April 24, 2024, 12:41 am

Hồn thư pháp

 

Nghe tin thầy giáo cũ của chúng tôi nghỉ hưu đã khá lâu vừa khánh thành nhà mới, nhóm bạn chúng tôi gồm năm người đến thăm và chúc mừng thầy. Thầy từng dạy văn cấp ba sau chuyển lên dạy đại học. Nhà thầy trước kia cấp bốn, nay là ngôi biệt thự ba tầng kiến trúc kết hợp Đông Tây do anh con trưởng của thầy là kiến trúc sư thiết kế. Phòng khách chừng bốn mươi mét vuông thanh đạm mà sang trọng, đáng chú ý nhất là ở hai bức tường đối diện nhau treo hai bức trướng thư pháp chữ Hán do thầy viết. Phần phiên âm và dịch nghĩa viết bằng chữ quốc ngữ nhỏ dán ở bìa dưới.

Bức thứ nhất, bài thơ Tuyệt cú của Giả Đảo đời Đường:

Nhị cú tam niên đắc

Nhất ngâm song lệ lưu

Tri âm như bất thưởng

Quy ngọa cố sơn thu.

(Ba năm viết được hai câu thơ

Ngâm lên một tiếng, hai dòng nước mắt tuôn chảy

Tìm bạn tri âm, bạn hờ hững

Đành về núi cũ với mùa thu).

Tường bên kia là bức trướng thư pháp viết đoạn văn của Tiến sĩ Hoàng Đức Lương, năm Hồng Đức thứ hai mươi tám, 1479:

“Chí như thi giả, nãi sắc ngoại chi sắc, bất khả dĩ thường mục thị; vị ngoại chi vị, bất khả dĩ thường khẩu thường. Duy thi nhân vi năng đổ nhi cam chi. Thử thi chi bất tận truyền vi thế giả nhất dã...”

(Thơ là màu sắc ngoài mọi màu sắc, không thể ngắm bằng con mắt thông thường; là mùi vị ngoài mọi mùi vị, không thể nếm với khẩu vị thông thường. Chỉ có chính thi nhân mới có năng lực nhìn ra màu sắc ấy và nghiệm thấy mùi vị ấy. Đó là lý do thứ nhất khiến cho thi ca không lưu lại hết ở đời...)

Thấy chúng tôi chăm chú xem và bàn luận, thầy nói:

- Hồi nghỉ hưu mới có thì giờ đọc kỹ hơn văn học cổ đại, trung đại, thầy rất tâm đắc với bài thơ này của Giả Đảo và đoạn văn của Hoàng Đức Lương, bèn viết treo trong phòng riêng để mà suy ngẫm. Ba mươi năm rồi, hai bức trướng đã ngả màu và in dấu bụi thời gian. Vừa rồi, anh trưởng nhà này làm nhà mới, thầy đã cuộn hai bức trướng cất đi, giấu kín dưới đáy tủ. Khánh thành nhà, anh ấy hỏi “Ba cất hai bức trướng thư pháp ở đâu rồi ạ” và xin lấy ra treo ở phòng khách. Thầy không chịu, nghĩ giấy mực cũ, chữ cũ không hợp với nhà mới, người ta cười cho, bảo mình cổ giả. Nhưng anh ấy cứ năn nỉ mãi, thầy đành nhượng bộ. Các anh chị thấy đấy, ngoài hai bức trướng này, anh ấy chả treo bức tranh nào nữa, thôi thì tùy, lúc nào không thích nữa thì con cháu bỏ đi cũng chả sao.

