thể phân biệt có sự chuyển đổi giữa các điệu múa vì sự găn kết khéo léo của những người múa hát kế tiếp nhau. Chỉ biết rằng người Dao say mê với âm nhạc, với những vũ điệu như hàng ngàn năm xưa, và chẳng bao giờ dứt.

Con đường nhỏ hiu hắt, rẽ vào một ngôi nhà đất phía sau lưng đồi bên đường, hình như cũng run rảy trong gió núi. Bởi từ vách đất nghèo ấy đang ẩn chứa một tình yêu. Tôi nghe rõ từng lời Páo Dung thiết tha của một anh chàng, hát rằng: “Em ơi, anh về đây gặp được em/ Ta cùng nhau cất lên lời ca nhé…”. Rồi hình như sau phút đợi chờ, giọng cô gái ngân nga rằng, chúng ta cùng hát Páo Dung, cho vui đám cưới, cho người già vui, trẻ em cùng vui. Và, cô gái còn gieo cái bâng khuâng làm ngẩn ngơ người con trai cùng hát, bằng đôi mắt long lanh trong sương bay. Rồi em lại hát, “Anh hãy uống hồn em/ Thì sẽ làm cho mát dịu/ Mọi nhọc nhằn sẽ tiêu tan…”. Con đường nắng vắt lên sườn núi. Những hàng cây xanh và bạt ngàn bông hoa đỏ cứ lấp lánh như ngàn vạn đốm lửa bập bùng ánh sáng. Một đàn cò trắng muốt bay vụt lên trời cao. Đám mây trắng cựa mình quấn lấy đỉnh núi Ba Vì

Gian nan đường mưu sinh

Lương y Triệu Phú Quý cho biết dân tộc Dao đi đâu cũng mang theo ba kho báu cổ truyền. Đó là ba bộ sách quý được ghi chép và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Một là bộ sách văn Cúng tế. Hai là bộ sách Nhạc lễ và dân ca. Thứ ba là bộ sách thuốc. Người dân tộc Dao có chữ riêng theo hệ Hán ngữ từ Trung Quốc lang bạt khắp nơi. Lương y Triệu Phú Quý nói người Dao quần chẹt di cư tới núi Ba Vì chừng đã bốn trăm năm và phát triển tới nay có khoảng hơn 2000 người. Hiện được chia đất theo bảy dòng họ ở rải rác ba thôn (Yên Sơn, Hợp Nhất và Hợp Sơn) quanh chân núi Ba Vì vào đầu thập niên 90. Ngoài dòng họ Triệu đông nhất người Dao ở Ba Vì còn có 6 dòng họ khác như: Dương, Lý, Bàn, Đặng, Phùng và Lăng. Có thể nói hiện toàn dân xã Ba Vì hành nghề làm thuốc nam. Họ là những lương y trị bệnh cứu người.

Nói đến những lương y nổi tiếng ở Ba Vì ai cũng biết đến bà Triệu Thị Thanh. Qua những câu chuyện đi bán thuốc rong một thời của ông Triệu Phú Quý mới hay lương y Triệu Thị Thanh cũng không ngoại lệ. Bà nói để người ta tin tưởng bài thuốc của người Dao không dễ cho dù đó là những sản phẩm quý được tích lũy hàng trăm năm qua. Khi đi tiếp thị hai mẹ con bà đã kiên trì trình bày rõ những tên cây thuốc được hái trên núi Ba Vì ra sao. Rồi phơi và xao chế thế nào. Hoặc những cây thảo dược được chọn lựa cẩn thận và bảo quản đến thế nào. Thang thuốc chữa được những bệnh gì hay bồi bổ sức khỏe ra sao… Đúng là những ngày tháng gian truân đi khắp các vùng miền rao bán. Không ít ngày bà đã phải đi bộ hàng chục cây số vì không có tiền đi xe. Nhiều khi giá cả còn phải bán lỗ để lấy tiền lộ phí và ăn uống. Có người bệnh ốm yếu năn nỉ mẹ con bà còn đưa thuốc không lấy xu nào. Cuối cùng những lời cám ơn nhắn gửi khi người bệnh qua khỏi mới chính là giá trị lớn nhất của cuộc đời lương y như bà.

