April 20, 2024, 6:50 pm

Hồi ức về một Bí thư Tỉnh ủy

Đồng chí Hồ Sỹ Thản (1913-1995) quê làng Nghĩa An, phường Đông Thanh, Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Tham gia cách mạng từ đầu năm 1945. Nguyên tỉnh Đội trưởng tỉnh đội Quảng Trị, Bí thư Đảng ủy đặc khu Vĩnh Linh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị từ 1955 đến 1975, thường vụ khu ủy khu Trị - Thiên - Huế, ủy viên mặt trận dân tộc thống nhất miền Nam Việt Nam, đại biểu Quốc hội. Từ năm 1975 đến khi nghỉ hưu là Phó Chủ tịch tỉnh Bình - Trị - Thiên. Ông có những đóng góp to lớn, nhiều ý tưởng sáng tạo và sự nghiệp chống xâm lược trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy trong 20 năm ở một tỉnh địa đầu, giới tuyến, được Hồ Chủ Tịch 8 lần gửi thư khen gọi là tỉnh anh hùng trong chiến đấu và sản xuất.

Nhân kỷ niệm dịp Đại hội Đảng lần thứ XIII và các ngày đại lễ, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của GS.VS. Hồ Sỹ Vịnh về người Bí thư tỉnh ủy độc đáo này.

Bí thư tỉnh ủy Hồ Sỹ Thản (áo trắng) cùng cán bộ và nhân dân Quảng Trị tiếp đón lãnh tụ Phiđen Castro tháng 9/1973.

Trong hành trình cuộc đời của một con người, ai cũng một đôi lần ngoảnh về nhìn lại nơi chôn rau, cắt rốn. Mỗi người trong tâm thức đều có một tình yêu, một nỗi nhớ, một hoài niệm hướng về quê hương, quê cha, đất Tổ. Một nhà văn hóa lớn nước ngoài có lần nói: Cách thức để nhận ra diện mạo quê hương chính là khi phải xa rời nó, cách thức nhớ về quê hương có khi lại ở vùng quê khác để tìm về tuổi ấu thơ:

Chiều chiều ra đứng vườn rau

Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều

Thật đúng với tâm trạng của tôi khi nghĩ về Quảng Trị, hoài vọng về làng quê Nghĩa An, vùng ven Thành phố Đông Hà. Ở đó, tôi nhớ tất cả, nhưng nhớ nhất là những địa danh lừng lẫy dấu ấn lịch sử của hơn ba mươi năm chiến tranh chống xâm lược ở thế kỷ trước: Đôi bờ Hiền Lương, địa đạo Vĩnh Mốc, đất thép Vĩnh Linh, đường 9 biến thành “đường chết”, Khe Sanh biến thành “khe tử”, thành cổ Quảng Tị những năm 1971-1972 đã thành nơi kinh hoàng của quân xâm lược, v.v...

Những địa danh oai hùng vừa nói đều gắn liền với tên tuổi của nhiều người con quê hương, gan góc, dày dạn trong máu lửa, nước mắt của triệu triệu con dân đất Việt, trong số đó có những người con quê tôi, đặc biệt là người anh cả quê hương từng trải qua trọng trách Tỉnh đội trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Thường vụ khu ủy Trị - Thiên - Huế trong hàng chục năm: Đó là Hồ Sỹ Thản (1913-1995). Theo sử lược họ Hồ thì nguyên tổ là Hồ Hưng Dật, thái thú trấn Nghệ An. Vào thế kỷ XV, đi theo bước chân của Huyền Chân công chúa, trong cuộc đại di dân vào đất mới phía Nam các vị Tổ người Việt Quảng Trị thuộc nhiều dòng họ được coi là các vị Tổ “tiền khai khẩn, hậu khai canh” đã lập ra nhiều làng, xã ở vùng đất này. Các ngài Hồ Công Trên và Hồ Công Ngang quê gốc ở làng Hoàng Hậu thuộc huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào khai hoang lập ấp vừa để giữ gìn cương giới, khi vùng đất Thuận Châu đã trở thành đất của Đại Việt. Ngài Hồ Công Trên khai hoang, trấn giữ vùng ven sông Hiếu có tên là Nghĩa Đoan, nay là làng Nghĩa An. Họ Hồ Sỹ của chúng tôi có bốn phái. Hồ Sỹ Thản thuộc phái nhất, còn tôi thuộc phái nhì, nên gọi ông bằng anh theo phân định cấp bậc của dòng tộc. Có lần tôi hỏi ba tôi (vốn là một thầy giáo làng, biết chữ Hán, tiếng Pháp bậc sơ đẳng) tại sao phả tộc làng mình được gọi là Hồ Sỹ? Ông trả lời: Vì họ Hồ là một vọng tộc, họ có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan to, v.v… Nhưng với anh Thản, thật không may, nhà nghèo, ruộng ít, phải đi cày thuê, cuốc mướn cho những nhà khá giả trong làng. Khi đã trở thành một chàng trai cao ráo, lực lưỡng cũng là lúc anh trở thành con rể của một danh gia trong làng.

