April 19, 2024, 11:44 pm

Hồn tôi mở trong cánh buồm lộng gió

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ TẾ HANH (1921-2021)

Có thể nói, thơ Tế Hanh thâm nhập và đóng kén trong thế hệ chúng tôi - thế hệ của những ngày đầu hòa bình và khi hai miền đất nước chia cắt - chủ yếu là những bài được chọn trong sách giáo khoa: Tôi cầm súng xa nhà đì kháng chiến/ Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển/ Vẫn trở về lưu luyến bên sông (Nhớ con sông quê hương). Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận trời mây núi có chia đâu (Nói chuyện với Hiền Lương)

Không khí hòa bình náo nức xây dựng sản xuất trong thơ ông vào chúng tôi háo hức làm sao: Bạn ơi rót nữa cho tôi/ Tôi không muốn ngủ núi đồi trăng trong/ Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài (Nông trường cà phê)

Thơ Tế Hanh dễ nhận được sự chia sẻ, đồng điệu của bạn đọc. Thơ ông không đóng kín trong những suy tư mà cộng hưởng với hiện thực đời sống. Cuộc đời với trăm nghìn dạng vẻ đi qua trái tim ông rung lên những sắc thái mớỉ bởi sự chân thành. Bạn đọc tiếp nhận nó và trong từng khoảnh khắc của lòng mình một phần tâm tư được đánh thức trong sự ẩn chứa: Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa/ Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa/ Mùa thu đi qua còn gửi lại/ Một ít vàng trong nắng trong cây/ Một ít buồn trong gió trong mây/ Một ít vui trên môi người thiếu nữ... (Bài thơ tình ở Hàng Châu)

Của hẫng hụt trong sự mất mát: Cúi đầu từ biệt mẹ/ Từ biệt cả làng quê/ Quê mẹ không còn mẹ/ Bao giờ con lại về (Quê mẹ)

Trong những ngày đi sơ tán về làng quê ở ngoại thị Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh) những năm chống Mỹ, tôi được anh bạn thơ cung cấp một số tác phẩm của những tác giả tiền chiến dường như thích thú đến mức chép lại cả tập thơ của ông. Cái bơ vơ tâm hồn cô lẻ của ông bám riết tôi: Tôỉ thấy lòng thương những chiếc tầu/Ngàn đời không đủ sức đi mau/ Cớ chi vương víu trong hơi máy/ Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau (Những ngày nghỉ học).

Hương đồng, hơi cỏ vướng, đám lúa, nương sắn, ao rêu... vương vấn tôi trong những sớm chiều lang thang nơi quê sơ tán làm nên cái đồng điệu của tôi với thơ ông: Tôi sống mê man tránh tẻ buồn/ Miệt mài, hể hả, đắm say luôn/ Tôi thâu tê tái trong da thịt/ Hương đất, hương đồng, chẳng ngớt tuôn (Lời con đường quê)

Và sau này, khi có điều kiện gặp nhà thơ Tế Hanh, tôi mới nhận ra con ngưòi và thơ ông như tôi hình dung không khác nhau là mấy. Chỉ có điều, cái ông nhà thơ này luôn có trái tim rộng mở mà trong giao tiếp cứ thu mình lại .như là... chỉ có nội tâm thôi. Âu cũng là cái tạng của mỗi người. Tế Hanh nói nhỏ nhẹ, đọc thơ nhỏ nhẹ, cái giọng đọc thơ trầm ấm miền Trung cứ ám ảnh tôi mãi. Ông không thích chỗ đông người nhưng thiết tha yêu người, yêu đời đến thế.

