March 29, 2024, 6:07 pm

Hồn Piêu

Đêm nào cũng thế, dù trời nắng hay mưa, Sừa đều ra ngồi duy nhất một chỗ, ấy là hòn đá to như con trâu nằm ngủ dưới gốc cây bồ quần bên hủm Sủ Sung. Vậy mà không hiểu sao đã hai đêm nay không còn thấy Sừa ngồi câu ở đó nữa. Hay anh Sừa đã bỏ đi cái hủm khác có nhiều cá hơn? Hoặc anh ấy đã chán câu cá rồi? Những cô gái đi xúc tép, những chàng trai đi quăng chài đêm hỏi nhau như vậy

Thực ra không phải Sừa bỏ đi câu ở hủm khác, cũng không phải Sừa đã chán đi câu. Sừa đang ốm nặng. Sừa ốm, kể cũng lạ. Năm nay tuy đã hơn bốn mươi tuổi, nhưng nhìn Sừa còn chắc khỏe, vâm váp hơn cả những thanh niên mười tám, hai mươi. Hai cánh tay vẫn cuộn xoắn những bắp thịt rắn chắc, gân guốc như cây gỗ Cộc chìa già trên núi Sắng, ngực Sừa bạnh đỏ, nở căng như tảng đá  gan gà dưới chân núi Khau Chia. Sừa ốm không phải do bệnh tật gì mà ốm chỉ vì một cơn gió. Cơn gió đêm chỉ lào thào với hàng lau bạc như tiếng nói thầm của đôi trai gái yêu nhau, mỏng và nhẹ như ánh đom đóm khuya mà khiến Sừa ngã gục ngay ở chân cầu thang khi đang xách xâu cá nặng hồ hởi chuẩn bị bước lên cầu. Cũng may trước lúc bất tỉnh, Sừa kịp ú ớ lên vài tiếng. Tươn còn thức chờ chồng nghe tiếng ú ớ gọi vội chạy ra hô hoán hàng xóm đỡ vội chồng vào nhà

 

Minh hoạ của Phạm Minh Hải

Bây giờ thì Sừa rệu rã như cây rau non bị phơi ngoài nắng. Mồm Sừa méo lệch, chân tay mềm oặt như bị rút hết xương, không nhúc nhích cử động được. Sừa cứ nằm bất động thế, đôi mắt lờ đờ nhìn như bám lấy từng thanh tre, từng cái lá gianh lợp trên mái. Thỉnh thoảng mới chợp mắt được một tí thì lại chìm vào những giấc mơ dài lê thê như dòng nước nhỏ len lỏi chảy trên những vách đá chông chênh, dài khúc khuỷu trên sườn núi Pó Bua. Sừa mơ thấy mình còn là một chàng trai trẻ của mấy chục năm trước đang ngồi câu bên bờ hủm Sủ Sung.

*

Không biết cái hủm Sủ Sung đã trở nên quen thuộc với Sừa từ khi nào. Sừa chỉ biết từ ngày Sừa cùng bè bạn trong bản đi câu cá đêm, Sừa thường xuống hủm Sủ Sung câu cá. Những thằng bạn cùng đi với Sừa, chúng chỉ ngồi câu một lúc, cây cỏ còn chưa kịp quen hơi mà không thấy cá cắn là vác cần bỏ đi thả mồi chỗ khác. Sừa không hay chạy nhảy như bọn bạn mà chỉ ngồi lì một chỗ. Thế mà lần nào đi câu về, Sừa cũng được nhiều cá nhất bọn.

Hòn đá chông chênh bên bờ hủm Sủ Sung xù xì góc cạnh, ngày Sừa mới ngồi đau hết cả mông, thế mà bây giờ hòn đá thành nhẵn thín, tròn hoay như hòn đá cuội dưới nước.

Bên bờ hủm Sủ Sung, cạnh hòn đá có một cây bồ quân cao bằng đầu Sừa. Mỗi lần câu được cá, Sừa lại xâu vào cái lạt treo lên cành cây. Có đêm gặp trời mưa, Sừa không chạy về mà ngắt mấy tàu lá ráy gần đó phủ lên ngọn cây rồi chui vào gốc tiếp tục ngồi câu. Mưa xuống, cá đi ăn nhiều, chỉ ngồi một lúc, Sừa đã câu được một xâu cá nặng.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, Sừa cứ lớn lên cùng cây bồ quân bên bờ suối. Hòn đá Sừa ngồi thì cứ mòn đi dần. Tròn và nhẵn bóng.

