April 20, 2024, 5:57 am

Hồng Hoang và truyện ngắn ngoài hiện thực

Tác giả Hồng Hoang từng đăng nhiều truyện ngắn trên báo Văn nghệ từ những năm 1988. Rải rác trong nhiều năm khoảng gần hai mươi truyện. Có những truyện được tuyển in trong tập những truyện ngắn hay trong năm của báo. Đặc biệt truyện ngắn Truyện mơ màng được tuyển chọn in trong tập 101 truyện hay Việt Nam, của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tuyển tập này tuyển chọn trong giới hạn thời gian từ 1945 đến 2005. Khá nhiều tác giả trong số đó là những nhà văn nổi tiếng đã qua đời, như Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Vũ Bằng, Phạm Cao Củng, Nguyễn Công Hoan, Khải Hưng, Thạch Lam, Bình Nguyên Lộc… và nhiều bậc tiền bối trong văn học sử Việt Nam.

Những truyện ngắn của Hồng Hoang trang nào cũng có chất umua, khiến người đọc vừa đọc vừa mỉm cười. Hầu hết các nhân vật trong truyện ngắn của Hồng Hoang đều không có tên. Các nhân vật chỉ là có của kết cấu truyện cho mục đích viết rõ ra một trạng thái cảm xúc nhân văn với giọng văn nghiêm túc nhưng luôn thoáng hài hước. Một số truyện của ông có sự bí ẩn của tư duy khó nắm bắt không dễ hiểu. 

Họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng chuyên về tranh, tượng, dạy học, và viết giáo trình về nghệ thuật thị giác, đặc biệt là cuốn sách Nguyên lý design thị giác là một công trình đã đặt ông vào vị trí người viết sách nền móng của bộ môn này, nhưng thỉnh thoảng, tùy hứng, ông viết văn. Lâu lâu người đọc lại gặp những truyện ngắn lạ lẫm, khó hiểu, mờ mịt với bút danh Hồng Hoang xuất hiện trên các báo văn chương, những truyện ngắn không nhiều chữ nhiều trang ấy rất khác thiên hạ, làm thiên hạ ngơ ngác.

Cái khác lạ của Hồng Hoang, là không muốn làm mới mình hay muốn làm khác thiên hạ bằng những câu chuyện có độ tương phản cao, kịch tính cao như giết cướp hiếp, đào mồ cuốc mả, hay những âm mưu chính trị động trời… hoặc bằng ngôn ngữ thẳng toẹt của đời thường, thêm chút dung tục của thời đại internet. Truyện của Hồng Hoang, tình tiết, tình huống không giống cuộc đời thực, giọng văn trào lộng mà cay đắng. Trong rất nhiều truyện ngắn của ông, thời gian nghệ thuật không xác định, không gian nghệ thuật cũng không xác định nốt, nó ở bề mặt cuộc đời mà có lúc người đọc chợt nhận ra có thể không phải trong cuộc đời này. Dường như không ở không gian trần thế mà chúng ta đang sống, người đọc muốn định vị hay neo cái mà tác giả đang nói một giọng tự sự khô khốc ấy, cũng không được, chúng ta bị Hồng Hoang đẩy trôi vào dạng trường mà ta không thể xác định là trần thế hay bên dưới trần thế, mà cũng có thể là bên trên trần thế. Chỉ có thể gọi là môi trường tâm tưởng riêng chỉ có ở Hồng Hoang. Ví như trong một đoạn ngắn mà lối tư duy tôi chưa gặp ở đâu trong suốt nhiều năm cầm bút viết và đọc: “… dù sao cũng phải công nhận rằng muôn loại hoa của chúng tôi chính là những bộ phận sinh dục của loại thảo mộc phải chăng vì thế mà con người yêu thích những thứ đó của cỏ cây?

