April 19, 2024, 5:52 pm

Hồn thơ anh nhiên trong hồn người tự tin

Trong hầm Điện Biên

Một vỏ đạn cắm mấy cành hoa

Một bức tranh tre làng rợp bóng

Một bi đông đựng đầy nước nóng

Một ván cờ bỏ dở nằm im

Một cái ca xòe cánh đôi chim

Một phong thư chữ em nắn nót

Một tia nắng ghé vào trong suốt

 

Vạn trái bom không phá nổi bình yên!

5/1954

Văn Phác

 

Tướng Trần Văn Phác (1926-2012) là một gương mặt vào hàng đẹp nhất của không chỉ tuổi trẻ Việt Nam quên mình vì sự nghiệp Dân tộc mà còn của Nhân Dân Việt Nam thuần hậu, bao dung, chí nghĩa chí tình. Ông luôn luôn hành động tích cực vì lợi ích của tập thể, của cộng đồng, của đất nước. Suốt đời, ông sống và chiến đấu không ngơi nghỉ cho Cách Mạng và Nhân Dân. Ông thấm nhuần lý tưởng của Đảng, cho nên có định hướng vững vàng cho đời mình. Không hề dao động, nao núng hay băn khoăn ở mọi cương vị công tác, ông dệt nên một cuộc đời toàn diện mỹ lệ, trên tư cách người lính, người cán bộ, người dân và người nghệ sỹ. Không cố ý, ông lưu lại cho đời một tấm gương sống hữu ích, phát huy và cống hiến tối đa trí tuệ, con tim và sáng tạo cho Xã hội. Mười chín tuổi, ông là đội trưởng tự vệ, tham gia Khởi nghĩa ở quê nhà Yên Mỹ, Hưng Yên. Sau đó, ông vào Hà Nội, thành chiến sỹ bảo vệ lễ đài Ba Đình, Hà Nội, nơi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 bất hủ. Ông đi vào kháng chiến chống Pháp ngay từ những ngày đầu. Tài năng thuyết phục là không thể chối cãi, ông thường được phân công công tác chính trị. Ví như năm 1947, ông là trưởng phòng chính trị của Đoàn quân Tây Tiến. Năm 1950, ông là chủ nhiệm chính trị Trung đoàn Sông Lô, tạo đà cho việc giải phóng Cao Bắc Lạng, với trận Đông Khê lẫy lừng. Năm 1954, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đội hình sư đoàn 312, vẫn với vai trò chỉ huy chính trị… Năm 1964, ông vào Nam chiến đấu, nhưng theo đường mòn trên biển. Trên một con tàu không số. Rồi đảm nhiệm chức chủ nhiệm chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tiếp đến là cuộc nổi dậy Mậu Thân 1968. Rồi chủ nhiệm chính trị quân đoàn 232, mũi tiến quân thứ 5 vào Sài Gòn, chiến dịch tổng tấn công 1975… Từ ngày đất nước thống nhất, ông giữ trọng trách phó chủ nhiệm tổng cục chính trị Quân đôi nhân dân Việt Nam. Mười năm sau, ông được chuyển sang lãnh đạo ngành văn hóa – thứ trưởng rồi bộ trưởng. Từ khi nghỉ quản lý chính quyền, ông hoạt động tích cực cho các đoàn thể, với nhiều chức vị quan trọng. Trong đó có công tác đối ngoại của Quốc hội…