Cách mạng về, kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông được kết nạp vào Đảng, đem hết nhiệt tình của tuổi trẻ phục vụ kháng chiến tại địa phương. Nhờ tố chất thông minh, được chi bộ Đảng và các bậc đàn anh như Trần Hồng Trường (Bí thư Huyện ủy), Lê Xuyến huyện ủy viên Cam lộ trực tiếp giúp đỡ, lại được sống trong một môi trường phần lớn là lớp thanh niên được học tại Quốc học Huế, Trường kỹ nghệ thực hành Huế như Hồ Sỹ Chất, Hồ Sỹ Thặng, Lê Văn Thanh (tức Vũ Văn Bình), Mai Chiếm Cung, Hồ Sỹ Phan hoặc các nhà giáo như Nguyễn Đức Kỳ, Hồ Sỹ Khâm và thanh niên theo xu hướng tiến bộ: “Tinh, Tuân, Tiến” ở các làng Nghĩa An, Thượng Nghĩa, Đống Lai,v.v… Hồ Sỹ Thản sớm trở thành cán bộ lãnh đạo xã, rồi Huyện đội trưởng Cam Lộ vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ở chiến khu Cùa hay chiến khu Ba Lòng, mỗi lần tôi đến thăm ông hoặc ông gặp, ngoài chuyện gia đình ở vùng bị tạm chiến, ông chỉ khuyên tôi một điều: “Bọn mình dù là chỉ huy hay lính tráng, cốt là lòng trung thành, trí mưu lược, sự gan góc dạn dày trong lửa đạn chứ có được học hành gì đâu! Còn chú và các em khác ở làng mình là phải phải học tập, dù gian khổ, cơ cực đến mấy vì tương lai của đất nước trông cậy vào thế hệ các chú”. Nói vậy chứ tôi biết ông đã trưởng thành từ trường học đường đời qua chiến thuật của các trận đánh lớn, các lớp học chỉnh quân, chính trị, chỉnh huấn của Liên khu ủy IV và của Trung ương khai mỏ ở vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh.

Thắng lợi lớn ở chiến trường Điện Biên Phủ là cơ sở và tiền để buộc địch ký hiệp định Genève năm 1954, được cả thế giới ủng hộ. Hòa bình lặp lại trên cả nước với sự phân chia tạm thời hai miền lấy sông Hiền Lương làm giới tuyến trong đó có sự tập kết quân đội ở hai phía. Hồ Sỹ Thản được cử làm Phó Trưởng ban liên hiệp đình chiến khu vực giới tuyến. Rồi sau đó, Vĩnh Linh trở thành đơn vị hành chính ngang cấp tỉnh dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương theo quyết định của Thủ tướng ngày 16/06/1955. Về mặt Đảng, Đặc khu ủy Vĩnh Linh ngang hàng với Tỉnh ủy (theo Nghị quyết TW 16-QĐ/TW ngày 18/05/1955) bao gồm những đảng viên đủ năng lực và phẩm chất để lãnh đạo phong trào ở một đặc khu trong tình hình mới có nhiều đặc điểm phức tạp, đầy mâu thuẫn và dễ biến động. Cùng với những nhà lãnh đạo trong đặc khu ủy, Hồ Sỹ Thản đã chống chèo con thuyền cách mạng đầy sóng, gió, bão tố giữa biển khơi, nơi không chỉ là cuộc đấu lý giữa ta và địch, không chỉ phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Genève, mà còn phải lo cái ăn, cái mặc, cái ở cho dân, khi cả miền Bắc đang phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội để làm hậu thuẫn cho ngày thống nhất nước nhà. Những địa danh: Vĩnh Linh đất thép, Vĩnh Linh tuyến lửa, đảo Cồn Cỏ - viên ngọc đỏ giữa mặt biển xanh, Đôi bờ Hiền Lương, Địa đạo Vĩnh Mốc- pháo đào ngầm kiến cố trong lòng đất, v.v…. đã gắn liền với công trạng của tập thể lãnh đạo mà Hồ Sỹ Thản là người chủ chốt.