Chỉ khi ta theo ông, bị cuốn theo mạch văn của ông, hút vào không gian nghệ thuật của riêng ông, khi ấy ta mới thấy một trần thế bập bùng, nghiêng ngả, lên xuống, nổi chìm trong truyện. Người đọc rất khó theo dõi dòng tự sự của ông trong khung truyện thường bị bẻ gẫy, ta dễ bị lạc lối, tưởng chuyện đang diễn ra trong đời thực của thế gian, hóa không phải, nó ở mặt phẳng nghiêng đâu đó, tại đây Hồng Hoang xê dịch câu chuyện đang thực trượt dần sang ảo, sang phía âm phủ hoặc thiên đường. Hoặc đang ở không gian giả định nhưng mọi chuyện lại đang diễn ra ngay lúc này, với đầy đủ hỉ nộ ái ố của kiếp người.

Không dễ cho cái tôi thực hành tự sự trong cái khung truyện tự tác giả đập vỡ (Tháp rùa 2030, Truyện mơ màng giữa chợ…) để đưa ra thông điệp gì đó trong cái không gian nghệ thuật mà tác giả thiết lập, là không gian bập bênh, nếu Hồng Hoang không chọn cho nó một thời gian nghệ thuật tương thích. Trong truyện Con chó ma, Made in Giấc mơ, thời gian nào là thời gian vật lí, thời gian nào là thời gian của truyện? Có một loại hình Thời gian “Ba thu dồn lại một ngày dài ghê” (Nguyễn Du) đó là thời gian nén, thời gian tâm lí, ba năm chỉ bằng (hơn) một ngày. Thời gian mê, thời gian tỉnh, thời gian động, thời gian tĩnh, vân vân, rất nhiều trạng thái cho ta thấy bề rộng thời gian cũng vô thủy vô chung… Hồng Hoang dùng tình huống truyện như một thủ pháp nghệ thuật đắc địa để tạo độ nén các trạng thái thời gian, đưa thời gian giả định thành thời gian thực tại hoặc đưa thời gian truyền thuyết ba bốn ngàn năm thành thời gian tâm lí (một khoảnh khắc thực tại). Thời gian trong Chữ kí tưởng là thời gian hiện tại, bởi nó được đan kết bởi các yếu tố hiện sinh: có những nhân vật cụ thể đang sống, có địa chỉ cụ thể, số nhà phố phường cụ thể nhưng hóa không phải. Đâu đó phảng phất và gợi nhớ sự khó hiểu của một Kapka thời @ .

Truyện của Hồng Hoang thường không dài, đa số độ ngàn chữ hoặc nhiều lắm hai ngàn, rất ít truyện có độ dài ba, bốn ngàn chữ. Văn ông khúc chiết và kiêng dài lời. Dùng rất ít hình dung từ. Truyện của ông để rất nhiều khoảng trống cho bạn đọc, truyện Mặc hí như một tiêu biểu cho phong cách của Hồng Hoang. Chỉ riêng một chi tiết trong truyện cũng có thể triển khai thành một truyện ngắn về tính dân chủ trong văn chương. Thầy giáo đưa cho học trò đọc một tác phẩm văn học mà chắc chắn theo thầy phải là tác phẩm văn học tiêu biểu cho một trường phái nào đó. Cuốn sách mở đầu bằng ba chấm… giở mãi đến giữa sách mới thấy có sáu chữ THẬT CHÍ LÍ, THẬT CHÍ LÍ, lật qua nhiều trang nữa đến hết thì gặp ba chữ HẾT QUYỂN THƯỢNG. Thư vô tự! Phần lớn số trang của cuốn sách dành cho người đọc cùng viết trong tâm tưởng, mỗi người viết một cuốn của đời mình, chỉ có một yêu cầu là Thật chí lí. Quả là không gì dân chủ bằng sự đồng sáng tạo mà mọi người đều viết theo cách của mình, không ai áp đặt ai, không loại hình nào phải phục vụ loại hình nào. 

