March 29, 2024, 7:30 am

Hồi ức của một thời

 

Xa em đã hai chục năm rồi, Vinh ơi! Câu chuyện về em thầy đã định chôn chặt trong lòng như một kỷ niệm của riêng tư, nhưng hôm nay, tha lỗi cho thầy nhé, thầy đã không giữ được lời hứa cùng em rồi...

      

Thế là trong giờ chào cờ thứ hai đầu tuần sáng nay, lớp tôi chủ nhiệm lại được nhắc đến nhiều nhất, nhưng không phải là tuyên dương mà là phê bình và tất nhiên là phong trào của lớp bị xếp thứ 15 trên 15 lớp của trường, không phải lần đầu tiên mà là lần thứ 3 liền trong tháng phải xếp đội sổ với cùng một lý do cô giáo trực ban nhận xét: lớp hay bị mất đồ dùng học tập, rồi cả tiền nữa, trong lớp có em không trung thực.

Giờ chào cờ đã hết mà tai tôi vẫn vẳng vẳng tiếng cô trực ban, mặt tôi nóng bừng, tôi không chỉ xấu hổ với đồng nghiệp mà cảm giác các em học sinh trong trường cũng nhìn tôi với một ánh mắt khác. Cậu bạn đồng nghiệp tinh nghịch nháy mắt nhìn tôi trêu: “Quả tang ba bận nhé”. “Này đừng động vào nỗi đau của người khác” - Tôi ngượng ngùng chống chế.

Buổi lên lớp kết thúc, anh hiệu trưởng gọi tôi vào phòng. Anh nhẹ nhàng trao đổi:

- Lớp em chủ nhiệm là lớp 5, lớp anh chị trong khối Tiểu học, phải gương mẫu chứ, đừng để hiện tượng mất cắp vặt xảy ra nữa, sẽ tạo hiệu ứng không tốt trong học sinh toàn trường

- Dạ, em cũng nhắc nhở rồi dọa bắt được ai ăn cắp thì cảnh cáo dưới cờ, kể cả đuổi học thế mà. Tức ghê anh ạ!

- Phải có biện pháp em ạ, nghề của chúng mình là thế đấy, nhiều cách giải quyết không có trong giáo trình giảng dạy đâu. Nhưng cách gì thì cách vẫn phải khéo léo vẫn phải bằng tình thương và sự tôn trọng học trò em ạ. Lớp ấy phong trào học tập tốt đấy nhưng chỉ tội dạo này trong lớp xảy ra hiện tượng thiếu trung thực thôi. Mình tin cậu sẽ làm tốt công tác chủ nhiệm.

Chia tay anh hiệu trưởng tôi vạch một kế hoạch quyết bắt được “thủ phạm”. Nắm được thời gian mất chỉ trong giờ ra chơi (vì sau khi ra chơi hết giờ vào lớp, các em mới phát hiện ra mình bị mất đồ). Hôm ấy ra chơi được khoảng 5 phút, tôi từ văn phòng nhà trường bí mật trở lại lớp. Đến cửa lớp, tôi thấy một em học sinh quay lưng lại phía mình đang loay hoay lục cặp. Tôi lặng lẽ đến gần mà em ấy vẫn không biết thì ra đó là Vinh học sinh lớp tôi. Khi em vừa lấy ra chiếc bút máy,tôi nắm tay em “Vinh sao em lại lấy bút của bạn?” Vinh mặt đỏ bừng định vùng chạy ra ngoài. Thấy vậy mấy em ở ngoài lớp chạy vào:

- Thưa thầy việc gì đấy ạ?

Nhớ lời anh hiệu trường căn dặn, tôi kịp thời trấn tĩnh lại.

- Không không có gì đâu, thấy Vinh ở trong lớp, thầy bảo ra sân chơi với các bạn thôi Vinh, em ra sân chơi đi?

Các bạn cùng ùa vào kéo Vinh ra sân.

Sau ra chơi là giờ ngoại ngữ, tôi bảo Vinh: “Cuối buổi học em ở lại thầy giáo gặp nhé!”

Gần hết buổi học, tôi lên lớp nhưng không thấy em đâu, hỏi thầy dạy ngoại ngữ thì thầy bảo vào lớp được mấy phút thì Vinh xin về sớm vì kêu mỏi không học được. Tôi giận Vinh lắm! Cậu này tôi đã để ý từ khi mới nhận chủ nhiệm lớp, mặt thì lúc nào cũng lầm lì không chơi với ai, tính tình lại cục súc đã mấy lần đánh nhau với bạn, tôi bảo viết bản kiểm điềm thì nhất định không viết, còn cãi lại thầy là em không có khuyết điểm. Lần này, tôi quyết làm cho ra nhẽ!

Chiều hôm ấy, tôi đến nhà Vinh, em đi chăn trâu nhà chỉ có mẹ, dưới Vinh còn 2 em nhỏ một học lớp 4 một học lớp 3 cũng theo anh đi lấy củi. Bố vinh mất đã mấy năm rồi do tai nạn giao thông, một mình mẹ em bươn chải nuôi các con, ngôi nhà tuềng toàng bám vào sườn đồi chênh vênh, có cảm giác chỉ một cơn gió mạnh là hất đi lúc nào không biết. Trong nhà gia tài chỉ có một chiếc giường, chiếc xe đạp cũ kỹ và vài thứ lặt vặt. Cũng do lao động nặng nhọc, ăn uống thất thường nên vài năm nay sức khỏe yếu. Mẹ Vinh nom già hơn cái tuổi 35 của mình.