Nói đến Hồ Sỹ Thản là nói đến việc thiết lập khu phi Quân Sự (DMZ) - Demitarized Zone. Giám sát toàn bộ hoạt động của DMZ là một Phân ban quốc tế gồm đại diện ba nước: Ấn Độ, Ba Lan, Canada, mỗi nước có hai thành viên. Trên thực tế hình thành khu phi quân sự diễn ra hết sức phức tạp. Sông Bến Hải có hai nhánh đều thuộc Vĩnh Linh. Nhánh chính (tên cũ là Hiền Lương) bắt nguồn từ biên giới Lào - Việt. Đoạn sông chảy trong vùng sâu rừng núi từ thượng nguồn cho đến Bến tắt. Từ Bến tắt trở xuống vùng hạ lưu đổ ra Cửa Tùng. Sông hẹp, chỗ rộng nhất chỉ khoảng 100m, có đoạn người bên Nam nói người bên Bắc nghe rõ. Theo quyết định số 01 của Ủy ban liên hiệp đình chiến Trung ương, các sĩ quan cấp cao Lương Chí Hiền, Hồ Sỹ Thản là những người đại diện phía bên ta, còn bên phía quân đội Pháp đứng đầu là Le Courteois, André Aulerti cần chấp hành quy định khu DMZ rộng tối đa là 5km (theo quy chế hiệp định Genève). Trên văn bản như vậy có nghĩa là DMZ là một đường thẳng từ Tây sang Đông, bất chấp nó chạy qua làng xóm, ruộng vườn, đền thờ, am miếu. Trên thực tế DMZ ảnh hưởng đến công việc làm ăn, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, thách thức những phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân v.v… Để giải quyết vấn đề phức tạp này, quyền phát ngôn phía quân đội nhân dân ta - Hồ Sỹ Thản nói rõ: “Về phạm vi đường giới tuyến, chúng ta đấu tranh không để ranh giới cắt ngang qua giữa thôn làng, nghĩa là khi gặp thôn làng thì đường ranh giới phải lùi ra, đi vòng. Vì vậy khi cắm mốc giới tuyến không theo đường thẳng, mà đi theo đường dích dắc, quanh co”. Tự nhiên, tôi nghĩ ngay đến cách ứng xử thông minh của Hồ Sỹ Thản, khi ông biết được lịch sử vai trò của làng trong cấu trúc bền vững của Nhà - Làng - Nước (gia phong, lệ làng, phép nước). Trong thời kỳ đô hộ, người Pháp đã biết rõ điều này, coi làng như một nước cộng hòa tự trị bé nhỏ. Bây giờ trong nhiều văn bản quy định của Nhà nước có khi ta quên tên làng là điều không nên, không phải: Nước mất, làng tan, dân khổ. Ý thức dân chủ hóa của làng rất cao, rất thiêng liêng. Đình làng còn là nơi sinh hoạt văn hóa, lấy ý thức cộng đồng làm điểm tựa, khác nào một luật lệ “phép vua thua lệ làng” dưới thời phong kiến.