Con người ta trong lịch sử, kể cả các chính thể nhà nước cổ kim, đã dùng rất nhiều tình huống (tức mặt nạ), và cách dùng mặt nạ (tức là dùng tình huống giả trong chiến lược thoát hiểm hoặc xâm lược) quá ư linh hoạt, hợp thời thượng, hợp hoàn cảnh, hợp mục đích và mưu cầu, duy nhất một mặt thật chỉ có chủ thể nó biết. Con người ta hôm nay còn biến hóa siêu đẳng hơn nữa, đang da đen mai kia có thể thành da trắng, Thị Nở qua một cuộc phẫu thuật có thể trở thành Phạm Hương hoặc Ngọc Trinh, có vài người chỉ qua một đêm ngủ ở Hoa Lư sáng mai trở thành “thần thơ”… một thế giới hỗn độn ngày càng biến dịch bằng bạo lực, bằng xảo ngôn, đẩy con người (tha hóa) đi xa nguồn gốc (bản thể). Qua một chặng đường mưu danh cầu lợi dằng dặc như vậy, đi tìm lại cái Tôi của mình, quả là một vấn đề đau đớn, không chỉ là của lương tâm mà cả của nhân cách. Xác minh cái Tôi, tôi là ai, tôi là tôi hay tôi là người khác, là bạn hay là một người nào đó không xác định?

Truyện ngắn Chữ kí của Hồng Hoang mang đến cho bạn đọc vấn đề như vậy. Một họa sĩ và một nhà thơ là bạn của nhau đã lâu, không thường xuyên gặp nhau nhưng cái lần họa sĩ tìm đến nhà của nhà thơ chỉ mới cách nhau độ một năm, tức là thời gian không dài để có thể không nhận ra nhau theo lẽ thông thường. Nhưng ở đây hai người bạn đã không nhận ra nhau, dù đã tra vấn nhau đủ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở… vẫn chưa chắc chắn xác minh, xác tín được là bạn thật không, đúng là A không, đúng là B không. Hai bên luôn phải kêu lên “sao trùng hợp quá nhỉ”, tức là đã có một khuôn mẫu chung nào đó trong xã hội, một con người chung chung cho mọi người, và sắc thái riêng, cá tính đã tự/ phải xóa đi. Hoặc là con người đã lạc xa nhau quá nhiều, quá xa, đến nỗi những đặc tính nhân học, xã hội học vẫn không giúp con người nhận ra nhau. Cuối cùng, để xác minh Tôi là ai, Tôi là gì trong cuộc đời này, ví dụ như có đúng là họa sĩ Thủy và nhà thơ Cương không, hai bên phải dùng đến chữ kí, tức là khi ấy chúng ta phải dùng đến một kí hiệu riêng nào đó cho mỗi cá nhân... còn chính nhân thân ta lù lù ra đó - vô nghĩa. Ta luôn bị truy tìm định thể ta là ai.

Chữ kí giống như một thông điệp khoa học,  tác giả đã đưa ra một cảnh báo rất sớm rằng những thay đổi sẽ rất ghê gớm, màu da, màu mắt, khuôn mặt, thậm chí vân tay, những chỉ số nhân học… có thể bị thay đổi rất nhanh chóng, những chỉ dấu cá nhân hóa trở nên mong manh, con người có thể bị/ tự biến dị, biến dạng, dễ dàng lạc mất nhau, lúc ấy người ta nhận biết nhau bằng mã gen, mã vạch, số căn cước, số hộ chiếu chẳng hạn. 

