April 19, 2024, 5:48 pm

Hồn tôi giờ đã xanh đầy gió non*

Đặng Nguyệt Anh – người tha thẩn giữa miền ký ức với những cảm xúc tài tình tạo nên từng cơn gió thơ thắm sắc. Trong tác phẩm Thơ chọn này, mỗi bài thơ gắn một phần máu thịt cuộc đời chị. Lần lần bóc tách, lần lần mở ra một thế giới thơ trầm tích được cưu mang bởi một tâm hồn đa mang, thấu cảm.

Thơ dẫn lối Đặng Nguyệt Anh trong mọi cung bậc tình cảm. Khi ở chiến trường hiểm nguy gian lao, cái chết rình rập, cận kề hoặc lúc say mê chiêm ngưỡng những công trình nghệ thuật vĩ đại của thế giới nơi trời Âu xa xôi. Tất cả đã tạo nên bản hòa tấu thật phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Mọi cảm xúc đã tạo hình nên một phong cách thơ lấp lánh: “Hoa cỏ gắng giữ hương giữ sắc/ lênh đênh kinh sử thời loạn ly/ thiên cổ hùng văn chưa thuộc/ luận ngữ trên tường để mốc/ đội câu Kiều đi suốt Trường Sơn” (Độc thoại).

Nửa vầng trăng vời vợi, nửa đời con gái ngây thơ lớn lên bên dòng sông quê hẹn ước mộng mơ. Hình ảnh vầng trăng đáy sông như một sự cất giữ bảo vật suốt đời. Nửa vầng trăng còn lại, tiếng lòng thao thiết với non sông hay cũng là một nửa thân yêu nơi xa xôi đón chờ. Câu thơ khơi gợi mênh mang, day dứt nỗi niềm như uẩn khúc cuộc đời và tình yêu muôn thuở:“Ngày đi xa/ ta gửi lại nửa vầng trăng dưới đáy sông Ninh/ gửi lại nửa đời con gái/ gửi lại dấu chân ta thơ dại/ trên bãi cói phù sa” (Sông Ninh).

Một cách nhân hóa khác biệt thể hiện tình yêu đặc biệt với dòng sông quê yêu thương. Sự trinh trắng của sông, hiện thân của tình cảm nguyên khôi người ra đi. Người trở về mang khúc hát tâm tình tặng sông, gửi dành tình yêu mong đợi. Người không trở về hóa niềm tự hào cùng biểu tượng dòng sông quê hương thủy chung, tiết nghĩa: “Ngày đi sông hãy còn trinh/ nay về hát khúc huê tình tặng sông/ Tôi đi nam bắc tây đông/ vẫn da diết nhớ dòng sông quê nghèo”.

“Hoa gạo đỏ tuổi học trò/ bạn tôi cầm súng bên bờ chiến chinh/ Xác hồn giờ đã phiêu linh…/ có còn mang nặng ân tình sông quê” (Sông Ninh ơi).

 “Thương từ phía ấy đạn bom/ Cô gái mở đường mưa có ướt không?/ Chiến trường thì rộng mênh mông/ Bao nhiêu người lính mưa không có nhà!...” (Rừng đêm mưa). Chỉ có những người từng trải qua cuộc sống ở Trường Sơn mới thấu hiểu đêm mưa Trường Sơn khủng khiếp thế nào... Năm 1974, giữa rừng Trường Sơn, con gái đầu lòng ra đời trong sự đùm bọc chở che của đồng đội, và thơ chị reo vui, những câu từ cuống quýt quện nhau: “Chọn một bình minh mùa hạ con ra đời/ sáng nay tiếng chim rừng ríu rít…/ Bố con mừng vui cuống quýt/ mọi người trong cứ đều vui…”

“Ngày mai con ơi/ hãy mở nhật ký tìm quá khứ/ nhớ cô bác đã cưu mang che chở/ nhớ rừng miền Đông/ gian khổ – thiêng liêng – trong sạch đầu đời” (Rừng miền Đông và con gái tôi).