Quảng Trị được giải phóng vào giữa năm 1972. Trong hai năm kể từ đó cho đến ngày 30/4/1975 - niên biểu ghi tạc đại thắng mùa Xuân, đất nước được hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải. Trong hai năm đó, thị trấn Cam Lộ đã trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhiều nhà viết sử có một sức khái quát lịch sử thật thú vị: Quảng Trị là vùng đất Thiêng, một mảnh đất nhỏ hẹp, diện tích trên dưới vài trăm cây số vuông mà đã ba lần được lịch sử giao phó Kinh đô lâm thời của cả nước. Nguyễn Hoàng và đoàn tùy tùng từ Cửa Việt ngược dòng sông Hiếu vào Ái Tử dựng dinh thự định đô trước khi vào Huế. Năm 1883-1885 vùng Tân Sở xứ Cùa là căn cứ chống Pháp của vua Hàm Nghi cùng với Tôn Thất Thuyết là phái chủ chiến lên miền Tây Quảng Trị, biến nơi đây thành miền đất linh ứng, thành kinh đô dã chiến mở đầu phong trào Cần Vương. Vào các năm 1973-1975 Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn thị trấn Cam Lộ làm thủ phủ, là biểu tượng của một chính phủ hợp pháp, vừa là nơi trình quốc thư và đón tiếp các sứ giả nước ngoài. Người khách đặc biệt đầu tiên đến với mảnh đất hào khí anh hùng này chính là Phiđen Castro - lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cuba anh hùng ở Tây bán cầu. Cùng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các vị lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam là sự có mặt của Hồ Sỹ Thản, trên cương vị ủy viên Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt nam, Thường vụ khu ủy phân khu Trị - Thiên - Huế đã được đón tiếp đầy tình nghĩa anh em, đồng chí với câu nói như một chân lý của Phiđen: “Vì Việt Nam, Cu ba hiến dâng cả máu của mình”. Những vòng tay lớn ôm nhau, những cái bắt tay nồng nhiệt, những bài ca hào hùng của Cuba như Oantanamera, Paloma, Habana mến yêu và những hành khúc trữ tình Việt Nam đã làm sống dậy tình yêu, tình hữu nghị trong đêm biểu diễn nghệ thuật do Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nhân dân Quảng Trị tổ chức, được coi như món quà tinh thần sang trọng, tri ân người anh em cách xa hàng vạn dặm.

Kể về sự hình thành đức - tài - công của Hồ Sỹ Thản trong hai cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc thì còn nhiều chuyện. Song tôi nhớ nhất kỷ niệm này: Vào mùa Đông năm 1971, nhân từ chiến trường ra Bắc, tôi đến gặp ông để thưa chuyện xây dựng gia đình. Ông rất vui và hai anh em ngồi trên chiếc xe Uwaz đầy bụi đỏ Trường Sơn để đến thăm gia đình người vợ sắp cưới ở phố Hàng Đường. Ông hỏi tôi về việc chuẩn bị lễ thành hôn trong thời chiến. Đang vui bỗng ông chuyển sang đề tài vừa thời sự, vừa mang ý nghĩa triết học. Ám ảnh nhất đối với tôi là một vị sĩ quan quân chính, một nhà lãnh đạo thực tiễn địa phương đầy cam go và thách thức, nơi đã được Bác Hồ tám lần gửi thư khen gợi Vĩnh Linh anh hùng, người đã được vinh dự đại biểu nhân dân Quảng Trị cả hai miền đi đón Bác vào Quảng Bình, lại chuyển xoay sang chuyện thời sự quốc tế, về chủ nghĩa xét lại trong phong trào cộng sản quốc tế. Tôi thật sự ngạc nhiên, nhưng bình tâm lắng nghe: “Chú là một trí thức được học hành có bài bản, tương lai đất nước nằm trong tay các chú, các em, anh khuyên thật và xin chú đừng giận là không nên bị mê hoặc bởi chủ nghĩa xét lại hiện đại…” . Tôi hiểu thâm ý ông, nên im lặng, bởi vì những năm 60 của thế kỷ XX, trong phong trào cộng sản quốc tế cả trên lý thuyết và hành động, chủ nghĩa xét lại đòi xét lại chủ nghĩa Marx về cương lĩnh, chiến lược và sách lược mỗi lần tiến trình cách mạng thay đổi... Tôi biết, những quan điểm học thuật và tình hình hoạt động của chủ nghĩa xét lại ở một vài nước xã hội chủ nghĩa, v.v… mà ông đã lĩnh hội được qua các cuộc học tập chính trị, chỉnh huấn, chỉnh quân do Trung ương triệu tập.