Thấm thoát, tuổi thơ của Sừa đã trôi qua từ khi nào. Cây bồ quân giờ đã cao vút bằng nóc nhà sàn, Sừa cũng đã lớn vổng lên thành một chàng trai to cao, vạm vỡ.

Từ khi ánh mắt biết nhìn theo những cô gái xinh, đêm cứ ngẩn ngơ nằm nghĩ đến người mình thích, Sừa cũng không còn vác cần ra hủm Sủ Sung câu nữa. Đêm đêm, Sừa cùng các bạn kéo nhau đi khắp các bản, nhà nào có con gái là cả lũ kéo nhau lên làm quen, cùng ngồi bên bếp lửa nói chuyện rôm rả đến cạn cả đêm mà vẫn chẳng muốn về.

Sừa gặp Tươn trong đêm Hạn Khuống ở bản Cò Chịa. Chỉ hát đối cùng  nhau có một bài, cùng uống với nhau có một chén rượu sắn mà từ đó Sừa cứ vẩn vơ nghĩ tới Tươn, nhớ đến làn da trắng hồng như quả trứng gà đẻ non đặt trước ánh đèn trong đêm tối. Nhưng Sừa nhớ nhất là cái vết chàm đỏ tươi như bông hoa săng chiều nắng trên cái cổ cao và trắng. Mái tóc dài và đen nhỏng nhảnh thơm mùi nước gạo ngâm luôn buông dài, chỉ mỗi khi Tươn vô tình đưa tay vén ngược mái tóc ra sau mới để lộ ra cái chấm đỏ tươi duyên dáng. Nhưng cũng chỉ để lộ ra vừa kịp một ánh nhìn bâng khuâng, sau đó mái tóc đen lại tràn xuống, che  vội đi, đầy thẹn thùng và ý tứ. Tươn đã xinh gái lại còn chăm chỉ và giỏi thêu thùa, dệt vải. Mẹ vẫn bảo: Người Thái ta, đàn ông thì phải giỏi quăng chài săn thú, đàn bà phải khéo “hệt nung hệt non(*). Mẹ dạy Tươn tập thêu khăn Piêu từ lúc Tươn còn thấp như cái chõ xôi trên bếp. Cái khăn đầu tiên mẹ bắt phải thêu thật kĩ, thật đẹp. Piêu đầu tiên là cái piêu để mọi người biết cái khéo của mày đấy con gái à. Nó là cái khăn linh thiêng nhất, là “Mặc Piêu”(**) vì nó giữ cái hồn của người con gái đã làm ra nó. Piêu này không tặng cho mẹ cho cha, không tặng cho chị cho cô ngày về nhà chồng. Piêu này chỉ để dành tặng cho người con trai mình hợp mình yêu, muốn cùng chung chăn chung gối. Tặng cái Piêu này cho người mình ưng thì nó sẽ giữ cái hồn hai người lại với nhau mãi mãi. Mỗi đêm dạy Tươn thêu khăn bên bếp lửa, mẹ vẫn bảo như thế.

Tươn đã thêu xong cái khăn “Mặc Piêu” khiến mẹ ưng bụng. Bây giờ trên gác nhà Tươn đã có bao nhiêu cái gối thêu đẹp, bao cái đệm bông lau cuộn tròn, bao cái khăn Piêu còn thơm mùi chàm nằm đợi ngày Tươn đem về biếu bố mẹ, họ hàng nhà chồng. Thanh niên bản Cò Chịa rồi thanh niên các bản gần xa đứng tắm sương đêm bao mùa trăng, thổi những bài khèn bè tình tứ nhất nhưng Tươn chưa bao giờ tự mở cánh cửa Quản, bao nhiêu cái gậy chọc sàn cứ cầm đi lại đem về mà miếng gỗ vuông chỗ Tươn nằm chưa một lần đẩy bật được lên để chạm vào cái eo lẳn tròn thao thức. Cái khăn “Mặc Piêu” vẫn nằm ngủ ngon trong cái hòm gỗ đỏ.