Quê hương trong thơ Tế Hanh là một mảng lớn trong tác phẩm thơ của ông. Từ quê hương ban đầu mà ông giãi bày: Làng tôi vốn làm nghề chài lưới - Nước bao vây cách biển nửa ngày sông trong sự chật hẹp của không gian thời gian và tâm hồn thơ cô lẻ đến con sông quê hương khi hồi nhớ thuở nào: Quê hương ơi, lòng tôi cũng như sông/ Tình Bắc Nam chung chảy một dòng/ Không ghềnh thác nào ngăn cản được

Và quê hương rất đỗi thân thương trong tâm thức ông quyện chặt với những vui buồn trong biện chứng tâm hồn tác giả: Nơi rất thực và cũng là rất mộng/ Của đời tôi yêu biển tự bao giờ/ Trong giấc ngủ vẫn nghe thầm tiếng sóng/ Như tiếng lòng giục giã những lời thơ (Tiếng sóng).

Suốt cuộc đời Tế Hanh đã thực hiện được trọn vẹn ước nguyện ấy, tiếng sóng lòng ông hòa tiếng sóng biển tạo nên khát vọng trong thơ, ông đi theo cách mạng, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, mở rộng lòng mình cũng là thực hiện ước vọng giải phóng quê hương: Hồn tôi mở trong cánh buồm lộng gió/ Đi, ta đi, đến những chân trời xa/ Tim tôi thả neo trong bến đỗ/ Về ta về, trở lại quê nhà (Tiếng sóng).

Tình cảm quê hương trong riêng - chung chi phối các tác giả trong giai đoạn này “từ Thung lũng đau thương đến Cánh đồng vui” và mở rộng tình cảm đất nước trong cách chia và giải phóng thống nhất đất nước (trong đó có Tế Hanh).

Thơ Tế Hanh không chỉ thấm vào thế hệ chúng tôi những xúc cảm cùa lòng yêu quê hương mà còn là cái dịu nhẹ, da diết tình yêu bàng bạc mỗi độ thu về. Thật vậy, tôi nhớ thơ ông khi cảm cái se lạnh gió heo may, của cái nắng thu dịu nhẹ không chói gắt như nắng sang hè, không khí mơ hồ sương khói... Ở vào tuổi chúng tôi khi bước vào tuổi “tri thiên mệnh” một thuở; chắc không thể quên được những câu thơ như thế này của Tế Hanh: Chiêm bao bừng tỉnh giấc/ Biết là em đã xa (Chiêm bao). Em nhìn lên vòm cây gió thổi/ Lá như môi thầm thĩ gọi anh về (Vườn xưa). Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gẫy cành bay lá/ Tôi nắm tay em/ Cùng qua đường cho khỏi ngã (Bão).

Trong tâm hồn Tế Hanh “như chất mặn thấm vào khi muối đọng” - khi tiếng thơ ông cất lên lưu lại trong lòng người bền dai lắm. Tế Hanh không kỳ khu trong câu chữ, trong cấu tứ mà giọng thơ ông cứ tuôn trào như ông cảm, như ông nghĩ. Chính sự chân thành này trong mộng mơ khiến nhà thơ Tế Hanh có được bạn đọc thơ ông nhiều cảm nhận thiết tha.

Hơn tám mươi tuổi đời và gần năm mươi năm làm thơ, Tế Hanh đã đi qua gần một thế kỷ bão táp và đóng góp sự nghiệp của mình vào nền thơ Việt Nam hiện đại. Cái mong muốn lớn nhất của Tế Hanh cũng như của bất cứ nhà thơ nào - khi ông Viết sinh nhật sáu mươi (1981) là: Khì tôi bảy mươi, tám mươi tuổi người ta còn đọc thơ tôi, cũng là cái day dứt của ông khi viết Bài thơ nhỏ về nhà thơ lớn nhân kỷ niệm hai trăm năm ngày sinh Nguyễn Du những năm 1964-1965 của thế kỷ trước: Hãy đi con đường vào trái tỉm bạn đọc/ Người ta có thể quên tên người làm thơ, nhưng đừng để quên thơ. Thơ ông đến cuộc đời bằng sự chân thành và tài năng của nhà thơ đốì với nhân dân, đất nước mà ông yêu quý. Và ta có được một giọng thơ Tế Hanh buồn vui, mộng mơ cùng đời sống.

Nguồn Văn nghệ số 13/2021


Có thể bạn quan tâm