Truyện ngắn của Hồng Hoang đều là cách ông mã hóa những vấn đề trong tương lai hoặc hiện tại trong cuộc sống khó lường này. Sợi dây trong truyện Truyện dễ hiểu là cách Hồng Hoang mã hóa cái trò chơi chính sự, sợi dây là gì nếu không phải là khế ước, nói chung là những qui tắc để cai trị xã hội. Tuy nhiên, pháp luật áp đặt cho toàn xã hội nhưng không phải giai tầng nào cũng như nhau. Điều đó kích thích sự lên đồng vô thức của đám đông. Có gần 30 bệnh nhân tâm thần xuất viện, nhưng trước khi về với xã hội, hãy chui qua sợi dây được vẽ bằng phấn trắng trên nền nhà để xác quyết những người bệnh tâm thần này thực sự đã hoàn toàn bình thường chưa. Mọi người háo hức bắt đầu chui. Thực tế là không ai chui qua được vạch phấn vẽ trên nền mà qui tắc xã hội giả định là sợi dây và ai cũng bị trầy da chảy máu không trán thì mũi. Nhưng không ai trong những người tâm thế khác bình thường đó phủ nhận cái sợi dây cai trị nghiệt ngã và vô lí đó. Tất cả đều lên đồng, hò nhau chui, chui…

Cái đặc sắc của truyện ngắn Hồng Hoang là tạo ra cho chúng ta một trường nhận thức mới. Sợi dây xưa nay chúng ta quan niệm là một liên kết vật chất dài và bền vững trong không gian nhưng trong hệ qui chiếu nghệ thuật của tác giả thì vạch phấn, nét mực, đường kẻ trên tường, trên mặt đất hay trên mặt giấy… đều là những sợi dây, kể cả những dòng nước mưa chảy từ ban công xuống khi trời mưa (Hai chị em đi dự lễ ra viện)… cũng là những sợi dây. Tương tự vậy, những người yêu hoa được hiểu là yêu bộ phận sinh dục của loài thực vật.

Cùng một sự vật nhưng nếu chúng ta đưa nó sang một trường nhận thức khác hoặc hệ qui chiếu khác thì có lẽ chúng ta sẽ có một sự vật mới hay ít nhất cũng có thêm nhận thức khác về sự vật đó – Tôi nghĩ đây là một tư tưởng quan trọng trong vài truyện ngắn ít chữ của tác giả.

Dường như tác giả không mô tả hiện thực, ai muốn lĩnh hội hiện thực hay nắm bắt tinh thần của nó, người ta phải giải mã những cái mà Hưng đã mã hóa. “Vâng, cuốn theo chiều gió” là con người bất lực trước thực tại và trước bạo lực, nhưng tác giả lại hài hước hóa sự bất lực, cũng chính là hài hước hóa sự bạc nhược của con người. Thế giới sinh tồn cũng như con người, lo sợ sự phi ngã (Hậu), ám ảnh về tội lỗi loạn luân, nỗi ám ảnh không có luận cứ, chưa xác thực còn mạnh hơn cả cái chết (Truyện mơ màng giữa chợ). Mơ ước con người giải thoát khỏi mặc cảm, nhất là mặc cảm nhược tiểu. Con người là nạn nhân của chính mình, dựng nên thần tượng để rồi chết bởi sự sùng bái. “Pho tượng đã không muốn đợi nữa khi đứng đó nghe ngóng suốt bốn ngàn năm, khi nàng hiểu ra sự thật”, khi huyền thoại đã chết, thì tượng đài tự đổ vỡ. Đây là qui luật nhưng nói được ra qui luật ấy cũng đã là một sự dũng cảm.

Một đặc sắc nữa của tác giả này, theo tôi, đó là yếu tố nhạt hóa và yếu tố hài hước, giễu nhại được triển khai như một hệ thống nghệ thuật thống nhất có trong tất cả các truyện ngắn của ông.

Yếu tố nhạt hóa trong nghệ thuật, nhất là trong văn học, có lẽ bắt nguồn từ thời đại toàn cầu hóa, thông tin được bạch hóa nhiều (nhất là khi có internet) đặc biệt là trên bình diện chính trị, ngoại giao và chiến tranh xâm lược ở các khu vực. Những xung đột khu vực đáng lí như ngày xưa phải đưa đến sự đối đầu vũ trang nhưng ngày nay người ta có nhiều lựa chọn mà tránh được giải pháp vũ trang (có thể đến một lúc nào đó phải chọn) mà ngày nay các nhà nước thông qua rất nhiều biện pháp (diễn đàn, hiệp ước, bộ qui tắc, thậm chí quyền lực mềm, đút lót, mua chuộc, hối lộ, áp đặt) cũng giải quyết được. Tình trạng đó cũng đã xâm nhập vào văn học nghệ thuật, như một trường phái văn học, gọi là Nhạt hóa. 