Từ hôm gặp Tươn bên sàn Hạn Khuống, Sừa lúc nào cũng như con cáo bị say ánh đèn của thợ săn, ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Nghĩ tới Tươn cả lúc làm nương, lúc đi săn, khi đánh cá. Rồi mơ thấy Tươn cả trong từng giấc ngủ. Nghĩ tới Tươn rồi lại chỉ mong trời mau tối để tìm đến nhà làm quen. Tươn ở tận bản Cò Chịa, đi bộ từ nhà Sừa đến nhà Tươn bằng thời gian nướng chín một con lợn lòi. Thế mà đêm nào Sừa cũng mặc bộ quần áo đẹp nhất, đem cái khèn bè đến dưới cầu thang nhà Tươn thổi. Tiếng khèn như có lửa khiến đôi má Tươn đã đỏ càng thêm ửng hồng. Tiếng khèn khiến Tươn ngồi thêu bên bếp lửa hồng cứ đứng lên lại ngồi xuống. Cuộn chỉ màu thêu khăn chưa hết một nửa mà Tươn đã vào nhà lấy cuộn khác. Tươn nổi tiếng thêu khăn Piêu đẹp nhất bản, thế mà tiếng khèn nỉ non, run rẩy đã làm những đường hoa văn không thành hình quả trám núi, cái cút Piêu không còn được tròn như quả Pắc rừng. Có lúc còn nhầm mất cả màu chỉ, lại tháo ra thêu lại, cứ tháo lại thêu đến hết đêm mà chưa xong được cái khăn Piêu.

Tiếng khèn bè càng về khuya càng giục giã những âm sắc yêu thương. Quả tim trong ngực Tươn càng đập nhanh hơn, mạnh hơn, thập thình như tiếng trống đất sau ngày mưa của lũ trẻ chăn bò. Tiếng thở gấp và nhanh khiến hai bầu ngực lẳn tròn, nhú nhíu trong lớp áo cóm phập phồng bị  đẩy căng dần lên như muốn dứt tung cả hàng cúc bạc. Nhưng Tươn cố ghìm tiếng thở, vẫn luống cuống ngồi thêu, mặc cho cái khăn bị hỏng, mặc tiếng khèn bè ướt lạnh sương đêm.

Nhưng tiếng khèn bè đêm nào cũng nỉ non tới tận khi con gà te te gáy sáng khiến những cuộn chỉ màu càng rối bung, Tươn không còn thêu nổi nữa. Tiếng khèn khắc khoải gọi đến đêm thứ năm thì Tươn khẽ đi vào giường, mở cái hòm gỗ đỏ, lấy ra cái “Mặc piêu”, ngập ngừng, khe khẽ bước ra mở cửa. Đứng trên bậc cầu thang thứ chín, Tươn quàng cái khăn lên cổ mình, nắm hai đầu khăn dang ra như hai cánh chim sắp cất cánh bay. Tiếng khèn cuống quýt rồi dừng tắt, Sừa bước nhanh lên cầu…

Những đêm sau, không còn tiếng khèn bè khắc khoải. Bên bếp lửa hồng đêm, chỉ có tiếng thì thầm rất mỏng thôi mà ấm nóng hơn hòn than rực đỏ.

Đêm nay, đợi cho bố mẹ Tươn đã ngủ say, bếp than hồng cũng sắp tàn, Sừa nắm tay Tươn, hai người lặng lẽ đi ra ngoài hủm Sủ Sung. Giữa tiếng suối chảy ầm ồ như reo, giữa lóng lánh ánh trăng tràn trên mặt nước dưới hủm Sủ Sung nhìn như một chú cá khổng lồ đang nằm nghiêng khoe những cái vảy sáng lấp lánh, Sừa run rẩy nói những lời đã chuẩn bị từ lâu mà chưa dám nói. Tươn im lặng mà trong lòng như quả còn bay ngày tết. Ngập ngừng khẽ nghiêng đầu về phía vai Sừa. Bàn tay thô ráp, chai sần của Sừa nắm lấy bàn tay mềm mại như cánh hoa Săng của Tươn run rẩy, luýnh quýnh.