Vợ chồng Trần Văn Phác thời trẻ

Ông là người may mắn. Tài năng nào cũng được nhìn thấy sớm và được hỗ trợ phát triển. Cấp trên nhận ra khả năng chữ nghĩa của ông, khi ông mới hai mươi tuổi. Nên ông đang ở Đoàn quân Tây Tiến, được điều về chiến khu hai, phụ trách tở báo Liên khu này. Gần như một mình làm tất mọi việc, viết bài, trình bày, đưa in,… ông đã thành công trong nhiệm vụ vất vả ấy. Bí quyết thành công là giản dị, nhưng không dễ: Tài và tâm xứng tầm, Tâm là nền tảng. Bí quyết ấy khiến ông được điều động phụ trách báo chí và văn học quân đội, từ khi hòa bình lập lại 1954. Ông đã tổ chức hiệu quả hoạt động của Tạp chí Văn nghệ quân đội, mà ông là tổng biên tập đầu tiên. Ông cũng là người tham gia sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957. Thế mạnh của văn ông là tính hiện thực. Chất tả chân đó tạo nên sức hút khó cưỡng cho nhiều tác phẩm, đặc biệt là Không có con đường nào khác, 1966. Ông được gợi ý viết về phong trào đồng khởi Bến Tre với nhân vật trung tâm là phó tổng tư lệnh quân giải phóng Nguyễn Thị Định. Thế là, ban ngày túi bụi công việc, ban đêm ông lại ngồi nghe tâm sự của bà phó tổng, suốt 50 đêm bên ngọn đèn dầu. Sau đó, ông miệt mài viết trong 60 ngày và hoàn thành cuốn sách. Không có con đường nào khác được coi như tiếng nói đanh thép của nhân dân Miền Nam trước nhân dân cả nước và trước toàn thể loài người: chúng tôi không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ. Tác phẩm đạt tới tầm cao không dễ vươn tới ấy là nhờ tư chất và đức độ hơn người của tác giả. Bà Nguyễn Thị Định, nhiều nhà văn từng được làm việc với ông, nhiều nghệ sỹ liên quan thời ông lãnh đạo ngành văn hóa,… vẫn giao lưu với ông bằng thư từ, và không giấu diếm sự sùng kính và tri ân một con người lấy nhân tình và tôn trọng đồng loại làm trọng. Điều này bộc lộ từ khi Văn Phác còn rất trẻ. Thời làm báo Liên khu 2, ông quen thân hai người lính cùng quân khu. Dù bận đến đâu, ông vẫn tranh thủ thời gian tới thăm cha của họ, một nhà giáo. Tình thân và sự quyến luyến tăng dần. Gần mười năm sau, ông vẫn lần tới địa chỉ mới của gia đình nhà giáo. Ngày xưa, cô em út vẫn hay ôm cổ bạn hai anh mình đòi kể chuyện. Nay lớn bổng lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Ông giáo nhận ra thiện cảm đặc biệt của con gái dành cho chàng lính trẻ. Ông viết thư, ngỏ ý muốn tác thành cho hai người. Văn Phác đồng ý và, cùng cô gái Lê Thị Quế Hương, con gái ông giáo, lưu lại một mối tình hơn 60 năm có thể coi là huyền thoại. Một kỷ niệm đẹp nữa của Văn Phác là việc ông tham gia các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ. Ông đề cao văn hóa trong các cuộc thương lượng này. Văn hóa đây là các bên từng “kình chống nhau” hãy vì lợi ích chung và lợi ích của mỗi phía (mà) “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Ở phiên họp thứ tư và cuối cùng tại Mỹ, ông còn làm thơ tặng các bạn Mỹ...