Dần dần những bài thuốc trị bệnh của người Dao có hiệu quả khá sâu rộng. Tiếng lành đồn xa. Hầu hết những phiên chợ và các lễ hội khắp nơi trên toàn quốc đều có những quán bán thuốc nam của người Dao Ba Vì. Lương y Triệu Phú Quý cho biết thuốc nam của người Dao có cách tính tỉ lệ phù trợ khi pha trộn các vị khác nhau nên phát huy hiệu quả cao. Nhất là các bệnh xương khớp, sơ gan cổ chướng, trĩ và thận thì không dân tộc nào bằng. Hiện nay trên núi Ba Vì những cây thuốc quý hiếm đã cạn kiệt dần nhiều lương y phài đi đến những miền núi cao trên Yên Bái, Hà Giang để tìm mua về chế biến. Nhiều gia đình đã tìm giống cây thuốc quý về trồng tại nhà để nuôi dưỡng nguồn dược liệu mỗi khi cần dùng đến. Đó là những bài thuốc đã được các nhà chuyên môn khảo cứu và đưa vào những bộ sách về thuốc nam. Chính do những thành công bất ngờ của người Dao mà các nhà chuyên môn đã tìm đến và đưa ra đề tài nghiên cứu sâu rộng.

Từ đây bộ sách thuốc của người Dao đã được biên soạn và xuất bản. Đó là kết quả kháo sát thực tiễn trong hàng chục năm hành nghề của người Dao. Lương y Triệu Phú Quý nhắc đến cuốn Cây thuốc người Dao Ba Vì in năm 2012, do tiến sĩ Trần Văn Ơn chủ biên. Đây là bộ sách chép tay bằng chữ Nôm Dao của những lương y trong bộ tộc người Dao đã được biên soạn và hiệu chỉnh. Những thông tin được kiểm chứng qua thực tiễn hoạt động của người Dao và Hội đông y xã Ba Vì. Đây cũng là một công trình duy nhất ghi lại di sản quý báu của người Dao sau 20 năm tổng kết. Lương y Triệu Phú Quý cho biết hiện người Dao còn đun thuốc cô thành cao đem đi bán. Các vị thuốc được đun ở độ lửa nhỏ hàng chục giờ mới cô thành cao được. Những miếng cao có chất lượng tổng hợp dễ bảo quản và thuận lợi cho người bệnh không phải sắc đun. Chính vì thế người ta còn gọi làng thuốc nam Ba Vì là “làng hương” hay “làng thơm”. Bởi quanh năm đi dọc đường làng đâu cũng được thở trong không khí ấm áp nồng đượm vị thuốc nam.

Hương núi thơm dâng hồn về đâu

Cố thi sĩ Quang Dũng (1921-1988) đã sáng tác bản nhạc Nhớ Ba Vì vào năm 1968 dựa trên một bài thơ ông đã viết. Lời thơ và giai điệu âm nhạc ấm áp êm đềm và ăm ắp những ký ưc về non sông núi Tản này. Trong đó có sự hội tụ không gian thơm thảo của núi rừng Ba Vì mà người Dao đã làm nên. Thơm thảo ngọt ngào như những bản dân ca của người Dao vậy. Lời ca Quang Dũng viết rằng: “Làn hương chiều xa buông gió về. Hương núi thơm dâng hồn về đâu. Rừng thông lên màu tím. Đồi lau ứa trong hơi mờ ướt. Nước róc rách đâu đây. Gót chân lang thang lối về miền mây...”. Đó chính là hương thơm bay lên trên bếp lửa của người Dao. Hồn người Dao nhập vào tâm cảm của thi sĩ đang mộng du trên con đường hun hút xa mờ mây bay. Đó là những câu ca mà con trai con gái người Dao đã từng nhắn nhủ: “Khi đi săn trên núi. Anh hãy cõng hồn em. Khi nóng bức, mệt mỏi anh hãy uống hồn em. Thì sẽ làm anh mát dịu”. Và hương thơm ấy cùng hồn người Dao cứ bay bổng khắp ngọn núi Ba Vì bên sông Đà. Bài ca về cuộc sống du mục của người Dao lang thang khắp đó đây đem lại sự yên vui cho con người. Đó là những bài thuốc cứu nhân độ thế của người Dao bao đời nay.

Nguồn Văn nghệ số 35+35/2020


Có thể bạn quan tâm