Cơn gió đêm tinh nghịch ve vuốt tán cây bồ quân rì rào nghe như tiếng reo mừng. Sừa nhìn cây bồ quân. Dưới ánh trăng khuya sáng như mảnh bạc vừa lấy ra từ lò lửa, Sừa bất ngờ thấy cây bồ quân sai trĩu quả. Mấy tháng rồi Sừa không ra hủm Sủ Sung nên cây bồ quân ra hoa, kết quả từ lúc nào mà Sừa không biết. Những quả bồ quân to như quả mận tím sai lúc lỉu uốn cong cành. Sừa hái một vốc quả chín đem đến cho Tươn. Những trái bồ quân chưa chín tới vừa có vị chan chát vừa nhăng nhắng ngọt mà hôm nay thấy sao ngon thế.

Hơi lạnh từ rừng xa thổi về, hơi lạnh từ dòng suối bốc lên ngày càng đậm. Sừa và Tươn cứ ngồi sát mãi vào nhau. Không biết từ bao giờ, đôi môi bỏng rẫy những khát khao đã tìm thấy nhau, xoắn vào nhau, cuống quýt. Nụ hôn đầu của một mối tình đầu có vị ngòn ngọt, chan chát, bùi bùi của quả bồ quân vụ bói.

Bất ngờ, Tươn tháo cái “Mặc piêu” trên đầu, quàng vội lên cổ Sừa rồi thẹn thùng chạy vụt về nhà khiến Sừa cứ đứng nhìn theo ngẩn ngơ mãi...

Đợi đúng mùa cây ban rụng hạt, Sừa giục bố mẹ nhờ ông mối đem một đôi rượu, một đôi gà đến xin phép bố mẹ Tươn cho làm lễ “Pay Khươi” để Sừa đến nằm ở Quản. Nhưng rồi hết ba năm ở rể, lễ chung chăn gối đã qua mấy mùa cây dẻ gai rụng hạt, hai nhà đã làm lễ cưới xuống để đón Tươn về nhà Sừa làm dâu mấy năm mà cái bụng Tươn vẫn cứ lẳn tròn mịn trắng như khúc chuối rừng bóc vỏ, chẳng thấy to lên.

 Bố mẹ Sừa mời thầy cúng về cúng mấy ngày trời, uống bao nhiêu ấm thuốc cây rừng của những người biết hái thuốc giỏi khắp vùng mà cũng không thấy khác ở trong người. Nghe có người mách,  Sừa bán con trâu to duy nhất trong nhà lấy tiền rồi nhờ bố vợ cùng đi xuống tận Hà Nội. Nhờ mấy người xe ôm giới thiệu, hai vợ chồng được đưa đến một phòng khám lớn nhất để khám.

Anh bác sỹ tuổi cũng ngang tuổi Sừa, nhưng trắng trẻo và có đôi mắt mỏng như cái lá gianh non. Vừa nhìn thấy Tươn, bác sỹ đã ngẩn ra những tưởng tượng.

Hai vợ chồng Tươn được đưa vào hai phòng riêng biệt. Sừa được một ông bác sỹ già mới nghỉ hưu khám, Bác sỹ trẻ và trắng trẻo có đôi mắt như cái lá gianh non thì khám cho Tươn. Nhìn Tươn nằm ngoan ngoãn trên cái giường con đợi khám, đôi mắt bác sỹ trẻ nhìn cứ như xoa, như vuốt từ đầu đến chân Tươn. Bàn tay vừa mềm, vừa lạnh vừa ươn ướt cứ lướt nhẹ trên cái cổ trắng mịn có một vết bớt đỏ tươi, giọng bác sỹ cứ như lạc đi, hổn hển. Đẹp…đẹp quá…cái vết son này là vết son phú quý an nhàn đây…thế này mà lại ở tận cái xó núi khỉ ho cò chết rét…phí của giời…

 Sau mấy ngày khám rồi xét nghiệm, chờ đợi, cuối cùng ông bác sỹ già gọi riêng Sừa và bố vợ vào phòng thông báo kết quả...