Ký ức về người anh quê hương, không thể không nói đến những tình cảm, sự giúp đỡ, sự quan tâm chu đáo của Hồ Sỹ Thản đối với văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào. Có thể nói, những tác phẩm nổi tiếng nhất viết về Quảng Trị, về giới tuyến bị chia đôi, những ca khúc cùng năm tháng của văn nghệ sĩ trong hai mươi năm kháng chiến chống quân xâm lược, có phần đóng góp của người Bí thư Tỉnh ủy thông minh, năng động. Tôi biết điều này là nhờ quan sát, còn một chi tiết sau là qua nhạc sĩ Trần Hoàn. Có lần, khi đang là Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin, trong câu chuyện ông đã kể cho tôi nghe về những lần gặp Hồ Sỹ Thản ở chiến khu Khu ủy Trị - Thiên - Huế, trong đêm văn nghệ biểu diễn văn nghệ chào mừng Phiđen ở Cam Lộ, đặc biệt là khi các ca sĩ hát bài Cubasi Angkin, mà ông đã sáng tác vào những năm của thập niên 60 thế kỷ trước, khi còn là giám đốc Sở văn hóa Hải Phòng. Một đoạn ca từ của bài hát:

Dù Anh nơi góc biển

Tôi ở chốn chân trời

Cất tiếng anh kêu gọi

Có chúng tôi đáp lời

Ký sự Sông Tuyến của Nguyễn Tuân, Câu hò bên bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp, tiểu thuyết Mảnh đất tình yêu, truyền vừa Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu; Nói chuyện với sông Hiền Lương của nhà thơ Tế Hanh, mà ai ai cũng có thể nhớ, mỗi khi dừng chân bờ sông chia cắt: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu! cho đến Cửa Tùng của hoàng Trung Thông, Kết nạp Đảng trên quê mẹ của Chế Lan Viên, Gió Lào cát trắng của Xuân Quỳnh, những vở kịch ngắn của Học Phi, những ca khúc đi cùng năm tháng của Huy Du, Huy Thục, Thuận Yến v.v… và v.v… tất cả dù không nhiều thì ít, không trực tiếp thì gián tiếp đều có bàn tay giúp đỡ, hào hiệp, sự tôn trọng tài năng văn nghệ sĩ của Hồ Sỹ Thản trong vai trò là người lãnh đạo cao nhất ở địa phương, đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Một cán bộ chính trị mà hiểu được tường minh lĩnh vực nhạy cảm như văn học, nghệ thuật là điều hiếm thấy.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, khi ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp thành tỉnh lớn, Hồ Sỹ Thản được tín nhiệm là một trong mấy nhà lãnh đạo cao nhất của tỉnh này. Tôi biết đời sống riêng của ông nhiều thiếu thốn. Dù có ngôi biệt thự ở Huế được Nhà nước ưu đãi, về sau… trước khi ra Đông Hà ông hoàn trả cho tổ chức, để nhận một ngôi nhà cấp bốn khiêm nhường. Ông coi đó chỉ là những phương tiện sinh sống. Cái thiếu lớn nhất ở ông là người vợ tần tảo mất sớm, con cái lại công tác, học tập xa, đời sống, sinh hoạt hàng ngày không phải lúc nào cũng tươm tất, nhất là thời hậu chiến. Việc ông tái hôn với bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên cán bộ Hội phụ nữ tỉnh, là chuyện bình thường, nhu cầu tình cảm tất yếu của đời người, theo tôi, cần được đồng cảm. Vào đầu những năm 90 trở đi, dù có đôi lần tôi đến thăm ông đang nằm triều trị bệnh ở Đông Hà. Gặp tôi, ông hoạt bát hẳn lên, dường như muốn tâm sự với tôi nhiều điều, nhưng sức khỏe của ông không cho phép. Tạm biệt ông, tôi nhìn đôi mắt ngấn lệ, đắm đuối của ông. Tôi chỉ biết chia sẻ với ông một điều mà các nhà triết học thường khuyên người khác: “Không nên nghĩ nhiều đến điều không thể tránh khỏi của tạo hóa”.

Mới đó mà đã trên hai mươi năm! Ông về Cõi Tiên, đó là phần hồn, còn thi hài ông vẫn được mảnh đất quê hương đầy nhọc nhặn nắng gió, cái vùng quê chiến tranh, máu lửa một thời… vẫn ôm ấp, che chở, ru ông mãi mãi trong một giấc ngủ thiêng liêng vô tận.

Nguồn Văn nghệ số 46/2020

                                


Có thể bạn quan tâm