Chúng tôi đều theo học lớp thư pháp chữ Hán do thầy dạy nên cũng biết sơ sơ. Hai bức trướng cỡ 50x120cm, chữ Hán mực đen viết trên giấy dó, xung quanh viền gấm màu nâu nhạt. Mỗi chữ mỗi dáng vẻ, đều toát lên phong thái ung dung cốt cách; nét ngang nét sổ thẳng như kẻ chỉ; nét phẩy, nét mác uốn lượn uyển chuyển; nét đậm nét xước song hành, đan chéo nhau như hình sông thế núi chập chùng. Thư pháp theo lối hành thảo như có hồn vía của Vương Hy Chi (Thư pháp gia đời Đông Tấn, Trung Hoa, 203-361); đôi ba chỗ cao hứng lại ngả sang cuồng thảo như thấp thoáng hình bóng Thần Siêu, Thánh Quát (Hai nhà văn hóa lớn của Việt Nam). Những bộ thủ ẩn hiện và biến hóa, chỗ như vẫy gió gọi mưa, khoan thai, ào ạt; chỗ như ánh sáng chập chờn; chỗ như có cả âm thanh cuồng nộ. Nhiều chỗ thầy lăn mực một lần mà viết liền một nét kéo dài tới hai, ba chữ. Một số nét lược bỏ, con chữ trở thành mới lạ độc đáo rất ưa nhìn, tưởng đứt mà lại nối, tưởng không mà hóa có. Lùi lại một chút nhìn toàn cảnh, bức thư pháp như mây nước đang chuyển vần vừa khoáng đạt bay bổng, vừa thâm trầm ẩn chứa. Thỉnh thoảng có làn gió nhẹ thổi vào mang theo hương hoa mộc, bức trướng lay động, những con chữ tượng hình như có hồn, lung linh thao thức, ẩn giấu bao điều bí ẩn… Chúng tôi say mê chiêm ngưỡng không biết chán hai bức tranh ngôn ngữ tao nhã cao siêu in đậm phong cách riêng của người thầy khả kính. Thầy chúng tôi năm nay ngoài chín mươi tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, râu tóc bạc phơ như tiên, nhìn lên bức thư pháp bên trái, bài thơ của Giả Đảo, chậm rãi:

- Mới thấy cõi thơ thật lạ lùng, từ đời Đường bên Trung Hoa, thời gian, không gian đều xa lắc xa lơ mà cho đến bây giờ bài thơ của Giả Đảo vẫn mới mẻ khôi nguyên và đã được khoác chiếc áo nhân loại phổ quát. Bài thơ ngắn nhưng có nhiều khoảng trống mỹ học để cho ta được trải nghiệm và khai ngộ. Chữ không lạ mà mỗi câu đều làm ta giật mình, tức là thơ ấy có thần, người xưa gọi là thần khí...

Cô bạn là giáo viên văn học giơ tay:

- Thưa thầy, em thấy tâm trạng bài thơ này lạ lắm ạ. “Nhất ngâm song lệ lưu”, ngâm lên một tiếng hai dòng nước mắt tuôn chảy. Có điều gì bức xúc nung nấu lắm, muốn chia sẻ với bạn tri âm, nhưng bạn tri âm lại hờ hững, đau lắm ạ, thưa thầy.

Một bạn khác tiếp lời:

- “Quy ngọa cố sơn thu”, đành về núi cũ với mùa thu, một xử thế nhu nhuyễn thức thời, một liệu pháp cứu rỗi mà các bậc trí giả ngày nay khó theo được.

Nét mặt thầy đăm chiêu:

- Tâm trạng bài thơ thế nào thì còn là bí ẩn. Điều gì khiến hai hàng nước mắt của thi nhân lại tuôn chảy đến như thế? Không cần biết, bởi thế gian này biết bao nhiêu nguồn cơn, nông nỗi. Mỗi người ở mỗi hoàn cảnh khác nhau có liên tưởng khác nhau, tạo nên sự hòa điệu, đồng cảm. Hàng nghìn năm biết bao nhiêu thế hệ người đọc được sẻ chia, thật kỳ diệu; bí ẩn của thơ ở đấy, thật khó lý giải!

 Thầy nhìn sang bức trướng bên phải, bài văn của Tiến sĩ Hoàng Đức Lương:

- Văn chương Trung đại Việt Nam, những bài mang giá trị nhân văn, nghệ thuật đặc sắc không ít. Cứ đọc lại Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương… mà xem, những tác phẩm ấy còn tỏa sáng đến muôn sau… Còn lý luận, cho đến nay thầy chưa thấy định nghĩa thơ nào sánh được với định nghĩa của Hoàng Đức Lương cách nay sáu thế kỷ. “Thơ là màu sắc ngoài mọi màu sắc… Là mùi vị ngoài mọi mùi vị…”. Các anh chị chú ý hai chữ ngoài. Phải có thứ giác quan đặc biệt nào khác ngoài các giác quan thông thường mới thấy được những cái ngoài kia của đối tượng mà thơ nói đến. Giác quan đặc biệt ấy không phải ai cũng có. Nhờ con mắt thơ mà mọi thực thể trong cuộc sống của chúng ta được nhìn nhận một cách phong phú với nhiều tầng ý nghĩa, nó chuyển động theo không gian, thời gian ảo diệu biến hóa theo cảm nhận của nhà thơ và người đọc thơ. Thật và ảo, hiện thực siêu thực chuyển động đan xen tạo nên những giá trị văn chương vô giá. Cho nên nếu thiếu vắng thơ và các loại hình nghệ thuật khác, cuộc sống sẽ đơn điệu tẻ nhạt, sẽ chả có cuộc gặp gỡ của thầy trò ta hôm nay.