Từ ngày ở bệnh viện về, Sừa như người đi rừng bị ma bắt mất hết vía. Sừa ít ăn, ít nói, ít cười. Sáng nào Sừa cũng khật khừ bên bếp lửa với bát rượu sắn và cái điếu cày. Bác sỹ bảo thế nào? Bao giờ thì mình mới có đứa con? Tươn đã hỏi câu ấy bao nhiêu lần mà Sừa chỉ ngồi lặng như hòn đá núi. Tươn khóc suốt một đêm, rồi khóc hai đêm, mắt sưng bầm tím như có hai quả bồ quân đeo vào. Tiếng khóc thút thít hàng đêm của Tươn khiến Sừa không thể làm hòn đá mãi. Cánh tay cứng như cây gỗ mạy cu ôm ghì lấy Tươn, cái giọng thì nghẹn đứt như muốn mủng ra được nước. Tôi không có được con đâu Tươn ạ, bác sỹ bảo thế. Cũng không chữa được đâu…Nhưng Tươn đừng bỏ tôi, đừng đi tìm người khác…

Chuyện Sừa không thể có con chẳng mấy chốc đã đi khắp bản Chờ Lồng, loang đến bản Cò Chịa, nhanh như đổ lọ mỡ nóng xuống dòng nước xiết. Mẹ Tươn gọi con về chơi, bảo:

- Thằng Sừa nó không có được con, thế thì mày phải nghĩ đấy. Lúc già không còn xuống ruộng cấy được lúa, không leo nương trồng được ngô thì ai nuôi? Khi chết đi không có ai lấy quần áo phòng tuổi già mà mặc cho đâu. Cái thằng Ứng nó vẫn hay đến nhà mình chơi, cứ gọi ta là Ềm đấy. Khổ cho nó quá…

Ứng cùng bản với Tươn, Ứng thích Tươn từ ngày Tươn còn ở nhà với bố mẹ. Sau khi Tươn lấy chồng rồi, Ứng vẫn không đi lấy vợ. Mỗi lần thấy Tươn về thăm mẹ, Ứng lại sang chơi. Tươn giữ ý không ngồi nói chuyện với Ứng, Ứng vẫn kệ, lặng lẽ ngồi bên bếp lửa cho đến nửa đêm. Bố mẹ thương muốn Ứng đợi Sưởi, em gái Tươn lớn lên sẽ gả cho, nhưng Ứng không thích mà Sưởi còn trẻ cũng còn chưa biết gì.

Tươn hiểu ý mẹ nên vội nói lảng sang chuyện khác. Dù Sừa không thể có con Tươn vẫn yêu Sừa, thương Sừa, không muốn bỏ Sừa. Nhưng từ hôm ở nhà mẹ về, những đêm khuya mất ngủ, Tươn lại hay vẩn vơ nghĩ ngợi. Dù không muốn nhưng đôi lúc hình ảnh Ứng lại cứ lởn vởn ở trong đầu. Cố nén thật nhẹ những tiếng thở dài để Sừa không nghe thấy. Tiếng thở dài bị nén thì chỉ càng thêm dài ra những xót xa, buồn tủi…

*

Sừa lại ra hủm Sủ Sung câu cá mỗi đêm. Ngày trước Sừa đi câu để cải thiện bữa ăn cho gia đình, bây giờ thì đi câu để mong tìm được chút thanh thản.

Đêm đêm ngồi bên hủm Sủ Sung, Sừa như thả được nỗi buồn xuống nước cho nó trôi đi, vứt được sự chán nản cho cá nó nuốt vào trong bụng.

Hòn đá Sừa ngồi ngày trước vẫn còn đó, cây bồ quân giờ đã già nua, mốc thếch, xù xì. Những cành bồ quân không còn tươi non mơn mởn vươn dài nữa mà trở nên khẳng khiu gầy gò khắc khổ. Nhiều đêm, Sừa ngồi hàng giờ nhìn cây, mặc kệ cái cần câu trên tay nhùng nhằng bởi một chú cá mắc câu đang cố vùng vẫy tìm cách thoát.

Không hiểu sao từ sau vụ bói duy nhất, cây bồ quân chẳng ra quả thêm lần nào. Hay tại đêm đó Sừa đã hái quả cùng Tươn ngồi ăn lúc đêm khuya khi cây đã ngủ khiến cây giận mà không cho quả nữa? Người trong bản vẫn bảo kiêng hái quả ban đêm vì lúc đó cây đang ngủ sẽ khiến cái vía nuôi quả sợ bỏ đi, không còn cho quả.