Vừa nghe tôi giới thiệu là thầy giáo của con trai tới thăm nhà, chị giót nước mời rồi vồn vã nói: “Cảm ơn thầy giáo, thầy giáo quan tâm tới học sinh quá!” - “Không có gì chị ạ, tôi đến đây để báo với chị cháu Vinh nhà mình…”. Không đợi tôi nói hết, chị tiếp lời:

- Khổ hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, lương thầy có là bao mà lúc thì cho cháu tiền rồi lại mua cả đồ dùng học tập cho các cháu nữa. Thầy giáo tính ba đưa nhà tôi đầu năm học chỉ mua sách vở rồi đồ dùng học tập cũng tốn lắm. Tấm lòng thầy giáo quý quá, tôi không biết nói gì chỉ biết cảm ơn thầy thôi!

- Không nhưng …

- Thôi thầy đừng nói nữa, cháu về kể hết với tôi rồi. Có lần cháu đưa tiền cho tôi nó bảo thầy cho để mua sách giáo khoa, còn đồ dùng học tập của các cháu là thầy mua tặng.

Tôi lặng người đi, chả nhẽ lại nói ra sự thật. Chị đã khổ quá rồi, đừng để chị phải gánh thêm nỗi khổ khi biết sự thật về con trai mình nữa, và trong khuyêt điểm của Vinh, tôi cũng là người có lỗi. Là một giáo viên chủ nhiệm mà tôi chưa hiểu hết hoàn cảnh của học sinh lớp mình, tôi chỉ biết gia đình em là hộ nghèo theo bản danh sách từ xã gửi đến, lớp tôi chỉ có em là một học sinh duy nhất thuộc diện nghèo.

Trong mắt chị một phụ huynh học sinh, tôi là giáo viên có tấm lòng cao thượng, biết quan tâm nhường cơm, sẻ áo tới các em, nhưng tôi đã làm được điều ấy đâu. Đã có lần, vâng cũng đã có lần đồng nghiệp trong trường rủ tôi cùng tới thăm gia đình các em học sinh nghèo nhưng những hồ sơ, sổ sách, giấy tờ rồi lên lớp, hội giảng và bao công việc khác, tôi đã từ chối. Tôi ân hận biết bao, tôi biết có nêu bao lý do đi nữa cũng chỉ là ngụy biện cho sự thiếu trách nhiệm của mình thôi, nếu chỉ một lần, một lần thôi tôi đến thăm gia đình em, hiểu được hoàn cảnh gia đình em thì bây giờ đã khác. Tôi chào chị lặng lẽ ra về đầu óc ngổn ngang suy nghĩ.

Hôm sau, Vinh chủ động gặp tôi. Tôi không ngờ là em có những suy nghĩ già hơn tuổi. Em hứa là không tái phạm nữa. Tôi động viên em gắng gỏi vượt khó khăn vươn lên, bên em còn có thầy giáo, còn bạn bè và người thân trong gia đình. Tôi hứa cùng Vinh nếu em sửa chữa khuyết điểm, vươn lên thành người tốt thì không bao giờ tôi kể câu chuyện này cho người thứ ba biết.

Sau lần đó, với cương vị là một giáo viên chủ nhiệm, tôi đã trình bày hoàn cảnh gia đình em với Ban Giám hiệu nhà trường và Tổng phụ trách đội. Liên đội đã nhận đỡ đầu em, mỗi tháng tài trợ cho Vinh 200 nghìn đồng. Những đợt các tổ chức, đoàn thể xã hội tặng quà đều có tên Vinh và các em của Vinh. Vinh tiến bộ rõ rệt, vẻ lầm lì bất cần đời thường ngày biến mất, em tích cực tham gia những hoạt động tập thể của lớp và trường hơn.

Hoàn thành chương trình Tiểu học, Vinh vào học Trung học cơ sở, vì trường tôi dạy là Tiểu học và Trung học cơ sở, nên mọi hoạt động của em tôi đều nắm rõ. Tuy tôi không còn trực tiếp dạy em nhưng thỉnh thoảng Vinh vẫn đến thăm và tâm sự cùng tôi như một người bạn. Vinh học giỏi, nhất là môn Toán, chợt nhớ lại buổi tồng kết năm học chia tay các em lớp 5, đợi các bạn về hết rồi, em nán lại tâm sự với tôi, mắt em đỏ hoe rơm rớm nước. Em nói nhiều lắm nhất là về người mẹ, em mong sao lớn lên làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ và những người nghèo khác.

Tôi động viên: “thế thì từ bây giờ em phải học giỏi đi nhất là môn Toán, em có khiếu học toán đấy. Chả là trong đợt thi học sinh giỏi môn Toán – Văn Tiếng việt dành cho học sinh lớp 5 em đã đoạt giải nhất huyện. “Thật không thầy” – em hỏi lại, đôi mắt ánh lên niềm vui.

Hết Trung học cơ sở, gia đình em chuyển vào miền Nam để gần gia đình người bác ruột (anh trai mẹ) sinh sống vì theo em kể nhà bác có mấy ha cà phê, vào đó cuộc sống của gia đình em đảm bảo hơn. Chia tay, tôi khuyên Vinh: “Ở đâu cũng vậy mình phải có nghị lực vươn lên em ạ”.

Xa em đã hơn mười năm rồi, Vinh ơi! Câu chuyện về em thầy đã định chôn chặt trong lòng như một kỷ niệm của riêng tư, nhưng hôm nay, tha lỗi cho thầy nhé, thầy đã không giữ được lời hứa cùng em rồi, nhưng thầy nghĩ ai chả có khuyết điểm, điều quan trọng với mỗi con người là biết đứng lên từ chỗ ngã, và biết đâu, khi có người đọc câu chuyện này đã rút ra bài học kinh nghiệm bổ ích cho chính bản thân mình.

Nguồn Văn nghệ số 41/2019


Có thể bạn quan tâm