Thầy trò chúng tôi dùng trà, thưởng hoa. Lát sau tôi nhìn vào bức thư pháp, tham gia:

- Em thưa thầy, thưa các bạn, vế sau đoạn văn của Hoàng Đức Lương nêu ra: “Chỉ có chính thi nhân mới có năng lực nhìn ra màu sắc ấy và nghiệm thấy mùi vị ấy. Đó là lý do thứ nhất khiến cho thi ca không lưu lại hết ở đời…” Thì ra di sản văn học của chúng ta lưu lại cho đến nay chỉ là một số rất hạn chế do đã bị thất lạc, mai một đi không ít, thật đáng tiếc ạ.

- Đúng thế, thầy nói, với lại trước đây sự in ấn sao chép lưu giữ rất khó khăn, không như bây giờ. Thầy trả lời. Đoạn nói tiếp:

- Người xưa gọi Ngôi Đền Thơ, đúng lắm. Đối tượng nào được lập đền? Một là, người có công đức tài năng lớn. Hai là, có oan khuất lớn. Ngôi đền thơ có cả hai yếu tố ấy. Mà đã là đền thì linh khí không biết đâu mà lường, dễ vận vào ta lắm đấy. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, mỗi người bước vào đền, trước hết phải thành tâm. Thành tâm đến đâu, linh khí vận vào ta đến đó, nhân nào quả ấy mà. Hãy xem cổ kim đông tây, những nhà thơ lớn đều là những người có nhân cách lớn, chữ Tâm của họ bao la vô bờ bến. Cái sự vận vào này rất thoảng nhẹ, tự nhiên nhưng có thể thay đổi cả thói quen, tính nết, nhân cách và số phận. Phải tinh ý lắm mới nhận biết được… Văn chương quý hồ tinh bất quý hồ đa không thể lấy nhiều bù cho yếu. Thơ thường đa nghĩa, đọc thơ không khó nhưng cũng không phải dễ, nếu anh không cảm không hiểu được sâu sắc về nó thì chỉ thấy phần xác, còn phần hồn cùng những “ánh xạ” và các “hàm đa trị” của nó, anh không thấy được. Còn sáng tác thơ, để đặt chân vào được ngôi đền thơ lại càng khó hơn. Nhưng ngôi đền thơ không từ chối một ai, miễn là có tâm, có tài.

Cách nay trên một nghìn hai trăm năm, thần khí bài thơ của Giả Đảo không hề phai mờ; sáu trăm năm chính khí lời văn của Hoàng Đức Lương không hề suy giảm… Ngắm hai bức thư pháp một lúc nữa, thày tiếp: - “Lạ lắm các anh chị ạ, đã không ít người làm thơ đến đây chơi, khi đọc hai bức thư pháp này bỗng nhiên chuyển đổi thi pháp, từ ăn xổi sang tinh luyện và sau đấy một thời gian, tôi nhận được tín hiệu là đã có tinh hoa nảy nở. Tức là thần khí, chính khí đã đánh bạt cái tạp khí, tà khí kia để không làm biến hoại, tổn thương nguyên khí. Chữ nguyên khí là của Tiến sĩ Thân Nhân Trung viết trên bia đá ở Văn Miếu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Mọi người chúng ta phải có trách nhiệm làm sáng tỏ nguyên khí ấy…”

Lâu lắm mới được nghe lời giảng sâu sắc, rất lôi cuốn của người thầy dạy văn huyền thoại một thời, tất cả chúng tôi lặng đi, xúc động… Thật tình cờ trong ngôi biệt thự kết hợp phong cách Đông Tây, sự hiện diện của hai bức trướng thư pháp mang màu sắc quá khứ tạo nên sự so le trong cân xứng, tương phản trong hài hòa, phải chăng là tượng hình của môt triết lý thẩm mỹ?

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2019


Có thể bạn quan tâm