Bây giờ hủm Sủ Sung cá nhiều vô kể. Đêm ra ngồi câu, Sừa chỉ mới ném con mồi xuống nước, mồi chưa kịp chìm đã thấy cá lôi mạnh ở đầu cần. Một cái vảy cần câu điệu nghệ hình vòng cầu, một chú cá trê, cá nheo, đôi khi là một con trắm, con chép đi ăn đêm bị lôi bật khỏi mặt nước, giãy tanh tách trên bờ cỏ đẫm sương.

*

Từ hôm bị cảm, đã bốn đêm rồi Sừa nằm mê man trên giường. Đêm thứ năm thì Sừa gượng dậy được, thấy khỏe và tỉnh táo hẳn. Nồi cháo Tươn mới nấu, Sừa húp sụp soạt một cách ngon lành như cái thời còn là chàng trai Sừa  tuổi mười tám đôi mươi khoẻ mạnh.

Ăn hết nồi cháo, Sừa cố gượng ra vườn, đào một con giun mồi, mắc vào lưỡi câu rồi cầm cần, bảo vợ dìu ra hủm Sủ Sung.

Đêm nay thật lạ, lũ cá ngủ quên hay sao mà con mồi Sừa thả xuống nước đã lâu lắm, cánh tay nghe đã mỏi mà chẳng thấy con cá nào tìm đến ăn. Nhưng Sừa không sốt ruột, vẫn bình thản chờ đợi bên cạnh Tươn đang nhìn chồng lòng đầy lo lắng.

Gần nửa đêm thì đầu cần giật giật. Cú đớp mồi có vẻ yếu và nhẹ lại không dứt khoát, cứ giật giật nhay nháy như tôm đớp. Sừa nhấc nhẹ cần, nhưng bỗng thấy đầu cần nặng trĩu. Lấy hết sức, Sừa vung mạnh cần. Cái cần vút cong như mảnh trăng đầu tháng. Phải nhùng nhằng một lúc Sừa mới lôi bật được con cá lên bờ. Soi đèn về phía có tiếng rơi nặng trịch, Sừa và Tươn đều tròn mắt ngạc nhiên đến bất ngờ. Một con cá trê to hơn cả bắp chân, vàng rôm rốm như tàu lá chuối rừng cuối vụ đang nhóc nhách, uốn éo tìm lối thoát. Cả đời câu cá, Sừa chưa câu được một con trê nào lớn thế này. Con cá có lẽ đã già lắm. Hai mắt nó không còn sáng lanh lợi nữa mà đã đùng đục trắng, cái đầu bẹt nhăn nhúm, mốc thếch những rêu. Ngay cả cái giãy giụa cố giành lấy sự sống của nó cũng có vẻ yếu ớt, chậm chạp và mệt mỏi.

Sừa cầm con cá đã gỡ ra khỏi lưỡi, đứng tần ngần một lúc như suy nghĩ điều gì. Bằng một động tác tuy còn yếu nhưng dứt khoát, Sừa cầm cả con cá lẫn cái cần câu ném xuống hủm nước. Con cá quẫy nhẹ đuôi rồi biến mất, còn cái cần câu thì dập dềnh trôi dần đi xa và mất hút vào bóng  đêm đầy huyền ảo...

Bây giờ thì Sừa và Tươn ngồi  lặng lẽ bên nhau trên hòn đá, cùng nhớ lại ngày đầu tiên Sừa nói tiếng yêu Tươn. Đôi môi già nua khô gầy của hai người từ bao giờ run run tìm đến chạm vào nhau. Nụ hôn đêm nay không có vị ngọt chát của trái bồ quân. Không có sự cuống quýt, run rẩy. Nụ hôn chỉ có vị mặn. Vị mặn đắng của giọt nước mắt hiếm hoi lăn ra từ đôi mắt mỏi mòn của Tươn, hình như Tươn đã linh cảm thấy một điều gì...