Ấn tượng ông để lại là tốt đẹp. Ấn tượng không chỉ từ lời nói có tính thuyết phục, mà còn từ vẻ mặt nhân từ, phong thái an nhiên tự tại. Phong thái này bộc lộ thiên hình vạn trạng. Chẳng hạn, ông và hai ông chồng hàng xóm liền kề ở khu chung cư Tổng cục chính trị tại Hà Nội cùng đi chiến trường. Ba bà vợ ở nhà coi nhau như chị em ruột thịt. Thế là, các con của ba nhà gọi các chú bác hàng xóm là bố mẹ, và gọi thế mãi cho tới hôm nay. Nhiều năm sau, Lady Borton, một phụ nữ Hoa Kỳ, thân thiết với Việt Nam, tìm đến tận nhà ông trò chuyện suốt một buổi sáng. Nhằm tìm lời đáp thỏa đáng cho câu hỏi vẫn ám ảnh nhân dân Mỹ: Vì sao “châu chấu” Việt Nam đá nghiêng “xe” Mỹ? Bà Borton càng thích thú khi được một bạn Việt Nam tặng bài thơ Trong hầm Điện Biên của Văn Phác, ra đời lúc chiến dịch Điện Biên Phủ vào hồi tột cùng căng thẳng. Căn hầm hẳn là nơi trú cho một hoặc hai vị chỉ huy. Những vật hiện diện trong hầm vừa bình thường vừa không bình thường. Chúng được nhìn lướt trong một khoảnh khắc. Chắc là lúc sáng sớm mới chợp mắt dậy. Trước khi ra khỏi hầm. Đi họp bàn hoặc lên thực địa bom đạn. Chiếc đi đông đựng nước uống, và chiếc ca để uống nước là hai vật lính Pháp thường dùng thời ấy. Người Việt Nam cũng sản xuất và lính Việt Nam cũng dùng chúng, nhưng với những “biến tấu” giàu thông điệp. Theo tìm hiểu của người viết bài này, thời ấy và mãi sau này, hiện diện thường xuyên trong đời sống thường ngày Việt Nam những chiếc ca bằng sứ hay sắt tráng men, thường in hình đôi chim bồ câu tung cánh, tượng trưng cho hòa bình. Thực tế đời thường ấy chứng tỏ những chi tiết Văn Phác đưa vào bài thơ là chân thực và đắc địa. Chúng cho thấy chiến tranh dù tàn khốc đến đâu cũng không suy suyển nổi sức sống mãnh liệt của Dân tộc ta. Trong chiến tranh ác liệt, mà đỉnh điểm là chiến dịch Điện Biên Phủ, sức sống đó biểu lộ qua 6 điều. Ấy là: 1- kiên định ý chí sống trong sạch đường hoàng (Một bi đông đựng đầy nước nóng); 2 - giữ vững nhân nghĩa trong đời thường, và sự trân trọng đầy cổ vũ của hậu phương đối với tiền tuyến (Một phong thư chữ em nắn nót); 3 - phát huy tận độ hồn cốt của hậu phương, của dân tộc, động lực của cuộc chiến đấu chống kẻ thù (Một bức tranh tre làng rợp bóng); 4 - ý thước được tầm quan trọng của cuộc kháng chiến chống Pháp, giành lại độc lập tự do cho Đất nước mình và góp phần bảo vệ hòa bình thế giới (Một chiếc ca xòe cánh đôi chim); 5 - tỏ rõ bản lĩnh sống ung dung giữa đạn bom hủy diệt của kẻ thù (Một ván cờ bỏ dở nằm im); 6 - kiêu hãnh không thể chí lý hơn về bản sắc dân tộc Việt, thuần khiết và cao cả (Một tia nắng ghé vào trong suốt; Một vỏ đạn cắm mấy cành hoa).