Các nhà văn không sử dụng hoặc ít sử dụng những xung đột mạnh, gắt, không xây dựng những mâu thuẫn một mất một còn như văn học cổ điển (đấu súng, ám sát, những trận chiến huy động hàng vạn chiến binh chém, giết nhau trên chiến trường). Mặc dù mâu thuẫn hay xung đột kiểu sinh tử ấy rất được người đọc ưa chuộng vì dễ đọc, dễ nhớ nhưng các nhà văn theo phong cách nhạt hóa, thường  giảm tông, tạo sự dịu nhẹ, giảm độ gắt, thay đối đầu  bom đạn bằng đàm phám, mua chuộc, hối lộ…

Rất nhiều truyện gần như không có mâu thuẫn, không kịch tính nhưng hiệu ứng nghệ thuật không thua kém gì nhau. Trong “Vâng, cuốn theo chiều gió” người chồng về bắt gặp vợ anh ta đang làm tình với một người đàn ông khác ngay trong nhà mình, đã không nhảy vào bóp cổ hoặc đâm chém, thế nào cũng có đổ máu nhưng Hồng Hoang đã giảm độ căng của kịch tính xuống rất thấp, người chồng bị cắm sừng kia không nhảy dựng lên mà áp dụng tình huống như là đang tường thuật pha làm bàn thót tim bằng câu “bây giờ thì anh làm gì đây? S…ú…t…, không, anh không sút…” và chiêm ngưỡng kẻ tình địch quờ chân xuống gầm giường tìm dép rồi đi nghiêng ra cửa. “Bây giờ chỉ còn mình tôi với cô ta” anh chồng bị cắm sừng vẫn trong cảm giác hồi hộp tường thuật pha bóng hụt, “trong đầu tôi vang lên tiếng sút, sút…” nhưng nhân vật của Hưng không sút, hắn chợt nghĩ ra phương thức chiến đấu mới: hay là lí luận? Cuối cùng thì hắn giải quyết trận đấu bằng lí luận! Cuộc chiến về lí luận bị cô vợ phát hỏa trước: “Anh là đồ chưa đọc Cuốn theo chiều gió.

Bên cạnh yếu tố không thời gian Trượt, yếu tố Nhạt hóa yếu tố Giễu nhại của Hậu hiện đại là một thủ pháp nghệ thuật được tác giả dùng trong nhiều truyện ngắn và dùng hết sức đắc địa. Tháp rùa 2030, Thị Nở và triết gia, Hậu, Truyện dễ hiểu, Hai chị em đi dự lễ ra viện… yếu tố giễu nhại trở thành hệ thống nghệ thuật, kích năng hiệu ứng tư tưởng trong những không gian trượt của một số truyện.

Tôi chưa tiếp cận được nhiều tác phẩm của Hồng Hoang nhưng những gì có trong tay, cũng có thể nói về truyện ngắn Hồng Hoang có một lối đi riêng. Diễn ngôn của ông khúc chiết, kiệm lời, rất kiệm lời, cộng với thủ pháp giễu nhại thêm một ít nhạt hóa, rõ ràng truyện ngắn của Hồng Hoang đã có những đóng góp nhất định cho văn chương đương đại, nhất là dù đọc truyện viết về thời nào của ông, ta cũng thu lượm hay cảm nhận được một điều gì đó rất khác làm ta ngỡ ngàng.

Nguồn Văn nghệ số 39/2020


Có thể bạn quan tâm