April 19, 2024, 12:01 pm

Hội thảo " Mỳ Quảng - Nét văn hóa ẩm thực đặc sắc xứ Quảng"

 

Hội thảo trên diễn ra vào ngày 2.11.2022 nhằm chào mừng Năm du lịch quốc gia năm 2022 và Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh; bảo tồn và phát triển tinh hoa văn hóa ẩm thực xứ Quảng, đồng thời hoàn thiện các thủ tục để công nhận mỳ Quảng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam tổ chức . Hơn 10/24 tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa ẩm thực, làng nghề, các nhà báo, nhà văn, nhà thực hành văn hóa ẩm thực, nghệ nhân được trình bày tập trung về nguồn gốc lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa của mỳ Quảng từ món ăn dân dã, dân chủ đến ẩm thực đặc sắc, di sản văn hóa tinh hoa xứ Quảng.

 

Đại biểu tham dự Hội thảo

Nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh xác định, giá trị mỳ Quảng có từ sau năm 1471 và sau đó là thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng thế kỷ 17 là món ăn bản địa của người Quảng một món ăn bình dân, phổ quát, dễ thích nghi, nó được làm chín, xắt sợi ăn tươi hoặc phơi khô bảo quản được lâu. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, giảng viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, mỳ Quảng là ẩm thực hài hòa âm dương, ngũ sắc ( màu trắng của sợi mỳ, màu đỏ đậm của tôm đất, màu đỏ gạch của gạch con cua, màu vàng của nghệ, màu xanh của rau sống, màu tím của lá tía tô).

Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng, Phó Tổng biên tập báo Quảng Nam phản biện: Muốn xây dựng thương hiệu Mỳ Quảng phải viết chữ mỳ bằng y dài, chứ không để i ngắn của bánh mì. Cần xây dựng làng nghề mỳ Quảng Phú Chiêm theo kiểu truyền thống, con cua lột làm nhưn, tôm sông, thịt heo ba chỉ... được nuôi trồng sạch tại chỗ. Cần bảo tồn mỳ Quảng nơi Công viên văn hóa Phú Chiêm để mỳ Quảng được lan tỏa phát huy như bún bò Huế, bánh cuốn ThanhTrì, phở Hà Nội, hủ tiếu Sài Gòn. Nhà nghiên cứu Lê Minh Dương, tác giả của cuốn sách khảo cứu Mỳ Quảng - Tìm hiểu lịch sử và giá trị ẩm thực cho rằng cần quảng bá thương hiệu mỳ Quảng ra cả nước, thế giới, cần xây dựng làng nghề mỳ Quảng Phú Chiêm vì nó ở trong làng Thanh Chiêm chiếc nôi của chữ Quốc ngữ, nơi có đặc sản bò tái Cầu Mống ngon nổi tiếng cả nước. Đặc biệt, vùng đất có 100 hộ chế biến và bán tô mỳ gánh Phú Chiêm cơ động khắp nơi từ xứ Quảng vào tận các tỉnh phía Nam. Nhà nghiên cứu Võ Phùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cựu Giám đốc Trung tâm văn hóa thành phố Hội An chia sẻ: Phố cổ Hội An đã tái hiện không gian văn hóa ẩm thực miền quê, trong đó có mỳ Quảng được Chủ tịch Hiệp hội ẩm thực thế giới rất thích thưởng thức. Ông đánh giá Hội An là nơi xuất sắc tổ chức Buffe gánh đầu tiên của Việt Nam và thế giới, trong đó có mỳ Quảng gánh. Mỳ Quảng gánh tại Hội An hấp dẫn thực khách bởi nó được các nghệ nhân thực hành tại chỗ vô cùng hấp dẫn

Nhờ đó, tinh hoa mỳ Quảng đã được đưa vào ẩm thực đối ngoại quốc tế khi có mặt ở Hội nghị Apec, được trình diễn quảng bá ở Tokyo, Hoa Kỳ. Chình vì vậy, nhu cầu thành lập Hội những người thích mỳ Quảng và tổ chức Ngày hội tinh hoa mỳ Quảng hằng năm đã được đặt ra. Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao các tham luận  ở tính công phu, độc lập, khách quan, tâm huyết của các tác giả. Đồng thời cho rằng, đây không chỉ là nguồn tư liệu có giá trị giúp cho ngành văn hóa ẩm thực du lịch nhận diện được giá trị di sản văn hóa ẩm thực, nguồn gốc bản sắc của vùng đất Quảng Nam, mà còn là cơ sở để tổ chức Ngày hội tinh hoa mỳ Quảng hằng năm, nhằm nhân rộng làng nghề mỳ Quảng. Đi cùng với đó là tổ chức trưng bày, trình diễn, quy trình chế tác mỳ Quảng  tại các không gian văn hóa ở các trung tâm sự kiện lớn của xứ Quảng, góp phần khẳng định, tôn vinh thương hiệu mỳ Quảng. Từ đó đề ra các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị mỳ Quảng. Sớm xây dựng hồ sơ đề nghị đưa mỳ Quảng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Có thể bạn quan tâm