Hiển nhiên, căn hầm còn những thứ khác nữa. Song sự chín chắn về cảm xúc và tư tưởng cũng như tài năng thi ca giúp tác giả chọn chừng ấy là đủ cho bài thơ hoàn chỉnh. Chi tiết nào được chọn cũng gợi nhiều liên tưởng. Phép tương phản và “lảy” từ cao cường khiến cho các ý đan xen vừa bất ngờ vừa ảo diệu. Ví dụ, câu đầu bài thơ tỏ rõ hòa bình và cái đẹp chiến thắng chiến tranh và bạo lực. Từ “cành” chứ không phải “bông” (hoa) là một ý tại ngôn ngoại đắt giá. Từ “ghé” (một tia nắng ghé vào) ở câu áp cuối đột ngột mở ra tư tưởng bao trùm, thoạt có vẻ xa lạ, nhưng vô cùng sát hợp. Đó là cả vũ trụ đang chiến đấu cho sự trong trẻo của mình, bận bịu lắm, nhưng không xao lãng một góc nhỏ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Cho nên chiến tranh xâm lược nói riêng, chủ nghĩa thực dân nói chung thực chất là “đem nạng chống trời”. Và câu kết bài thơ là không thể chí lý hơn: Vạn trái bom không phá nổi bình yên. Cùng với “cành hoa” và “ghé” như vừa nói, những “nằm im” (câu thứ tư) và “nắn nót” (câu thứ sáu) là những nhãn tự xuất thần, tài hoa và quyến rũ. Chúng góp phần đặc lực vào việc khái quát thuyết phục triết luận của mọi triết luận: “sống” tức là được làm người thực sự, trong một xã hội mà cái đẹp của nhân phẩm và của nhân tình ngự trị; “người đích thực” là người hài hoà giữa làm việc và nghỉ ngơi, giữa vật chất và tinh thần, trong đó tinh thần là cốt lõi, hạt nhân của tinh thần là tương tác nhân bản và bình đẳng; ở tầm mức ấy, “sống” là an bình viên mãn và vô địch. Dân tộc Việt Nam thời bài thơ ra đời đã đạt tới tầm mức đó. Tầm mức khiến chúng ta dũng cảm, thông minh và tự tin phi thường. Bảo vệ cuộc sống cao quý ấy là chính nghĩa vậy. Chính nghĩa này bảo đảm chiến thắng tất yếu của chúng ta trước mọi kẻ xâm lược. Đây cũng là bí mật thất bại thảm hại của những kẻ ngông cuồng muốn nô dịch toàn nhân loại, dù họ có thừa gian xảo và vũ khí giết người, như Napoléon ngạo nghễ hoặc Hitler khát máu.

Chân lý đó, phia “thua cuộc” cũng nhìn ra. Hàng tướng De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, về sau trả lời ủy ban điều tra của bộ quốc phòng Pháp, đã nói thẳng thừng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, nhưng không thể đánh bại một dân tộc”. Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam bẻ gãy ý chí tái thiết thuộc địa Đông Dương của thực dân Pháp. Đồng thời mở đường cho công cuộc tự giải phóng của nhân dân bị nô dịch toàn cầu. Năm 1960, 17 nước châu Phi giành lại được độc lập. Năm 1967, đế quốc Pháp buộc phải trả lại độc lập cho hầu hế các nước thuộc địa cuả mình, đánh dấu chấm hết 400 năm chủ nghĩa thực dân cũ. Bước ngoặt đó của Lịch sử Việt Nam và thế giới được ghi lại đúng đắn trong nhiều tác phẩm văn nghệ bất hủ, bài thơ Trong hầm Điện Biên của Văn Phác là một. Văn nghệ và thi ca vì vậy là kết tinh của hiện thực nhờ lý tưởng thẩm mỹ. Không có lý tưởng cách mạng, không sống và chiến đấu chủ động và tích cực, không hun đúc cho mình một đức độ vững vàng, Văn Phác chắc chắn không viết nổi Trong hầm Điện Biên. Phía bạn đọc, không thấu hiểu cõi đời, không tìm hiểu nắm vững chiến dịch và chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng khó lòng cảm nhận hết cái hay cái đẹp của áng thơ dặc sắc này. Cộng hưởng tất yếu giữa cái riêng và cái chung, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa thời điểm và bất tận, giữa thực tế và tư tưởng, Trong hầm Điện Biên, một áng thơ “hàm súc và dư ba” (Xuân Diệu) nhất định đứng lại mãi trong văn chương Việt Nam, như một tiếng lòng dân tộc cốt tử.

Nguồn Văn nghệ số 51/2020


Có thể bạn quan tâm