Cuộc chiến đấu gian khổ không chỉ với một kẻ thù, bao hiểm nguy rình rập, đe dọa nhưng sức sống vẫn mãnh liệt lan tỏa, mầm sống vẫn nảy nở sinh sôi. Đó chính là sự cộng hưởng của những tấm lòng, những tâm hồn, những con người luôn xả thân vì đại nghĩa, những người luôn biết sống vì người khác, vì quê hương…

Gói bạn trong tấm nilon/ tiễn bạn đêm ấy… trăng non thẫn thờ/ Ba lô chuột đã cắn nhừ/ bây giờ phố rộng. Bây giờ nhà cao/ bạn tôi trẻ quá! năm nào…/ biết đâu hài cốt, biết sao linh hồn” (Cũng là chuyện của đời tôi). Giữa cuộc sống mới đủ đầy, nhớ về người bạn liệt sĩ năm nào trong tâm trạng thương nhớ, xót xa khôn nguôi. Cùng với ý nghĩ đó cũng là chuyện của đời mình, trách nhiệm của đời mình. Hình ảnh “vận vào” từ trong tiềm thức đã làm ta thêm yêu thương nhiều hơn những con người thuộc thế hệ quên mình vì đất nước, vì Tổ quốc. Những liệt sĩ đã anh dũng hiến dâng tuổi trẻ cho quê hương. Tri ân và nghĩa tình…

 “Em đã đi dọc Trường Sơn một trăm ngày đêm/ mới hiểu câu ca/ chân cứng/ đá mềm…” (Thơ viết tuổi 45). Bằng những trải nghiệm thực sự, những chiêm nghiệm từ bao gian truân vất vả khó nhọc để thấu hiểu một đúc kết đã có lâu đời, để cảm nhận được ý nghĩa của câu ca bằng cả sự sâu lắng của lòng mình, sự trả giá của chính đời mình trên từng bước chân đi. Chị đã thấu đáo cả nghĩa đen và nghĩa bóng về ý chí của con người, ý chí mãnh liệt tới mức đôi khi chính con người cũng không hình dung hay tưởng tượng nổi... Trải nghiệm của nhà thơ đã “gõ” vào lòng ta âm hưởng khí phách Trường Sơn, khí phách Việt Nam..

*

Đặng Nguyệt Anh luôn làm mới thơ mình bằng những khái niệm thực sự mới. Một câu hỏi về đức hạnh trong thời đại mới đã mở ra một không gian bao la của suy tư. Ta liên tưởng đến thân phận của những người phụ nữ trong lịch sử đằng đẵng nhiều nghìn năm. Ta càng hiểu và cảm thông với người phụ nữ ngày nay cùng những sứ mệnh mới đã đổi thay mà cuộc đời thì đôi khi còn nhiều trắc trở: “Xin lau lách đừng phủ đường nhan sắc/ Bão giông ơi đừng lấp lối nhu mì/ Và đức hạnh: thiên đường hay địa ngục?/ Cứu em nào qua phận mỏng nữ nhi…” (Khái niệm chưa đặt tên).

Sự tinh tế nhạy cảm gửi trao ẩn dụ bằng mật ngữ:“Gọi trăng/ cho gió về say/ Gọi hoa về nở/ gọi mây về ngàn/ Gọi người/ lạc cuối nhân gian/ Hãy đi về phía Thiên Đàng/ đợi tôi!” (Gọi...). Tiếng gọi vang vọng đến ngàn sau. Thế gian sẽ chỉ còn lại tình yêu muôn thuở nếu con người thấm hiểu được lẽ vô thường của trời đất. Thẩm thấu lẽ đời vào cuộc sống thực bằng những vần thơ gan ruột mà nhẹ nhàng, giản đơn bởi lòng nhân sẽ luôn được chào đón phía ánh hào quang vô cực, vô cùng ảo diệu từ trong trí huệ mênh mang: Em đi mắt nắng/ dõi theo lối gầy/ em đi cánh gió/ hút tìm chân mây (Trời em áo lụa). Hình ảnh động và hấp dẫn, ta ngỡ như bức tranh đời đang hiện ra trước mắt, gói tròn tâm tư của tác giả. Và đây nữa, tâm tình của thi nhân với dấu hỏi đặt ngay giữa tim mình, những câu hỏi mang nghĩa niêm phong: “Rồi mai/ ta lại thương ta/ Thi nhân/ một kiếp hồn hoa dại khờ/ Rồi mai/ đời trả cho thơ/ Cố hương xế bóng/ ai chờ ta không” (Rồi mai). Một nỗi lòng thăm thẳm, một xa xót mung lung mịt mờ sương khói. Kiếp người qua nỗi đoạn trường đủ gian truân, kiếp thi nhân nặng lòng với chữ nghĩa: “Thôi thì em cứ khói sương/ để tôi về thắp trầm hương nguyện cầu/ Thôi đành đợi đến mai sau/ là khi xương thịt rã màu cỏ hoa/ là khi cháy rụi Ngân Hà/ là  khi vũ trụ khóc òa/ vỡ trăng…”(Thôi đành).