Quá nửa đêm hôm đó hai vợ chồng Sừa mới dìu nhau về tới nhà. Sừa nằm lên giường, nắm lấy bàn tay khô gầy của Tươn, run run: “Tôi chết…mình đừng đi lấy ai…cái khăn Piêu kia, cũng đừng chôn theo tôi...cứ để lại…”

Tươn nắm chặt tay chồng, cố mím chặt môi mà không sao ngăn được hai dòng nước ướt nhoẹt lan vào đêm đau xót.

“E…éc…e…éc…”

Có tiếng chim lợn kêu ba tiếng sắc lạnh như con dao liếc lên hòn đá trơn ngay trên đỉnh khau cút đầu nhà. Chim lợn đậu ở khau cút kêu là có điềm không tốt rồi. Tươn vội chạy ra “xùy xùy” dọa đuổi. Con chim lợn như trêu ngươi, bay vòng ba vòng quanh nhà thả vài tiếng kêu rợn gáy nữa rồi mới bay vút vào bóng đêm, mất hút.

*

- Tươn à, chồng mày nó cũng lên Then được hai năm rồi, mày phải tính đi thôi. Mỗi mùa ban về thì cái đẹp, cái trẻ nó lại bỏ đi đấy. Thằng Ứng nó vẫn đợi mày…

Cứ mỗi lần sang thăm mẹ, mẹ lại bảo Tươn như thế. Bố còn đang uống rượu với miếng thịt chuột nướng, nghe mẹ nói, bố quăng cái chén vào vách vỡ tan, hầm hầm:

- Bà chỉ biết nghĩ bằng con dúi cái thôi à? Lúc thằng Sừa còn sống thì bà bảo nó bỏ chồng vì thằng Sừa không biết làm ra con. Giờ thằng Sừa mới chết, còn chưa hết cái tục kiêng mái bà lại xui nó đi lấy chồng mới, thế là phạm vào tục bản đặt ra từ xưa rồi. Ngày xưa mắt tôi bị đục như mắt con cá chết ươn hay sao mà lại lấy bà…

Bà Khau run bắn lên vì sợ, không dám nói gì thêm.

Tươn cũng không dám nói gì, nhưng từ đó Tươn hay về thăm mẹ hơn, Ứng cũng hay đến nhà chơi hơn mỗi khi Tươn về. Có đêm hai người ngồi tới khuya bên bếp lửa. Bố Tươn phải quát ầm lên Ứng mới về. Đêm đêm nằm bên nhà bố mẹ, nghe tiếng khèn bè trầm ấm của Ứng ở gốc đào sau nhà, Tươn thầm đếm từng ngày đi qua, đợi hết tục kiêng mái

Nhưng Tươn chỉ dám đếm ngày qua khi ngủ bên nhà mẹ. Về nhà mình, nhìn cái áo cũ của Sừa còn treo trên vách, nhìn cái khăn Piêu Tươn quàng vào cổ Sưa đêm ấy vẫn đen nhánh màu chàm, Tươn lại không dám nghi tới tiếng khèn bè của Ứng, không dám đếm, không dám đợi ngày Kiêng mái nhanh qua…

*

Sưởi, em gái Tươn lấy chồng được ba năm rồi mà cũng không có con. Bố mẹ chồng Sưởi thì có mỗi đứa con trai. Bố mẹ chồng lại giàu nhất bản. Ông bà đưa một túi tiền to cho vợ chồng Sưởi bảo đem về Hà Nội khám, hết bao nhiêu tiền cũng được, phải bán thêm vài con trâu cũng không sao, nhưng phải cho ông bà đứa cháu.

Sưởi chưa đi Hà Nội bao giờ, chồng Sưởi cũng chưa đi đâu ra khỏi bản. Sưởi nhờ Tươn cùng đi về, vì Tươn cũng đã về khám rồi, nên sẽ biết hơn.