Và cứ thế, theo trường thơ ấy, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh đã tình nguyện làm một thi sĩ đích thực, mặc trên đời những sóng gió quan điểm hay lưới quét ngôn từ bủa vây...

*

Thơ Đặng Nguyệt Anh đã vận vào tên chị, hình ảnh trăng là rằm hay nửa vầng sáng tối thì thơ vẫn luôn khao khát hướng về ngọn lửa của sự sống, của tình yêu. Hình ảnh huyền ảo và hết sức lôi cuốn, nhịp rơi chữ và ý chuyển nhanh tạo nên hiệu ứng đồng cảm, tứ thơ mê hoặc, lời thơ phiêu du: Đẹp/ mà cô quạnh trăng ơi/ Mời trăng hãy xuống cõi Người/ cùng ta (Chị em).

Từ em/ gọi nguyệt về trăng/ là khi tôi đã gọi rằm/ sang đêm/ Hoang sơ/ một lối cỏ mềm/ cháy lên em…/ thắp sáng miền nhân gian! (Cháy lên em...).

Và đây, một mơ ước đầy gợi mở, một tâm hồn thơ giàu suy tưởng, và mãi khát khao. Mong ước cho đời chỉ còn lại thứ duy nhất là tình yêu. Mọi ràng buộc, nghi kỵ, hận thù đều biến mất khỏi thế gian. Tình yêu - thứ duy nhất kết nối trái tim con người, ý thơ đã tràn bờ vô cực:“Em khao khát mơ ước/ Nhân loại mai sau/ Không còn những vợ chồng ràng buộc/ Khắp hành tinh/ Chỉ có những tình nhân.”(Mơ ước).

Một khát niệm thực mở ra trong bài Rộng và hẹp: Hai mươi mét vuông/ Rộng hơn trái đất/ Đến được cả thiên đường/ địa ngục/ Hai mươi mét vuông/ Đi một đời không hết/ Nghĩ một đời không hết. (Rộng và hẹp). Một khái niệm thực mà không thực, huyền ảo, vô biên. Nơi trú ngụ của con người với đời sống tinh thần là không giới hạn. Đó có thể là đại dương mênh mông của ý tưởng, của sự thăng hoa huyền diệu nghệ thuật muôn màu hoặc của sự chuyển dời tâm thế hư vô. Bài thơ ngắn mang một trường liên tưởng rộng để độc giả suy ngẫm và mở lối sau con chữ là đường chân trời lăng lắc…

*

Nhà thơ, nhà giáo Đặng Nguyệt Anh đã thành công trên con đường chữ nghĩa nhọc nhằn ấy. Sau tất cả, chị đã tự giải phóng mình, sự vượt thoát ngoạn mục ấy khẳng định một nữ sĩ tên tuổi được định danh trong làng văn chương Việt Nam. Để kết thúc bài viết này, xin mượn những lời thơ tự họa của chị: “Tử vi em số đào hoa/ Vịn lời ru mẹ đi qua tháng ngày/ Một chiều nắng vỡ chân mây/ Mệnh vô chính diệu chở đầy khát khao/ Câu thơ cũng lụy má đào/ Cũng xa xót cũng ngọt ngào yêu thương…”. Chúc chị, người thơ cứ mãi thênh thang trên cánh đồng chữ ấy, những cơn gió chữ đang tuổi dậy thì là tinh chất nuôi dưỡng tâm hồn thơ chị trẻ mãi…

_______

* Đặng Nguyệt Anh, thơ chọn, Nxb Hội Nhà văn, 2020.     

Nguồn Văn nghệ số 24/2020            


Có thể bạn quan tâm