Lại về phòng khám ngày trước Tươn đã về khám. Tươn vẫn nhận ra bác sỹ trẻ ngày đó. Giờ nhìn bác sỹ đã già và khác nhiều, chỉ đôi mắt thì vẫn mỏng và sắc như cái lá gianh non ngày mưa. Đôi mắt nhìn nhìn như xoáy, như muốn cắn vào cái vết chàm đỏ trên cổ Tươn. Bàn tay xanh và dẻo cứ vỗ vỗ lên cái trán ngắn củn. Ồ, cô đẹp…đẹp thật. Tôi đã gặp cô ở đâu rồi ấy nhỉ…cô đẹp, đẹp quá. Đẹp thế này mà không ở đất Hà Nội thì phí của giời…

Sau khi khám và xét nghiệm cho cả hai vợ chồng Sưởi, bác sỹ gọi Tươn vào phòng. Vẫn cái nhìn như muốn nuốt chửng cái vết chàm son trên cổ Tươn, bác sỹ đứng sát vào Tươn, hổn hển. Không có con là do vợ, do em gái cô không thể rụng trứng vì mắc hội chứng buồng trứng đa nang…Nhưng giờ khoa học phát triển, phòng khám tôi toàn những thiết bị hiện đại, tiên tiến bậc nhất, không phải lo, chữa được hết...

Bàn tay mềm mềm, ươn ướt, lành lạnh bất ngờ vuốt lên cái vết chàm khiến Tươn hốt hoảng lao vội ra ngoài.

*

- Bố mẹ à, cũng đã hết ba năm, qua cái tục kiêng mái rồi. Nếu con cứ ở một mình thế này, sau này già chết đi, không có đứa con trai tung quả trứng tìm cho chỗ chôn, không có đứa con gái lọng che ngoài mộ thì lên Then với ông bà tổ tiên lại khổ thêm một lần nữa...Anh Ứng có ý muốn thương con, nếu bố mẹ ưng thì cho anh ấy chọn ngày tốt nhờ ông mối đem đôi gà, đôi rượu đến xin ngày về ở Quản...

Vừa đẩy thêm cái củi cho bếp lửa cháy to hơn, Tươn vừa nhón nhén bảo bố mẹ.

Bà Khau đang định nói gì thêm vào cho con gái, nhưng chưa kịp mở lời thì ông Túng đã đứng phắt dậy, rút xoạt con dao treo trên vách, ông vung lên chém mạnh vào cái cột to bên bếp, gầm lên:

- Hết mùa rồi, con dúi phải gặm cái gốc tre lại chê cái măng cứng à? Thằng Sừa nó không cho ta nói, nhưng giờ cái bụng mày nó xấu như bụng con cá Me Thé dưới ao bùn rồi, nên ta phải nói. Cái bụng mày nó không to lên được là do cái bệnh ở người mày, mày có lấy thằng Ứng thì cũng thế thôi.

Cả Tươn và mẹ còn chưa hết bàng hoàng ngơ ngác thì ông Túng đã lao vào nhà, lấy mảnh giấy cất kỹ dưới đệm, ném xuống dưới chân Tươn. Tươn nhìn vào mảnh giấy xét nghiệm rồi đổ gục xuống sàn...

*

- Mình ơi, sao mình lại giấu tôi…tí nữa thì tôi đã có tội lớn với mình rồi…Tục Kiêng mái có hết theo năm theo tháng, nhưng bây giờ nó không hết ở trong lòng tôi đâu…

Tươn cứ nằm gục mãi bên mộ chồng. Cái “Mặc Piêu” trên tay Tươn ướt đẫm nước mắt. Cái Piêu hôm nay thật đặc biệt. Tươn tháo bỏ những cái cút Piêu vải ở hai đầu khăn rồi cắt ba cái cúc bạc từ áo cóm của mình, ba cái cúc vải cắt từ cái áo cũ của chồng để thay làm cút. Cút Piêu là hồn của khăn Piêu. Từ nay hồn chồng sẽ mãi theo Tươn, để vía Tươn mãi chỉ hướng về chồng.

Bây giờ thì Tươn lấy dao rạch dọc cái khăn Piêu ra làm hai mảnh. Một mảnh Tươn đặt lên giữa mộ chồng, một mảnh Tươn đội lên mái tóc vẫn “Tằng Cẩu(***) nhánh đen. Búi tóc có cái trâm bạc Sừa tặng ngày cưới vẫn còn sáng trắng như mảnh trăng liềm...

 

K.D.K.

 

(*) Hệt nung hệt non: Làm mặc làm ngủ

(**) “Mặc Piêu”: Khăn yêu

(***): Dấu hiệu của phụ nữ Thái đã có chồng

Nguồn Văn nghệ số 44/2018


Có thể bạn quan tâm